Ít ham muốn biết đủ là hạnh phúc

“Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. Bất tri túc chi nhân, tuy xứ thiên đường diệc bất xứng ý” nghĩa là người biết đủ dù nằm trên đất vẫn thấy an lạc, trái lại người không biết đủ dù ở cung trời cũng không vừa ý

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, trên đà phát triển và hội nhập trong thời đại Internet hay công nghệ toàn cầu hóa. Mọi người luôn rất bận rộn với mọi lo toan cho nhu cầu cuộc sống của bản thân, họ đâu còn có thời gian để quan tâm đến các giá trị của tinh thần. Họ cứ mãi đi tìm những thứ hạnh phúc giả tạm ở bên ngoài mà có mấy ai tìm về với bản tánh hằng thanh tịnh của chính mình. Khi càng cố gắng tìm không được như ý thì họ càng thất vọng, để khi thất vọng rồi thì họ mới quay về nơi giá trị con người thật của mình.

Vì phần nhiều thường mọi người vì danh vì lợi, rong duổi theo vật chất xa hoa, không biết sao cho vừa. Người thiếu thốn ham muốn đã đành, nhưng người giàu sang, của cải vật chất đầy đủ thế mà vẫn còn ham muốn, một khi đã tham muốn thì không bao giờ thấy mình đầy đủ cả. Vì vậy mà cứ mãi chìm đắm trong bể khổ trầm luân. Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật dạy “sống trong ba cõi mê mà không nhận diện được hạnh phúc, luôn thấy mình đau khổ bất an, thì chẳng khác nào như đang bị thiêu đốt trong nhà lửa”, con người luôn chán ghét khổ đau để truy tìm, mong cầu hạnh phúc. Do vậy cái đích cuối cùng của kiếp người cũng chỉ là khát khao có được hạnh phúc, an bình và tự do. Thật đúng thế, khi lòng tham, sự ham muốn là cái thùng không đáy thì làm sao có thể lấp đầy được.

Và đạo Phật kịp thời xuất hiện, như giải mã cái trắc ẩn của kiếp người, giải bày một cách logic và tường tận để chỉ rõ lối đi ra khỏi sự ám ảnh khiếp sợ của nhân sinh, đưa chúng sinh ra khỏi khổ đau, thật sự tận hưởng niềm phúc lạc vô biên của sự tự giải thoát. Trong khế kinh có nói “ tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. Bất tri túc chi nhân, tuy xứ thiên đường diệc bất xứng ý” nghĩa là người biết đủ dù nằm trên đất vẫn thấy an lạc, trái lại người không biết đủ dù ở cung trời cũng không vừa ý. Vì vậy, để đối trị lòng tham Đức Phật khuyên chúng ta phải biết thiểu dục tri túc.

Thiểu dục là muốn ít, tri túc là biết đủ. Muốn ít là đối với cái chưa có mà nhu cầu mong cho có như là muốn có một cái nhà để ở che nắng, che mưa, hay là cần một phương tiện để đi cho nhanh, cho lẹ để đở mõi chân, đở tốn thời gian là được chứ không cần phải có một chiếc xe hơi xa hoa, lộng lẫy quá sức tài chính của mình. Người biết đủ là dù gặp hoàn cảnh nào cũng an phận tùy duyên, chuyện ăn, mặc, ở, tự thấy mình là đủ rồi, không tham cầu nhiều nữa, để khỏi phải khổ sở về tinh thần.

Tại sao ham muốn nhiều lại khổ đau? Vì bản chất cuộc đời là vô thường nên không đáp ứng thỏa mãn tham dục của con người. Vì bản chất của con người là dục vọng, là vô minh cho nên con người luôn luôn tìm cầu vui thú trong ngũ dục à để từ đó đưa con người đến chỗ khổ đau, như khát nước mà uống nước biển, càng uống lại càng khát. Đó không phải là lời giải của khổ đau. Con người chúng ta thường hay chìm đắm trong ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy).

1. Người ham muốn về tiền của thì dù nhà cao cửa rộng, sống trong điều kiện vật chất sung túc cũng chưa thấy biết đủ, với lòng tham mong sao có thật nhiều tiền càng nhiều lại càng muốn thêm.

