Khi cái Tâm không chịu tĩnh lặng…

Cuộc đời một con người bị hoang phí không biết bao nhiêu thời gian bởi cái Tâm luôn đòi suy nghĩ, suy tư, lo lắng, buồn phiền, bất an, giận dữ, chán nản, oán trách… Cũng chỉ bởi, con người luôn nuối tiếc về quá khứ, và lo lắng cho tương lai. Nhưng đã là con người, trừ các vị Phật gia trải qua bao năm tu luyện, thì có ai thoát khỏi cái Tâm luẩn quẩn này. Bởi thế, câu nói “Đời là bể khổ” không phải là sai.

...Cái suy nghĩ vô thức nó xảy ra nhanh và “vô kỷ luật” lắm, rồi nó kéo theo luôn hệ thống các phản ứng theo bản năng, làm ta bị lệ thuộc vào chúng. Để ta buồn, lo lắng, bất an, giận dữ… Cuộc đời con người như những tên nô lệ bởi chính suy nghĩ của mình.

Khi một suy nghĩ dấy lên, theo bản năng lại sinh cho ta những cảm xúc không an lành, và điều đó làm ta buồn, làm ta khổ. Ta buồn, ta khổ, thì tất nhiên vô hình, ta sẽ làm cho những người tiếp xúc với ta khổ, nặng hơn thì còn gây hấn với họ, chẳng may gặp phải người không hiểu ta, người cứng rắn, hay so đo thì dễ lại mâu thuẫn một mối quan hệ giữa hai con người. Đó là mới chỉ xét tới ta. Nếu xét rộng ra trong cả đất nước này, nhân lên hơn 80 triệu cái như ta, hoặc cả thế giới này, hơn 6 tỉ cái ta, thì có khác gì “reo gió thành bão”. Thế mới biết, tư tưởng chủ đạo của con người có mức ảnh hưởng biết chừng nào.

Rồi đây, lại một tin nhắn: “em đi hát, chắc sẽ về muộn” làm ta lại suy nghĩ, nghĩ lại những lần em đi về muộn (vì lý do này, lý do kia), rồi lại suy diễn linh tinh. Bắt đầu những cái được gọi là phẩm hạnh về một người con gái lại nổi lên trong suy nghĩ của ta. Những cái “quan niệm truyền thống” đó đặt lên ta những nguyên tắc, mà làm ta cảm thấy tức giận, lo lắng, bất an khi người con gái ta yêu có vẻ như vi phạm những nguyên tắc, quan niệm đó. Ta bắt đầu suy nghĩ từ một điểm “đi chơi về muộn này” sẽ dẫn tới một cái gọi là “không có giờ giấc, không nề nếp”, hay “ham vui quên giờ giấc”. Và những điều đó có thể là những con sâu tuy nhỏ nhưng có thể phát triển trong cuộc sống sau này. Ta vẫn rất giận, giận sôi lên.

Thế mới biết, nhận thức được một vấn đề và coi nó như là chính nó thật là khó. Thực tế, cần phải có luyện tập. Vì bản chất hệ thống cảm xúc của ta nó đang hoạt động theo cơ chế vốn có của nó, ta phải luyện tập, phải nhận thức để tập cái thói quen xen giữa khoảng từ “suy nghĩ” tới “cảm xúc” để có thể kịp điều chỉnh dần dần cái cảm xúc.... cuộc sống này, càng hiện đại và tốc độ trong thông tin, càng phong phú, đa dạng càng làm cho cảm xúc của con người phải biến thiên liên tục. Giữ được trạng thái an bình phải chăng là khó lắm thay.

Vậy thì, đâu là con đường tới cánh của “Bình yên”? Liệu rằng theo đuổi sự “Bình yên” là một sự vô vọng, hay là một sự lẩn tránh thế giới hiện thực?

Từ ngàn xưa, tu hành vốn được coi là một con đường “thoát khổ”, là tránh xa cuộc sống trần tục, để sống trong một môi trường đơn sơ, giản dị, nhưng cũng phép tắc để con người cứ thế mà sống, không bị biến động nhiều. Đồng thời, họ cũng thực hành Thiền định thường xuyên, như một cách để rèn luyện cái Tâm.

