Nói đến S.Freud không thể không nói đến quan niệm của ông về động lực thúc đẩy sự sinh tồn, sự vận động và phát triển của con người, của xã hội. Nếu như C.Mác đã chỉ rõ, động lực phát triển của con người và xã hội loài người là do chính con người thông qua hoạt động thực tiễn tạo nên, thì S.Freud lại khẳng định động lực này là ở libido, ở vô thức. Bài viết này nói về quan niệm đó của S.Freud.
Sigmund Freud (06/5/1856 - 21/09/1939) – nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần người Áo, người sáng lập bộ môn phân tích tâm lý, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản đã ổn định vị thế của nó và sứ mạng chống phong kiến về cơ bản đã hoàn thành. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đã làm biến đổi nền sản xuất của xã hội cũ, thúc đẩy công nghiệp phát triển, tăng quy mô sản xuất. Cùng với đó, sự lạc quan đối với trí tuệ con người và tri thức nhân loại đã được thể hiện một cách đầy đủ nhất, triệt để nhất trong ý thức lấy khoa học, công nghệ làm chìa khoá cho sự phát triển xã hội. Thế nhưng, sự không phù hợp của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hoá cao đã dẫn đến xung đột xã hội ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến tư tưởng và bộ mặt văn hoá tinh thần của xã hội loài người, làm tổn thương đời sống tinh thần của con người, như C.Mác đã chỉ rõ: “Những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần... Tất cả những phát minh của chúng ta và tất cả sự tiến bộ của chúng ta tựa hồ như đang dẫn tới chỗ là những lực lượng vật chất thì được ban cho một đời sống tinh thần, còn đời sống của con người vốn đã bị tước mất cái mặt tinh thần rồi thì nay lại bị hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất đơn thuần”([1]).
Xét từ góc độ xã hội, cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, ở phương Tây đã xuất hiện một thực tế là, các bệnh về tinh thần phát triển rất nhanh, con người rơi vào tâm lý hoang mang, lo sợ và không tin vào chính bản thân mình. Nhiều nhà tư tưởng mong muốn tìm ra cho con người một lối thoát, tạo ra động lực sinh học và tâm lý học nhằm thúc đẩy sự phát triển của con người về mọi phương diện. Việc giải thích các hiện tượng tâm - sinh lý của con người bằng quan điểm cơ giới dần được thay thế bởi một số học thuyết về tâm lý với phương pháp trị liệu riêng. Trong bối cảnh đó, S.Freud đã đề xuất một phương pháp mới mà ông gọi là phương pháp liên tưởng tự do([2]), đồng thời sáng lập ra học thuyết phân tích tâm lý (Psychoanalysis), trong đó đặc biệt chú trọng đến vô thức (unconscious), tiền ý thức (preconsciousness), đến đời sống nội tâm của con người, giải thích động lực của sự sinh tồn và phát triển của con người, của xã hội.
Chủ nghĩa Freud không phải là một học thuyết triết học đúng với nghĩa thuần tuý của khái niệm này. S.Freud là một bác sĩ đã dày công nghiên cứu để tìm ra phương pháp chữa bệnh nhiễu tâm cho con người, góp phần lành mạnh hoá đời sống tinh thần của con người. Theo ông, sự sa sút về mặt nhân cách là do ẩn ức, ức chế, bế tắc, làm mất trạng thái cân bằng giữa các yếu tố hợp thành kết cấu tinh thần của con người. Vì vậy, những vấn đề của triết học trong chủ nghĩa Freud chính là những vấn đề liên quan đến nhân sinh quan và triết lý nhân sinh; và nghiên cứu về chủ nghĩa Freud với ý nghĩa triết học, về thực chất, là nghiên cứu khía cạnh này.
