Trong cuộc sống hàng ngày, tất cả
mọi người, từ tấm bé cho đến khi trưởng thành, đều phải trải qua nhiều giai
đoạn khác nhau. Lúc còn nhỏ, chúng ta chỉ biết ăn cho no, ngủ cho đã, chơi cho
sướng, còn mọi chuyện khác, có người lớn lo. Lớn lên một chút, chúng ta được
cha mẹ cho đến trường để học. Ở quê nhà, trước đây, chúng ta được học lễ giáo,
trước khi học chữ nghĩa. Chắc chúng ta ai cũng còn nhớ câu: "Tiên học lễ
hậu học văn". Còn ở hải ngoại, học sinh được dạy dỗ nhiều về trí dục và
thể dục, phần đức dục có phần khiếm khuyết, có nơi hầu như không có!
Sau khi tốt nghiệp, tiểu học
trung học, hoặc là đại học, cũng có những người, kém may mắn hơn, chưa kịp học
xong, tất cả mọi người, đều phải bước qua, ngưỡng cửa cuộc đời. Có người bước
được, những bước chắc chắn, vững chải tốt đẹp, thành công tốt đẹp, vui vẻ hạnh
phúc. Dưới góc cạnh cuộc đời, trong con mắt thế gian, người ta thường cho rằng:
đó là những người "có tài". Dưới cái nhìn trong nhà đạo, đó là những
người "có phước". Cũng có nhiều người, bước đi những bước, loạng
quạng vào đời, có khi vấp ngã, thiệt thòi thương đau, người đời gọi là
"bất tài", hay là "vô phước"!
Dù có tài hay có phước, dù bất
tài hay vô phước, sau sáu mươi năm cuộc đời, người sống lâu hơn, hơn kém trăm
năm, người ta bắt đầu, cảm thấy mệt mỏi, tuổi già sức yếu, lưng còm gối mỏi, da
dẻ nhăn nheo, bệnh hoạn triền miên, cuối cùng thì sao, kết thúc thế nào? Ít
người có thời gian, có can đảm, chịu suy nghĩ về ngày cuối cùng của cuộc đời
mình. Một nấm mồ với tấm mộ bia, hay một cái hủ đựng xương cốt với tấm biển
đồng, khắc ghi tên họ, bằng cấp chức tước, là cái phước cuối cùng, con người có
thể hưởng, lúc cuối đời! Thế là xong hết! Xong hết thiệt rồi! Một đời đã qua!
Người nào cũng vậy! Đời nào cũng vậy! Nơi nào cũng vậy! Thánh phàm cũng vậy!
* * *
Trên thế gian này, từ ngàn xưa
cho đến ngày nay, tất cả mọi người sinh ra trên quả địa cầu này đều chấp nhận
diễn tiến, tuần tự của cuộc đời mình như vậy, sinh lão bệnh tử, không ai nghĩ
là có thể làm bất cứ điều gì khác hơn được. Cho nên, trong cuộc sống hàng ngày,
con người thường đấu tranh, giành giật, để được phần thắng, phần lợi, phần tốt,
phần hơn, phần phải về phía mình, gia đình mình. Còn phần thua, phần thiệt,
phần xấu, phần lỗ, phần quấy, dành cho mọi người, họ có ra sao cũng mặc kệ, chẳng
có gì quan trọng, chẳng có điều gì đáng quan tâm, miễn sao, mình và gia đình
mình vui sướng là được rồi! Con người thường suy nghĩ đơn giản như vậy.
Đến khi nào chính mình gặp khổ
nạn, bất trắc, tai họa, nguy biến, phiền não, hệ lụy, con người bèn la hoảng
lên, than trời trách đất, kêu gào thảm thiết, van xin cầu khẩn, thánh thần
thiên địa, phù hộ độ trì, cứu tai cứu khổ, ban ơn ban phước, cho mình đều được,
tai qua nạn khỏi, hết chuyện xui xẻo, qua cơn khốn khó. Khi qua được rồi, cuộc
đời con người lại trôi nổi bềnh bồng, lại tiếp tục đấu tranh giành giật, không
cần biết ngày sau mình sẽ ra sao!
