Đa số hàng Phật tử chúng ta đều
biết rằng sân hận là một trong những tâm tình độc hại, tiêu cực, vọng động mà
đức Phật đã nhắc nhở chúng ta phải chuyển hóa nó.
Thông thường, khi gặp việc gì rắc
rối, chúng ta thường có hai thái độ:
1/ Chống Đối.
2/ Nếu không chống đối được thì
chúng ta “Tránh Né”. Tránh né tức là chạy trốn, hay không dám đối đầu với sự
thật của vấn đề vì cảm thấy yếu đuối, sợ hãi.
Trực diện vấn đề có hai cách:
Tiêu cực và tích cực. Trực diện tiêu cực có hai cách: Trực tiếp và gián tiếp.
Trực diện trực tiếp tiêu cực, hay
chống đối, là chống lại sự thật (vì mình không chấp nhận), nên càng chống thì
càng tức giận thêm. Ví dụ, trên chiến trường của hai đoàn quân đối nghịch nhau,
càng hô hào và giết hại lẫn nhau thì họ càng hăng say bắn giết lẫn nhau.
Ngoài ra đa phần theo khoa tâm lý
trị liệu Tây Phương thì họ cho rằng khi tức giận ai đó hay điều gì, chúng ta
nên tìm đến các nhà tâm lý học hoặc bất cứ ai cảm thông nỗi khổ niềm đau của
mình để bộc lộ hết những sự tức giận đó, hoặc trút hết cơn nóng giận lên một
vật vô tình nào đó, cũng giống như mở nắp bình nước sôi, để luồng khí nóng của
bình nước sôi được tỏa ra, bằng không thì có ngày nó sẽ nổ tung nếu không có
chỗ để xì hơi. Đó là cách trực diện gián tiếp tiêu cực.
Ngược lại, đa phần người Việt Nam
chúng ta quen đè nén, kềm chế tâm tình tiêu cực đó, để cho đến một ngày nọ, nó
sẽ nổ tung như quả bom nguyên tử, rồi hại mình và hại người. Đó là thái độ
Tránh Né, chạy trốn, không dám đối đầu với vấn đề.
Xem qua chúng ta thấy rằng trực
diện tiêu cực hay tránh né đều đem đến kết quả là khiến cho tâm thái của chúng
ta càng tức giận hay sợ hãi hơn, thì làm sao giải quyết hay chuyển hóa được tâm
sân hận.
Nói chung, bên cạnh việc chống
đối tiêu cực (làm tăng lòng thù hận) chúng ta nên tránh hai thái cực: Một bên,
chúng ta tìm đối tượng thứ hai để “xì hơi nóng ra”, còn một bên thì chúng ta cố
gắng đè nén. Cả hai thái độ đó điều đưa đến sự đau khổ. Nghĩa là nếu “xì hơi
nóng” được với người thứ hai thì chắc chắn qua thói quen đó, có ngày chúng ta
sẽ cho nổ tung “trái bom nguyên tử” sân hận đó đến với người thứ nhất (người
chọc giận hay làm mình bực tức). Ngược lại, nếu đè nén quá thì cũng có một ngày
“trái bom” sân hận đó sẽ nổ tung, như khi chúng ta dùng tay đè lên một chiếc
bong bóng chẳng hạn.
Chúng ta biết rằng tìm mục tiêu
thứ hai để “xì hơi” hoặc đè nén đều không thể nào giải quyết hay chuyển hóa
hoàn toàn gốc rễ của tâm sân hận.
Có nhiều cách chuyển hóa tâm sân hận.
1/ Trực diện và nhận thức: Trong
kinh điển thiền quán Minh Sát, đức Phật có dạy rằng khi thiền quán, bất cứ cảm
thọ hay tâm tình nào nổi lên chúng ta đều nên giác biết. Nhờ giác biết như vậy
(tức là trực diện và nhận thức) mà những tâm tình đó không còn gạt mình nữa;
nghĩa là chúng sẽ không dẫn thân và khẩu của mình đi tạo nghiệp.
2/ Thấy tất cả tâm thức đều là
vọng: Theo Thiền Tông Đại Thừa thì chúng ta phải buông xả tất cả vọng tưởng để
trở về với chân tâm thanh tịnh, như Lục Tổ dạy Thượng Tọa Minh “Không nghĩ
thiện, không nghĩ ác, gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh”. Ví như dù
bụi bặm hay mạt vàng đi nữa nếu đã rơi vào mắt thì sẽ gây tai hại cho mắt. Dù
là suy nghĩ lành hay xấu, sự suy nghĩ đó cũng lạc vào chấp thủ hai bên; có nghĩ
lành thì chắc chắn sẽ có nghĩ xấu; có nghĩ xấu thì từ từ sẽ nghĩ lành lại. Lành
và xấu như hình với bóng, như ngày với đêm. Vì vậy, hành giả nếu muốn vượt lên
sự chấp thủ hai bên (nhị nguyên) đó thì phải buông xả hết tất cả để trở về với
tâm chân thật.