S.Freud phát hiện ra libido(3) và vô thức (unconscious) là hai khái niệm cơ bản được dùng trong quá trình chữa bệnh. Hai khái niệm này đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người thời bấy giờ; chúng đã tạo ra tiếng vang vô cùng mạnh mẽ khiến cả giới khoa học bừng tỉnh; có người lên tiếng ủng hộ, có người phê phán, thậm chí có người chửi rủa. Chúng đã làm cho con người không dám tin vào bản thân mình. Vì đâu con người lại phải sợ hãi chính bản thân con người? Con người với cái “bản ngã” hào hùng, oai phong, lẫm liệt nhưng đằng sau nó chứa đầy một kho các bản năng, trong đó bản năng “khát dục” là cốt lõi. Theo Freud, những bản năng này là nguồn gốc tạo nên mọi sự tiến bộ của con người, là động lực thúc đẩy văn minh toàn nhân loại.([3])
Thực ra, libido là cái gì? Vì sao nó lại làm được vai trò động lực của thế giới tinh thần? Theo trình tự thời gian, ta hãy lần lượt vén từng “bức màn bí mật” này của S.Freud. Cần phải hiểu libido và vô thức một cách đầy đủ, phải xem xét, nhìn nhận nó từ mọi phía, mọi khía cạnh, tùy theo từng hệ quy chiếu khác nhau để rồi đánh giá một cách khách quan trên tinh thần khoa học.
Theo S.Freud, tận thẳm sâu nơi tâm hồn mỗi con người là cả một đại dương mênh mông, bao la, tận hang cùng ngõ hẻm là của vô thức; ở đó, vô thức là chúa tể thống ngự. Ý thức vốn có từ lâu chẳng là gì so với vô thức. Ý thức được ví như một người chèo thuyền trên dòng sông, công việc của họ là làm sao điều khiển được con thuyền theo đúng ý định của mình. Người chèo thuyền không thể biết tất cả những gì còn nằm phía dưới mặt nước, cũng giống như chúng ta không thể biết hết những gì thuộc về vô thức. Ngày ấy, người ta cũng không thừa nhận cái tiềm thức (subconsious) mà trước S.Freud đã có người đưa ra, bởi một lẽ rất đơn giản là chẳng mấy ai biết về cái vô thức, tiền ý thức và tiềm thức đó ở đâu.
Vô thức xâm nhập vào hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội loài người. Nội dung của cái vô thức gắn liền với tình dục một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua các khâu trung gian. Từ góc độ của phân tâm học mà phán xét thì vô thức có một sức mạnh cực kỳ to lớn. Nó gắn kết tất cả những gì thuộc về sự tồn tại và trong một chừng mực nào đó, về sự phát triển xã hội. Nó tạo ra cho con người một hơi thở, một nhịp đập con tim mạnh mẽ. Nó còn tạo ra một xã hội với sự tiến bộ có thể nhận thấy được. Bởi vậy, S.Freud mới nói rằng, “lịch sử của nhân loại là lịch sử của bản năng của nó bị áp chế, xã hội văn minh bắt nguồn từ sự áp chế bản năng, dục vọng và... của sự thăng hoa vô thức”(4). Với S.Freud, mọi hoạt động tâm trí của con người đều bắt đầu từ trong vô thức; những cảm nghĩ vô thức là phần quan trọng nhất tạo nên xung lực mạnh nhất trong tâm trí của con người.
Libido và vô thức có mặt trong lĩnh vực văn hoá, khoa học, nghệ thuật và đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với những lĩnh vực này trong sự sáng tạo. Hơn thế, chúng còn làm thay đổi phong cách, quan điểm, quan niệm sáng tác của các nhà nghệ thuật. S.Freud cho rằng, sáng tạo nghệ thuật là cái thay thế cho sự thoả mãn bản năng. Những sáng tạo của con người, những tác phẩm nghệ thuật ra đời là sự thoả mãn trong tưởng tượng các ham muốn vô thức. Sáng tạo nghệ thuật là phần thưởng quyến rũ cho mọi ham muốn gắn vào tri thức cái đẹp của hình thức. Đó là sự vượt thoát từ nguyên lý khoái lạc sang nguyên lý thực tế nhằm cho phép thay thế khoái cảm bản năng phải từ bỏ trong đời sống hàng ngày, ham muốn được thoả mãn của con người là muôn thuở. Đó cũng là sợi dây liên kết văn học, nghệ thuật với các hiện tượng văn hoá khác. Libido, mỗi khi năng lượng này trong con người có sự thay đổi, thì cũng đồng nghĩa rằng, nó có thể đã thăng hoa vào những lĩnh vực hoạt động xã hội khác. Thăng hoa (sublimation), theo S.Freud, có khả năng mở ra sự sáng tạo to lớn và bất ngờ cho con người.([4])
Bên cạnh đó, S.Freud cũng trao cho khái niệm giấc mơ một ý nghĩa thực sự và xác đáng. Đó là những tình huống, những hình ảnh xuất hiện có khi lôgic, có khi hợp lý nhưng cũng không thiếu những tình tiết không thể nào liên kết nổi. Theo ông, giấc mơ nhiều khi còn là một sự gieo mầm cho sáng tạo văn hoá, nghệ thuật, bởi văn học trước hết là một giấc mơ. Các giấc mơ luôn hấp dẫn con người. Trong giấc mơ, cái vô thức đã tìm được cách vượt qua sự kiểm duyệt để bù đắp vào sự thiếu hụt của cái ý thức. Không chỉ thế, có những giấc mơ còn động viên, an ủi con người vượt qua những vướng mắc trong cuộc sống đời thường. J.W.Goethe (1749-1832) - nhà thơ nổi tiếng người Đức cho biết rằng, trong cuộc đời ông đã có nhiều lần đau thương phải nuốt nước mắt, sau khi đi nằm, nhiều cảnh trong mơ đã dẫn dắt, an ủi ông, đưa ông thoát khỏi đau khổ và đổi lại sự thoải mái nhẹ nhàng vào sáng hôm sau.