Trong cuộc sống hàng ngày, để
được sống còn, để được sung sướng, để được hưởng thụ, dù quan niệm "đời
hãy còn dài", hoặc suy nghĩ "đời quá ngắn ngủi", con người sẵn
sàng làm bất cứ điều gì, lợi mình hại người, không cần đếm xỉa đến quyền lợi,
danh dự, sự nghiệp, đời sống và gia đình của người khác. Nhất là đối với những
người mình không ưa, và những người không ưa mình, hoặc những kẻ oán thù, con
người thường mang tâm niệm muốn cho họ biến mất trên thế gian này, càng sớm
càng tốt, cho khuất mắt mình. Con người sẵn sàng, làm đủ thứ chuyện, đủ mọi thủ
đoạn, mưu sâu kế hiểm, nghe lời xúi bảo, thưa gởi kiện tụng, vu oan giá họa, để
hại người đời, làm cho người khác, thân bại danh liệt, suy sụp nguy khốn, gia
đình tan nát, phiền não khổ đau, họ mới hả dạ, họ mới vui lòng!
Lòng tham lam của con người vô
cùng vô tận, được một đòi mười, được mười đòi trăm, được trăm đòi triệu, một
vốn bốn lời, nhất bổn vạn lợi, được voi đòi tiên, được tiên đòi tiền, được tiền
đòi danh, được danh đòi thọ, trường sinh bất tử, cải lão hoàn đồng, không muốn
chết uổng.
Than ôi, tâm địa người đời, thực
khó mà hiểu, thấu cho cùng được!
Tục ngữ có câu: "Dò sông dò
biển dễ dò. Đố ai lấy thước mà đo lòng người".
Lòng sân hận của con người vô
lượng vô biên, cao ngất trời xanh, một điều không vừa ý có thể đòi lấy mạng
người, hay đòi hủy hoại danh dự và đời sống người khác, hoặc muốn cho người
khác ở tù chung thân! Người nào không chịu giúp mình, như mình mong muốn, dù
gian hay ngay, mình phải ra tay, hãm hại họ trước, bằng đủ mọi cách, không hề
từ nan, nộp đơn thưa kiện, vu khống cáo gian, đặt điều thêm bớt, làm đủ thứ
chuyện, miễn sao người đó, khốn nạn điêu linh, tán gia bại sản, sống khổ không
yên, thiệt mới hả dạ!
Lòng si mê của con người vô bờ vô
bến, những chuyện hiểm nguy, tàn ác vô nhân, cũng đều dám làm, những lời độc
hại, có thể giết người, hãm hại người khác, cũng đều dám nói, mưu sâu kế độc,
tinh vi khôn lường, tàn bạo dã man, thỏa lòng tự ái, cũng đều dám nghĩ! Khi
mình gặp nạn, bởi tâm si mê, nhất định trả thù, mong muốn người khác, nhất là
kẻ thù, cũng phải khốn khổ, khốn nạn như mình, hoặc khổ hơn mình, thiệt mới hài
lòng!
Những hành động do tâm tham lam,
những lời nói do tâm sân hận, những ý nghĩ do tâm si mê thúc đẩy, quả thực đã
tạo ra, không biết bao nhiêu, tội lỗi nghiệp báo, khiến cho con người, xô nhau
đẩy nhau, chìm đắm trong biển, phiền não khổ đau, trầm luân sinh tử, đền trả
quả báo, trong bao nhiêu kiếp, không bao giờ dứt, không thoát ra được. Vì thế
cho nên, chư Phật Bồ Tát, chư hiền thánh Tăng, vì lòng từ bi, xuất hiện trên
đời, để giúp chúng sinh, tự mình biết rằng, đang sống trong mê, sống trong điên
đảo, sống trong mộng tưởng, đến khi lìa đời, con đường trước mặt, mờ mờ mịt
mịt, không biết về đâu, đâm ra hoảng hốt, sợ hãi khủng khiếp, thì đã quá muộn!