Thế nhưng, xã hội này, đi tu đâu phải là giải pháp lựa chọn cho nhiều người. Vì thế, đạo Phật thời gian gần đây đã lan ra cuộc sống “trần thế” để con người có thể nắm được tư tưởng “Thoát Khổ”, rồi học Thiền định để rèn luyện Tâm. Tuy nhiên, những người tu hành cũng phải trải qua bao năm trong một môi trường khắc nghiệt, hàng ngày tiếp xúc giáo pháp, có Thầy, có bạn bè bên cạnh cùng luyện tập, mà đã có mấy người thực sự “Thoát khổ” và đạt được cảnh giới “Bình yên”. Huống chi là “người trần mắt thịt” ti toe vài cuốn sách, vài cuộc hội thảo, vài buổi nói chuyện, đọc vài bài báo, tập vài ba tháng… làm sao có thể đạt được cái “bình yên”.

Vậy,... làm thế nào để tu luyện được cái “Bình an tự tại” đây?

- Trước hết, phải tâm niệm một điều, con đường tới thành công luôn rất dài và chông gai, phải những người thực sự quyết tâm, thực sự nỗ lực, thực sự kiên trì, thực sự nhẫn nhịn thì mới có thể nếm được quả ngọt.

Chưa cần xét đến nhiều khía cạnh, nhưng một nguyên lý bất di bất dịch, đó là: Chỉ có thể đạt được trạng thái Bình an thì ta điểu khiển được Tâm và cảm nhận được điều Vô thường trong cuộc sống.

- Cuộc sống của những con người tham lam, hoài bão về vật chất và danh vọng thì không bao giờ có thể có được trạng thái “Bình an” được. Họ phải đánh đổi thôi.

- Thiết nghĩ, cầu “Bình an” không phải là thu hẹp, đơn giản hóa cuộc sống của mình đến mức “keo kiệt”, “cô lập”. Vì thực chất, đó là một hình thức trốn tránh cuộc sống, bỏ đi những quyền được tận hưởng cái vui, cái đẹp của đời một con người. Mà “Bình an” nằm ở chỗ khi có sự kiện xảy ra, con người ta vẫn đủ khoảng lặng, đủ nhận thức để biết được đó là điều gì, và nên hành động như thế nào, mặc dù cảm xúc có thể lúc thế này lúc thế kia. Chúng ta có thể điều khiển cảm xúc để nó không xảy ra những tiêu cực, nhưng thực chất, cách này thế gian này có ai làm được đây. Vì vậy, mà ta phải lựa chọn suy nghĩ và hành động sau cảm xúc. Vì cốt yếu vẫn là những suy nghĩ và hành động sau đó. Chúng có làm dịu đi cảm xúc tiêu cực không, chúng có tạo nên những sắc thái vui vẻ không, chúng có gây ra hậu quả gì không, chúng có làm tăng thêm cường độ cảm xúc tiêu cực không… Thực chất, cái hay và cái dở nó nằm hết ở chúng.

- Trong tất cả cảm xúc tiêu cực thì có lẽ “Giận” là cảm xúc mang tính hủy hoại lớn nhất. Nhẹ thì nó làm xấu đi một mối quan hệ, xấu đi hình ảnh một con người, nặng thì nó làm tan vỡ cả một gia đình, thậm chí có thể dẫn tới hy sinh một con người, một thế hệ hay một quốc gia. Thực tế, có rất nhiều lý do để ta giận, để ta “ngụy biện” cho cơn giận của mình… Nhưng trong cái thời đại “tri thức” này thì cái để lý luận một cái gì đó là đúng, là sai thì vô chừng lắm. Vấn đề ở đây là cái hành động của ta đem tới kết quả gì. Khi ta giận, trước hết, ta đang “giết dần” chính chúng ta, bất kể lý do gì.

Khi ta giận, chỉ cần kèm theo một lời nói, hay một hành động… nó sẽ để lại những nuối tiếc, những hậu quả cho ta, và có những hậu quả mà không bao giờ, xin nhấn mạnh thêm rằng, không bao giờ có thể cứu vãn nổi. Mấy ai khi giận mà có thể tĩnh lặng làm thinh… Mặc dù ta cũng là người dễ giận, hay giận… nhưng cũng phải công nhận rằng, con người, nói chung khi giận thì như một con chó, gặp ai cũng sủa, chỉ muốn lao ra cắn, bất kể người đó có làm gì đúng sai. Vì thế, một vị thủ tướng khi giận, hay một thằng ăn mày khi giận thì cũng đều là như nhau hết. Con người thật đáng khinh bỉ khi giận dữ. (Không biết ta có đang giận điều gì không?)

Vậy nên, trong mọi hoàn cảnh, kiềm chế những cơn thịnh nộ, không chỉ là gìn giữ mối quan hệ được tốt đẹp mà còn bảo vệ cho sự bình an trong cái Tâm của mình vậy!

Khúc giao mùa.
Previous Post
Next Post