Chúng ta sinh ra ở thế gian này,
đa số là không biết để làm gì; chúng ta cứ hồ đồ sinh ra, rồi lại hồ đồ chết
đi. Trong khoảng thời gian từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, chúng ta vì danh
mà điên đảo, vì lợi mà đảo điên, vì sắc mà nghiêng ngả, vì muốn ăn ngon mà ngả
nghiêng, vì ham hưởng thụ mà điên điên đảo đảo. Vì sao chúng ta điên đảo? Bởi
vì chúng ta không nhận thức được bổn phận làm người của chính mình, cho nên,
chúng ta cứ bỗng chốc thì sinh lên cõi trời, hốt nhiên lại đọa xuống địa ngục.
Từ khi sinh ra đến lúc chết đi,
chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến việc muốn chân chánh hiểu rõ ý nghĩa căn bản của
làm người là gì! Mà chúng ta lại chạy theo thanh, đuổi theo sắc, rồi ở trong
thanh, sắc, danh, lợi mà ra sức xoay chuyển. Chúng ta chỉ biết ngày ngày đi
kiếm tiền để duy trì sự sống, nhưng chúng ta đâu có hiểu một cách rốt ráo là
mình sống vì cái gì! Nếu chỉ đơn thuần là vì ăn uống, mặc y phục, ngủ nghỉ, như
thế thì cuộc sống có giá trị gì? Bởi ai nấy đều không đem vấn đề này ra để làm
cho rõ ràng, cho nên cứ sống hồ đồ, rồi lại chết một cách hồ đồ. Đến lúc chết
mà người ta vẫn còn vướng mắc cái này nọ, nào là con trai con gái, nào là tài
sản của cải- thật là bỏ không đành! Nhưng, dù không thể buông bỏ, họ cũng chẳng
làm gì được. Đến lúc chết thì cũng phải chết thôi!
Chúng ta học Phật là để hiểu rõ
về tiến trình sinh tử, rồi sau đó chúng ta tu hành mà giải thoát sinh tử.
Chuyện sống chết nếu chưa hiểu rõ thì chúng ta làm việc gì cũng chẳng có ý
nghĩa. Cho nên, quý vị là người học Phật, trước hết nên nhận thức rõ ràng về
vấn đề căn bản này. Quý vị phải hiểu rõ là mình sinh ra như thế nào và chết đi
như thế nào, đồng thời cũng phải hiểu rõ nhiệm vụ làm người là như thế nào. Nếu
quý vị hiểu rõ những nhiệm vụ này rồi, thì quý vị sẽ không còn hồ đồ nữa.
Người xưa có nói:
Lai thời hoan hỷ khứ thời bi,
Không tại nhân gian tẩu nhất hồi,
Bất như bất lai diệc bất khứ,
Diệc vô hoan hỷ diệc vô bi.
Nghĩa là:
Đến thì vui vẻ, đi thì buồn,
Dạo một vòng đời rồi cũng không,
Chi bằng không đến cũng không đi,
Để không vui vẻ, cũng chẳng buồn.
“Đến thì vui vẻ” (lai thời hoan
hỷ): Khi đứa bé được sinh ra đời, trong bất cứ gia đình nào, mọi người cũng đều
rất vui mừng.
“Đi thì buồn” (khứ thời bi): Lúc
có người chết, người trong gia đình cũng rất bi ai, khóc lóc kêu van. Khi đến
thì cười, khi ra đi thì khóc. Nhưng lúc đứa nhỏ ra đời thì nó lại khóc, đến lúc
ra đi nó cũng không quên khóc. Chúng ta vui khi thấy người ta sinh ra, đến khi
thấy người ta chết thì mình khóc, đứa bé chết mình cũng khóc, người già chết
mình cũng khóc, người trung niên chết mình cũng khóc. Vợ chết thì chồng khóc,
chồng chết thì vợ khóc. Xét cho cùng thì khóc lóc có ích lợi gì? Đó gọi là hồ
đồ vậy!