Theo S.Freud, đời sống tính dục bắt đầu từ lúc con người mới sinh ra. Khi lớn lên, tự ngã và nhất là cái bản ngã của trẻ sẽ nhấn chìm toàn bộ cảm quan kia vào trong vô thức, nhưng nó không chết, cũng không mất đi; nó vẫn sống và chờ cơ hội trỗi dậy. Tính dục tuổi thơ có sớm như vậy đó, con người phải chấp nhận và rồi cả cuộc chiến đấu “thầm lặng” với nó cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Bởi theo ông, ở mọi nơi, mọi lúc, khi làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, khi thức cũng như khi ngủ, tính dục đều xâm nhập vào trong đời sống riêng tư của mỗi con người. Hơn nữa, sự đam mê tính dục còn giữ vai trò bậc nhất trong đời sống tâm lý, là cội nguồn của mọi cội nguồn tinh thần con người, đâu đâu cũng thấy sự đam mê khát dục hoành hành, khát dục nhiều vô kể. Đó là nguyên nhân của mọi khả năng sáng tạo, kể cả văn học, nghệ thuật. Với quan niệm này, S.Freud trở thành người đi tiên phong, người đã mở cửa vào một lĩnh vực mới mà xưa nay, người đời vẫn cấm kỵ, che giấu, kiểm duyệt.
Việc phát triển khát dục hay tính dục ở tuổi thơ, trong hai giai đoạn nối tiếp luôn có một sự ngắt quãng bởi “thời kỳ tiềm tàng”. Đó là một điều mà chúng ta phải chú ý đặc biệt, bởi đây là một trong những điều kiện tốt nhất để cho quá trình phát triển của trẻ có sự lựa chọn nhằm đạt đến một trình độ văn minh cao nhất. Đó cũng là giai đoạn trẻ bắt đầu ý thức dần được cái vô thức vốn có của nó, để rồi trẻ định hình được việc học tập, phấn đấu trở thành con người có ích cho gia đình, cho xã hội(5). Giai đoạn tính dục ban đầu cũng tạo ra sự gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau; những tập tục, thói quen, hành vi đạo đức, v.v. làm cho tình cảm giữa các thành viên trong gia đình cũng được tăng lên và gắn kết họ với nhau chặt chẽ hơn. Chính trong giai đoạn tiềm tàng này, năng lượng libido của con người được thăng hoa vào việc học hành, rèn luyện đạo đức, tác phong, nuôi dưỡng ý chí, nghị lực phấn đấu... và bắt đầu có những giấc mơ đẹp về cuộc đời mình.
