1. Ý nghĩa xuất trần
Tất cả người tu ai cũng có chí
xuất trần? Bởi có chí xuất trần nên mới đi tu, nếu không có thì đã ở ngoài thế
gian để thụ hưởng dục lạc thế tục, nên đã đi tu tức là có chí xuất trần. Sao là
chí xuất trần?
Là chí nguyện cao thượng nguyện
thoát khỏi trần lao, vượt ra những trói buộc của thế tục, thoát khỏi ngục tù
thế gian đã giam hãm chúng ta từ nhiều kiếp đến nay.
Chữ trần có nhiều nghĩa. Trần là
bụi bặm, là ô nhiễm là che mờ sự trong sáng nên nó là cái duyên dẫn chúng ta đi
trong lục đạo luân hồi, trong biển khổ sinh tử.
Chữ trần, nói cho đủ là tám mươi
bốn nghìn trần lao, nói gọn là sáu trần. Người đời vì vô minh không thấy được
lẽ thật của thế gian là đau khổ nên tham đắm rồi đuổi tìm những cái vui giả
tạm, là gốc sinh ra các thứ phiền não.
Phật dạy chúng sinh giống như con
thiêu thân, cứ thấy ánh sáng là lao vào rồi chịu chết. Cho nên ngài Hàn Sơn
(Hàn Sơn-Thập Đắc) là hiện thân của Bồ Tát Văn Thù có nói bài thơ:
Ta thấy người thế gian
Bôn ba chạy đường trần.
Chẳng biết việc trong đây
Đem gì làm bờ bến.
Vinh hoa được mấy ngày
Quyến thuộc gần khoảnh khắc.
Dẫu có ngàn cân vàng
Chẳng bằng nghèo dưới rừng.
Ngài thấy người thế gian cứ lo
bôn ba chạy theo con đường trần, hướng ra bên ngoài, chẳng biết được lẽ thật,
quên mất cái gốc chân thật chính mình, rồi cuối cùng không biết đem cái gì làm
bờ bến để nương tựa.
Mãi đuổi theo những vinh hoa phú
quý hư ảo, song thời gian có được mấy ngày! Nó mỏng manh vô thường được đó mất
đó. Rồi của cải vàng ngọc cũng vậy, đều là tạm bợ không thực quý. Còn bà con
quyến thuộc chỉ gần gũi trong khoảnh khắc cũng đâu có bền bĩ.
Cho nên, dẫu giàu có đến ngàn cân
vàng cũng không sánh được với người nghèo sống thong thả ở rừng cây vắng vẻ
buông xả hết thảy, đời sống xuất trần không vướng bận. Nghèo, được nói ở đây là
nghèo các duyên để sống đời xuất gia thanh tịnh.
Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ răn: “Một
thuở đua vui, chẳng biết vui là nguyên nhân của khổ, nhiều kiếp đuổi theo trần
chưa từng tỉnh trở lại, thời giờ qua suông năm tháng dần già, thọ dụng quá
nhiều lợi hưởng càng đậm. Nhiều năm dồn tới chẳng nghĩ buông rời, chất chứa
càng thêm, lo giữ gìn thân huyễn.”
Tức là, hết kiếp này đến kiếp
khác đuổi theo các duyên trần mà chưa từng biết tỉnh lại. Đó mới thật là điều
đau buồn. Chúng ta hiện nay cũng được chút tỉnh giác nên mới xuất gia đi tu,
nếu không khéo tu lại để ngày giờ năm tháng trôi qua rồi thọ dụng quá nhiều,
hưởng lợi càng đậm mà không nghĩ việc xa rời. Cứ mãi tham đắm chất chứa càng
ngày càng dính mắc thêm, chỉ lo giữ gìn vóc huyễn, rồi quên mất chí xuất trần
của mình.
Tổ cảnh tỉnh người tu, nếu không
khéo chỉ lo đuổi theo duyên trần thọ dụng chất chứa cho nhiều, rồi tự bảo hộ
rằng: Do có phước nên mới được người cúng dường nhiều. Đâu ngờ sự tham đắm thọ
dụng đó càng bào mòn công đức chính mình. Cho nên, đó chỉ làm tăng trưởng lòng
tham, mỗi ngày càng lún thêm trong trần mà không hay.
Chúng ta không khéo tuy thân xuất
gia mà tâm thì ở trong trần, như vậy chí xuất trần ở đâu?
Ngài Phó Đại Sĩ nói về ý nghĩa
xuất gia: “Xuất gia là ra nhà bỏn xẻn, ra nhà tham lam, nhà giết hại, nhà ăn
nuốt chúng sinh, ra nhà trộm cướp, ra nhà trái ân bội nghĩa, ra nhà chẳng có
khiêm nhường, nhà bàn tán thị phi, cho đến ra nhà tất cả những cái kết hữu vi”.
Xuất trần là như vậy chứ không
phải tầm thường. Nếu không thường xuyên kiểm lại bản thân thì lâu ngày chúng ta
sẽ quên chí xuất trần, rồi dính trở lại trong trần mà không biết. Như vậy, mỗi
người phải thường tự kiểm hoặc khi được nhắc nhở sách tấn, phải ghi nhận và cố
gắng tiến tu.
Ngài Động Sơn nói trong bài Quy
Giới rất chí thiết: “Sa-môn Thích Tử thì phải lấy cái đức cao thượng làm đầu, đã
dứt phan duyên nên theo đạm bạc, cắt ân ái với cha mẹ, bỏ lễ nghĩa về vua tôi,
cắt tóc nhuộm áo, cầm khăn bưng bát đi vào nẻo tắt xuất trần, bước lên bậc
thang nhập Thánh, trong trắng như sương, thanh tịnh tựa tuyết, rồng thần phải
cung kính, ma quỷ quy hàng, vì thế phải chuyên tâm dụng ý báo đền ơn Phật”.
Sa-môn Thích tử là con dòng họ
Thích, phải lấy đức cao thượng làm đầu không phải sống theo tình thế gian… Như
vậy, đâu phải là tầm thường. Vì thế, phải giữ gìn giới hạnh trong như sương,
sạch như tuyết. Có thế, rồng thần mới cung kính, ma quỷ sợ quy hàng.
