Có chăng một đời sống sau tình dục?

Có thể nói danh từ “Tình Dục” là danh từ bị tránh né nói đến nhiều nhất. Ít có một ai dám đề cập thẳng đến hay phân tích chi li về nó ngọai trừ các nhà tâm lý học hay phân tâm học.

Vì sao chúng ta lại sợ hãi và lúng túng khi nói đến tình dục? Vì tư tưởng của chúng ta còn lợn cợn không trinh khiết, vì tâm của chúng ta còn ô nhiễm, vì chúng ta còn bị đóng khung trong danh từ, định nghĩa thô thiển và tập quán suy tư.

Theo tôi, tình dục là phần bản năng mãnh liệt nhất của con người, nó có khả năng đưa con người hướng hạ (nếu con người không biết điều chỉnh để sống cho đúng) hay hướng thượng (nếu con người biết sống đúng).

Các ông tu sĩ và các chính trị gia cũng nhận thức rõ được sức sống mãnh liệt này nên họ đã tìm đủ mọi cách để thuần hóa con người như thuần hóa con bò để dễ bề khuynh loát thống trị. Họ đều rêu rao to tiếng rằng, “Con người sở dĩ chịu đau khổ đọa đày trong hỏa ngục vì tội tổ tông do Adam và Eva đã ăn trái cấm, vì Pandora đã tò mò mở nắp hộp bí mật nên các tội lỗi bay ra trong đó có tình dục…” do đó muốn thóat khỏi sự đọa đày ở địa ngục và phát triển, con người phải cắt giảm hay đoạn diệt dòng sinh lực tình dục đó như người ta đã đoạn giống con bò đi để nó ngoan ngoãn gục đầu kéo xe theo lệnh ngọn roi trên tay ông chủ.

Đạo Phật không dạy bảo hay hướng dẫn con người những chủ thuyết tiến hóa hay phải thuần hóa thế nào mà Đạo Phật nhấn mạnh vào sự “Chuyển Hóa” (transformation, transcendation) nội tâm để dòng sống vẫn tự do và tự nhiên phát triển theo khuynh hướng thiện lành, an lạc, và tự nó chuyển biến thành một năng lực sung mãn đẩy tâm trí con người hướng thượng tột đỉnh, đạt đến Đại Viên Cảnh Trí.

Đức Phật không dạy chúng sinh phải đoạn trừ nam căn hay nữ căn cũng không chỉ trích, bóp méo, đè nén dòng sinh lực vì theo Phật giáo, thế giới này gọi là cõi Dục vì chúng sinh sinh ra do nghiệp quả và tình dục, tuy nhiên nếu chúng ta nhận thức rõ được Dục là nguyên nhân của dòng sinh tử đưa đến khổ quả luân hồi vô tận thì chúng ta cần và phải chuyển hóa nó hầu thoát khỏi khổ đau.

Tôi cũng nhận định “Bản chất của tình dục không có gì gọi là xấu xa, ghê tởm, hạ đẳng… như mọi người thường gán cho là “phần nô lệ cơ bản của con người;” đó là sức sống tự nhiên của mỗi con người, mọi chúng sinh. Con người là một chúng sinh hữu tình. Hữu tình có nghĩa là có tình thức, có nhiễm tịnh, có bản năng tình dục tự nhiên (khi mở mắt chào đời là đã có tình cảm tình dục rồi). Dòng sống điều hòa tuôn chảy qua tình dục vì chính bản thân tình dục là một hiện tượng tự nhiên, hòa điệu trong bản thể vũ trụ.

Nếu chúng ta am tường cuộc đời, nếu chúng ta thương yêu cuộc đời, chúng ta cũng nhận thức tình dục cũng thánh thiện, linh thiêng vậy. Tình dục không có gì sai trái cả, chỉ có chúng ta sai trái khi chúng ta bị ô nhiễm đắm đuối trong nó, thèm khát nó một cách hạ liệt theo bản năng súc vật. Một khi chúng ta thấu triệt được vấn đề tình dục thì niềm đam mê tham nhiễm trong chúng ta sẽ bão hòa, dần tan biến đi, và lòng từ bi sẽ sinh khởi. Tình dục sẽ chuyển hóa hoàn toàn, không cần phải cố gắng hay đè nén.

Sự chuyển hóa đó sẽ xảy đến cho chúng ta nếu chúng ta “sống trọn vẹn” được trong dòng sinh lực cuộc đời. Theo ý tôi, hãy buông bỏ tất cả những luận điệu chống đối, phủ nhận, những phương cách đè nén, ức chế hay những xuyên tạc bóp méo về tình dục; bạn hãy an nhiên lắng lòng xuống, ngồi tịch tịnh yên lặng trầm tư, thư thái buông xả và quán chiếu sâu xa từng đợt sóng hung hăng vỗ trên mặt biển Pháp Tánh của chúng ta - hãy an nhiên quán chiếu, quán chiếu, quán chiếu thật trầm lắng, thật sâu, thật trí tuệ - từng bước, từng bước, chúng ta sẽ tri cảm từ từ ngọn lửa tình dục sẽ bớt cường độ tấn công tâm hồn chúng ta, nó sẽ giảm bớt dần sức nóng, và dòng nước mát lạnh của Từ Bi Trí Tuệ, của Thiền Định sẽ dập tắt lửa tình trong chúng ta.

Các bạn nên nhớ kỹ thế này “Những người thông minh nhất là những người sống chân thật nhất với cảm tính trong họ.” Bởi vì năng lực tình yêu cơ bản là chỉ tiêu IQ, là sự thông minh và tài năng. Nếu bạn không thể yêu thương, không có khả tánh thương yêu, tâm hồn và trí năng của bạn đã bị chết cóng, lạnh ngắt, đóng kín lại rồi. Bạn không thể bay, không thể nổi, không thể trôi bềnh bồng trên sóng nước được. Với tình yêu sung mãn, con người ta có khả năng soãi dài tay ra bơi lội trong đại dương mông mênh. Khi yêu, người ta cảm thấy tự tin là họ có thể hái sao trời.