Tổ Sư Qui Sơn có dạy: "Tiền
lộ mang mang vị tri hà vãng", chính là nghĩa đó vậy. Người nào thức tỉnh,
giác ngộ như vậy, xa hẳn cơn mê, điên đảo mộng tưởng, không còn tạo nghiệp, tức
là đạt được, cứu kính niết bàn, mà thập phương tam thế chư Phật hàng tâm nguyện
chỉ bày cho tất cả chúng sinh.
* * *
Trong cơn mê: Có thể nói rằng: hầu hết mọi người, khi được sinh ra,
trên trái đất này, đều không biết mình, từ đâu đến đây, đến để làm gì, sau khi
từ giã, sẽ đi về đâu? Con người chỉ biết, cuộc đời hiện tại, cho nên cảm thấy,
mấy mươi năm sống, ở trên thế gian, quả là dài lắm, tưởng chừng mọi việc, đều
như vậy mãi, không hề thay đổi, không có nổi trôi. Đến khi về già, nhìn lại
cuộc đời, tưởng là giấc mơ, nhưng mà quả đúng, thực là cơn mê.
Khi gặp hoạn nạn, phiền não khổ
đau, khó khăn trắc trở, con người cầu mong, mọi chuyện xui xẻo, trôi qua cho
mau. Khi gặp an ổn, dễ dàng sung sướng, suông sẻ vui vẻ, con người cầu mong,
cuộc đời mãi mãi, cứ y như vậy. Đến khi những chuyện, bất trắc bất thường, bất
như ý muốn, xảy đến cho mình, người đời đau khổ, vì những mất mát, vật chất
tinh thần. Chẳng hạn như là: buôn bán thua lỗ, mất tiền mất của, mất nhà mất
xe, mất việc làm tốt, đưa đến quẩn trí, mắc bệnh tâm thần, có thể mất mạng!
Chẳng hạn như là: người thân qua đời, từ giã ra đi, qua thế giới khác, chúng ta
đau khổ. Chẳng hạn như là: người thân ngỏ ý, từ giã ra đi, lập cuộc sống khác,
chúng ta phiền não, cảm thấy chới với, không còn muốn sống, cảm thấy cuộc đời,
chỉ toàn màu đen, đen thủi đen thui, tối thủi tối thui!
Con người không biết rằng cuộc
đời hiện tại này chỉ là một đoạn, một mắc xích trong chuỗi dài sinh tử luân
hồi, nhiều đời nhiều kiếp. Cuộc đời hiện tại chỉ là một dòng chuyển biến không
ngừng. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Hết cơn bỉ cực, tới hồi thới lai. Trăng tròn
rồi khuyết. Bèo hợp rồi tan. Hoa nở rồi tan. Cuộc đời dâu biển. Không có cái gì
tồn tại vĩnh viễn. Không có việc gì kéo dài vĩnh cửu. Mọi sự mọi việc, mọi vật
mọi thứ, trên thế gian này, thay đổi đổi thay, liên tục liên miên, trong từng
sát na, từng giây từng phút, từng giờ từng ngày, từng tháng từng năm. Chẳng hạn
như là: cái tấm thân này, nay khỏe mai đau, nay trẻ mai già, nay còn mai mất.
Chẳng hạn như là: chính tâm tính mình, nay vui mai buồn, nay an mai động, nay
thiện mai ác, nay ác mai thiện, thường xuyên thay đổi. Con người không ai có
khả năng, cũng như không vị giáo chủ nào có thể, dừng được bánh xe thời gian!
Con người chỉ có thể dùng trí tuệ
bát nhã, dừng bánh xe luân hồi nghiệp báo, nếu muốn, nếu giác ngộ. Nghĩa là chỉ
khi nào thức tỉnh, vượt qua cơn mê, con người mới hiểu được: tại sao mình phải
ngưng làm những việc bất thiện, tại sao mình phải ngưng nói những lời thô ác,
tại sao mình phải ngưng suy nghĩ những điều lợi mình hại người! Còn trong cơn
mê, những việc bất thiện dễ làm hơn những điều thiện, những lời thô ác dễ nói hơn
những lời êm dịu ngọt ngào, những điều lợi mình hại người dễ suy nghĩ hơn những
điều vị tha, vì ích lợi của người khác.
