Có một chàng thanh niên mang
trong lòng rất nhiều dự định, đặt cho mình rất nhiều mục tiêu mà theo anh là
cần phải thực hiện. Anh lập quyết tâm thật cao để thực hiện những mục tiêu đó.
Tuy nhiên, dù cố gắng rất nhiều nhưng anh chẳng hoàn thành được mấy việc. Dần
dần, anh cảm thấy mệt mỏi và uể oải.
Hôm nọ, do yêu cầu của công việc,
anh thanh niên lên đường giữa buổi trưa trời nắng chang chang. Chỉ đi một lúc
anh đã mệt nhoài, chân chẳng muốn bước. Thấy từ xa có một cây cổ thụ tán rộng,
cành lá sum suê anh mừng lắm, cố lê chân tới gốc cây rồi ngồi nghỉ.
Đang nhăn nhó quệt những giọt mồ
hôi chảy đầy trên mặt, anh thấy một nhà sư khất thực tiến tới.
Nhà sư cũng dừng lại bên gốc cây,
ngồi xuống nghỉ ngơi. Trên mặt nhà sư mồ hôi cũng chảy ròng ròng, nhưng không
hề thấy ông nhăn nhó, cũng chẳng thấy ông ta đưa tay lên quệt mồ hôi.
Quan sát nhà sư, người thanh niên
chỉ thấy sắc mặt ông yên bình, thanh thản đến lạ, hình như những nóng bức ghê
người kia không hề làm ông khó chịu chút nào.
Thấy nhà sư có vẻ thoát tục lạ
thường, anh thanh niên kính trọng lắm, mở lời:
- Thưa sư, con trông sư thật lạ,
dường như sư đã đắc đạo, giải thoát được khỏi những đau khổ bình thường của thế
gian vậy.
Nhà sư nhìn chàng trai nói:
- Không phải sư đã đắc đạo, mà sư
đã bỏ được đạo.
- Bỏ đạo? - Người thanh niên ngạc
nhiên.
- Đúng vậy! Một con thuyền chở
thí chủ qua dòng sông lớn, qua sông rồi, thí chủ nên bỏ con thuyền mà đi tiếp
hay nên vác con thuyền theo mình để tỏ lòng biết ơn?
- Dạ, tất nhiên con phải bỏ thuyền.
- Đạo cũng giống như con thuyền
kia vậy. Là công cụ đưa ta đi tìm chân lý. Thấy được chân lý rồi thì phải bỏ
hết công cụ đi.
Người thanh niên thấy lời nhà sư
có vẻ như không đúng, tuy nhiên anh chưa biết phản bác thế nào.
Nhìn vẻ mặt của người thanh niên,
nhà sư hiểu ý, ông nói:
- Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã
nói: “Ta không cần mọi người tán dương ta, mà chỉ muốn mọi người thực hành giáo
pháp của ta”. Lòng từ bi của đức Phật bao la, Ngài đâu cần chúng sinh ghi nhớ
công ơn của Ngài, mà chỉ mong chúng sinh thực hành giáo pháp tự vượt qua cái
khổ của đời người. Giáo pháp của nhà Phật vốn đều quy về một chữ không. Không
ác, không thiện.
Anh thanh niên tròn mắt rồi anh
lẩm bẩm từng lời mà nhà sư vừa nói:
- Không ác, không thiện !
Thấy thái độ của chàng thanh niên
như vậy, nhà sư hỏi:
- Theo thí chủ, ác là gì ?
Bị hỏi bất ngờ, anh thanh niên
hơi lúng túng, ấp úng nói:
- Theo con... theo con... ác là
làm những việc trái với đạo lý như đánh, giết người … ừm... ừm... nói chung
theo con ác là làm hại người khác để lợi mình, hoặc để cho mình được vui thích.
- Ác không chỉ có vậy, nhưng thí
chủ hiểu như vậy cũng không sai, vậy theo thí chủ, nguyên nhân tội ác từ đâu
ra?
- Dạ con không biết ạ!
- Ác do tham, sân, si mà ra. Tất
cả vốn tự tâm mình cả, nếu tâm không thì không có ác! Bây giờ thí chủ có thể
cho sư biết, thiện là gì không?
- Theo con, thiện là lòng tốt của
con người, làm thiện là làm việc tốt cho người khác, đôi khi có thể vì người
khác mà quên đi bản thân mình.
- Thiện cũng không chỉ là vậy,
tuy nhiên nghĩ như vậy cũng đúng. Theo thí chủ thiện từ đâu sinh ra?
- Như giải thích của sư khi nãy,
thì thiện cũng do tâm sinh chăng?
- Đúng vậy, thiện cũng từ tâm ra.
Chúng ta nhìn vào ác để thấy thiện, nhìn vào thiện để thấy ác. Tự nhiên vốn
không có ác, không có thiện. Ma và Phật cũng vậy. Tất cả đều do tâm động mà
sinh. Để dễ hiểu hơn, ta hỏi thí chủ một câu: “Khi cầm một vật lên, dù vật đó
to hay nhỏ, thí chủ sẽ nặng người thêm hay nhẹ đi ?”
- Dù vật đó như thế nào thì người
con cũng sẽ nặng thêm.
- Tâm con người cũng vậy, càng
động thêm càng tăng phiền não. Vì vậy con người không nên mang gánh nặng quàng
vào mình, mà nên học cách bỏ đi mới là sáng suốt.
Nói xong nhà sư kết luận:
- Chúng sinh thường mong muốn cao
xa, tự gây khổ cho mình. Đâu biết tâm tự nhiên vốn tự thanh tịnh, không lay
động (ghi chú thêm: là sự biết/nhận biết đơn thuần mà không hề có sự đánh giá ,
phê bình...).
Giáo lý của nhà Phật phải từ từ
mới hiểu, lại từng bước mà lên, không thể một sớm một chiều là thông. Sư và thí
chủ đã có duyên mà cùng luận bàn câu chuyện, bây giờ cũng là lúc sư phải đi.
Mong thí chủ suy ngẫm đôi điều, biết đâu sẽ được lợi ích gì chăng?
Nói rồi nhà sư từ biệt ra đi, bỏ
lại sau lưng người thanh niên vẫn còn đang thẫn thờ với câu hỏi lớn trong đầu:
“Mục đích chân thực của đời người, rốt cuộc là tìm kiếm hay bỏ đi đây?”.
Nguồn: vienkhong.com