“Dạo một vòng đời rồi cũng không”
(không tại nhân gian tẩu nhất hồi): Trong cuộc đời này, chuyện gì chúng ta cũng
không hiểu rõ. Khi đến thì không, khi đi cũng không, chúng ta cũng chẳng được
lời thêm hoặc là bị lỗ vốn một chút nào. Mà lỗ vốn gì đây? Người sống ở đời mà
làm công đức tốt thì được thăng lên, nếu tạo ác nghiệp thì sẽ bị giáng xuống.
Những người không làm việc thiện công đức, hoặc cũng không gây nghiệp ác, thì
họ sẽ không được thăng lên mà cũng chẳng bị giáng xuống. Họ sẽ không lên thiên
đường, mà cũng không xuống địa ngục, nhưng họ vẫn còn tiếp tục xoay chuyển ở
trong “công xưởng hóa học” của cõi nhân gian.
Con người chúng ta là một công
xưởng hóa học nhỏ. Khi quý vị có thêm một chút gì trong tư tưởng thì một chút
đó sẽ biến thành tư liệu. Nếu quý vị gia tăng công đức thiện, quý vị sẽ được
thăng lên, như sinh lên các cõi trời để làm người trời, hoặc sinh làm người ở
cõi nhân gian, hay là trở thành A Tu La. Nếu quý vị gây nghiệp ác, quý vị phải
đọa địa ngục, làm ngạ quỷ hoặc làm súc sinh. Nếu quý vị không lên cõi trời mà
cũng không xuống địa ngục, thì quý vị sẽ ở nhân gian mà sống một cuộc đời bình
thường. Trong cuộc đời này, quý vị ăn cũng không ít, mặc cũng không ít, ngủ cũng
không ít, vậy thì cuối cùng quý vị sẽ được cái gì? Thì cũng vẫn là tay không mà
đến, tay không mà đi. Cho nên câu kệ nói: “Dạo một vòng đời rồi cũng không.”
“Chi bằng không đến cũng không
đi” (bất như bất lai diệc bất khứ): Đối với cuộc đời như thế, rốt cuộc thì
chúng ta sống có ý nghĩa gì? Không có ý nghĩa gì lớn lao cả; bởi vậy “chi bằng
không đến cũng không đi.”
“Để không vui vẻ cũng chẳng buồn”
(diệc vô hoan hỷ diệc vô bi): Nếu chúng ta không đến thì sẽ không có cái hoan
hỷ, cũng không có cái bi ai. Như vậy không phải là bình lặng quá hay sao? Nhưng
con người đâu có cam chịu cảnh vắng lặng. Không có chuyện, họ cũng ráng kiếm
chút chuyện để làm; cho nên họ cứ ở trong sáu nẻo luân hồi, chuyển tới chuyển
lui, sinh rồi lại tử, tử rồi lại sinh, cứ ở đấy mà làm người hồ đồ. Quý vị nói
là họ đã hiểu rồi, nhưng mà họ hiểu cái gì? Tôi không tin là họ đã hiểu. Họ chỉ
hiểu cái tướng hư vọng vô thường của thế gian, cho nên tâm họ thường có phiền
muộn, thường không được an vui. Quý vị thử nói đi, người sống như thế thì rốt
cuộc là có mục đích gì? Nếu chúng ta có thể hiểu rằng làm người là không có ý
nghĩa, thì chúng ta nên tìm cho ra cái ý nghĩa chân chánh của việc làm người là
gì!
Riêng bản thân tôi thì cảm thấy:
“Mạng người vô thường, chỉ trong khoảnh khắc thở ra hít vào.” Ngày xưa có ba
ông lão-một vị chín mươi tuổi, một vị tám mươi tuổi và một vị bảy mươi tuổi. Ba
ông lão cùng họp mặt chung vui trong bữa tiệc liên hoan.