Nhìn chung, con người luôn lầm tưởng rằng tự mình đã làm chủ được mình, điều khiển được chính mình, tự hướng dẫn được mình, nhưng rồi rốt cuộc, vẫn bị bàn tay vô hình nào đó điều khiển trở lại. Bàn tay vô hình đó, theo S.Freud, là vô thức, chính vô thức điều khiển toàn bộ hoạt động có ý thức của con người mà con người có thể không hay biết.([5])
Khái niệm libido được S.Freud đưa ra có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong phân tâm học. Những gì mà S.Freud đề cập tới (về mặt sinh lý) không phải vì muốn nghiên cứu cơ chế hoạt động của bộ máy sinh lý con người, mà chính là để nghiên cứu sinh lý nhằm tìm ra sợi dây liên kết giữa cái gọi là sinh lý với tâm lý và tìm ra những ảnh hưởng của cơ chế sinh lý đối với quá trình tâm lý. Mục đích nghiên cứu libido của ông là để phục vụ cho việc điều trị bệnh nhiễu tâm - một loại bệnh phổ biến thời bấy giờ. Đó là một công trình nghiên cứu mang đầy ý nghĩa khoa học chứ không phải như một số người gắn cho ông là “tên phản bội”, kẻ coi thường “luân thường, đạo lý”(6) của con người, coi thường truyền thống văn hoá mà loài người mất không biết bao nhiêu công sức và thời gian để vun đắp, để gìn giữ. Bởi lẽ, phân tâm học là một môn học về các hoạt động tinh thần, cho nên nó nghiên cứu sinh lý cũng để tìm ra ý nghĩa tinh thần của vấn đề. Do đó, khái niệm libido trong phân tâm học có ý nghĩa hoàn toàn khác với với libido ở những bộ môn sinh lý học khác. S.Freud nghiên cứu libido là để hoàn thiện nhân cách con người.
Lý thuyết về libido cũng đã mang lại cơ sở lý thuyết cho các bệnh nhiễu tâm, giải thích hiện tượng dồn nén, đòi hỏi cần phải có sự bứt phá và chính sự bứt phá đó đã đưa con người về với thực tại vốn có và lành lặn của nó. Cũng bởi, theo S.Freud, libido là nguồn năng lượng cảm xúc mạnh mẽ nằm bên dưới những vận động, những tình huống ứng xử có ý thức lẫn vô thức. “Sự khát dục (libido) giống như sự đói ăn nói chung. Người ta đói tức là bản năng tiêu thụ đồ ăn cần được thoả mãn, cũng như người ta khát dục khi bản năng nhục dục cần được thoả mãn”(7).
Cho đến nay, khi xã hội đã phát triển về mọi mặt, con người đã hoà nhập vào guồng máy chung của sự phát triển đó, thuật ngữ libido vẫn có một ý nghĩa to lớn. Nó được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong y học, với một độ sáng rõ và súc tích về mặt từ ngữ. Theo ý kiến của một số người, libido hướng tới sự thoả mãn cơ quan sinh dục của hai cá nhân thuộc giới tính khác nhau, tiếp xúc với nhau. Ý kiến này chưa được thoả đáng cho lắm. S.Freud quan niệm libido rộng rãi hơn nhiều so với quan niệm của phần đông số người hồi đó nhìn nhận và đánh giá. Libido không còn phụ thuộc vào những phương thức hoạt động cụ thể của con người; nó là nhu cầu mang tính bẩm sinh, di truyền và tự nhiên; mục đích chính của nó là đạt được khoái cảm trong ý thức. Phải chăng, đây là một mắt xích quan trọng của đời sống con người trong một xã hội văn minh?([6])
Trong quan niệm của S.Freud cũng có sự phân biệt tính dục (Sexuel) với sinh dục (Genital). Đồng thời, từ libido (khát dục hay tính dục) có ngoại diên lớn hơn nhiều so với sinh dục và bao gồm nhiều hoạt động không liên quan gì đến cơ quan sinh dục, mặc dù sinh dục là nguồn gốc, là cơ sở cho sự tồn tại con người.
Vào những năm gần cuối đời, trong những tác phẩm Tự ngã và bản ngã (1923), Văn minh và bất mãn (1929), S.Freud đã nghiên cứu mối quan hệ lẫn nhau giữa cá nhân và xã hội, nguồn gốc văn minh của nhân loại. Xuất phát từ nhu cầu cần phải giải thích các hiện tượng trong xã hội, ông đã tiến hành xét lại và bổ sung một số lý luận về kết cấu tâm lý mà ông đã đưa ra và chia nó thành ba bộ phận: Bản ngã, Tự ngã và Siêu ngã. Bản ngã là kết cấu tâm lý xuất phát từ cái gọi là vô thức, mang tính hoang sơ, tự nhiên và nguyên thuỷ. Cái bản ngã tràn đầy bản năng libido và những xung đột bị áp chế. S.Freud thừa nhận rằng, tất cả các bản năng này có ý nghĩa căn bản trong sự quyết định tiến trình đời sống cá nhân mỗi con người, trong đó bản năng quan trọng nhất là libido - loại bản năng hoang sơ nhất. Theo ông, tất cả cuộc đời con người phụ thuộc vào sự phát triển và tái sinh năng lượng libido (sau này ông đưa thêm vào bản năng chết - bản năng xâm hại). Ta có thể so sánh libido như dầu thô từ trong lòng đất, con người có thể khai thác, chế biến, tinh lọc để cho ra đời nhiều loại sản phẩm phục vụ cho nhu cầu con người. Nó luôn chú ý đến nguyên tắc khoái lạc để rồi có thể được thoả mãn ước nguyện của mình trong ý thức.
