Nếu…!

Chúng ta ai cũng đều ước mơ được sống trong một thế giới hoàn toàn tốt đẹp. Một thế giới ít có sự đau khổ về vật chất và tinh thần. Một thế giới mà con người bớt lo âu về nỗi sống chết. Một thế giới mà những con vật hiền lành không còn sợ những kẻ ác tâm giết hại chúng. Một thế giới mà chính con người không còn hành động lang sói với con người nữa.

Nếu phỏng chúng ta nói đó là điều có thể thực hiện, chắc có nhiều kẻ không khỏi la lên bảo: “Làm sao có thể thực hiện được?” Nếu các Phật tử cũng như mọi tín đồ Thiên chúa đều thực hành đúng những giới cấm của đức Phật và những điều răn của Chúa thì thế giới này có thể thay đổi được không? Mọi vấn đề quan yếu đều do ở nơi chữ Nếu bé nhỏ này.

Ðiều răn trước nhất của tín đồ Thiên chúa là gì? “Con không được giết”. Và giới cấm đầu tiên của người Phật tử là chi? “Phật tử không được sát sinh”. Nghĩa là người Phật tử không bao giờ có quyền giết hại bất cứ một sinh vật nào, bởi lẽ trong Kinh Pháp Cú đức Phật đã dạy: “Mọi người đều sợ hình phạt (gươm súng) mọi người đều sợ chết. Vậy hãy xét bụng ta ra bụng người, đừng giết và đừng bảo giết. Mọi người đều sợ hình phạt, mọi người đều ham sống. Vậy hãy suy bụng ta ra bụng người, chớ giết và chớ bảo giết”.

Chính bởi sự giết hại loài vật, tàn sát cá nhân cùng nhiều kẻ khác của chúng ta đã khiến cho nỗi thống khổ ở thế giới này luôn luôn tồn tại, tăng thêm mãi và không ai có thể thoát khỏi được nghiệp báo của mình. Ðó là cái luật nhân quả tự nhiên, làm ác phải gặp ác vậy.
Nếu tất cả mọi người đều giữ giới không sát sinh thì ai dám bảo rằng cục diện thế giới đen tối này không thể thay đổi được? Nhưng thử hỏi có mấy người tin chắc rằng họ có thể giữ đúng được điều răn “Không giết hại” đó? Mặc dù rất ít, nhưng chúng ta cũng có một tia nhỏ hy vọng, một điểm sáng mờ giữa nền trời đen thất vọng, bởi lẽ lần đầu tiên trong lịch sử hiểu biết của nhân loại, con người đã ý thức được rằng chiến tranh bao giờ cũng gây nên chiến tranh và người chiến thắng cũng như kẻ chiến bại thảy đều đau khổ như nhau.

Thật là hoài công khi luôn luôn bảo với mọi người rằng: “Hận thù không thể diệt được thù hận, và hận thù chỉ có thể chấm dứt bằng tình thương”.Và thấy cũng chẳng lợi ích gì khi khuyên con người nên yêu kẻ thù của nó như thương chính nó, hoặc nói rằng tình thương không bao giờ có thể nẩy nở ở những kẻ còn xem người này hay người khác như kẻ thù. Mà chỉ cần làm thế nào để con người nhận thức được rằng trong khi nó giết hại kẻ khác, tức nó đã tự giết hại chính nó, tất nhiên con người sẽ không còn muốn hành động sát hại lẫn nhau nữa.

Thế giới rộng lớn ngày nay đã thu hẹp lại nhanh chóng đến nỗi không một quốc gia nào, kể cả những cường quốc thịnh vượng, có thể hoàn toàn tránh khỏi được hậu quả sụp đổ về đạo đức cũng như kinh tế của một cuộc chiến tranh, mà hình như còn xa xôi, nhưng hiện tại nó đang đe dọa nền hòa bình của toàn thể các dân tộc trên thế giới. Bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng là chiến tranh huynh đệ. Và có cuộc chém giết nào lại chẳng phải là cuộc tàn sát đẫm máu. Vậy muốn trở nên một con người có tâm hồn trong sạch thì chúng ta đừng bao giờ nên dự vào những cuộc sát hại đau thương ấy. Hơn nữa, mọi đời sống của tất cả chúng sinh đều gắn chặt và cùng mật thiết liên quan.