Vị bẩy mươi tuổi nói: “Năm nay
hội đủ trước bàn tiệc, không biết sang năm sẽ thiếu ai?” Ý ông muốn nói là năm
nay ba người chúng ta vui vẻ cùng nhau ăn cơm, uống rượu, nhưng không biết sang
năm trong ba chúng ta sẽ vắng ai.
Vị tám mươi tuổi liền nói: “Ông
nói chuyện viễn vông quá! Hôm nay cởi được giầy và vớ, chẳng biết ngày mai mang
nổi không?” Nghĩa là tối nay tôi cởi giầy vớ ra, nhưng không chắc rằng ngày mai
tôi còn có thể mang giầy và vớ lại được.
Ông lão chín mươi tuổi bảo: “Ông
nói cũng quá xa vời. Hơi thở tôi vừa thở ra, nó có trở lại nữa hay không tôi
cũng chẳng biết!” Ông ta nói thế bởi vì ông đã chín mươi tuổi rồi. Chúng ta mỗi
người hãy suy gẫm về những lời bàn luận của ba ông lão này. Chúng ta có thể
chắc chắn được rằng mình sẽ chẳng chết hay không?
Có một người trung niên, sau khi
chết anh ta đến gặp Diêm Vương và nói rằng: “Tuổi tôi còn trẻ, sức khỏe cường
tráng như vầy, Ngài gọi tôi xuống đây để làm gì? Tôi vẫn còn có thể làm được
nhiều việc lắm. Ngài muốn gọi tôi xuống đây mà cũng không thông báo trước cho
tôi một tiếng. Ngài không hề đánh điện tín hay viết thư cho tôi trước, để tôi
biết mà chuẩn bị. Bây giờ Ngài bắt tôi đến đây, thật là vô lý!”
Diêm Vương bèn nói: “Ta đã gởi
thư cho ngươi mấy lần rồi, mà ngươi lơ đãng, đâu có để ý đến.”
Người trung niên thưa: “Ngài gởi
thư cho tôi hồi nào?”
Diêm Vương đáp: “Ta gởi cho ngươi
lá thư thứ nhất là lúc người hàng xóm của ngươi sinh được đứa con và chỉ hai
hôm sau thì đứa bé chết; vậy ngươi có nghĩ là ngươi cũng sẽ chết hay không?”
Anh trung niên thưa: “A! Lá thư
đó là gởi cho tôi sao? Tôi không nhận ra những chữ như thế, mà tôi cũng không
biết đọc thư. Thế còn lá thư thứ hai?”
Diêm Vương nói: “Ngươi đã thấy
nhiều người suýt soát tuổi ngươi cũng chết mà, đó là thư thứ hai đấy.”
“Nhưng tôi không nghĩ là tôi cũng
sẽ chết. Còn lá thư thứ ba?”
Diêm Vương tiếp: “Ngươi đã nhìn
thấy người già tai thì điếc, răng thì rụng, vậy sao ngươi không cẩn thận một
chút. Ngươi có nghĩ rằng tương lai cũng sẽ tới phiên mình hay không?”
Người trung niên nghe xong thì
cúi đầu ủ rũ, không nói được lời nào.
Mỗi người trong chúng ta rồi cũng
sẽ nhận được những lá thư như thế, nhưng rồi cũng đều không chú ý đến. Chú ý
thì có ích gì? Chúng ta có phương pháp gì không? Chúng ta nên cố gắng học Phật,
học cách liễu thoát sinh tử. Đối với sinh tử, chúng ta phải nắm chắc là mình sẽ
được tự do trong việc sống và chết. Một số người nói đến tự do, nhưng là thứ tự
do giả mà thôi. Sinh tử tự do, tức là mình muốn sống thì sống đến bao lâu cũng
được; nếu mình muốn chết thì chết lúc nào cũng được. Nói đến thì đến, nói đi
thì đi. Mình từ đâu đến, mình cũng biết; mình đi đến nơi nào, mình cũng biết.
Học Phật Pháp là vì muốn đi lại tự do, sinh tử là do mình quyết định, Diêm
Vương cũng không quản chế nổi. Dù ông ta có gởi bao nhiêu điện tín, bao nhiêu
lá thư đến, mình cũng không màng tới.
