Chúng ta đã thấy từ bỏ và tâm bồ
đề, hai điều kiện tiên quyết để tu tập, giúp ta khám phá bản chất tinh yếu của
mình như thế nào. Từ bỏ thì nới lỏng thói chấp thủ khoái lạc và thói nương tựa
tướng ngoài để được thỏa mãn; bồ đề tâm thì ngược lại với ngã ái chỉ biết mong
an lạc cho mình. Bây giờ ta sẽ xét điều kiện căn bản "thấy đúng".
Ở đây thấy đúng ám chỉ trí tuệ
nhận thức rõ cách thế hiện hữu của chính ta và những hiện tượng khác. Trí tuệ
này là liều thuốc chữa những quan niệm sai lầm của ta về bản thân và thế giới.
Bao lâu còn nặng những sai lầm này thì ta vẫn còn vướng vào thế giới do tâm ta
phóng chiếu, và lang thang mãi trong vòng bất mãn do ta tự tạo. Nhưng nếu có
thể nhổ tận gốc những quan niệm sai lầm ấy, thì ta sẽ cảm nghiệm được hạnh
phúc, sự tự do khoáng đạt mà hiện tại ta đã đánh mất.
Thấy đúng sự thực không phải là
điều gì huyền bí. Không phải cứ trừng mắt nhìn vào không gian để cầu được một
tia sáng về chân lý. Không phải cái thấy sai lầm là ở đây trên mặt đất, còn
chính kiến là ở đâu đó trên trời xanh. Ta cũng chớ nên nghĩ tà kiến cư ngụ
trong đô thị ô nhiễm còn chính kiến phải tìm giữa không khí trong lành trên núi
tuyết. Hoàn toàn không phải vậy. Cái thấy đúng có thể có ở bất cứ nơi nào, vào
mọi lúc. Gương mặt đẹp của thực tại vốn ở trong mọi hiện tượng, ngay đây và bây
giờ. Chỉ cần ta trút bỏ những lớp tưởng tượng che mờ tri kiến thuần tịnh về
thực tại. Lỗi là tại ta, và giải pháp cũng ở ngay nơi ta.
Khi ta có ý nghĩ cố định rằng
mình hiện hữu một cách đặc biệt nào đó, thì chính là ta đang có ảo tưởng. Mỗi
khi soi gương, ta thường có ý tưởng cố định: "Hôm nay tôi trông thế nào?
Tôi không muốn người khác thấy tôi như vậy!" Mặc dù thực tế là ta thay đổi
từng sát na, ta vẫn tưởng mình có một thứ bản chất trường cửu bất biến nào đó.
Cái nhìn của ta đối với thế giới
bên ngoài cũng mê muội không kém. Các giác quan ta đã quen nhận thức ngoại vật
theo kiểu nhị nguyên, nghĩa là mỗi đối tượng dường như hiện hữu biệt lập nội
tại. Ta tưởng những vật ấy nhất định có thực, chỉ vì mình có thể thấy nghe ngửi
nếm sờ. Nhưng đấy là ảo tưởng không dính dấp gì đến sự thực.
Chúng ta cần thời gian luyện tập
và tra tầm sáng suốt mới đoạn trừ được cái thấy sai lầm thâm căn cố đế và khám
phá cách hiện hữu thực thụ của sự vật. Nhưng để khởi sự, ta chỉ cần một chút
hoài nghi những gì xuất hiện trong tâm. Ví dụ vừa khi nhận ra mình đang nghĩ
"tôi là thế này" "tôi phải là thế nọ"- thì ta nên nhớ lại
đấy chỉ là ảo tưởng, bịa đặt nhất thời của tâm ta. Ta cũng không nên thụ động
chấp nhận ngoại giới là hiện hữu độc lập, như chúng có vẻ. Tốt hơn ta nên hoài
nghi những gì giác quan và khái niệm thông thường nói với ta, cũng như người đi
mua hàng khôn ngoan khi mua một chiếc xe cũ thì không dễ gì tin ngay mọi sự mà
người bán hàng quảng cáo về chiếc xe ấy.