Theo S.Freud, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội chính là mối quan hệ giữa cái bản ngã, tự ngã và siêu ngã. Trong sự chuyển hoá này, bản ngã có sức mạnh vô cùng to lớn, tự ngã và siêu ngã chỉ xoay quanh cái trục của bản ngã này. Bản ngã luôn tìm mọi cách để khống chế tự ngã và kìm hãm ý nghĩ của siêu ngã. Căn cứ theo luận điểm này mà S.Freud và các môn đệ của ông cho rằng, sáng tạo nghệ thuật chẳng qua chỉ là sự thăng hoa của những uẩn ức trong tâm hồn, sự dồn nén của vô thức. Những người được thoả mãn tính dục sẽ hạn chế trong việc sáng tạo nghệ thuật. Mỗi khi tính dục không được thoả mãn trong thực tế, sẽ có một sự điều tiết tự động nào đó của cơ chế thần kinh nội tại phức tạp và chuyển hoá sang hoạt động khác. S.Freud viết: “Nghệ thuật đạt tới sự hoà giải theo một con đường độc đáo... Bị thúc đẩy bởi những thèm khát ghê gớm, nghệ sĩ muốn danh giá, thanh thế, của cải, vinh quang và tình yêu của đàn bà, nhưng nó không đủ phương tiện để thoả mãn những dục vọng [khát dục] này. Vì vậy, như những người bất mãn, nó rời bỏ thực tế về với trí tưởng tượng phóng túng, nó chuyển toàn bộ libido và hào hứng của mình vào những hình ảnh mà nó ham muốn”(8).
Theo S.Freud, toàn bộ xã hội là một hệ thống của sự cấm kỵ và hạn chế; nó luôn từ bên ngoài gây áp lực với việc căn cứ vào nguyên tắc khoái lạc của “bản ngã”, cái bản năng khát dục của con người nhằm mục đích bảo tồn năng lượng libido, năng lượng cho sự tồn tại con người. Cái bản ngã muốn tìm ra con đường để được thoả mãn. Một trong những con đường đó là nguyên tắc của sự thăng hoa, là bước cuối cùng của sự dồn nén. Phải chăng, đó là sự sáng tạo của nghệ thuật, của khoa học, kỹ thuật, tượng trưng cho nền văn minh nhân loại?
S.Freud đã nâng kết cấu tâm lý con người lên một tầng cao, khi đưa ra luận điểm nổi tiếng rằng, toàn bộ hoạt động của con người đều chịu sự chi phối của bản năng, của khát dục và của sự vô thức. “Vô thức họp thành một phạm vi tinh thần đặc biệt, có những khuynh hướng riêng biệt, cách diễn tả đặc biệt”(9).
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, S.Freud rất quan tâm đến bản năng sinh tồn và bản năng đối lập với nó - bản năng chết. S.Freud cho rằng, toàn bộ hoạt động của con người đều bị chi phối bởi hai loại bản năng này. Bản năng khát dục sinh tồn luôn đòi hỏi sự thoả mãn thân xác nhằm hưởng thụ mọi sự sung sướng vẫn tồn tại đâu đó. Nó căn cứ vào nguyên tắc khoái lạc để chi phối, điều chỉnh hoạt động của con người trong mọi tình huống, mọi biến cố của cuộc đời.
Như vậy, đối với S.Freud, nguồn gốc văn minh nhân loại là nguồn gốc của những bản năng và của khát dục. Ngoài ra, nó còn chịu sự tác động của thế giới bên ngoài và những hưng phấn bên trong cơ thể con người. Ông viết: “Cái gọi là nguồn gốc của dục vọng [khát dục] nên lý giải là quá trình thể xác trong khí quan hoặc bộ phận nào đó trên thân người. Sự hưng phấn trong quá trình này, trong sinh hoạt tinh thần được biểu hiện bằng hình thức dục vọng [khát dục]”(10).