Trong cơn mê, con người sẵn sàng
nhảy vào căn nhà lửa, mà cứ tưởng là đang vui hưởng ngũ dục. Căn nhà lửa chính
là cái thân tứ đại của mình, đang bị lửa thời gian thiêu đốt, từng giây từng
phút, bị lửa tham lam, lửa sân hận, lửa si mê, thiêu đốt qua từng cơn, qua từng
cơn mê. Căn nhà lửa cũng chính là cái thế giới đầy dẫy những cám dỗ, những cạm
bẫy hiểm nguy vô cùng. Con người luôn luôn mơ ước thụ hưởng ngũ dục thế gian
gồm có: tài, sắc, danh, thực, thùy.
Con người luôn luôn mơ ước lắm
của nhiều tiền, trúng số độc đắc, nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền. Con người
luôn luôn mơ ước được sắc đẹp mỹ miều, trẻ mãi không già. Ai khen mình trẻ đẹp
thì thích. Ai nói sự thực thì mích lòng mình. Con người luôn luôn mơ ước được
danh tiếng lẫy lừng, nhiều người biết đến, vỗ ngực xưng tên, nhưng lại chẳng
tài cán chi. Con người luôn luôn mơ ước được ăn ngon mặc đẹp, sơn hào hải vị,
không ngại giết hại, mạng sống sinh vật, bằng đủ mọi cách, để được ăn ngon. Con
người luôn luôn mơ ước được ngủ nghỉ thoải mái, giường cao nệm tốt, đầy đủ tiện
nghi.
Không được thỏa mãn ngũ dục, con
người luôn luôn tìm đủ mọi cách, để đoạt cho bằng được, bất chấp mọi thủ đoạn,
dù phải hại người hại vật cũng chẳng ngại, dù phải chà đạp người khác để hưởng
lợi hay để bước lên đài danh vọng, dù phải khen mình khinh người cũng chẳng
sao, dù phải nhận người khác xuống bùn đen cũng thấy thích thú. Chỉ vì ngũ dục
mà con người tạo không biết bao nhiêu là tội nghiệp, để rồi phải đền trả quả
báo sau này, bởi vì trong cơn mê, mình không hay biết đó thôi.
Trong cơn mê, con người tưởng
rằng tấm thân tứ đại là "mình", quanh năm suốt tháng, làm lụng vất
vã, thức khuya dậy sớm, không từ bất cứ việc gì, miễn là cung phụng cho tấm
thân được no ấm, sung sướng mà thôi. Bởi vậy bất cứ ai động đến tấm thân này,
con người đều cảm thấy khổ đau, cảm thấy bị chạm tự ái, cho nên phải trả thù,
phải hại người khác, dù mười năm sau cũng chẳng muộn! Cho đến lúc thở hơi ra,
mà chẳng có khả năng hít hơi khác vào, con người mới biết tấm thân tứ đại này
phải trở về với cát bụi, phải xuống nấm mồ hay phải vào lò thiêu. Lúc đó, con
người mới nhận biết được: tấm thân tứ đại này không phải là "mình"
thì đã quá muộn màng! Biết bao nhiêu tội nghiệp đã tạo trong đời, để rồi phải
đền trả quả báo sau này, bởi vì trong cơn mê, mình không hay biết đó thôi.
Trong cơn mê, con người tưởng
rằng cái tâm suy nghĩ lăn xăn lộn xộn là "mình". Bởi vậy khi tâm tham
nổi lên, con người liền theo, bất chấp thủ đoạn để thỏa mãn lòng tham, khi tâm
sân nổi lên, con người liền theo, bất chấp nhân nghĩa để thỏa mãn lòng sân, khi
tâm si nổi lên, con người liền theo, bất chấp lý lẽ để thỏa mãn lòng si. Cho
nên con người tạo không biết bao nhiêu là tội nghiệp, để rồi phải đền trả quả
báo sau này, bởi vì trong cơn mê, mình không hay biết đó thôi. Con người suốt
đời cứ bị cái vọng tâm lăn xăn lộn xộn sai khiến, điều khiển, quên mất cái bản
tâm thanh tịnh sẵn có từ lâu, ít ra cũng từ khi lọt lòng mẹ. Sách có câu:
"Nhân chi sơ tánh bổn thiện".