Mộng và sự trống rỗng
Muốn rõ tưởng tượng thường đánh
lạc hướng ta như thế nào, và làm sao để thoát khỏi ảnh hưởng chúng, ta nên nghĩ
đến những kinh nghiệm trong mộng. Khi thức giấc, còn đâu những người ta thấy
trong chiêm bao? Họ từ đâu đến? Họ đã đi đâu? Họ có thực hay không? Dĩ nhiên là
không. Tất cả những người và kinh nghiệm trong mộng đều là những tướng hiện ra
trong tâm mê ngủ. Chúng chỉ có thực trong lúc ta còn mộng, nhưng khi tỉnh dậy,
chúng chỉ là một hồi ức phi thực. Khi ta đang ngủ, dường như chúng có thực, một
hiện hữu cụ thể biệt lập. Nhưng khi tỉnh dậy ta mới thấy đó chỉ là những phóng
chiếu từ cái tâm mộng mị của mình. Mặc dù những người trong giấc mộng có vẻ rất
thực, song kỳ thực họ hoàn toàn trống rỗng, không một hiện hữu khách quan.
Cũng thế, mọi kinh nghiệm của ta
lúc tỉnh táo, kể cả ý thức mạnh mẽ về cái tôi, là hoàn toàn phi thực. Mặc dù
các hiện tượng rõ ràng có đấy, kỳ thực chúng không có thực tính nội tại. Chỉ
khi tâm phàm tình của ta được bật lên, vận hành, thì những hiện tượng tương đối
ấy mới hiện hữu với ta. Nếu tâm phàm tình ấy được tắt đi, thì những hiện tượng
ấy không còn hiện trong tâm ta nữa.
Điều muốn nói là, những người và
vật làm nên thế giới giác quan ta cảm nhận, kỳ thực không hiện hữu một cách cố
định, khách quan như ta thấy. Những tướng trạng ấy chỉ là biểu hiện của tâm
phàm tình, do tâm mê tín thấy rồi đặt tên. Tuy nhiên, cũng không hề gì nếu mọi
sự có vẻ như thực, mà tai hại là ở chỗ ta chấp nhận các tướng xem như thực.
Thói quen tin tưởng và chấp nhận
thực có các pháp, là một thói quen ta đeo đẳng từ vô thủy, không phải một quan
điểm triết học ta mới học, nên không dễ gì từ bỏ. Nhưng ta có thể khởi sự nhổ
gốc rễ tập quán lầm lạc ấy nhờ nhận ra sự mê muội trong cách thông thường ta
nhận thức thực tại. Bản năng tin thực có mọi sự, chỉ là một khái niệm vô giá
trị không liên can gì đến sự tồn tại đích thực của chúng. Chỉ cần hiểu chừng ấy
cũng đủ khởi sự giải thoát ta khỏi những thói quen mê tín. Khi ấy ta bắt đầu
thức tỉnh.
Ngã chấp và bất an
Không những mọi sự bên ngoài
không có thực tính khách quan như ta tưởng, mà ngay cả ý thức về cái ngã bên
trong cũng vậy. Theo bản năng, ta có cảm giác mình thực sự hiện hữu, rõ ràng có
chất lượng lắm. Ta không hoài nghi gì về cái tôi sờ sờ này cả, và dường như
thực phi lý nếu xem nó cũng chỉ là một ảo tưởng. Tuy nhiên nếu chịu khó tìm cho
ra cái tôi thực thụ, ta sẽ thấy không thể nói nó ở đâu. Đầu, tay, chân hay bất
cứ thân phần nào khác của ta đều không thực là ta.
