Trong lịch sử phát triển tư tưởng
Phật giáo, các Luận sư ngày xưa có khuynh hướng dùng thuyết 12 Nhân Duyên để
giải thích sự vận hành của sinh mạng. Tại sao người ta sinh ra? Tại sao luân
hồi tiếp tục mãi? Giáo lý 12 Nhân Duyên trở thành một lý thuyết để chứng minh
vòng sinh tử luân hồi.
Một khuynh hướng diễn giải về 12
Nhân Duyên theo chiều dọc, (trục tung độ). Trong khuynh hướng này có hai cách trình
bày khác nhau. Theo đường xuôi thì bắt đầu từ Vô Minh và chấm dứt với Lão Tử.
Theo chiều ngược, bắt đầu từ Lão Tử đi trở lại Vô Minh. Trong kinh, Bụt thường
theo cách trình bày Tứ Diệu Đế, mở đầu bằng những khổ đau hiện thực của chúng
sinh là Lão Tử, rồi lần tìm các nguyên ủy để dẫn tới Thức và Danh Sắc, cùng
toàn bộ những duyên tạo khổ đau. Hầu hết các Luận Sư sau này, vì chủ ý là cắt
nghĩa sự vận hành của Luân Hồi nên đã đi theo chiều Thuận, lấy Vô Minh làm điểm
khởi hành.
Một hậu quả của lối trình bày này
là gây ra cảm tưởng Vô Minh là nguyên nhân đầu tiên của mọi sinh mệnh. Nhưng
giáo lý Đạo Bụt không phải những tư tưởng theo lý luận đường thẳng, nên ta
không thể nói về một nguyên nhân đầu tiên.
Nhiều vị luận sư đã lập ra lý
thuyết gọi là Tam Thế Lưỡng Trùng. Tam Thế tức là ba đời: quá khứ, hiện tại, vị
lai. Lưỡng trùng là hai tầng nhân quả. Theo thuyết này Vô Minh và Hành được xếp
vào quá khứ. Hiện tại gồm có Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu.
Còn Sinh và Lão Tử thuộc về vị lai. Trong 12 chi, hai chi đầu thuộc về kiếp
trước, hai chi sau thuộc về tương lai, còn tất cả tám chi ở giữa thuộc về hiện
tại. Sự phân chia đó nghe cũng hấp dẫn, nhưng có thể gây nhầm lẫn nguy hiểm.
Nguy hiểm vì người học có thể nghĩ lầm rằng nếu Sinh và Lão Tử thuộc về tương
lai thì trong kiếp hiện tại không có Sinh và Lão Tử. Cũng vậy, Vô Minh và Hành
được xếp trong quá khứ, nhưng chúng ta biết cũng trong hiện tại có Vô Minh và
Hành. Trong tất cả các chi phần của 12 Nhân Duyên, ta đều nhận ra sự có mặt của
Vô Minh và Hành.
Trên một ngàn năm qua, thuyết Tam
Thế Lưỡng Trùng được coi như mẫu mực. Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, và Xúc được xem
như là quả, mà nhân là Vô Minh và Hành. Trong kiếp trước đã có nhân Vô Minh và
Hành cho nên hiện tại phải có quả là có Thức, có Danh sắc (thân, tâm) có Lục
Nhập và có Xúc. Đó là cặp nhân quả đầu. Rồi tại vì Thọ, Ái, Thủ, và Hữu mà chúng
ta tạo nhân, cho nên trong tương lai chúng ta phải chịu quả Sinh và Lão Tử. Hai
lớp nhân quả phối hợp các Duyên, nối kết Quá khứ, Hiện tại và Vị lai, cho nên
gọi là Tam Thế Lưỡng Trùng. Ngày xưa tôi cũng học và cũng đi dạy lại người khác
như vậy. Nhưng lớn lên, nhờ tu tập cho nên tôi vượt thoát được. Ta phải nương
vào các Tổ để lớn lên, nhưng sau đó ta phải học đặt các vị xuống khỏi vai mình,
để có thể đứng thẳng. Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả là một công thức để giải
thích cho người mới học dễ nhớ. Đó không phải là cách hiểu sâu nhất, đó chưa
phải là thắng nghĩa.
