Hãy tự biết mình

Biết mình là điều vô cùng quan trọng. Nếu người ta biết mọi thứ mà lại không biết gì về mình thì cũng kể không giá trị. Nếu người ta trên thông thiên văn dưới tường địa lý mà lại không biết gì về mình thì cũng kể như người ta chưa biết gì. Vì thế mà ngay từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên, nhà hiền triết người Hy Lạp, triết gia Socrates để lại câu nói bất hủ, vọng vang suốt mấy ngàn năm lịch sử triết lý Tây Phương: “Hãy tự biết mình”. Biết về chính mình tức là biết về con người, tức là biết về đời sống và ý nghĩa của nó.

Triết học Hy Lạp cổ đại ra đời trong bối cảnh diễn ra sự chuyển biến lâu dài và sâu sắc các quan hệ xã hội. Đó là sự ra đời của xã hội có giai cấp đầu tiên trong lịch sử-chế độ chiếm hữu nô lệ. Sự hình thành triết học Hy Lạp không diễn ra một cách ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của việc kế thừa những di sản tinh tuý truyền thống trong sáng tác dân gian, trong thần thoại, trong các mầm mống của tri thức khoa học (khoa học tự nhiên). Hy Lạp cổ đại là đất nước của thi ca, thần thoại. Thần thoại không chỉ  là nơi để con người tưởng tượng, diễn giải về các hiện tượng thiên nhiên kỳ bí mà còn là nơi thể hiện đời sống tâm linh, sự hình thành số phận cũng như muôn mặt của đời sống thường ngày. Thần thoại là nơi đầu tiên để tư duy triết học ra đời và từng bước triết học tách khỏi thần thoại từ Mythos đến Logos; con người dùng lý trí để tư duy về tự nhiên, đạo đức, về xã hội, về lẽ sống, về chân lý, về con người…

Socrate (469 – 399 tr.CN) là người đầu tiên đặt vấn đề con người với tư cách là một sinh thể có đạo đức vào trọng tâm của triết học. Tự giới thiệu như một người chẳng biết gì cả, kích thích suy nghĩ bằng cách liên tục đặt ra những câu hỏi ông đã nghiên cứu bản chất nhân đạo của con người, thế nào là thiện, ác, chính nghĩa, tình yêu, lương tâm, danh dự, … tức là những điều tạo thành bản chất tâm hồn của con người. Ông hướng triết học đến với sự tự nhận thức, nhận thức chính mình, một con người, một nhân cách có đạo đức và mang ý nghĩa xã hội. Con người đức hạnh đạt tới sự tuyệt vời khi điều mình muốn biết phải là điều thiện thực sự. Thế giới đầy những bấp bênh nhưng bao nhiêu bất hạnh của bạn cũng sẽ không đáng kể miễn là linh hồn bạn giữ được sự thanh cao. Ông đã sống và chết với xác tín như vậy.

Trong đền thờ thần Apollon ở Delphes đã có câu châm ngôn; “Ngươi tự biết ngươi”. Socrates đã lấy câu châm ngôn ấy mà triển khai sâu rộng về mọi mặt, mọi hoạt động trong cuộc đời của ông. Đối với bản thân, cũng như đối với người khác chỉ có một điều duy nhất và làm cho người ta thấy chính bản thân của mỗi người: Hướng về cái nhìn chính ta, nhìn về con người của ta. Mỗi người hãy làm như thế. Tại sao thế gian loài người điên đảo? Tại sao lòng người tràn đầy dục vọng? Tại sao giả dối, thù hiềm tràn lan? Ấy chỉ vì ta chú trọng đến những sự vật, sự kiện quanh ta, trong môi trường ta sống mà quên mất con người của ta. Người ta không biết rằng mình đang quên cái ta thật sự.

Sự quên lãng đó Socrates cho rằng người ta chỉ làm, chỉ nghĩ theo bên ngoài, tức là theo dư luận, thành kiến, tình cảm nhất thời, theo ham muốn, tiền tài, quyền lực … Người lười suy nghĩ chỉ chăm chú những thứ bên ngoài bản thân, chỉ nhìn thoáng qua chính bản thân mình. Người ta còn cạnh tranh giết hại, giành giật là do lười suy nghĩ. Nếu con người nhìn trở về bản thân mình, biết suy nghĩ sâu xa, suy nghĩ độc lập, không bị dục vọng tình cảm yêu ghét tác động sẽ thấy được ánh sáng ngời chiếu bên trong con người mình. Ánh sáng mà Socrates nói đây là ánh sáng chí thiện, là cái Lý Trí Trong Sáng, là Tình Yêu Thương. Ánh sáng bên trong con người là ánh sáng nội tại. Tạo hóa sinh ra, ai cũng có ánh sáng nội tại, hằng hữu trong con người. Tuy nhiên người ta cũng bị những thứ phù phiếm bên ngoài thu hút.