2. Người ham muốn về sắc đẹp, suốt đời rong ruổi đi tìm hoa, thấy ai có sắc đẹp là lòng ham muốn dục vọng khởi lên, đắm say, đi tìm cách này cách khác gần gũi cho bằng được. Khi đã thỏa mãn thì ruồng bỏ người đẹp này chạy theo người đẹp khác, luôn luôn bị sắc đẹp sai khiến mất hết cả nhân cách.

3. Người tham muốn về danh vọng: thì suốt đời mãi đi tìm kiếm chức cao, danh vọng. Họ luôn dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, khi ba mẹ sinh họ ra không hề có tật nhưng vì ham muốn danh lợi nên phải sinh ra tật, luồn cúi chổ này đến chổ khác.

4.Người ham muốn ăn ngon thì suốt đời lân la bên những cao lương mỹ vị, quanh quẩn bên những tiệc bàn, tìm khoái khẩu trong những miếng ngon vị lạ. Thế giới của họ thu hẹp lại trong những món ăn và những người bạn rượu.

5.Người ham muốn ngủ nghỉ thì quá nữa đời mình lẫn quẩn trên những chiếc gường, ăn xong lại nghĩ đến chuyện đi nằm, nằm là ngủ, ngủ xong lại muốn ngủ nữa, mất cả tự chủ của mình.

Lòng tham muốn quá độ là cho người ta xao xuyến, mất hết tự chủ của mình và làm nô lệ cho những ham muốn của bản thân mà thôi. Một khi đã bị lòng tham dục điều khiển thì con người sẽ gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi, làm những chuyện tội ác mà không gớm tay. Lại chính những lòng ham muốn ấy mà mình không biết đủ, để đến khi muốn mà không được thì đổ lỗi cho người khác, nhân đó mà sinh ra cạnh tranh xung đột làm cho nhân loại chịu lắm điều khổ đau.

Lòng tham muốn quá độ làm cho con người tối mắt với những sự phải trái, thúc đẩy con người vào con đường tội lỗi, chẳng hạn như một kẻ không có năng lực, đạo đức gì cả mà muốn mình có quyền uy thế lực, nhà cửa cao rộng không ngần ngại gì mà bày ra các mưu mô xảo quyệt đen tối để đạt được mục đích cá nhân của mình, thậm chí có thể đánh đổi luôn cả tính mạng.

Túi tham đã không đáy thì càng tham lại càng thấy thiếu. Chúng ta đừng lầm tưởng rằng một khi lòng tham muốn được thỏa mãn thì sẽ hết tham muốn. Nhưng trái lại, hễ tham muốn được toại nguyện thì lòng tham muốn sẽ to hơn, lớn hơn.

Người mà lửa tham muốn nung nấu trong đầu thì lúc nào cũng luôn thấy mình thiếu thốn, thiếu món này lại thấy thiếu món khác, rồi thèm khác mãi không lúc nào được toại ý cả, mà không toại ý lại càng khổ. Vì vậy mà cúng ta phải biết tạo cho mình một nếp sống lành mạnh, tốt đẹp. Thích nghi với mọi hoàn cảnh có bao nhiêu ta hưởng bấy nhiêu để cho mình không thiếu thốn gì cả. Dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào ta cũng luôn làm chủ mình để không bị nô lệ của dục vọng, làm nhân tốt cho sự giải thoát sau này.

Lòng tham muốn làm cho ta khổ sở bao nhiều thì thiểu dục tri túc làm cho ta hạnh phúc bấy nhiêu. Đó là lẽ đương nhiên. Nhờ thiểu dục tri túc mà ta biết yêu thương, chia sẽ, giúp đỡ với mọi người, biết trãi lòng mình ra khắp hết thảy chúng sinh. Nhờ thiểu dục tri túc mà con ma dục vọng không làm sao xui khiến được mình, nhờ thiểu dục tri túc mà con quỷ tham lam chẳng có quyền hành gì sai sử được mình nữa. Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất nữa thì lòng người bắt đầu được tự do giải thoát. Bởi vì lòng ham muốn nhiều không mang lại hạnh phúc chân thật mà chỉ là khổ đau. Cần sống thiểu dục tri túc mới mang lại cho chúng ta niềm vui chân thật và đích thực.

Nguồn: chuabuuda.com
Previous Post
Next Post