Ngài nói nếu được như vậy thì “sinh
thân của cha mẹ mới được phần lợi ích, chớ đâu được phép kết thác môn đồ, đua
đòi bè bạn, giữ việc bút nghiên, trổ tài văn chương, cứ khư khư danh lợi, tất
bật hối hả chạy theo trần tục mà chẳng nghĩ đến giới luật, phá hết oai nghi, để
chuốc lấy sự thoải mái trong một đời, rồi phải đắng cay trong nhiều kiếp, uổng
công mang danh Phật tử”.
Tổ nhắc chúng ta nếu muốn đền đáp
được phần nào công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và ơn tái tạo giới thân huệ
mạng của Phật Tổ thì phải nỗ lực. Nếu như chỉ lo kết môn đồ bè phái, trổ tài
văn chương và ôm chặt danh lợi, tất bật chạy theo trần tục mất hết oai nghi
giới luật. Như vậy, là chỉ bám lấy sự thoải mái trong đời này, mà quên mất sự
đắng cay khổ đau trong nhiều kiếp.
Ngài nói người tu không khéo thì “uổng
công mang danh Phật tử”. Chúng ta mang danh là Thích tử, là đệ tử Như Lai nhưng
lại chưa hành đúng theo những gì Phật dạy, nên Ngài nhắc nhở. Do đó, người tu
phải có chí xuất trần. Xuất trần tức là sống thanh tịnh, giải thoát, đáng cho
người trời cung kính, quỷ thần nể phục, chớ đâu thể buông lung, lo hối hả chạy
theo trần tục, quên mất đạo nghiệp giải thoát của chính mình. Điều đó thật đáng
hổ thẹn.
Thiền sư Bạch Dương Thuận dạy
chúng: “Nhiễm duyên dễ mắc, đạo nghiệp khó thành, chẳng hiểu trước mắt muôn
duyên sai biệt. Chỉ thấy gió trong cõi trần ào ạt làm cho rừng công đức tiêu
tàn, lửa tâm bừng bừng thiêu hết mầm móng bồ-đề. Nghĩ về đạo giống như nghĩ về
tình thì hẳn thành Phật đã lâu rồi”.
Ngài nói những lời rất chí thiết.
Duyên thế tục dễ nhiễm mắc còn đạo nghiệp thì khó thành. Bởi vì, ngoài đời
chúng ta đã có thói quen đó dù nay ở trong đạo nhưng nhiều khi những duyên cũ
rất dễ kéo lôi.
Ví dụ như học kinh học luật thì
buồn chán nên học lâu thuộc, còn đọc chuyện tiểu thuyết lại thấy thích thú, đọc
hoài không biết mệt. Khi nghe giảng kinh nhiều khi nghe quen rồi chán, nhưng
khi coi phim kiếm hiệp thì xem không biết mỏi, dù không cố gắng nhớ mà vẫn
huân, rõ ràng cái duyên nhiễm dễ mắc còn đạo nghiệp khó thành.
Do vì mới tỉnh ngộ nên đạo nghiệp
chưa quen, tu khó thành. Dù chúng ta cố gắng công phu nhưng vẫn trầy trật lên
xuống, muốn cho nó quen mà không được, còn cái kia không muốn mà nó cũng quen,
nên nói là dễ mắc dễ nhiễm.
Lại nữa, trước mắt mỗi người
nhiều duyên sai biệt, nhích một chút là nó dẫn đi liền. Chúng ta tu hành năm
mười năm không khéo khi niệm bất giác khởi, gió trần thổi tiêu rừng công đức,
có khi cởi áo ra đời. Còn khi lửa sân hận nổi lên đốt cháy mầm bồ-đề chính
mình.
Câu sau Ngài nói thật chí thiết: “Nghĩ
về đạo nếu giống như nghĩ về tình hẳn thành Phật đã lâu rồi”. Chúng ta phải
nghiệm kỹ để khéo ứng dụng. Nếu như nghĩ về đạo mà được như nghĩ về tình thì
thành Phật lâu lắm rồi. Nghĩ về tình, lôi kéo tâm ngày đêm, có khi không muốn
nghĩ mà nó cũng nghĩ, không cần cố gắng mà nó cũng nghĩ.
Nhiều khi chúng ta lên bồ đoàn
tọa thiền, lúc đó đáng lẽ phải nghĩ về đạo nhưng rồi tình cũng xen vào. Nếu
nghĩ về đạo mà được như nghĩ về tình thì công phu thành tựu dễ dàng. Vì khi
nghĩ về đạo thì quên trước quên sau lúc được lúc mất, còn nghĩ về tình thì
không cần dụng công gì hết mà cũng thành sâu đậm.
Vì vậy, người tu phải khéo chuyển
ngược trở lại, thay vì nghĩ về tình thì luôn nghĩ về đạo. Nếu chúng ta luôn
nghĩ về đạo thì đâu có phiền não nhiều. Người hay phiền não thì biết là còn
nghĩ nhiều về tình hơn là nghĩ về đạo, như nghĩ về đạo nhiều hơn thì đâu hay
phiền não. Phải khéo chỉnh đốn, phải hổ thẹn để chuyển trở lại. Nếu không, lâu
ngày tình mạnh hơn đạo sẽ dẫn chúng ta đi xuống. Một câu nói của người xưa,
nhưng khi nghe rồi suy gẫm, thật là thấm thía.
Thời Tống, Thiền sư Từ Thọ ở Đông
Kinh một hôm sau buổi tọa thiền dạy chúng: “Các ông nhất thiết phải xa danh và
lợi lấy khổ nhọc làm vui, tâm danh lợi thế gian giảm xuống thì niệm đạo thanh
tịnh tự nhiên tăng trưởng. Như Hoà Thượng Biển Đảm Sơn suốt đời ăn trái lịch để
sống (trái rừng). Còn Đại sư Huyền Giác không ăn rau trồng, bởi trồng thì phải
cuốc đất sợ tổn thương tiểu trùng, đồng thời kính trọng giọt mồ hôi khổ nhọc
của người nông phu. Pháp sư Huệ Hưu ba mươi năm chỉ một đôi giày, gặp đất bằng
thì đi chân đất. Các ông hiện tại y phục đầy đủ, thọ hưởng đủ thứ chưa đói đã
ăn, chưa lạnh đã mặc thêm áo, chưa dơ đã tắm, chưa buồn đã ngủ. Như vậy thì
đường sinh tử chưa thấu rõ, cấu nhiễm chưa trừ tận, hoặc chướng không đoạn lấy
gì để tiêu của đàn na tín thí”.