Nếu ngày nào, con người còn bỏ quên ánh sáng nội tại, chỉ lo cái bên ngoài, thì người ta chưa đích thực sống với chính mình. Socrates đã nói rằng: “Ánh sáng nội tại trong con người ví như ánh sáng mặt trời, có thể toả khắp nơi. Không một thứ nào bên ngoài con người như tiền tài danh vọng, nhà cao cửa rộng lại tỏa rạng hơn nó.” Chính vì những quan điểm đó mà Socrates đã trọn đời đi lang thang truyền dạy, và cũng chính vì nó mà Socrates sẵn lòng hy sinh mạng sống của mình.

Socrates cho rằng con người bỏ đi ánh sáng tâm linh thì sẽ như thế nào?[1]

Hầu hết thế nhân chỉ là con rối giữa cuộc đời. Người ta nói mà không biết những gì mình đang nói, làm mà không biết rõ việc mình làm. Tất cả là trống rỗng và dối gạt. Một con người không tự chủ là một con rối giữa đời. Họ không phải là con người độc lập, nhưng là nô lệ. Dù cho giàu có đến mấy người ấy cũng là một người nô lệ: nô lệ của dục vọng, của ham muốn….và họ không còn tự mình định đoạt công việc và số phận.

Tạo hóa ban cho mỗi người cái tâm yêu sự thiện, không cầu mong gì cả trong lúc làm lành, đấy là Chí Thiện, lý trí thẳng ngay để phân biệt điều tốt điều xấu, là lý trí trong sáng; lòng yêu thương, là tình yêu thương. Ba điều trên là ánh sáng nội tại, mà ai cũng có. Người sống trên đời tốt đẹp và hoàn thiện là do ánh sáng ấy mà nên. Xã hội loài người hòa bình, thịnh vượng ấm no cũng là nhờ những người dân trong xã hội trở về với ánh sáng tâm linh ấy. Nó là căn bản của những người đích thực là một con người; nó là những điều kiện cho một thế giới thái bình mà chúng ta mơ ước. Ánh Sáng Nội Tại chính là luân lý Đạo Đức và tinh thần sáng suốt. Cho nên, Socrates kêu gọi con người trở về sống với nội tại, tức là trở về Đạo Đức, luân lý. Xã hội thái bình theo Socrates cũng là một xã hội Đạo Đức luân lý ngự trị điều hành.

Socrates nói rằng con người trở về sống áng sáng tâm linh nội tại sẽ như thế nào?

Đó là một người tự biết về mình, một người đạo đức, nhân cách thanh cao, nói những lời đúng đắn. Người ta biết rõ rằng đạo đức thì chân thật bền lâu, hòa bình an ninh, đem lại hạnh phúc. Còn những thứ vật chất phù hoa chỉ là tạm bợ, nay còn mai mất, là nguyên nhân dẫn đến tội ác, đem đến khổ đau. Nếu có lý trí trong sáng trở về mình, tự hiểu mình sống có đạo đức thì xã hội ngày càng tốt đẹp. Đó là kết quả của suy nghĩ, tư duy. Lý trí trong sáng đưa ta tới tư tưởng thích nghi, hoà hợp với chí thiện. Đó là luận đề hoà hợp trong triết lý của Socrates.

Lý trí trong sáng loại bỏ lý trí rối rắm. Những tư tưởng ích kỷ, hại người, những ý nghĩ ám muội, những âm mưu gian xảo, không thuộc lý trí trong sáng. Đó là phần lý trí rối rắm của những tâm hồn tà gian ác độc, rời bỏ chí thiện và tình yêu thương. Trong xã hội đời thường của Hy Lạp trên 2500 năm trước - thời Socrates, và thực tại thế giới ngày nay ta thấy đại đa số lười tư duy sáng tạo. Con người hay suy nghĩ theo lý trí rối rắm. Những khiếm khuyết tệ hại đó làm cho thế giới loạn lạc, loài người suy đồi. Do vậy, muốn bỏ đi lý trí rối rắm đó để xây dựng một con người đích thực thì phải qua ba việc:     

Tự mình thanh tẩy mình

Khi Socrates đặt câu hỏi với người đối thoại, ông luôn khơi gợi cho con người ấy trở về quán xét mình. Người ấy thấy mọi điểm tựa, mọi điều ham thích mà họ lao tâm tìm kiếm… đều hoàn toàn sụp đổ, khiến nó sững sờ. Bây giờ người ấy đột nhiên đứng trước một con người mới cũng lại là chính họ. Họ bắt đầu khám phá ra điều này vô cùng lợi ích xây dựng con người tự do đích thực là chính mình. Tình trạng ấy là tự thanh tẩy mình. Đây là tiến trình của sự tự thanh tẩy.