Đó là vì sao người đàn bà trở thành nguồn cảm hứng bất tận, người đàn ông trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhau. Khi yêu, người đàn bà trở nên xinh đẹp duyên dáng tức thì, diễm lệ lập tức! Chỉ một thoáng trước đó người phụ nữ đó trông thật tầm thường, không có gì gợi cảm cả, nhưng bây giờ tình yêu đã tiếp sức trợ giúp cho nàng thoát xác thành tiên nữ - nàng được tắm trong một nguồn năng lực hoàn toàn mới, một vầng hào quang tỏa sáng trên đầu. Nàng bước đi nhẹ nhàng hơn, duyên dáng hơn, khoan thai hơn, từng bước đi như từng bước khiêu vũ. Đôi mắt nàng sáng long lanh hơn, gương mặt tỏa rạng, nàng như được bao trùm trong ánh sáng lung linh muôn màu sắc.

Người đàn ông cũng vậy. Khi họ yêu, từng cử chỉ, lời nói, nụ cười của họ cũng biểu lộ sự trìu mến, nồng ấm, dễ thương hơn, khả ái hơn.

Khi tâm hồn người ta căng tràn sức sống tin yêu, họ rất hăng hái tích cực, nhưng nếu bóp nghẹt đè nén tình cảm lại, người ta sẽ eo xèo như bong bóng xì hơi, ánh mắt ảm đạm, gương mặt u ám, và trở nên đần độn hơn, ngu xuẩn hơn. Do đó các nhà tu sĩ và chính trị gia đều tìm đủ phương thức ức chế tình cảm con người lại để họ dễ sai sử những con người “gỗ cây” đó.

Đừng tin lời những ông giáo hoàng nói là có một thiên đường xa xôi nào đó! Thiên đường chính là nơi đây, ngay phút giây hiện tại, ngay phút giây bạn có tình yêu, bạn yêu người và sống thực cho mình, cho người. Bạn không cần phải đến nhà thờ, đến chùa chiền hay đền thánh để hỏi thiên đường ở đâu, Niết Bàn ở đâu? Nơi nào có tình yêu, nơi đó là thiên đường; nơi nào có tình yêu, nơi đó là Niết Bàn.

Đời sống hiện tại này là đời sống duy nhất. Nếu bạn không đủ bản lãnh, không có khả năng an hưởng cuộc sống này thì bạn cũng đừng phí công tổn sức đi tìm một cuộc sống đời đời ở một thế giới mộng ảo xa xôi nào khác.

Hãy mở mắt ra! Hãy nhìn kỹ, nhìn rõ! Hãy dấn thân vào dòng sống, hãy can đảm nếm hương vị Tình Yêu, một tình yêu chân chính, trong sáng, thanh khiết tưới mát những tâm hồn nóng bỏng vì danh lợi, hận thù, phân biệt . . .

Chúa không ở đâu xa, Phật không ở đâu xa; Chúa hay Phật đều ngự trị trong trái tim chúng ta. Nếu chúng ta “biết thương yêu sự sống,” chúng ta là Phật, là Chúa vậy. Bởi thế bạn đừng day tay mắm miệng cố đè nén ức chế sinh lực trong bạn, vì dòng sinh lực đó chính là đời sống của bạn, dòng sinh lực đó là bạn. Những kẻ đầy tự ngã luôn tìm cách chống đối lại sinh lực và cho là đã cải biến được nó rồi - không, họ không bao giờ và không thể cải đổi được dòng sinh lực bằng áp chế. Họ chỉ giả vờ, ra dáng vậy thôi nhưng thực tế họ đã thất bại thảm hại (vì thế mới có những vụ dối trá, lừa bịp, vụng trộm).

Tôi không nói bạn phải vận công gắng sức gì cả. Bạn cứ để dòng sống tự nhiên trôi chảy trong bạn và bạn chỉ cần ngồi yên, lặng lẽ quán sát nó. Nếu bạn thực tâm yêu một người, bạn cứ an nhiên thương yêu. Hãy sống thật với cảm tính trong bạn! Nếu trong tình yêu bạn thấy được thư thái hồn nhiên, nếu trong tình dục bạn cảm thấy thư xả, hòa điệu được với người mình thương yêu, tại sao bạn phải dấu diếm tránh né?

Một khi bạn “sống chân thực được với chính mình”, các mạch máu trong đầu bạn không căng thẳng nữa, các cơ bắp của bạn sẽ yên nghỉ không gồng cứng lên nữa, toàn thân bạn được nghỉ ngơi thư giãn thực sự, lúc đó bạn mới có đủ năng lực an định quán chiếu, lúc đó tình yêu thăng hoa hướng thượng, không còn hạn cuộc vào thứ tình vị kỷ chỉ có hai người, sinh lực trong bạn không bị ức chế và sẽ thôi không công phá bạn nữa, tất cả sẽ từ từ êm ả rời khỏi bạn, và cánh cửa thiền định bấy giờ mở toang ra đón chào bạn thênh thang bước vào. Bạn sẽ không còn đánh mất mình trong cảm giác với một ai khác mà chính bạn đang hòa tự ngã bạn vào Chân Thể Tánh của bạn và vũ trụ. Bấy giờ, một trạng thái hỷ lạc an định xuất thần phát sinh do lìa khỏi dục - mà theo Phật giáo, đó là chứng đạt sơ thiền, thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh.  Đó là một đời sống mới sau tình dục!

Theo Osho
Previous Post
Next Post