Ngài dạy: Các ông phải lìa xa
danh lợi…, chớ có lấy cái sung sướng thoải mái nhất thời làm vui, cần chịu khó,
chịu khổ nhọc để tiến tu thì tâm danh lợi thế gian mới giảm xuống. Mà tâm thế
gian giảm thì niệm đạo thanh tịnh tự nhiên được tăng trưởng.
Dẫn hạnh ngài Huyền Giác chỉ ăn
rau rừng không ăn rau trồng tưới. Ngài nói trồng thì phải cuốc đất mà cuốc đất
là làm chết tiểu trùng, tổn thương sinh mạng chúng sinh, thêm nhọc nhằn khổ
công người trồng trọt. Khi đi qua chỗ gò, đất sỏi khó khăn thì Ngài mới mang
giày, còn những nơi bằng phẳng thì Ngài cởi giày đi chân trần, cho nên ba mươi
năm mà đôi giày chưa hư.
Chúng ta kiểm lại xem có được
giống như vậy không? Đúng theo Luật thì ngày ăn một bữa, còn ngày nay có đàn na
thí chủ cúng thức ăn dư sẵn, đôi khi hơi nhiều được phát về tăng đường, lâu lâu
đi ra đi vô buồn bốc bỏ vào miệng một chút, như vậy không phải là chưa đói mà
đã ăn hay sao? Cũng gọi là ăn phi thời. Còn chưa lạnh mà đã mặc thêm áo, chưa dơ
đã tắm, chưa buồn ngủ đã ngủ. Ngài bảo người xưa tu hành miên mật, còn các ông
hiện tại y phục đầy đủ, thọ hưởng cũng nhiều, chưa đói đã ăn rồi. Nếu mà như
vậy thì đường sinh tử làm sao thấu rõ, cấu nhiễm cũng chưa trừ, não phiền chưa
đoạn thì lấy gì mà tiêu của đàn na tín thí. Những lời nhắc nhở thật là chân
thiết.
Lời Ngài nhắc có đúng với bệnh
của chúng ta hiện nay không? Đối với chí nguyện xuất trần có khế hợp được gì?
Xuất trần mà như vậy hay sao? Nói xuất trần mà có thực xuất hay chưa? Hay là
mình xuất trần này rồi vào trần kia? Như vậy, chúng ta vẫn y như cũ, vẫn bụi
bặm đầy mình, có thấy xấu hổ hay không?
Cho nên phải xem, quán trở lại
chí nguyện xuất trần của mỗi người với sự thật trong cuộc sống hằng ngày như
thế nào? Để rồi thúc liễm bản thân tiến tu.
Xuất trần là một ý nghĩa quan
trọng, theo chúng ta trong suốt cuộc đời này, chứ không phải một ngày một bữa
lúc có lúc không. Mà đúng ra thì không phải chỉ một đời này mà kéo dài nhiều
đời khác nữa cho đến thành Phật thôi! Đó là ý nghĩa thứ nhất của xuất trần.
2. Sinh tử sự đại
Sinh tử là việc lớn, không phải
là chuyện đùa chơi. Nhiều khi học lý nói: “ Ừ! Sinh tử như mộng” hoặc “sinh tử
nhàn nhi dĩ”, tức sinh tử nhàn mà thôi! Tuy nói như vậy mà chúng ta chưa thật
như vậy. Chúng ta phải biết lúc nào nên nói và lúc nào chưa nên nói. Chuyện này
không phải là chuyện đùa chơi hoặc là chuyện lý luận trên miệng.
“Sinh tử là một việc lớn” Câu này
không biết phát xuất từ đâu, nhưng đọc Kinh Pháp Bảo Đàn thì thấy khi Ngũ Tổ
bảo môn đệ trình kệ thì Ngài có nhấn mạnh điểm này: “Ta nói cho các ông rõ đời
người “sinh tử là việc lớn”, các ông trọn ngày chỉ cầu phước điền mà chẳng cầu
ra khỏi biển khổ sinh tử. Nếu mà tự tánh đã mê thì phước điền đâu thể cứu được.
Mỗi người hãy đi rồi tự xem lại trí tuệ chính mình, nhận lấy tánh Bát nhã ở nơi
bản tâm mình, mỗi người hãy tự làm một bài kệ rồi trình cho ta xem. Nếu tỏ ngộ
được đại ý thì ta sẽ truyền y pháp cho người ấy làm Tổ đời thứ sáu”.
Ngũ Tổ nhấn mạnh đời người sinh
tử là việc lớn cần giải quyết cho xong chớ chỉ lo cầu phước điền. Đây là điểm
cần phải nhớ, phải ý thức cho đậm. Phải nhớ “việc mình chưa sáng cũng như đưa
đám tang cha mẹ”. Nghĩa là việc mình chưa sáng thì phải băn khoăn, khắc khoải,
nôn nóng như đưa đám tang cha mẹ, chứ không nhàn nhã được. Đời người sinh tử là
việc lớn, khi chưa giải quyết xong thì chưa thể nhàn nhã qua ngày, cũng như
chưa thể yên tâm ăn ngủ. Do đó, người xưa khi chưa giải quyết được sinh tử thì
quên ăn quên ngủ.
Việc này, tôi cũng có kinh
nghiệm. Ngày trước, khi mới hạ thủ công phu thì tôi cũng như vậy. Khi cảm nhận
được sự vô thường, sự chết bức bách kề bên, lúc đó có cái gì thúc đẩy ghê sợ
lắm, tưởng chừng như không còn đủ thời gian để mà tu nữa. Đây, không phải chỉ
hiểu lý vô thường theo kinh điển Phật dạy, mà đây là sự cảm nhận sâu trong
lòng. Cho nên, hạ thủ công phu phải quyết chí, quên ăn quên ngủ, như Lục Tổ nói
“giống như người ngơ ngơ”. Nhiều khi gặp bà con khách xa đến, liền ngó lơ đi
không thèm chào hỏi. Nhờ vậy, qua thời gian dài thiết tha công phu, mới thực sự
có kết quả chứ không phải dễ dàng.
Ở đây Tổ nhắc: Sinh tử là việc
lớn phải có sự thức tỉnh nơi mình. Có khi nhìn các vị cứ lo ngủ gà ngủ gật, bàn
ăn bàn uống món này món kia thì thấy run sợ, vì lơ là cái chuyện lớn của mình
đi. Phật dạy: “Sinh tử giống như ngục tù”. Ngục tù sinh tử này đã nhốt chúng ta
từ vô lượng kiếp đến nay. Xét kỹ thật đáng sợ chứ không phải tầm thường. Nếu
chỉ nói trên lý “sinh tử như mộng”. Như mộng khi nào mình đã thấu suốt được nó.