Sự tự định đoạt độc lập tự chủ

Sau khi con người tự thanh tẩy, con người có một tinh thần và trí thông minh mới mẻ, nhờ nhìn và nhận định sự việc không hoặc ít sai lầm và nhận thức sáng suốt hơn. Trí thông minh loại bỏ những thành kiến. Nhờ có tinh thần sáng suốt nên con người tự định đoạt việc làm của mình một cách độc lập và tự chủ, không hoặc ít lệ thuộc bởi các tác nhân khác.

Sự xây dựng con người chân chính, đích thực

Con người tàn ác xấu xa, vẫn là kẻ khổ sở, vì là kẻ phạm tội trước ánh sáng tâm linh nội tại của chính mình. Trái lại người sống hòa hợp với ánh sáng tâm linh, với cái Chí Thiện và Tình Yêu Thương, thì luôn luôn được thư thái, dù gặp những nghịch cảnh của cuộc đời cũng không ảnh hưởng đến tâm hồn thư thái của họ. Nếu bị cư xử bất công, người đạo đức vẫn sẵn sàng gánh chịu. Cũng như Socrates cam chịu án tử hình dù án ấy bất công. Tất cả những trường hợp như thế, người đạo đức vẫn xem là những cơ hội để họ có hành vi cao cả, xây đắp thêm hình tượng con người chân chính.[2] Bởi thế Socrates nói; “Đức hạnh không có lúc chấm dứt, nó luôn luôn tạo tác nên”. Chính vì vậy, trước lúc chết, ông nói với Criton: “Các con chỉ chôn cái thể phách của thầy thôi”.

“Tự biết mình”, là hoàn toàn biết rõ bản chất ý thức lẫn vô thức của chính mình, là động cơ tạo nên năng lực, sự tiết độ và thành đạt. Các cá nhân gặp phải khó khăn trong đời sống phần lớn bởi vì họ không thực sự hiểu được bản chất, khả năng, giới hạn, động cơ – toàn bộ cung bậc tính cách của chính họ. Thực chất, họ cần đến một tấm gương “tâm lý” có khả năng giúp họ nhận ra bản ngã của chính mình, bao gồm toàn bộ ưu khuyết điểm và tiềm năng thực tế của họ. Một người thực sự biết mình sẽ đạt được thành công trong cuộc sống, bởi lẽ anh ta biết chính xác những gì nằm trong khả năng của mình cũng như cách thức vận dụng chúng. Ngược lại, một người không tự biết mình sẽ liên tục vấp ngã, thậm chí đi đến chỗ hủy hoại cả cuộc đời.

Hầu hết mọi người đều cho rằng họ tự biết rõ chính mình, rằng “không ai gần gũi ta hơn chính bản thân ta”. Tuy nhiên, tự tin không có nghĩa là tự biết mình. Thực ra, một người khôn ngoan và từng trải có thể “biết” về bạn nhiều hơn chính bạn đấy! Socrates đã đặt ra câu hỏi: “Phải chăng bạn cho rằng bạn tự biết mình, đơn giản chỉ vì bạn sở hữu ‘cái tên’ của mình?”. Ông cũng chỉ ra rằng, nếu muốn biết về một con ngựa, chúng ta phải nắm được tuổi đời, sức vóc và tình trạng sức khỏe của nó, từ đó mới có thể xác định được mức độ nhanh nhẹn và khả năng làm việc của nó. Nguyên lý này cũng áp dụng đúng với con người. Để hiểu chính mình, con người phải biết được mọi dữ kiện có liên quan đến sự tồn tại của mình trên cõi đời. Quá trình tìm hiểu bản thân đòi hỏi không ít nỗ lực. Nói cho cùng, tự biết mình là một lẽ thiện trong đời.[3]  

Chú giải:

[1] NGUYỄN HÓA, Triết học cổ Hy Lạp giảng yếu, Thanh niên, Tr.64.
   - WILLIAM S. - MABEL L.,  Tư tưởng của các triêt gia vĩ đại, Lâm Thiện Thanh - Tâm Duy Chân, Biên dịch, Tp.HCM, 2001, Tr.132.

[2]NGUYỄN HÓA, Triết học cổ Hy Lạp giảng yếu, Thanh niên, Tr.67.

[3] WILLIAM S. - MABEL L.,  Tư tưởng của các triêt gia vĩ đại, Lâm Thiện Thanh - Tâm Duy Chân, Biên dịch, Tp.HCM, 2001, Tr.53, 54
Previous Post
Next Post