Muốn được tự do sinh tử thì chúng
ta phải bắt đầu từ đâu? Chuyện này rất đơn giản, cũng không có gì huyền diệu
cả, mà cũng không cần mỗi ngày phải đọc bao nhiêu bài chú gởi đến Diêm Vương. Ở
đây, tôi có Lục Đại Tông Chỉ. Nếu quý vị lấy sáu đại tông chỉ này làm cơ sở, và
rèn luyện thân tâm, quý vị sẽ được tự do về sinh tử. Lục Đại Tông Chỉ chính là:
1 - Không tranh: Không tranh là
kể cả không nổi nóng. Một chút nóng giận cũng không được có. Với ai mình cũng
không nổi nóng. Không nổi nóng thì phiền muộn vô minh cũng sẽ giảm ít đi. Phiền
não dứt rồi thì trí huệ sẽ phát sinh, và chúng ta dùng tâm từ bi mà cư xử với
mọi người.
2 - Không tham: Không tham tài
cũng không tham sắc; không tham danh cũng không tham lợi, cái gì mình cũng
không tham muốn. Mà nên là “anh cần cái gì thì tôi sẽ cho anh cái đó.”
3 - Không cầu: Không truy cầu bên
ngoài, những thứ không nên có thì mình tuyệt đối không cần đến.
4 - Không ích kỷ: Nguyên nhân
khiến chúng ta không thể thành Phật và phải đọa vào tam ác đạo chính là lòng tự
tư ích kỷ. Nếu chúng ta không có lòng ích kỷ, thì bất kỳ tội nghiệp gì cũng
không có.
5 - Không tự lợi: Chúng ta không
nên vì lợi ích cá nhân mà bất chấp thủ đoạn để làm lắm chuyện phi pháp, hoặc
làm những việc tổn hại đến kẻ khác.
6 - Không vọng ngữ: Tức là hãy
nói thật. Chúng ta tuyệt đối không nên dối gạt kẻ khác, hoặc nói những lời nghe
có vẻ chân thành nhưng thật ra lại là giả dối.
Lục Đại Tông Chỉ này của Vạn Phật
Thánh Thành là tôi vì hai thầy “Tam Bộ Nhất Bái” (ba bước lạy một lạy) mà nói.
Nhưng cho đến hôm nay thì họ vẫn chưa làm được nhiều. Tại Vạn Phật Thánh Thành,
tất cả mọi người đều nói về Lục Đại Tông Chỉ. Ai có thể thực hành theo một cách
đầy đủ, thì người đó sẽ ra khỏi Tam Giới, sẽ thành Phật. Nếu tự mình không thể
thực hành theo, thì cũng không nên oán trách rằng người khác đã không giúp đỡ
mình.
Chỗ hiểu biết của tôi là ở Lục
Đại Tông Chỉ này. Bất luận là làm việc gì, nếu quý vị có thể giữ đúng theo Lục
Đại Tông Chỉ, quý vị sẽ không tạo nghiệp. Đó là những điều kiện tối cơ bản để
thành Phật; cho nên, nếu chúng ta có thể làm được thì thế giới sẽ thái bình.
Khi giữa người và người không còn sự tranh chấp, thế giới này làm sao mà không
hòa bình cho được? Giữa người với người không còn sự tham lam-tôi không tham
muốn những gì của anh-mà cũng không tham những tiền của bất ngờ; lúc đó, mọi
người sẽ cùng nhau chung sống trong hòa bình. Một khi mọi người đều không tham,
không cầu, không tranh, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ, thế giới tự
nhiên sẽ hòa bình và vĩnh viễn không có sự phân tranh. Quý vị là những người
học Phật, trước hết hãy nên nhận thức rõ ràng về những điều kiện cơ bản này, vì
như vậy quý vị mới có được sự giúp ích lớn lao đối với việc học Phật.
Nguồn: dharmasite.net