Giáo lý của đức Phật bao hàm những lời dạy thực tiễn. Ngài thừa biết rằng nơi con người vốn có bản tánh ác. Cái “bản tính xấu” này đã hủy diệt những gì tốt đẹp ở con người. Nhưng lúc Phật dạy nơi con người cũng có một thiện tánh trái lại (thiện tánh này cũng sẵn có như ác tính trên). Thiện tánh đó là Tình Thương. Nó có đủ năng lực cứu con người thoát khỏi biển đời ô trược, dẫy đầy những thảm cảnh chiến tranh tàn khốc.

Trong lúc làm kẻ khác đau khổ, con người đã tự gây đau khổ cho chính mình. Ðó là điều mê lầm hoặc muốn lầm mê của con người. Vô minh là nguồn gốc của mọi tội ác. Vì kém hiểu biết các định luật vật lý, con người đã mắc phải những bệnh tật. Và bởi không nhận rõ được luật nhân quả bất di bất dịch mà chúng ta đã nhầm tưởng rằng chúng ta có thể thoát khỏi được nghiệp báo của chúng ta. Chính sự mê lầm đó là căn nguyên gây nên sự hỗn loạn khổ đau của xã hội chúng ta, chứ công bình hay bất công thảy đểu là những hư từ vô nghĩa.

Chính nhờ lòng từ bi bao la mà đức Phật đã trở thành “Nguồn Ánh Sáng Của Á Ðông”. Chính bởi trí tuệ tuyệt vời mà Ngài đã trở nên đấng dẫn đường độc nhất cho “những người hằng mong thoát khổ”. Và cũng do đầy đủ hai hạnh Ðại Trí và Ðại Từ ấy mà đức Phật đã xuất hiện như một bậc “Ðạo Dẫn Vô Song”, một đức Thầy cao cả có thể đưa dắt, cứu thoát con người khỏi vòng khổ não và diệt được kẻ thù tối hại là Vô Minh. Chính bởi vô minh mà con người đã sinh tâm ích kỷ, tham muốn vô cùng để rồi gây nên những hận thù cá nhân cũng như đoàn thể. Lòng tham sân mù quáng đó có khác gì ngọn lửa hỏa diệm sơn bị dồn ép lâu năm dưới sức nóng trong lòng quả đất để một ngày kia nó bùng phun ra ngoài những lửa và tro tai hại. Cũng vậy, chiến tranh phát khởi là bởi từ lâu đời con người đã nuôi dưỡng ở trong thâm tâm biết bao mầm mống tham lam ác độc.

Với sự hiểu biết chân chánh về cuộc đời ngắn ngủi mong manh, với một nhận thức sáng suốt là mọi sự sống của chúng sinh đều tương quan mật thiết, con người sẽ bắt đầu hiểu được rằng sự đau khổ là do con người gây ra và cũng chính con người đã trưởng dưỡng nó.

Có kẻ nào không thích hòa bình? Nhưng có ai biết được rằng muốn thế giới hòa bình thì trước tiên chính tâm mình phải hòa bình không?

Duy nhất chỉ một con đường, một con đường đã có từ lâu, vô cùng màu nhiệm và thiêng liêng. Ðó là con đường thanh tịnh, có thể cải đổi được toàn diện nhân tính, hướng dẫn con người trong sạch trong lời nói, ý nghĩ và việc làm.

Nhưng ai sẽ theo?

Ai dám theo con đường đó?

Ai? Ồ! NẾU…!

HT. Thích Trí Chơn
Theo tạp chí Pháp ngữ “La Pensée Bouddhique”
Nguồn: chanhphap.us
Previous Post
Next Post