Chúng ta thấy có những lý thuyết
sử dụng Đạo Lý Mười Hai Nhân Duyên để giải thích và thuyết phục người ta về
Luân Hồi. Chúng ta không cần phải làm như vậy nữa. Mục đích của chúng ta là tu
tập. Chúng ta phải học về Nhân Duyên như phương pháp tu tập và chuyển hóa thì
mới đúng với lời Bụt dạy. Chúng ta có thể chữa lại những sai lầm đã tiếp diễn
từ hàng ngàn năm. Có những vị đã đi hơi xa, có thể là đi quá xa. Họ đặt ra
những từ như là Duyên Khởi Pháp và Duyên Dĩ Sinh Pháp. Duyên Khởi Pháp tức là
những pháp có khả năng tạo tác; và Duyên Dĩ Sinh Pháp là những pháp được tạo
tác ra.
Các vị đó nói rằng Vô Minh và
Hành là Duyên Khởi Pháp, tức là những yếu tố có tác dụng tạo tác ra. Hiếp Tôn
Giả và Diệu Âm Tôn Giả xưa đều nói Vô Minh và Hành là những Duyên tạo tác, gọi
là Duyên Khởi Pháp, còn Sinh và Lão Tử được gọi là Duyên Dĩ Sinh Pháp. Theo các
ngài thì Vô Minh và Hành là hai chi phần có tính chủ động, còn Sinh và Lão Tử
chỉ có tính thụ động. Quan niệm đó không đúng với giáo lý tương tức của đạo
Bụt. Theo tinh thần đạo Bụt, chi phần nào cũng là nhân và cũng là quả, chứ
không có cái nào thuần túy là nhân hay quả mà thôi. Các vị giảng Vô Minh và
Hành là Duyên Khởi Pháp, Sinh và Lão Tử là Duyên Dĩ Sinh Pháp. Tám chi ở giữa,
các vị nói vừa là Duyên Khởi Pháp vừa là Duyên Dĩ Sinh Pháp, vừa có tính cách
tạo tác vừa có tính cách được tạo tác. Hai tính chất đó đúng ra phải được áp
dụng cho cả Mười Hai nhân duyên.
Dùng thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng
để cắt nghĩa về cơ năng vận hành của Luân Hồi thì được, nhưng ta đừng nghĩ rằng
giáo lý Mười Hai Nhân Duyên được Bụt nói là để chứng minh cho thuyết Luân Hồi.
Mục đích của đạo Bụt không phải là đưa ra một hệ thống triết học giải thích về
vũ trụ và nhân sinh. Mục đích của Bụt là cho ta một đạo lý để thực tập diệt
khổ.
Chúng ta tạm bỏ phương pháp Tung
theo chiều dọc, để đi trên mặt ngang theo phương pháp Hoành. Phương pháp này đã
được Bụt nhấn mạnh trong các kinh. Không bao giờ Bụt có ý định dạy chúng ta học
Mười Hai Nhân Duyên theo tinh thần đường thẳng (linear, còn gọi là tuyến tính),
theo một kích thước (one-dimensional). Đừng nghĩ rằng Vô Minh sinh ra Hành, rồi
đến lượt Hành sinh ra Thức, đến Thức sinh ra Danh Sắc, v.v.. Hiểu như vậy là
đơn giản hóa và nguy hiểm.
Bụt nói rằng Vô Minh duyên Hành,
tức là Vô Minh có liên hệ nhân quả với Hành, nhưng Bụt cũng dạy Hành có liên hệ
nhân quả với Vô Minh. Nếu Vô Minh nuôi Hành thì Hành cũng nuôi Vô Minh. Vô Minh
quấy động tâm thức, tạo ra những ham muốn, phiền não, tư niệm, ý chí, v.v..
