Ở đầu thế kỷ trước, con người
ngôn ngữ Tây phương, như là hiện tượng nhân văn sau cùng, được khai sinh. Ở giờ
phút bắt đầu đó, hắn tuyên bố rằng tất cả các vấn nạn tôn giáo và triết học chỉ
là vấn đề của ngôn ngữ. Không hề có vấn đề chân lý tự bản chất – những câu hỏi
và khúc mắc siêu hình, nhìn kỹ ra, chẳng qua là sự hiểu lầm về ngôn từ. Ngôn
ngữ bắt đầu tất cả. Và cũng chính ngôn ngữ sẽ chấm dứt toàn diện các hiện tượng
nhân văn.
Chúng ta hãy nhìn lại. Con người
xưa cũ mang ý chí lập danh, nay hắn chỉ muốn lập ngôn. Hắn thấy được rằng nhân
loại sống chết theo ngôn từ. Nói như Foucault thì con người chỉ biết yêu sau
khi đọc văn chương về yêu đương. Văn thơ làm say đắm, tạo nên hình ảnh, thần
tượng. Những thế hệ kế tiếp viết tuyên ngôn và xách động cách mạng. Biết bao
tầng lớp thanh niên đã bỏ nhà, gia đình bà con thân thích, lên đường đi vào cõi
máu xương gian khổ vì tiếng gọi của khái niệm ngôn từ. Ngôn từ sáng tạo. Ngôn từ
huỷ diệt. Văn chương nâng cao tinh thần và đày đọa ý chí. Ngôn ngữ và văn
chương là cơn sóng cho con thuyền hiện hữu đi qua biển thế gian vô cùng.
Con người là con vật biểu tượng. Nhưng ngôn ngữ không những chỉ là biểu tượng – mà là của những nhánh cây xa cành từ một gốc rễ huyền nhiệm sâu xa. “Tự khởi thuỷ là ngôi Lời (the Word). Chân lý đã được hình thành và trở nên thực thể, ngôi Lời trở nên thân xác, và ngôi Lời chính là Chân Lý sống giữa chúng ta, mà chúng ta không biết” (John I). Và khi mà chân lý đến với những cá nhân khao khát tinh thần “quây quần bên nhau” lắng nghe vị thầy phát ngôn về sự Thật (Vedas), mỗi lời nói của vị Thầy chính là Chân lý. Đạo chính là Lời – là “logos.”
Thế giới của ngôi Lời có rất ít
lời nói. Con người ở đó chỉ nói khi có nguời biết lắng nghe. Trong sinh hoạt
của cuộc sống hàng ngày, thiên nhiên nói và ca hát cho nhân loại. Khi mở miệng
nói, người ta chỉ muốn đối thoại với Trời và Đất. Con người ít nói chuyện với
nhau nếu không cần thiết – vì càng nói thì giữa người và người sự hiểu lầm càng
tăng cao. Im lặng, vì thế, là phương cách thông hiểu phổ quát cho gia đình và
tập thể.
Cho đến khi nhân loại chuyển sang
một thời quán mới của tâm thức, văn viết xuất hiện và dần dần chiếm vai trò của
văn nói. Nhưng con người cũng chỉ sử dụng văn tự, chữ viết, cho những nguyên
tắc đạo lý sâu xa và vĩnh hằng – còn những gì liên quan đến chuyện thường nhật
thì chỉ sử dụng tới lời nói mà không cần văn bản, ấn ký. Văn viết là chiếc cầu
của ngôi Lời, bắt nhịp từ Đạo lý, qua sự thuyết giảng và “quây quần lắng nghe,”
đến một thế giới văn nói chỉ quan tâm đến những vấn đề truyền thông hằng ngày.
Nhưng khi chữ viết đã trở nên quá phổ biến, con người ngôn ngữ đã trở nên những
trí thức vốn sống nhiều về lý tính qua chữ viết. Người có học, từ đó, theo dòng
thời gian càng viết nhiều hơn là nói, đọc nhiều hơn là nghe. Cái học từ đó đồng
nghĩa với cái đọc.
Tuy nhiên, vốn là con người sống
giữa trần gian, kẻ đọc sách đối diện với một khoảng không mới. Đó là sự trống
vắng giữa hai bờ của sách vở, vốn viết về chuyện lâu dài, sâu xa, đối với những
mẫu đàm thoại hằng ngày trong cuộc sống đời thường. Đây là lúc một chiếc cầu
truyền thông mới xuất hiện: Báo chí.
Khi từ giã thế giới tư tưởng từ
sách vở, người thành phố ở Tây âu thay vào khoảng trống đó bằng báo chí. Hắn
càng yêu trần gian đang là, hắn càng mê báo chí. Mỗi trang báo là một ly cà phê
đánh thức tri thức và tình cảm về với một thực tại đang đi qua mà chính hắn
không muốn dấn thân trực tiếp. Khi đọc báo, hắn chỉ tiếp xúc với biến cố trần
gian qua ký hiệu ngôn ngữ in trên giấy. Thân xác của người đọc báo chỉ tiếp xúc
với hiện tượng bằng hai cơ năng của tay cầm tờ báo và mắt để đọc. Trong tất cả
lục năng tạo nên hiện tượng, tờ báo chỉ cần “sắc” và “pháp” và lại bỏ ra ngoài
“thanh, hương, vị, xúc.” Thế gian được người đọc tiêu thụ qua ngôn ngữ một cách
thụ động.