Đó là hai cách thiền quán phổ cập
trong đạo Phật. Nếu Phật tử nào hành trì được một trong hai phương pháp đó thì
rất tốt, còn nếu thấy rất khó thì có thể dùng nhiều phương tiện để chuyển hóa
tâm sân hận.
3/ Nhận thức tham là gốc hay là
anh em song đôi của sân: Như câu chuyện ghen tương của nữ phi hành gia Lisa
Marie Nowak, Hoạn Thư, v.v… Do đó, chúng ta nhớ rằng tham nhiều thì sân nhiều.
Tham ít thì sân ít. Không tham thì sân cũng không còn.
4/ Lấy từ bi xoá bỏ hận thù: Khi
tâm vừa khởi sự bực tức thì có thể quán chiếu rằng mình càng nên thương người
đã và đang hại mình nữa, vì họ đã và đang tạo nghiệp xấu để bị đọa lạc trong
tương lai.
5/ Biết tâm sân hận sẽ đưa mình
xuống hố thẳm đọa lạc: “Giận mất khôn” là điều mà mọi người đều hiểu rõ. Do đó,
chúng ta cố gắng nhắc nhở mình đừng nuôi con rắn độc đó mãi bằng cách quán
chiếu hay nhớ đến những câu chuyện thương tâm đã xảy ra cho mình và cho người
chỉ vì con rắn độc đó.
Nếu hằng ngày chúng ta đọc kinh,
nghe lại lời Phật dạy về sự độc hại hay mối nguy hiểm của việc giữ tâm tình
tiêu cực đó, như câu “Một tâm niệm sân hận vừa khởi lên thì có trăm ngàn sự
chướng ngại nổi lên” hay “Một tâm sân nổi lên thì đốt cháy cả rừng công đức”,
v.v… Nhờ thường xuyên quán chiếu những lời dạy đó, nên khi vừa khởi tâm sân,
chúng ta liền cố gắng buông xả không chấp vào nó, thì nó không thể nào hại mình
được.
6/ Nương nhờ vào thần lực của chư
Phật và chư Bồ Tát: Như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Bồ Tát Quán Thế Âm
có dạy rằng nếu người nào nhiều sân hận thì khi niệm danh hiệu của Ngài thì
liền hết sân hận. Nếu chúng ta có niềm tin chắc thật vào Ngài thì mỗi khi khởi
tâm sân lên, nên niệm “Nam
mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Ngoài ra, nhờ thường niệm danh
hiệu và nghĩ nhớ đến lòng đại từ đại bi thương chúng sanh như con một của Ngài
mà từ từ chúng ta sẽ chuyển hóa được vọng tâm đó. Lại nữa, đối với hàng Phật tử
Việt Nam, chúng ta cũng có thể đọc tựng thần chú Đại Bi vào mỗi khi tâm tình
vọng động đó nổi lên, hoặc nhờ hằng ngày trì tụng thần chú này mà cũng có thể
nương nhờ vào oai lực gia trì của Bồ Tát để chuyển hóa tâm sân đó.
Đối với các Phật tử tu theo pháp
môn Tịnh Độ, mỗi khi con rắn đó bò vào nhà tâm thức thì mình liền niệm “Nam Mô
A Di Đà Phật” để cảnh tỉnh.
Đối với hành giả Mật Tông cũng
vậy, nhờ thường trì niệm thần chú nên chuyển hóa được con rắn sân hận đó.
7/ Huân tập thói quen buông xả
vọng niệm: Hàng ngày, những cơn hỉ, nộ, ái, ố bám theo chúng ta như bụi bặm bám
trên thân mình. Cứ suy nghĩ đi, nếu hoặc một ngày, cho đến một tháng mà chúng
ta không tắm rửa thì mình mẩy khó chịu đến dường nào. Cũng vậy, nếu chúng ta tự
nhủ với lòng mình rằng mỗi khi bụi bặm sân hận nổi lên, chúng ta nên cố gắng
tập hạnh buông xả nó, như thể mình đang tắm rửa cho thân, thì nó không có cách
nào bám víu hoặc quấy rầy mình nữa.
Đó là những cách thức chuyển hóa
tâm sân hận tổng quát. Đương nhiên, còn rất nhiều phương tiện cũng như cách
thức chuyển hóa tâm sân hận khác nhau tùy theo ý thích cũng như căn cơ và trình
độ tu học của mỗi Phật tử.
Nói tóm lại, chúng ta đừng nên đè
nén hay “xì hơi” tâm sân hận, mà hoặc trực diện nhận thức nó, hoặc thấy nó là
huyễn là giả, hoặc thấy nó là độc hại, thì từ từ sẽ chuyển hóa được nó.