Trong cơn mê, những khi gặp hoạn
nạn, con người bực tức, thù hận cuộc đời, chán ghét người khác, sẵn sàng trả
thù, sẵn sàng gây đau khổ cho bất cứ ai, mà con người có thể làm được, để thỏa
mãn tâm sân hận và si mê. Con người thường không hiểu tại sao tai nạn xảy đến
cho mình, không hiểu tại sao có người đến chửi mắng mình, làm nhục mình, không
hiểu tại sao người thân từ giã, bỏ mình ra đi! Hàng ngàn hàng muôn câu hỏi
"tại sao" những chuyện như vậy, xảy ra thường xuyên, trong cuộc đời
mình?
Con người không bao giờ chịu đáp
lại bằng câu trả lời: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!". Hoặc ít
ra cũng suy nghĩ được rằng: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi một phần! ".
Thông thường con người nghĩ rằng tất cả đều do lỗi của người khác, lỗi của ai
đâu không, tại người này thế này, tại người kia thế khác, không có tại mình,
chút xíu nào cả, thậm chí có lúc bực quá, con người la lên: "Tại ông trời
đó! ".
Con người gặp tai nạn là do kém
phước báu, và do con người đã gieo nghiệp nhân không tốt, trong kiếp trước hay
kiếp này. Kiếp trước làm gì không tốt, con người chưa có tu chứng nên không thể
biết được. Kiếp này tai nạn xảy ra, do con người có một phần bất cẩn trọng. Nếu
không có nghiệp nhân xấu, không thể có nghiệp quả tự nhiên xấu được. Hãy thử
suy nghĩ: tại sao tai nạn không xảy ra cho người này, người khác, mà lại xảy ra
cho mình? Chuyện xui xẻo không xảy ra cho người khác, tại sao lại đến với mình?
Không chịu suy nghĩ, không hiểu như vậy, con người sẽ hết sức tức giận kẻ gây
ra tai nạn cho mình, kẻ gây ra phiền toái cho mình, kẻ gây ra thương tích cho
mình, kẻ đã làm khổ làm nhục mình.
Không thấu hiểu được như vậy, con
người sẽ đòi hỏi sự bồi thường quá mức, do lòng tham lam của chính mình và lòng
tham lam của những người chung quanh, hay trong gia đình, thúc đẩy sai kiến,
bất chấp mọi thủ đoạn, mọi mưu kế, hại bất cứ người nào liên can, miễn đoạt
được lợi! Nghĩa là con người lại tiếp tục tạo tội nghiệp, gây quả báo cho đời
sau, cho kiếp sau, tiếp tục trầm luân, trong lục đạo sinh tử luân hồi, không
biết đến bao giờ mới dứt! Bánh xe luân hồi nghiệp báo chỉ dừng, không tiếp tục
quay, khi con người qua cơn mê mà thôi. Tỉnh người sau cơn mê, nghĩa là con
người đã giác ngộ, sau đó sẽ được giải thoát khỏi vòng trầm luân sinh tử luân
hồi vậy.
Có câu chuyện sau đây để chúng ta
cùng nhau suy gẫm: Có hai vị thiền sư đi qua sông, gặp một chiếc thuyền chài
đang lưới cá. Mẻ lưới đầy ắp cá đang được kéo lên thuyền. Có một con cá ra sức
vùng vẫy, nhảy thoát khỏi lưới, rớt trở lại sông, bơi lội tung tăng, có vẻ mừng
rỡ, vì mới thoát nạn. Vị thiền sư thứ nhất nói: Con cá giỏi thiệt, chỉ phóng
một cái, thoát ra khỏi lưới! Vị thiền sư thứ hai bèn nói: Nếu con cá giỏi
thiệt, sao lại để bị lưới?