Cho nên, quán kỹ lại mỗi một lần sinh tử là một lần chồng thêm cái mê cách ấm
cho mình, qua một lần sinh tử thì quên một lớp, qua một lần nữa thì quên một
lớp nữa.
Như vậy qua một lần sinh tử thì
thêm một lớp quên, rồi càng tạo nghiệp sâu thêm, có khi quên mất gốc. Có những
người chừng hai mươi hai mấy tuổi sớm phát tâm xuất gia vào chùa, nhưng do sinh
vào gia đình tạo nghiệp sát sinh như lưới cá v.v..,thì lúc nhỏ ở gia đình người
này cũng đã tạo thêm nghiệp.
Quán kỹ rồi thấy sợ. Hôm nay
chúng ta ngồi chung ở đây, ngày mai bỏ thân này rồi đi đâu? Không biết có còn
xuất gia tu hành, còn được nhắc nhở nhau tiến tu như vầy nữa hay không? Vì vậy,
Quốc Sư Vô Nghiệp có dạy: “Lúc lâm chung mà còn một mảy tình phàm lượng thánh
chưa sạch, một chút bụi tư niệm chưa quên thì theo niệm thọ sanh. Năm ấm nặng
nhẹ gá vào thai lừa bụng ngựa cho đến chốn địa ngục. Một phen vào lò lửa vạc
sôi thì những điều ghi nhớ nghĩ tưởng, kiến giải trí tuệ từ trước nhất thời đều
mất hết, rồi y như trước trở lại làm thân con muỗi con kiến.”
Ngài dạy đến lúc lâm chung mà
tình phàm lượng thánh chưa hết, vẫn còn chút mảy bụi tư niệm chưa quên thì liền
theo niệm đó mà thọ sanh. Ví dụ như lúc chúng ta sắp chết mà còn nhớ tiếc một
cái gì đó thì nguy, hoặc lúc đó mà còn một chút niệm bực tức thì liền theo đó
mà thọ sanh. Rồi theo năm ấm nặng nhẹ mà đi vào các đường thọ sanh. Nặng thì
vào thai lừa bụng ngựa hoặc vào chốn địa ngục dầu sôi… Lúc đó, quên hết những điều
ghi nhớ, những kiến giải trí tuệ từ trước, lý thiền lý đạo, thảy đều mất hết.
Lúc đó không thể tự nói “Tự tánh của ta vốn thanh tịnh, địa ngục giống như là
mộng” mà chỉ nhớ cái khổ thôi! Rồi y như trước làm thân con muỗi, con kiến.
Chúng ta buông lung thân tâm, tu
không khéo một phen đi lạc vào đó rồi thì nguy hiểm. Đây không phải nói để hù
dọa mà đó là lẽ thật. Trong kinh Pháp Cú có câu chuyện: Lúc đức Phật ở tinh xá
Kỳ Viên, ngài dạy các Tỳ kheo phải luôn tinh tấn tu tập đạo nghiệp để dứt trừ
mê mờ, giải thoát các khổ. Có vị Tỳ kheo tâm trí không được thông suốt, cả ngày
ăn xong rồi vào phòng đóng cửa nằm ngủ, chỉ quý cái thân huyễn mà không lo tu.
Vì không biết mình chỉ sống được bảy ngày nữa thôi. Phật biết sau khi chết ông
sẽ đọa vào đường dữ nên thương xót, mới đi đến phòng lúc ông còn đang ngủ, Ngài
gõ cửa đọc bốn bài kệ để cảnh tỉnh:
Bài thứ nhất
Ôi! hãy dậy đừng mê
Loài rận ốc trai mọt.
Ẩn mình trong bất tịnh
Mê hoặc chấp làm thân.
Phật cảnh tỉnh: Hãy dậy đừng có
mê, giống như loài rận loài trai loài mọt sống trong bóng tối. Con rận sống
trong quần áo của người, trong bóng tối. Con trai nó khép hai cái vỏ vào cũng
là sống trong bóng tối, loài mối mọt cũng vậy. Chúng đều ẩn mình trong bất
tịnh.
Bài thứ hai
Đâu có bị chém thương
Mà tâm như trẻ bệnh.
Đối trước bao ách nạn
Lại tham đắm ngủ nghê.
Tức là, đâu phải người bị chém bị
thương tật gì, mà tâm như đứa trẻ bị bệnh cứ lo ngủ.
Bài thứ ba
Biết nghĩ không buông lung
Lo học đạo từ bi.
Do đó không ưu sầu
Thường nhớ trừ vọng tưởng.
Đây là đánh thức. Người mà khéo
biết nghĩ thì không có buông lung, lo học đạo, do đó mà không có ưu sầu.
Bài thứ tư
Chánh kiến luôn trau dồi
Là ánh sáng giữa đời.
Sinh ra phước đầy đủ
Chết không đọa ác đạo.
Khi ấy, Tỳ kheo đang ngủ nghe bài
kệ giật mình thức dậy, trông thấy Phật trước cửa hoảng sợ đứng dậy đảnh lễ.
Phật mới hỏi: -Ông có biết kiếp trước của ông là gì không?
Vị Tỳ kheo thưa :
-Dạ! Bạch Thế Tôn con vì ấm cái
(ấm là năm ấm, cái là ngũ cái) nó che ngăn đâu thể biết được.
Phật bảo :
- Vào thời Đức Phật Tỳ-bà-thi,
ông đã từng xuất gia nhưng vì tham lợi dưỡng, lo ngủ nghỉ, cung phụng cái thân
huyễn này chẳng chịu tu hành, không nhớ lẽ vô thường. Khi chết, đọa làm loài
rận năm chục ngàn năm, kế đó sinh vào loài trai loài sò và sâu mọt ở trong cây,
mỗi loài cũng năm chục ngàn năm. Bốn loài này nó đều sinh trưởng trong bóng
tối, nó thích chỗ kín đáo tối tăm lấy đó làm nhà, không thích ánh sáng giống
như là mê ngủ thích chỗ tối tăm. Quý vị nghĩ nếu chúng ta đọa với khoảng thời
gian như vậy thì sao? Năm chục ngàn năm mỗi loại như vậy, đến lúc thoát ra thì
chỉ thích bóng tối. Ông nhờ hết nghiệp sinh làm người, được làm Sa-môn thì sao
không biết nhàm chán lại ham ngủ?