Nói ngắn gọn: tờ báo chính là thế
gian. Lòng khát sống với thế gian nay chính là ý chí muốn trang trải tâm tư vào
từng trang báo.
Nhưng thế gian mà tờ báo dọn ra
cho độc giả là một mặt hồ nông nỗi, lung linh phản chiếu rất mơ hồ một thực tại
không có chiều sâu – chỉ vì ngôn ngữ của báo chí phản ảnh một hiện tượng ngôn
ngữ không có nội dung nguyên tắc lâu dài vượt qua khỏi tính bất thường và giảo
hoạt của biến cố. Mỗi bài báo là một hoạt cảnh cho một thực tại tuỳ theo góc
cạnh tiếp thu và sự trình bày của nhà báo. Nhà báo nào, ngôn ngữ đó. Ngôn ngữ
nào, thực tại đó. Con người ngôn ngữ thời nay đã đánh mất chiều sâu của nguyên
tắc, của ngôi Lời khi hắn đắm chìm vào thế giới của báo chí.
Trong thế giới ngày hôm nay, ngôi
Lời không có nơi trú ngụ. Con người báo chí của chữ viết và trang báo nay cũng
đang chết dần mòn. Truyền hình và điện thoại đã lấn vào lãnh thổ của chữ viết.
Chữ viết đã xuống ngôi từ lúc nó bị môi trường truyền thông mới của internet hạ
bệ. Khi chữ viết xuất hiện trên màn ảnh vi tính, hay trên điện thoại, nó không
còn trang trọng để được tôn trọng. Nó không có một sự hiện hữu lâu dài như là
trên trang sách, trang báo giấy. Ngôn ngữ báo chí từ internet thì cũng như là
lời nói trên điện thoại hay là trên truyền hình. Chữ nghĩa cứ như gió thổi, như
mây bay, như nước chảy qua cầu. Chúng xuất hiện và chúng tan đi ngay như bèo
bọt của không gian ảo tuỳ theo từng cái click của bàn tay nhấn vào con chuột
trên mặt bàn. Thế giới báo chí của internet không những chỉ là ảo, mà là bạc
bẽo và vô vị.
Và đó là bản chất của trần gian
bây giờ. Mọi người đều thi nhau nói rất nhiều nhưng không có điều gì đáng để
lắng nghe; mọi người thi nhau viết thật nhiều nhưng không có điều gì đáng để
đọc. Khi ngôn ngữ không còn nội dung chân lý để chuyên chở, không có cái Đạo để
cưu mang, thì tất cả chữ viết của báo chí, dù ở phương tiện nào, rồi cũng bị đi
vào phận ảo và bạc. “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng đứa con của con
Người (son of Man) – tức là ngôn ngữ – không có nổi chiếc gối để tựa đầu.”
(Luke IX). Người thời nay, khi họ đã không còn tìm kinh sách, đâu còn tin vào
lời lẽ, chữ viết của thánh hiền. Chân lý chỉ là ảo tưởng, ít ai còn tin vào chữ
Đạo. Sách vở cũng chẳng mang giá trị nào – huống chi là ngôn ngữ báo chí.
Hễ khi sách vở và báo chí đã
không còn là một cưu mang cho lý tưởng, không còn là con đường cho nguyên tắc,
không là hiện thân cho ý chí cá nhân và tập thể, thì văn viết đã bị mất chỗ
đứng tự trong lòng người đọc. Nguyên nhân của sự xuống dốc này không phải là vì
nội dung, lập trường hay là khả năng của người viết, nhà văn hay nhà báo. Mà
trái lại. Sách vở và báo chí đã chết khi con người ngôn ngữ thời đại đã không
còn tin vào ngôn ngữ nữa.
Cái chết của văn hóa đọc, từ sách
vở đến báo chí, và song song với nó là tự do báo chí và tư tưởng, ngôn luận –
như trường hợp ở Việt Nam bấy lâu nay – phát xuất từ sự sụp đổ giá trị của văn
viết. Khi cả một dân tộc không còn tin vào và coi trọng văn viết thì tự do tư
tưởng, ngôn luận, báo chí tự nó chỉ là một trò ảo, để rồi sẽ không có một con
người hay tập thể nào tôn trọng – hoặc chịu dấn thân tranh đấu cho lý tưởng
này.
Trong cảnh chợ chiều của nhân
loại, khi mà ngôn ngữ đang bày ra tràn ngập nhưng không ai coi trọng chúng nữa,
chữ viết dù có cho không cũng không ai thèm nhận. Ngôn ngữ không còn là biểu
tượng và tự chính nó nay đã là hư không. Văn viết đã mất hồn; văn nói không còn
nghĩa. Hãy tin ta đi. Ngôn ngữ đã chết. Vì trong trái tim của nhân loại đương
thời thì ngôi Lời đã tắt lửa tự thuở nào.
Nguyễn Hữu Liêm
Nguồn: truongthaidu.wordpress.com