Cũng vậy, con người thường bị
lưới tình cảm, lưới tiền tài, lưới danh vọng, lưới sắc đẹp, lưới ăn ngủ, nói
chung là lưới ngũ dục của thế gian, vây chặt, xiết chặt, nhưng có mấy ai muốn
thoát ra khỏi đâu? Con người vẫy vùng bơi lội trong màn lưới mê mờ đó, từ lúc
còn bé thơ cho đến khi thành người lớn, lại lấy làm thỏa thích vô cùng. Đến khi
tuổi già sức yếu, nhiều người vẫn chưa có phước duyên thức tỉnh, vẫn tiếp tục
bơi lội trong lưới, không ngại tróc vẩy trầy vi, bám lấy tiền bạc, danh vọng
địa vị, cho đến hơi thở cuối cùng! Những người thức tỉnh, giác ngộ, đều hết sức
cố gắng, nhảy một cái ra khỏi lưới, không được thì cố gắng lần thứ hai, thứ ba,
cho đến khi nào, được giải thoát mới thôi. Lúc được giải thoát, tức là lúc
thoát ra khỏi lưới, con người đã qua được cơn mê, đến bờ giác ngộ.
Nghĩa là trong cơn mê, bất chợt
lúc nào đó, thấy được cảnh trần khổ đau phiền não, chẳng hạn như người thân qua
đời, con người liền giật mình thức tỉnh, hiểu rằng cuộc đời vui ít khổ nhiều,
không phải "đời còn dài" như mình mộng tưởng, mình có thể ra đi bất
cứ lúc nào, bất cứ cách nào, bất cứ nơi đâu. Cho nên con người liền quay đầu
hướng thiện, xa lánh những cuộc vui giả tạm của cuộc đời, xa lánh những bạn ăn
nhậu đua đòi ngày trước, xa lánh những cuộc tranh chấp, xa lánh những chốn bụi
trần, xa lánh những nơi ồn ào náo nhiệt, tìm nơi thanh tịnh, tìm gặp thiện hữu
tri thức, để gặp Chánh Pháp, để thấy Chánh Đạo, để bắt đầu tu tâm dưỡng tánh,
để cuối cùng qua được cơn mê ngàn đời!
Con người thường hay nằm mơ. Cơn
mơ có thể là các giấc mơ đẹp, có hoa có bướm, trời cao mây xanh, gió mát hiu
hiu. Cơn mơ cũng có thể là các cơn ác mộng, các giấc mơ hãi hùng, các giấc mộng
ghê sợ. Lúc đó mình sẽ ú ớ la hét, tay chân quờ quạng, nhưng không tỉnh được.
Trong cơn mơ, chuyện gì xảy ra, mình đều cho là thực. Nếu có người bên cạnh
đánh thức mình dậy, thì hay biết mấy. Cũng vậy, hiện nay, chúng ta đang sống
trong cơn mê ngàn đời, chúng ta đang sống trong điên đảo mộng tưởng, nếu có
người đánh mình thực đau, giúp mình thức tỉnh, thì hay biết mấy. Người này có
thể là người ơn, giúp đỡ mình hiểu được đạo lý, chỉ dẫn mình đường lối tu tâm
dưỡng tánh. Người này cũng có thể là kẻ thù người oán, luôn luôn hại mình, làm
mình điêu đứng, khốn khổ triền miên, hết làm chuyện này, đến gây chuyện khác.
Trong kinh sách, hai hạng người
này đều được gọi là thiện hữu tri thức. Hạng người trước, ví như thầy lành bạn
tốt, chỉ dạy, giúp đỡ mình tận tâm, tận sức tận tình, trên mọi phương diện,
được gọi là bồ tát thuận hạnh, chuyên tạo thuận cảnh, giúp đỡ người tu học.
Hạng người thứ hai, ví như giám khảo, hạch hỏi, tra xét, cật vấn, để chứng nhận
mình đang ở trình độ tu học nào, tiến bộ ra sao, có đạt gì không, được gọi là
bồ tát nghịch hạnh, chuyên tạo nghịch cảnh, giúp đỡ người tu học tiến bộ nhanh
hơn.