S.Freud cho ta thấy tình yêu là sức mạnh trung tâm của mối quan hệ giữa con người với con người, là cơ sở quan trọng nhất dẫn đến hôn nhân và gia đình, đây là khâu quyết định cho sự tồn tại của cá nhân con người trong xã hội. Đồng thời, ông cũng cho rằng, mọi nỗ lực hoàn thiện của bản thân đều do tình yêu chi phối.
Một lần nữa, khái niệm libido và vô thức được nhắc đến như là những sức mạnh thần bí nào đó. Trong Phân tích tâm lý học tập thể và tự ngã, S.Freud đã sử dụng vai trò của libido, của vô thức trong khi giải thích mối liên kết cá nhân con người với tập thể, và đó cũng chính là sự gắn kết sức mạnh của tình yêu. Mối liên hệ này là sự gắn kết bản năng khát dục của con người; nó là sợi dây buộc chặt con người với những con người khác trong một tập thể, buộc chặt con người với xã hội. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, mặc dù một số người có thể sống cùng với nhau, nhưng ngay cả khi đó vẫn chưa chắc đã hình thành một tập thể, vì giữa họ vẫn luôn chất đầy tâm trạng chán ghét nhau và đối lập với nhau.
S.Freud cũng cho rằng, trong quan hệ con người, chúng ta có thể thấy được sự biểu hiện tự yêu - tự thương; tác dụng của tự yêu là để bảo tồn cá nhân(11). Trong mối liên hệ này, rõ ràng là con người có những bổ khuyết cho nhau và có thể hình thành nên những ý nghĩ, tư tưởng mới mà trước đó, họ chưa nghĩ tới, hoặc đã nghĩ tới nhưng chưa dám nói ra suy nghĩ của mình, hoặc cũng có thể là chưa dám làm. Tất cả những hành vi này của con người có thể không còn phù hợp với cái vốn có của mình nữa, mà đã đạt đến một trình độ cao hơn về sự phát triển. Rõ ràng là, trong mối liên hệ mang tính tập thể này, tình cảm của con người cũng được nhân cách hoá lên, cường điệu lên; trí năng con người cũng được phát triển đến mức tối đa để phù hợp với điều kiện, với hoàn cảnh thực tế. Mối liên hệ tình yêu này được S.Freud gọi là mối liên hệ libido; nó làm cho các thành viên trong tập thể xích lại gần nhau hơn, đồng thời họ cùng chịu một sự ràng buộc nhất định với tập thể, đó chính là cơ sở vững chắc nhất cho sự tồn tại người, là động lực thúc đẩy phát triển con người về mọi mặt. Do vậy, trong việc chữa trị các bệnh tâm thần, S.Freud rất coi trọng vai trò của môi trường xã hội. Về điều này, trong phần cuối cùng của Phân tâm học nhập môn có tên gọi là Phương pháp trị liệu phân tâm học, S.Freud đã thừa nhận: “Ta phải công bằng mà nói rằng, nếu trong những năm đầu tiên phân tâm học đã gặp nhiều thất bại thì đó không phải do thầy thuốc thiếu kinh nghiệm mà chính vì những điều kiện không thuận tiện. Từ trước đến nay chúng ta chỉ nói đến những sự đề kháng bên trong; những sự đề kháng này do người bệnh đưa ra rất cần thiết và không thể khắc phục được, nhưng còn những chướng ngại vật bên ngoài [tức điều kiện xã hội], xung quanh người bệnh, do người xung quanh tạo ra, tuy không có lợi ích gì về lý thuyết nhưng lại rất quan trọng trong thực tế”(12). Như vậy, với S.Freud, để điều trị bệnh nội tâm của con người một cách có hiệu quả, cần phải quan tâm đến hoàn cảnh xã hội xung quanh bệnh nhân.
Khi nói về libido, S.Freud yêu cầu mọi người phải trung thực với chính mình, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, tính dục có đặc điểm chung cần đạt được trong quan hệ là sự thăng hoa trong khoái cảm. Chính điều này đã cho phép ông đưa ra kết luận rằng, tình yêu đã giúp con người có khả năng đạt được sự sung sướng, sự hoan lạc mạnh mẽ nhất; đồng thời, tình yêu cũng có thể làm cho con người ta cực kỳ đau khổ, luôn bị dằn vặt về mặt tinh thần; và do vậy, khi xem xét vai trò của tính dục, nhất thiết phải kể đến tình yêu.