Khi ấy, vị Tỳ kheo này nhờ uy lực
của Phật nhớ lại đời trước của mình. Bây giờ có ai trong đây nhớ lại đời trước
của mình chừng năm đời đã từng làm trâu làm heo thì chắc tu tiến lắm. Còn ở đây,
nương oai lực của Phật vị Tỳ-kheo nhớ mình năm chục ngàn năm làm rận, năm chục
ngàn năm làm trai sò sâu mọt nên vị Tỳ kheo ấy quá hoảng sợ. Ông hổ thẹn sợ hãi
tự trách mình và nỗ lực quán xét tu hành nhờ vậy mà ngay hiện đời trừ sạch ngũ
cái, chứng A-la-hán.
Đó là một bài pháp rất chí thiết
với chúng ta.
Thân này là thân huyễn, vậy mà cứ
nuôi dưỡng cưng chìu cung phụng cho nó. Lo cho nó ngủ tức là cưng chìu nó chứ
gì? Rồi cho nó ăn uống, nó đòi hỏi ăn uống thế này thế kia, tức là cung phụng
cho nó. Nhưng mà nó là cái thân huyễn, cuối cùng vì nó mà chúng ta bị sa đọa
thì thật là đau đớn. Cho nên, tu đạo giác ngộ là phải đi đến chỗ sáng, không đi
vào chỗ tối. Vậy sao có người vẫn thích ở trong bóng tối? Đó là kiểm để nhắc
nhở tất cả đừng lo cưng chiều cái thân huyễn, dung dưỡng nó mà không lo tu hành
để thành tựu chí xuất trần của mình.
Khi nghĩ đến con đường sinh tử,
chúng ta không thể nào xem thường mà sinh tâm tự mãn. Hiện tại chúng ta đang mở
mắt tỉnh táo hoàn toàn đây, mà đối với tình phàm vẫn chưa làm chủ được, thì khi
bệnh hoạn đau yếu nghị lực nó cũng yếu theo, lúc nhắm mắt sẽ ra sao? Ít ai chịu
nghĩ đến điều này. Điều mà tất cả chúng ta rồi cũng sẽ đi tới!!!
Thiền sư Đại Huệ từng bảo: “Như
tôi lúc mà chưa ngủ thì những điều Phật dạy, những điều Phật ngợi khen tôi y
theo đó mà làm. Điều Phật quở trách thì chẳng dám vi phạm. Trước kia y chỉ theo
thầy tự thực hiện công phu được chút sở đắc thì lúc tỉnh thức đều được thọ
dụng. Nhưng mà đến lúc lên giường mơ màng nửa thức nửa ngủ thì làm chủ tể không
được. Mộng thấy vàng bạc thì mừng rỡ vô hạn, mộng thấy người dùng dao gậy bức
hiếp và các cảnh giới dữ dằn thì thấy sợ hãi kinh hoàng. Tôi tự nghĩ thân này
hãy còn chỉ có ngủ mà làm chủ không được, huống là đất nước gió lửa phân tán,
các thứ khổ bừng dậy thì làm sao chẳng bị lôi kéo. Nghĩ đến đây mới bắt đầu lo
lắng.”
Chính ngài Đại Huệ mà còn than,
lúc tỉnh thức thì được thọ dụng, nhưng khi lên giường ngủ mơ mơ màng màng thì
làm chủ không được. Ngài Đại Huệ tự thực hiện công phu có chút sở đắc còn như
vậy, chúng ta có như vậy không? Thật chưa có công phu gì? Vậy thì khi sắp chết,
lúc mà đất nước gió lửa phân tán, các thứ khổ nó kéo nhau tới thì chúng ta sẽ
ra sao? Nghĩ đến đó rồi mới thấy lo lắng.
Cho nên, mỗi người chúng ta phải
tự xét lại xem có đáng lo sợ hay không? Trong lúc tỉnh táo có ai làm chủ thực
sự chưa? Đó là chưa nói đến lúc ngủ. Nếu chưa được vậy thì đâu tránh khỏi bị
sinh tử dẫn đi. Rồi chí xuất trần của chúng ta có bảo đảm thẳng đường mà đi
không? Hay chỉ ngày qua ngày vẫn thấy bình thường không lo tu hành.
Tổ Xà Dạ Đa ở Ấn Độ thuật lại: “Ngài
đã năm trăm đời làm chó, chỉ có hai lần được ăn no mà lại bị nạn, bị chặt đầu”.
Thật đáng sợ. Cũng như ngài An Thế Cao độ sư huynh. Vị sư huynh là người thông
suốt kinh điển nhưng tâm hay sân hận. Đi khất thực mà gặp thí chủ nào cúng
dường không vừa ý thì nổi giận. Ngài An Thế Cao khuyên hoài không được. Nên nói
: Ông hãy cố gắng nếu không về sau sẽ đi đường xấu. Quả thật sau vị sư huynh
chết làm thần miếu ở Cung Đình Hồ tại Trung Hoa. Tuy là thần miếu nhưng thân là
đại mãng xà. Ngài An Thế Cao nhớ tình đồng đạo, nên đến độ thoát cho.
Vì vậy, mỗi lần nghĩ đến kiếp
luân hồi này, rồi kiểm lại đời tu của mình chưa có công phu gì đáng kể, đạo
nhãn cũng chưa sáng thì quảû bất an vô cùng, chứ không phải dễ!
Trong bài Tiểu Tham của Thiền sư
Ỷ Ngộ ở Pháp Xương, dạy : “ Nghiệp thức mênh mông không gốc có thể tựa, ăn năn
lại chẳng kịp. Thọ báo theo duyên thay đầu đổi mặt đều chưa thể định được. Đâu
chẳng thấy các bậc Bồ-tát học Bát-nhã ngày trước chớ có tự lừa dối chính mình
phải rất cẩn thận, còn một mảy may chẳng hết là chưa thoát khỏi luân hồi. Một
chút tình niệm chưa quên đều theo đó mà chìm đắm. Ông muốn biết loài mang lông
đội sừng chăng? Chính là ông lúc bình thường làm chủ tể tầm bậy. Còn ông muốn
biết địa ngục rút lưỡi không? Chính là lừa dối trong đường mê. Ông muốn biết
băng lạnh vạc dầu sôi ư? Chính là ông lạm dụng của tín thí. Ba đường dữ tám nạn
khổ đều là tự tâm ông làm ra hết. Chỉ vì con mắt đạo chưa sáng mới thành ra như
vậy!”