Về tâm ta cũng thế: không một ý
tưởng hay cảm xúc nào trong vô số ý tưởng cảm xúc liên tục khởi lên và biến mất
trong ta, thực sự là cái ta. Và dĩ nhiên không thể tìm cái ý thức chắc chắn về
bản ngã này ở đâu khác ngoài cái hợp thể thân tâm này. Mặc dù không thể tìm đâu
ở trong hay ngoài thân tâm này, một cái ngã độc lập tự hữu, thế mà ta vẫn bám
lấy cái ngã một cách chặt chẽ thâm căn cố đế, như thể nó là một cái gì rất
thực. Niềm tin bẩm sinh này vào một cái không có thực, nguồn gốc căn để của mọi
rắc rối, có thể gọi là sự "chấp thủ bản ngã". Cái tín ngưỡng sai lầm
này không do ai dạy, nó đã sinh ra cùng với ta từ thuở ta mới lọt lòng. Quả
thế, đầu tiên cũng chính sự chấp thủ bản ngã này đã thúc đẩy ta tái sinh.
Ngã chấp bám lấy quan niệm sai
lầm của nó như thế nào? Ta có thể có một khái niệm về điều này khi nhìn vào
những ý tưởng mình một lúc: "Tâm tôi đang giải thích thực tại như thế nào?
Nó nghĩ tôi là ai?" Nếu tra tầm sắc bén, ta sẽ khám phá ta mang theo mình
một thứ quan niệm có sẵn, cụ thể về chính mình, "Đây đích thực là
tôi" và quan niệm ấy không liên can gì đến thực tại.
Vì quan niệm có cái tôi, ta nghĩ
"Chắc chắn tôi phải hiện hữu ở đâu đó, tôi có thực." Không bao giờ ta
chịu xét cái mà ta cho thực là cái tôi, chỉ là hậu quả của sự đặt tên, gán nhãn
hiệu cho một nhóm thành phần tâm vật lý luôn luôn thay đổi. Ngã chấp nơi ta
nhất định không công nhận cái tôi chỉ là một giả danh, một tên gọi, vì nó cố
thiết lập và duy trì ý thức cố định bảo đảm về một tự ngã đồng nhất. Nó cả
quyết "tôi thực hữu một cách độc lập nội tại. Tôi không phải là một cái gì
do mê tín hô triệu lên." Nhưng sự xác quyết này hoàn toàn sai. Đấy gọi là
tà kiến, căn để mọi rắc rối của chúng ta.
Chúng ta quá quen thuộc với những
tướng cụ thể bề ngoài, đến nỗi thực không dễ gì bỗng chốc chuyển thành một lối
nhìn buông lỏng hơn, thoải mái hơn. Bản ngã ta- đúng ra, sự chấp ngã nơi ta -
vô cùng mãnh liệt, nó chống lại bất cứ quan điểm nào đe dọa sự an ninh của nó.
Nó bị giao động sâu xa khi nghe nói cái tôi cũng như bất cứ gì khác, chỉ là do
tâm phân biệt khéo vẽ vời. Bởi vậy ta phải chờ đợi gặp nhiều kháng cự khi thiền
quán về tính phi thực của cái ngã. Đây là chuyện tự nhiên; chính ngã chấp thâm
căn cố đế trong ta đang chống lại sự hủy diệt.
Nhận ra kẻ thù bên trong
Khi ngã chấp còn tiếp tục lối nhìn
thô thiển hạn cuộc của nó, thì ta không thể nào có được kinh nghiệm khoáng đạt
về cái toàn thể mà tự thâm tâm, ai cũng khát khao. Bởi thế, muốn ra khỏi những
khái niệm và tưởng tượng sai lầm, trước hết ta phải loại trừ ý nghĩ sai lạc về
chính mình. Ta cần biết rõ cách suy nghĩ hiện tại của ta về chính mình, cách ta
bám lấy ý thức sai lầm về tự ngã. Vì không thể nào có được cái thấy đúng nếu ta
chưa hiểu rõ cái thấy sai thông thường của ta ra sao.
Những bậc thầy đã nhấn mạnh cần
phải nhận ra một cách chính xác sự vô nghĩa của tâm phân biệt trong ta. Nếu chỉ
biết tà kiến về ngã một cách mơ hồ, lý thuyết, thì dù có áp dụng thiền quán
mãnh liệt cũng không ăn thua gì, không trừ diệt nó được. Ta phải nhận diện căn
nguyên vấn đề mình bằng cách quán tâm để tìm những ngộ nhận đặc biệt của nó.