Trước S.Freud, nhà triết học duy vật Pháp thế kỷ XVII là R.Descartes cũng đã cho rằng, tình yêu đem lại cho ta sự thăng hoa, nhưng nó cũng có thể đem lại cho ta nhiều đau khổ. Từ khổ đau mà con người sẽ lớn lên. Như vậy, khát dục hay tính dục là một khái niệm đặc biệt, không có gì thay thế được. Khát dục hay tính dục không chỉ là tình yêu đồng loại, mà theo S.Freud, nó còn là tình yêu đối với đồ vật, với xứ sở, với quê hương và đất nước. Tình yêu là những cảm xúc đặc biệt, muốn đạt được sự thoả mãn và khi bộc phát ra thì đó chính là sự thăng hoa của tâm hồn.(12)
Học thuyết của S.Freud còn đề cập đến những khái niệm thịnh hành thời bấy giờ về con người, dựa trên cơ cấu xã hội thời ấy. Để chứng minh cho xã hội tư bản phù hợp với nhu cầu tự nhiên của con người thì cần phải chứng tỏ bản chất con người mang tính cạnh tranh và cả tính đối nghịch nhau. Những nhà kinh tế học khi chứng minh điều này đã thiên về lợi ích về kinh tế, còn những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa Darwin thì dựa vào quy luật đấu tranh sinh tồn để giải thích sự phát triển của các cá thể bằng sự thích nghi. S.Freud cũng tiến tới kết quả gần như vậy bằng cách thừa nhận rằng, con người luôn có ham muốn vô bờ bến đối với việc chinh phục tính dục của phụ nữ mà chỉ có xã hội mới có thể ngăn cản không cho những ham muốn bản năng đó được thực hiện. Theo S.Freud, mỗi khi con người được thoả mãn trọn vẹn và không còn bị ức chế bởi ham muốn bản năng thì con người không còn tìm thấy hạnh phúc. Chính vì thế, vấn đề xã hội có vai trò quyết định đối với sự phát triển của con người và văn minh nhân loại. Thực tế cho thấy rằng, những con người, cả nam lẫn nữ, khi đã thoả mãn libido không giới hạn thì không bao giờ có được hạnh phúc và trong những trường hợp cụ thể, họ thường mắc những triệu chứng của căn bệnh thần kinh. Con người khi đã thoả mãn trọn vẹn tất cả những nhu cầu bản năng không chỉ ảnh hưởng đến nền tảng hạnh phúc, mà còn làm cho họ cảm thấy lo âu và bất an.
Trong Vật tổ và cấm kỵ (1912)(13), xuất phát từ mặc cảm Oedipus, S.Freud đã nêu lên căn nguyên của đạo đức và tôn giáo. Ông cho rằng, trong các bộ tộc nguyên thuỷ thời tiền sử thì người cha là người có quyền lực tối cao, có quyền bắt tất cả đàn bà trong bộ lạc trở thành đối tượng để quan hệ tình dục. Sau đó, những người con trai đã liên kết với nhau để chống lại và giết người có quyền tối cao đó. Thế là phương thức bộ lạc thống trị kiểu gia trưởng này kết thúc. Nhưng, ở đây, lại nảy sinh vấn đề là, những người con giết cha đó cũng đã nhận ra cảm giác phạm tội của mình, đồng nghĩa với việc chọn con vật (Totem) làm biểu tượng của người cha để thờ cúng và đưa ra điều cấm kỵ thứ nhất: Không được giết Totem, manh nha của việc hình thành tôn giáo, dần dần mang màu sắc xã hội. Đồng thời, ông cũng đưa ra nỗi sợ loạn luân, khi điểm qua những sách, báo, nhân học về chủ đề loạn luân, một chủ đề quen thuộc đối với ông. Ông cũng đã đưa ra một hệ thống ngoại hôn mà những người khác giới trong một bộ tộc nhất thiết không được là đối tượng quan hệ tình dục của nhau và coi đây chính là điều cấm kỵ thứ hai. Họ chỉ được trao đổi năng lượng libido với nhau khi không cùng thuộc về một bộ lạc. Từ đây, ông đã mở ra con đường nghiên cứu nguồn gốc đạo đức của loài người, một chủ đề lớn trong một xã hội văn minh. Và, để cho nền văn minh có thể tồn tại thì, theo S.Freud, “chúng ta phải từ bỏ phần lớn những xung lực bản năng hướng tới tự do tính dục và tự do cá nhân của mình”(14).