Tức là nghiệp thức mênh mông
không bờ mé, nếu chúng ta tu không khéo trôi theo nó thì ăn năn không kịp. Rồi
theo duyên thọ sanh, lúc đó thay đầu đổi mặt, bây giờ mang thân này nhưng không
biết qua đời sau mang thân nào? Đừng nghĩ loài mang lông đội sừng nó ở đâu xa,
chính là chúng ta lúc bình thường làm chủ tể sai lầm, hành động sai lầm nên
không khéo đi vào các loài đó. Nếu lúc ra đi còn một tình niệm chưa quên bị nó
dẫn đi, đến lúc đó thì không thể nói lý, không thể nói sinh tử như mộng hoặc tự
tánh Niết-bàn. Trong khi chúng ta hiện nay tình niệm còn nhiều, nghiệp thức còn
khá mà không lo tận tâm tinh tấn để công phu thì sẽ đi đến đâu? Rồi ý nghĩa
xuất trần nó sẽ được thành tựu ra sao? Đó là điều mà tất cả chúng ta đều phải
kiểm lại. Cho nên chúng ta phải quán kỹ, nhớ kỹ việc sinh tử là việc lớn chứ
không phải là chuyện tầm thường.
3. Thệ nguyện giải quyết cho xong việc sinh tử.
Chúng ta đã biết rõ ý nghĩa xuất
trần, nỗi khổ của kiếp sinh tử, sự trói buộc của đám trần lao hệ lụy này rồi,
thì chúng ta không thể tu lừng chừng cho qua ngày tháng. Chúng ta không thể
sinh tâm buông lung, dễ duôi để phước ngày càng tổn, càng mỏng dần. Nên nhớ
rằng: Chớù có xem thường việc nhỏ. Một ngày mình buông lung một chút là nó tổn
phước một chút, cộng lại nhiều lần thì phước tổn sâu. Khi tổn phước rồi sẽ ảnh
hưởng đến công phu tiến đạo, đến đạo tâm của mình. Cho nên ý thức được trách
nhiệm bổn phận, ngay đây chúng ta phải phát tâm mạnh mẽ thề giải quyết xong vấn
đề sinh tử này, chứ không thể dễ duôi được.
Người xưa có câu : “Đời này chẳng
thẳng đời này độ, còn đợi đời nào mới độ thân”. Nghĩa là ngay đây không chịu độ
mà còn hẹn chờ đợi đến đời nào nữa. Đợi đến đời sau thì đời sau ai vào đó để
độ? Cũng là mình thôi chứ đâu ai vào đó độ thay cho mình, vậy thì tại sao ngay
đây không độ liền đi? Khỏi phải tốn thời gian thêm nữa. Trong khi qua một thời
gian thì nó tạo thêm nghiệp mới nữa. Ngay đây độ liền có phải là bớt ít thời
gian hơn không? Nếu còn hẹn đời sau, chính là tạo cơ duyên cho tâm giải đãi.
Khéo là phải ngay đây bắt tay vào liền chứ không có đợi chờ.
Hoà Thượng Thủy Am dạy chúng: “Xưa
các ngài Đại Ngu, Từ Minh, Cốc Tuyền, Long Nha kết bạn với nhau để cùng đến
tham vấn ngài Phần Dương. Tức là ngài Phần Dương Thiện Chiêu, ngài ở vùng đất
Hà Đông, nơi đó rất lạnh. Một số người ở đó chịu không nổi bỏ đi, chỉ có ngài
Từ Minh là người có chí học đạo ngày đêm không lười mỏi. Ban đêm ngồi thiền
buồn ngủ ngài bèn lấy cái dùi tự đâm vào thân và than rằng: Cổ nhân vì việc lớn
sinh tử mà không ăn không ngủ còn ta là hạng người nào mà dám phóng túng buông
lung. Lúc sống thì vô ích lúc chết không để tiếng tăm về sau. Ấy là tự bỏ mình
vậy.”
Ngài Từ Minh tự nhắc mình, người
xưa vì việc lớn sinh tử là như vậy đó. Cho nên, đâu thể hèn yếu so đo tính toán
chần chừ để nuôi lớn tâm sinh tử thêm. Xưa các ngài chỉ một đao mà chặt đứt
không ngó lại, phải dũng mãnh như vậy để mà tiến tới. Chính trong bản Thanh Quy
của Thiền viện, Hòa Thượng cũng khẳng định điều đó :
Thứ nhất là tính dứt khoát. Dứt
khoát tức là đời ra đời đạo ra đạo, tu phải đến nơi đến chốn, không có thái độ
lưng chừng mà phải quyết tu đến sáng đạo, phải dứt khoát như vậy.
Thứ hai là tính kiên quyết. Dù
khó khăn chướng ngại do ngoại cảnh hay bản thân tạo ra đều khẳng định vượt qua,
kiên quyết thực hiện kỳ được giải thoát viên mãn mới thôi. Không đổ thừa là tại
ngoại cảnh làm cho khó tu rồi chuyển đổi thoái tâm, hoặc do bệnh hoạn gì đó hay
do cái gì trở ngại, đều khẳng định vượt qua hết, phải tu đến giải thoát viên
mãn mới được, kiên quyết dứt khoát.
Ngài Hám Sơn cũng từng nhắc nhở: “May
thay trong kiếp này nhờ sự trợ giúp và chỉ dạy của Chân sư, hạt giống Bát-nhã ở
trong chư vị có cơ tăng trưởng. Nhờ thế lòng mộ đạo và quả quyết của chư vị
được thức tỉnh, nhưng chư vị phải nhận thức rằng không dễ gì nhổ được, lấp được
các gốc rễ luân hồi đã ăn sâu trong chư vị từ thời vô thủy. Công việc này không
phải là tầm thường, chỉ có những người có ý chí và sức mạnh, đủ can đảm để mà
đảm đương cái gánh nặng như vậy. Và dấn thân tới trước không chút do dự hay rụt
rè thì mới vào được đạo.”