Chỉ khi ấy ta mới có thể tấn công vấn đề từ căn để; nếu không thì giống như kẻ
thù đang tiến tới từ bên đông mà ta lại huơ kiếm ở bên tây.
Điểm này đáng nhấn mạnh: một
trong những lý do ta phải chịu đủ khổ đau trong vòng sinh tử, hết cảnh bất toại
ý này đến cảnh bất toại ý khác, chính vì ta không nhận ra được vấn đề đến từ
phía nào. Ngay cả khi không còn lầm tưởng rắc rối là do ngoại cảnh, ta vẫn
không nhận diện chính xác được kẻ thù bên trong. Chẳng hạn ta có thể cho nguồn
gốc nỗi bất mãn éo le là do ta đã giữ một quan điểm tri thức nào đó, bây giờ ta
chỉ việc điều chỉnh tình huống bằng cách theo một lập trường triết lý cao siêu
khả kính hơn. Nhưng một phương pháp nông cạn như thế không bao giờ đánh trúng
gốc rễ vấn đề.
Vấn đề căn bản của chúng ta không
thuộc tri thức. Có thể lúc đầu ta theo một lối phân tích đặc biệt nào đó về ta
là ai, là gì, rồi sau ta đổi ý, theo một quan điểm hoàn toàn ngược lại. Sự đổi
thay ấy có thể làm tri thức ta thỏa mãn, nhưng không giải quyết được vấn đề căn
bản của ta về ngã. Quả thế, ta có thể kiêu hãnh về trình độ tri thức mới mẻ của
mình, nhưng ta chỉ có làm mỗi một chuyện là thay loại mê tín này bằng loại mê tín
khác. Thay vì làm suy yếu ngã chấp, ta chỉ có thay hình đổi dạng kiểu bám víu.
Nới lỏng kiềm toả của tà kiến
Điều nên nhớ là ngã chấp của ta
không dễ gì loại trừ ngay được. Ta cần nhiều thời gian để khắc phục hoàn toàn
sự chấp tướng. Nhưng hiện tại ta có thể đả phá những tầng thô của tà kiến bằng
cách nới lỏng sự chấp thủ những gì ta cho là thực. Khi ấy dù tướng ngoài của sự
vật vẫn còn đó, ta không dễ bị chúng dụ dẫn cho lạc đường.
Kinh điển thường lấy ví dụ nhà ảo
thuật và khán giả. Nhờ đọc thần chú trên những mảnh đá hay gỗ, một nhà ảo thuật
thiện xảo có thể khiến khán giả trông thành những con ngựa chẳng hạn. Những
người bị mãnh lực bùa chú xem những con vật ấy là có thực. Nhà ảo thuật cũng
thấy ngựa, nhưng dĩ nhiên không cho là thực, vì chính ông đã biến hóa ra chúng.
Trong khi khán giả có thể chóa mắt vì bùa phép, nhà ảo thuật vẫn bất động,
không bị ảnh hưởng gì.
Thông thường, chúng ta giống như
khán giả. Ta tin vào mọi sự vật do khái niệm nhị nguyên của ta đặt ra. Thấy cái
gì có vẻ hấp dẫn, ta chạy theo vì bị tướng ngoài của nó thu hút. Nếu nó hóa ra
là một cái gì không còn hấp dẫn lắm, ta liền muốn chạy cho xa, không buồn dừng
lại để thấy những đổi thay ấy chỉ là cái bóng của tâm mình, không dính gì đến
sự vật. Kết quả là ta cứ bị dẫn từ bất mãn này đến bất mãn khác, tìm kiếm trong
vô vọng một điểm tựa cho cái ngã hão huyền bằng cách theo đuổi hay trốn chạy
những đối tượng huyễn hóa. Cứ thế đời ta trở thành một tấn tuồng vô nghĩa đầy
những xung đột, éo le và thất vọng.