Tóm lại, libido và vô thức là những vấn đề trung tâm của chủ nghĩa Freud. Các khái niệm này như một nền tảng, một cơ sở, một căn nguyên để S.Freud giải thích đời sống con người. Đây là một đóng góp quan trọng của S.Freud cho khoa học và đặt nền móng cho việc giải thích sự phát triển xã hội. Nhưng, tiếc rằng, do giới hạn đặc biệt về mặt khoa học, nên S.Freud chỉ thấy nguồn gốc về mặt sinh học là chủ yếu, mà chưa thấy thật đầy đủ vai trò vô cùng quan trọng của đời sống xã hội đối với đời sống của cá nhân con người. Vì vậy, khi nghiên cứu chủ nghĩa Freud, chúng ta phải biết biết gạn đục, khơi trong, biết sàng lọc những gì là giá trị trong đó để kế thừa và phát triển. Libido và vô thức quả thực có vai trò to lớn đối với đời sống con người và xã hội, nhưng không thể nào và không bao giờ có thể thay thế được ý thức và tự ý thức của con người, cũng không thể dùng chúng để giải thích động lực phát triển của con người và của xã hội. Đó chính là sự phân biệt giữa triết học Freud và triết học Mác trong việc nghiên cứu con người và xã hội loài người.
THS. NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG
Nguồn: vientriethoc.vass.gov.vn
Xem thêm: Bạn có thể tham khảo thêm về phân tâm học của Sigmund Freud tại Blog chuyendaudau.blogspot.com
(*) Thạc sĩ, Trường Đại học Hà Tĩnh.
([1]) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.10.
([2]) Tức là liên tưởng đến tất cả những gì đã xảy ra trước đó đối với đương sự.
([3]) Libido: thuật ngữ này thường được giữ nguyên không dịch, song trong bản dịch Phân tâm học nhập môn, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2002, được Nguyễn Xuân Hiến dịch là khát dục. Cũng có một số tác giả dịch là tính dục, dục vọng. Chẳng hạn, xem: Bản dịch của Đoàn Văn Chúc: Sigmund Freud. Vật tổ và cấm kỵ, Trung tâm văn hoá dân tộc thành phố Hồ Chí Minh, không ghi năm xuất bản; Phạm Minh Lăng. Freud và phân tâm học. Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2004, v.v..
([4]) Dẫn theo: Lưu Phóng Đồng. Triết học phương Tây hiện đại, t.4. Phạm Đình Cầu dịch. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.18.
([5]) Xem: Sigmund Freud. Phân tâm học nhập môn (Nguyễn Xuân Hiến dịch). Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.374.
([6]) Thậm chí, tại một đại hội các nhà thần kinh học và tâm bệnh học Đức họp ở Hambourg năm 1910, giáo sư Wilhelm Weygandt đã đình chỉ một cuộc thảo luận khi đề cập đến lý thuyết của S.Preud bằng một cú đấm tay xuống bàn và kêu lên: “Đó không phải là một chủ đề thảo luận cho một hội nghị khoa học; nó thuộc thẩm quyền của cảnh sát”. Xem: David Stafford-Clark. Freud đã thực sự nói gì? (người dịch: Lê Văn Luyện, Huyền Giang). Nxb Thế giới, Hà Nội, 1993, tr.37.
(7) Sigmund Freud. Phân tâm học nhập môn. Sđd., tr.346.
(8) Trích theo: Phương Lựu. Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX. Nxb Văn học, Hà Nội, 2007, tr.280.
(9) Sigmund Freud. Phân tâm học nhập môn. Sđd., tr.237.
(10) Dẫn theo: Lưu Phóng Đồng. Triết học phương Tây hiện đại, t.4. Sđd., tr.22.
(11) Xem: Sigmund Freud. Phân tích tâm lý học tập thể và tự ngã. N.Y., 1920. Dẫn theo: Lưu Phóng Đồng. Triết học phương Tây hiện đại, t.4. Sđd., tr.24.
(12) Sigmund Freud. Phân tâm học nhập môn. Sđd., tr.522.
(13) Xem: S.Freud. Vật tổ và cấm kỵ (tài liệu lưu hành nội bộ, người dịch: Đoàn Văn Chúc). Trung tâm Văn hoá dân tộc, Tp. Hồ Chí Minh.
(14) David Stafford-Clark. Freud đã thực sự nói gì?. Sđd., tr.244.