Tức là chúng ta cũng còn có duyên
tốt trong kiếp này, nhờ được các bậc Chân sư nhắc nhở đánh thức cho nên hạt giống
Bát-nhã trong tâm mới có cơ hội nẩy mầm, tăng trưởng nhưng không phải ngay đó
sạch hết các gốc luân hồi. Vì gốc luân hồi đã ăn sâu từ vô thủy rồi không phải
một lúc mà sạch hết. Phải là những người có sức mạnh và ý chí can đảm, sẵn sàng
dấn thân tới trước mới mong vào được đạo, nào phải việc tầm thường.
Qua đó, chúng ta mới thấy chư Tổ
đều như nhau, luôn luôn thúc đẩy người tu phải có sự quyết tâm mạnh mẽ để tinh
tiến vượt lên, chứ không thể lừng chừng hẹn nay hẹn mai. Chúng ta mê lầm huân
tập từ vô thủy kiếp cho đến ngày nay, đâu thể một ngày hai ngày mà dứt trừ
được. Tuy nay chúng ta cũng có được cái duyên tốt, được thầy bạn tốt nhắc nhở
đánh thức hạt giống Bát-nhã trong tâm, để có cơ hội phát khởi tăng trưởng,
nhưng những nghiệp tập nó đâu có một lần mà hết được. Thỉnh thoảng nó sống dậy,
do đó chúng ta phải có một ý chí sức mạnh vươn lên, sẵn sàng tiến tới chứ không
thể ỷ lại, không thể chần chờ. Phải có sự quyết tâm thề nguyện giải quyết xong
việc lớn sinh tử, không phải vào chùa an nhàn chỉ một thời sám hối hai thời
ngồi thiền vậy là đủ trả nợ. Mà chúng ta phải giải quyết xong việc lớn sinh tử
này, phải sáng tỏ được đạo, chứ không phải chỉ bấy nhiêu đó đủ rồi.
4. Chỉ thằng trở về nguồn tâm
Trước kia chúng ta vốn từ tâm mê
mà tạo nghiệp vào sinh tử, thì ngày nay cũng phải từ tâm mà giải quyết sinh tử
chứ không con đường nào khác. Chúng ta theo dòng tâm chạy ra ngoài đuổi theo
duyên trần, theo cảnh là quên mất cội nguồn chân thật nơi mình, đó là đi vào
sinh tử luân hồi là theo chiều mê, nhà thiền gọi là mất trâu. Tức theo duyên
theo cảnh rồi quên mất trâu. Từ một niệm bất giác ban đầu đến nay, chúng ta đã
đi theo con đường sinh tử mê lầm chịu nổi chìm, lên xuống ở trong biển sinh tử
trầm luân quá lâu. Nếu kiểm lại thấy thật là khủng khiếp chứ không phải thường.
Có khi chúng ta nổi lên một lúc rồi chìm xuống, cứ lẩn quẩn trong đó kiểm lại
thấy rất đáng sợ.
Nay chúng ta được duyên tốt, phải
mau tỉnh ngộ trở về. Tuy gọi là mất trâu quên gốc nhưng mà sự thật dấu vết nó
vẫn còn. Nghĩa là chúng ta vẫn còn có thấy có biết, còn có thấy biết tức là vẫn
còn có tâm, như vậy dấu vết vẫn còn đó. Chúng ta khéo theo dòng thấy biết này
để trở về, trước kia theo dòng thấy biết này chạy theo duyên ra ngoài, đi vào
sinh tử quên gốc; Bây giờ cũng theo cái dòng thấy biết này quên duyên để đi
ngược trở lại cội nguồn, ra khỏi trần lao sinh tử.
Một hôm trời đang mưa, Thiền sư
Cảnh Thanh hỏi vị tăng :
- Bên ngoài là tiếng gì?
Vị tăng thưa:
- Tiếng mưa rơi.
Ngài bảo:
- Chúng sinh điên đảo quên mình
theo vật.
Vị tăng thưa:
- Còn Hoà Thượng thì thế nào?
Ngài bảo:
- Vẫn chẳng quên mình.
Theo như chúng ta cũng sẽ đáp như
vậy. Hỏi tiếng gì? Đang mưa thì đáp tiếng mưa rơi. Nhưng bị ngài quở ngay:
Chúng sinh điên đảo quên mình theo vật.
Chỉ một chút thôi mà xem như hai
khung trời cách nhau rất xa. Cũng một chút đó mà chuyển đổi cả một chuỗi dài vô
lượng kiếp lầm mê. Cũng ngay cái mê lầm này mà chúng ta nghe theo tiếng, tức
quên mất mình. Khi hỏi tiếng gì? Chỉ nghe tiếng mưa rơi thôi, quên mất chính
mình ở đây, quên sự hiện hữu đang nghe rõ ràng vì chỉ nhớ cái tiếng, đó gọi là
theo trần, lang thang ở quê người là vào luân hồi.
Thiền sư Cảnh Thanh cũng nghe
nhưng khi nghe chẳng quên mình, không chạy theo tiếng mưa rơi vẫn có mặt sự
hiện hữu sáng ngời đó. Nghe mà vẫn nguyên vẹn là nghe, đó gọi là trở về nguồn
tâm. Ngay đó chúng ta hiện ở quê nhà, còn nhớ theo tiếng thì ở quê người. Cho
nên hàng tỉ tỉ kiếp đến nay, chúng ta mới nghe được cái điều kỳ diệu này đâu
phải là việc dễ dàng. Nghe được điều này là một nhân duyên hy hữu với mình chứ
không phải tầm thường. Nếu không nghe được những điều này thì chúng ta chỉ nghe
những điều ở thế gian thôi. Tức là ở đời cứ nghe những chuyện theo duyên theo
cảnh, chứ không bao giờ nghe được cái chuyện trở về này. Cho nên chúng ta phải
thật sự để tâm xét kỹ, gọi là trăm kiếp ngàn đời không dễ gì gặp. Phải khéo
quán để trở về. Tất cả ai đều cũng có đủ cơ hội để trở về chứ không thiếu.
Cũng ý nghĩa này, Thiền sư Tỉnh
Niệm ở Thủ Sơn, nhân một đêm có vị tăng đi vào thất của Sư, Sư hỏi:
-Ai ?
Vị tăng im lặng không đáp.
Sư bảo:
-Ta đã biết được ngươi rồi. Ngay
đó ông tăng cười. Sư liền bảo:
- Lại đâu phải người nào khác
(tức đã lộ ra rồi). Rồi Sư nói bài kệ :
Khinh khinh đạp địa khủng nhân tri
Ngữ tiếu phân minh cánh mạc nghi.