Những ham muốn, ý chí, tư niệm đó quay trở lại làm cho Vô Minh càng nặng. Vô
Minh duyên Hành nhưng mà Hành cũng duyên Vô Minh, là như vậy. Phải bỏ ý niệm
đơn giản và ngây thơ về sự tiếp nối nhân quả theo tuyến tính, chỉ nghĩ đến nhân
quả trong thời gian mà không thấy được nhân quả đồng thời trong
không-thời-gian. Như khi ta nói cây sinh ra lá và cây dẫn nhựa lên nuôi lá, ta
không quên sự thật là lá nuôi cây bằng ánh sáng mặt trời qua hiện tượng diệp
lục hóa. Lá không phải chỉ là con của cây, lá còn là mẹ của cây nữa. Cây lớn
được là do công của lá.
Cũng vậy, ta thấy có liên hệ
tương tức và tương nhập giữa các chi phần của Mười Hai Nhân Duyên. Chúng ta
phải thấy được liên hệ mật thiết giữa mỗi chi phần với Mười Một chi phần kia.
Cho nên chúng ta nên vẽ một vòng tròn hay một mạng lưới (network). Trên mạng
lưới này ta nói Vô Minh duyên Hành nhưng Vô Minh cũng duyên Thức. Nếu Vô Minh
không duyên Thức thì làm sao Thức lại có thể là Thức? Nếu không có Vô Minh
duyên Thức thì Thức đã trở thành Trí rồi. Vô Minh duyên Thức qua Hành, nhưng Vô
Minh cũng trực tiếp duyên Thức. Vô Minh duyên Hành, Vô Minh duyên Thức, đồng
thời Vô Minh cũng duyên Danh Sắc. Trong Danh Sắc ta thấy có chất liệu Vô Minh.
Nếu không có Vô Minh thì Danh Sắc của chúng ta sẽ khác. Cố nhiên trong Lục Nhập
của chúng ta cũng có Vô Minh. Cái Tưởng của tôi về bông hoa được căn cứ trên
con mắt của tôi, căn cứ trên cái sắc (đối tượng của mắt) là bông hoa. Và vì
tính Vô Minh nên cái Tưởng đó mới bị kẹt vào hiện tướng. Cho nên Vô Minh có mặt
trong Lục Nhập.
Vô Minh lại có mặt trong Xúc, có
mặt trong Thọ, có mặt trong Ái, trong Thủ, trong Hữu, trong Sinh và trong Lão
Tử. Vô Minh tương tức với tất cả Mười Một chi phần khác. Vô Minh tương nhập vào
tất cả Mười Một chi phần khác. Vô Minh không phải chỉ nằm ở quá khứ, Vô Minh có
mặt bây giờ và ở đây, trong mỗi tế bào của tôi, trong mỗi tâm hành của tôi.
Trong đời sống hằng ngày phải nhận diện Vô Minh, nhận diện sự có mặt của Vô
Minh thì mới là sự thực tập chân chính. Nếu không có Vô Minh thì tại sao chúng
ta đang bị vướng mắc? Bị vướng mắc tức là đã có Vô Minh. Nếu không có Vô Minh
thì tại sao có hiện hữu khổ đau? Mối quan hệ mạng lưới rất quan trọng. Chúng ta
phải thấy Tung và phải thấy Hoành, phải thấy đồng thời chiều dọc và chiều
ngang. Thời gian và không gian phải được phối hợp để chúng ta có thể chiếu rọi
vào mười hai chi phần. Mỗi chi phần duyên với chi phần đặt trước và chi phần kế
tiếp, đồng thời cũng duyên với tất cả các chi phần khác. Như vậy mới đúng tinh
thần Duyên Khởi, tinh thần tương tức tương nhập.
TS. Thích Nhất Hạnh
Nguồn: thuvien-thichnhathanh.org