Nhưng ta có thể buông hết những
niềm tin mê muội ấy. Như nhà ảo thuật, dù những huyễn tướng hiện ra đủ kiểu, ta
không cần phải bị chúng lung lạc. Cuối cùng, khi tâm ta sạch hết cái thấy cong
quẹo, thì những tướng đối đãi cũng chấm dứt. Nhưng không đợi đến khi ấy ta mới
giải thoát những cảm xúc mâu thuẫn. Lúc nào ta khởi sự nới lỏng cố chấp, là
ngay lúc đó ta nếm được mùi vị giải thoát tự do.
Đào luyện trung đạo
Khi nghe nói cái "tôi"
không thực và mọi hiện tượng đều huyễn hóa, ta có thể vội kết luận rằng bản
thân ta, mọi người, thế giới và sự giác ngộ... toàn là không thực. Một kết luận
như vậy gọi là chấp không, quá cực đoan. Các hiện tượng có hiện hữu, nhưng cái
cách ta xem chúng độc lập tự tồn, mới là lầm lạc, đáng từ bỏ.
Lấy ví dụ ráng cầu vồng. Dĩ nhiên
nó hiện hữu, nhưng chỉ do tác dụng hỗ tương giữa những giọt nước trong bầu
trời, ánh mặt trời và vị trí quan sát của ta. Vậy, ráng cầu vồng là một hiện
tượng duyên sinh, và nếu tra tầm kỹ ta có thể khám phá ra yếu tố chính (nhân)
và yếu tố phụ (duyên) của nó. Nhưng khi ngắm ráng cầu vồng, ta có thể vì quá
xúc động trước vẻ đẹp của nó mà cố đưa tay ra sờ. Nhưng ta càng tiến tới thì
ráng cầu vồng như càng lùi xa. Dù chạy nhanh và xa bao nhiêu, ta cũng không bao
giờ đuổi kịp nó. Một ráng cầu vồng tự bản chất đã không thể sờ chạm, nên ta
phải nhận thức rằng hiện tượng đẹp đẽ kia chỉ là một bóng hình ta không thể cầm
nắm trong tay hay chiếm làm sở hữu.
Cũng thế, mọi hiện hữu chỉ là
những tướng có ra do tác động của nhiều nhân và duyên. Chúng sinh khởi, tồn tại
rồi biến mất, và suốt thời gian ấy lại thay đổi không ngừng. Ngay bản thân
chúng ta cũng vậy. Dù bản năng chấp ngã của ta tin là có, ta vẫn không tìm thấy
một cái "tôi" cố định nào ở trong hay ngoài những hợp thể tâm-vật lý
luôn biến đổi này "của ta." Chúng ta và mọi hiện tượng khác đều trống
rỗng, không một mảy may tính thực hữu, tự tồn. Và chính cái "chân
không" này mới là bản chất tối hậu của mọi hiện hữu.
Bản kinh trong đó đức phật Thích
Ca giảng giáo lý sâu xa nhất của ngài về Chân không là kinh Bát nhã ba la mật
(bản kinh được cầm tượng trưng trong tay trái đức Văn Thù, hiện thân của trí
đại giác.) Và vị luận sư Ấn độ đã giảng giải và truyền bá giáo lý này là Long
Thọ (Nagarjuna), ngài vừa là một luận sư sâu sắc và hành giả mật tông vĩ đại.
Hệ thống phân tích triết học của Long
Thọ có tên là Trung đạo, vì nó tránh hai cực đoan như hữu và phi hữu, thường và
đoạn, tôn sùng và phỉ báng. Theo Long Thọ, tất cả quan niệm thông thường của
chúng ta về điều này điều nọ đều sai lầm, vì chúng ta quen gán lên đối tượng
giác quan những tính chất cụ thể, biệt lập và tự hữu, mà kỳ thực chúng không
có. Nói cách khác, quan niệm ngu mê phàm tình của chúng ta về thực tại - cái
tôi và các pháp - đều là mê tín, vì có đối đãi nhị nguyên.