Tri giả chỉ kim mãnh đề thủ.
Mạc đãi thiên minh thất khước kê.
Dịch
Bước chân nhè nhẹ ngại người hay.
Cười nói rõ ràng có gì nghi.
Kẻ trí hiện nay gắng gìn giữ
Chớ đợi sáng mai gà mất đi.
Nghĩa là, bước chân nhè nhẹ sợ
người ta hay nhưng mà ông cười nói rõ ràng là đã lộ ra rồi có gì đâu mà nghi.
Ngay đó đã lộ bày cái mặt thật của ông, bản lai diện mục của ông trong đó chứ
không đâu xa. Người trí ngay đó nhận liền, còn chần chờ để cho tình thức chen
vào là mất mình. Ngay bước chân đây, ngay chỗ nói cười đó là cái gốc xưa đã
hiển lộ ra, đâu có gì giấu diếm. Khéo thì ngay đó nhận ra nó là xong. Ai cũng
đều có cơ hội để trở về hết. Còn chần chừ suy nghĩ rồi so đo hoặc tính toán là
mất ngay, tức là lúc đó để tình thức chen vào. Ngay đó cũng là quê nhà mà ngay
đó cũng là xứ người. Chỉ một chút xíu đó thôi mà nó cách biệt rất là xa. Ngay
cái nghe đó mà chỉ nhớ theo tiếng, theo duyên là ở xứ người, ngay cái nghe đó
mà vẫn chẳng quên mình, nghe vẫn nghe rõ ràng nhưng không có theo duyên theo
tiếng, vẫn rõ ràng hiện hữu thì đó là quê nhà. Chỉ cần khéo một cái chuyển là
xong. Con đường trở về là như vậy.
Chúng ta đầy đủ nhân duyên với
nhau, cùng gặp gỡ trong một pháp hội, được nghe được nhắc những lẽ thật này thì
quả là nhân duyên hy hữu trong đời mình, hay nói rõ hơn là trong kiếp luân hồi
này.
Bởi vì, chúng ta còn nghe được
chỗ để trở về, chứ không phải nghe để đi vào luân hồi. Nếu không khéo chuyển để
trở về thì thật là đáng buồn đáng tiếc. Đây đã chỉ hết tình với nhau rồi, đâu
có giấu diếm gì. Đâu phải như ngoài đời là còn phải giấu nghề sợ người ta hay
hơn, rồi bội phản mình. Còn trong đạo thì không có chuyện đó. Có gì là chỉ hết
để rồi tất cả chúng ta cùng sống cùng trở về lẽ thật, cùng giải thoát để gặp
nhau trong ánh sáng chân thật, đó là niềm vui lớn nhất.
Như vậy bậc tu hành giải thoát thì
ai cũng đều có chí xuất trần. Có chí xuất trần mới đi tu, mà tu là tu hạnh giải
thoát. Đây là sức mạnh để chúng ta vươn lên từ trong trần lao. Trong thế tục mà
chúng ta vươn lên, trong bùn lầy của thế gian mà vọt ra, thì đâu có yếu ớt cũng
không phải là tầm thường.
Dù thế nào thì chúng ta cũng phải
nhớ đến chí nguyện này, trong mọi hành động mọi cử chỉ mọi ý nghĩ đều phải nhớ
đến chí nguyện xuất trần. Làm gì chúng ta cũng phải nhớ đến chỗ đó chứ không để
lơ lỏng xen hở. Ý nghĩa xuất trần phải luôn sát bên mình trong suốt cuộc đời
này, không những suốt cuộc đời này mà trong suốt các kiếp sinh tử còn lại của
mình cho đến khi viên mãn, phải vậy mới được. Giữ sao cho ngày trước mình nghĩ
đến cái tình như thế nào, thì bây giờ đây mình nghĩ đến đạo cũng như thế đó.
Phải thực hiện cho kỳ được cái chí nguyện này ngay trong cuộc sống. Đó là việc
bổn phận của mỗi người chúng ta, không ai thay thế cho mình cả cũng không chờ
đợi ai được. Phải quyết tâm như vậy, không để phải hổ thẹn với cái chí xuất
trần mà chúng ta đã có.
Hoà Thượng Thiên Như có dạy một
đoạn: “Thời gần đây có một hạng xuất gia tuy nói là lìa tục mà thói tục chẳng
trừ. Trọn nói xuất trần mà duyên trần chẳng cắt đứt. Kinh giáo vốn không rõ
biết, tham thiền lại chẳng nhận hiểu, tâm vượn chạy mãi, ý ngựa ruổi rong thành
bầy thành đội ồn ào cả ngày. Chẳng những luống hao của tín thí cũng là chôn vùi
tính linh chính mình. Đến khi nhắm mắt đường trước chẳng biết đi đâu, thật là
uổng vào nơi cửa không, sống đã vô ích chết lại lạc loài”.
Tu xuất trần mà như vậy sao? Kinh
thì không thông suốt, tham thiền cũng chẳng có hiểu rõ, cứ để tâm vượn ý ngựa
nó chạy thành bầy thành đội ồn ào cả ngày. Thấy đau buồn không? Nói lìa tục
xuất trần mà chưa có xuất gì hết, có khi còn dây dưa trở lại để rồi chôn vùi
cái tính linh của mình. Cho nên Sư bảo đến khi nhắm mắt đường trước chẳng biết
đi đâu. Thật là uổng vào cửa KHÔNG, tức là vào cửa giải thoát. Nên Sư mới nói “
sống đã vô ích chết lại lạc loài “. Sống vô ích không có công phu, chết lạc
loài bơ vơ. Như vậy có buồn không? Chúng ta nghe nhắc như vậy rồi phải kiểm lại
để mà thúc đẩy mình tiến tu đạo nghiệp, thế mới xứng đáng là người có tâm cầu
đạo giải thoát.
Mong rằng, chúng ta không phải là
người như thế. Mà tất cả chúng ta đều sẽ là những người thành tựu được bản
nguyện giải thoát của mình và cùng vui với niềm vui xuất trần. Đó là điều mong
mỏi của tất cả chúng ta khi phát chí nguyện xuất trần, vượt khỏi trần lao
nguyện làm người Thượng Sĩ.
Nguồn: thuongchieu.net