Như đã nói, ta luôn phóng chiếu
một hình ảnh sai lạc lên đối tượng, rồi tin tưởng rằng hình ảnh ấy thực là đối
tượng. Khi đã có vài khái niệm về thói thấy sai của mình, ta có thể có phản ứng
quá trớn là phủ nhận hiện hữu của tất cả mọi sự. Đấy là cực đoan chấp không,
không những sai lạc mà còn rất nguy hiểm. Điều cần hiểu là, sự vật quả có hiện
hữu, nhưng không hiện hữu theo cách ta tưởng. Cái khó trong việc đào luyện
chính kiến về trung đạo là không chấp nhận tính thực hữu độc lập của các pháp,
nhưng cũng không phủ nhận sự hiện hữu duyên sinh của chúng.
Khi ta cố áp dụng luận lý để
chứng minh một pháp nào đó là trống rỗng, không thực hữu nội tại, thì lắm lúc
có vẻ hơi căng. "Cái này trống rỗng vì lý do này...hay lý do kia, lý do
nọ. "Đôi khi việc ấy dường như khó chịu. Điều này chắc chắn xảy đến; quá
nhiều lý luận thường có hại cho tuệ giác hơn là có ích. Những lúc như vậy, ta
nên nới lỏng sức ép của lý luận, chỉ quan sát cách vận hành của cái vật ta đang
tìm kiếm, nó từ đâu đến, hoạt động như thế nào, vân vân.
Ví dụ khi khảo sát một vật để
khám phá nó có tự tính hay không, ta có thể nhớ lại: "Món này được thợ lắp
ráp trong xưởng, chuyên chở bằng tàu đến chợ bán; rồi tôi mua về dùng."
Khi được nhìn cách ấy, bản chất phi tự hữu của vật ấy trở nên sáng sủa hơn. Ta
thấy nó do duyên sinh, lệ thuộc nhiều điều kiện mới tồn tại được, vận hành như
vậy như kia. Cách thấy ấy giảm bớt cảm giác ta có về các pháp là hiện hữu biệt
lập, tự tồn, chắc thực. Đấy là một cách hiểu trực tiếp tiện lợi về duyên sinh,
phi tự tính hay tính không. Khi đã quen lối nhìn ấy, ta dễ dàng thấy tại sao
các bậc thầy quá khứ công bố duyên sinh là vua của luận lý, là cách tốt nhất để
hiểu thực trạng của mọi sự vật.
Theo quan điểm Long Thọ, tất cả
pháp đều không thực tính độc lập, kể cả Tâm và Phật. Ta không thể nói một vật
vô giá trị như thùng rác là trống rỗng không thực tính, còn một đối tượng vô
cùng tôn quý như đức Thích ca mâu ni là thực có tự tính. Không phải vậy. Trên
phương diện Tính không hay bất nhị, thì thực tại tối hậu của Phật và thực tại
tối hậu của thùng rác đều giống nhau.
Kết luận thực tiễn về tất cả điều
này là, tránh chấp nhận mọi hiện tướng nhị nguyên - tự tha, tốt xấu...- xem như
tuyệt đối có thực, nhưng cũng không hoàn toàn chối bỏ chúng. Thay vì thế, ta
nên giữ thái độ hơi buông lỏng, hơi hoài nghi. Ta nên ý thức chính vì sự vật
đối với ta có vẻ rõ ràng là thế này thế nọ, nên mới có năng lực dẫn ta đến mâu
thuẫn rối ren. Khi ý thức rõ điều này, ta sẽ không tự cho phép mình rơi vào bùa
lực chúng một cách dễ dàng như trước. Và nếu ta tập luyện để quán tính trong
sáng nguyên ủy của tâm trong đó các tướng này sinh khởi, thì ta có thể đi vào
cái kinh nghiệm về bất nhị trong đó mọi xung đột rối ren cuối cùng đều lắng
xuống.