* *
Sau cơn mê: Người đã từng ngụp lặn trong biển mê, có nhiều phước
duyên, gặp được minh sư, gặp được Chánh Pháp, ví như được phao, giật mình thức
tỉnh, cảm thấy từ lâu mình đã phí phạm cả quãng đời trong cơn mê, bèn hạ quyết
tâm, tu tâm dưỡng tánh, tìm ra đường đạo, nếm được thiền vị giác ngộ, giải
thoát khỏi sự trói buộc của dục lạc thế gian, cuộc sống được an lạc và hạnh
phúc. Sau cơn mê, con người được tâm khinh an, không còn lo âu, sợ hãi phập
phồng, thấp tha thấp thỏm, nếm được thiền vị giải thoát, không còn tâm tham,
không còn tâm sân, không còn tâm si, xa lìa hết thảy, điên đảo mộng tưởng.
Sau cơn mê, con người không còn
suy nghĩ đến chuyện trả thù, tâm từ bi hỷ xả phát triển cao tột, con người cảm
thấy chúng sinh đau khổ, cũng như mình đau khổ, không khác. Sau cơn mê, con
người không còn suy nghĩ đến lỗi lầm, hay tội lỗi của người khác, không quan
tâm đến quá khứ của người khác, luôn luôn quán xét tự tâm, luôn luôn quan tâm
đến những gì mình đang làm, đang nói, đang nghĩ mà thôi. Người đã thức tỉnh, đã
biết chuyển hóa, trở thành người tốt, tự lâu lắm rồi, mình chẳng hay biết, còn
mình thì sao, có gì tốt chăng, có gì hay chăng, đã biết dừng nghiệp, chuyển
nghiệp hay chưa?
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có
dạy:
"Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan".
Sau cơn mê, con người không còn
ham thích những bữa ăn ngon miệng, trên sự đau khổ của chúng sinh, không còn
thích tìm giết những con vật sống, để thỏa mãn cái khẩu vị, như lúc còn trong
cơn mê. Tại sao vậy? Bởi vì trong cơn mê, con người không hiểu được các sinh
vật có thể là người thân, từ nhiều đời nhiều kiếp của mình, vì tạo nhiều nghiệp
báo trong cơn mê, cho nên phải đọa lạc vào đường súc sinh, phải mang lông đội
sừng, phải mang vi mang vẩy. Những sinh vật đó cũng biết đau đớn, biết sợ hãi,
biết chạy trốn, khi bị rượt đuổi, bắt giết làm thịt.
Sau cơn mê, con người không còn
bị tâm lăn xăn lộn xộn, tâm tham lam dụ dẫn, tâm sân hận xui khiến, tâm si mê
lôi kéo, bởi vì con người đã thức tỉnh, đã có trí tuệ bát nhã, đã nhìn muôn sự
mọi việc, đúng như thực tướng, không còn mơ mộng viễn vông, không còn điên đảo
mộng tưởng. Sau cơn mê, con người đã hiểu tại sao mình phải tu tâm dưỡng tánh,
tại sao mình phải nhẫn nhịn, tại sao mình phải từ bi hỷ xả. Bởi vì không có gì
quí hơn sự bình yên trong tâm hồn! Sống an lạc và hạnh phúc, được giác ngộ và
giải thoát là mục đích cứu kính của người theo đạo Phật, mặc dù trong cuộc sống
hàng ngày, chúng ta vẫn phải tiếp xúc với cuộc đời, vẫn gặp những điều bất
trắc, những cảnh ngộ bất như ý. Qua cơn mê, mọi việc không còn thành vấn đề!
Trong kinh A Hàm, đức Phật có dạy
"Thập nhị nhân duyên", gồm có mười hai nhân duyên phát sinh muôn sự
muôn việc, đó là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ,
hữu, sinh, tử. Thập nhị nhân duyên là giáo lý giảng dạy nguyên nhân nào sự việc
này sinh khởi, sự việc này sinh khởi đều có quan hệ với sự việc đã sinh khởi
trước đó. Trong thập nhị nhân duyên, cơn mê của con người, từ muôn kiếp trước, gọi
là "vô minh". Vô minh là nguyên nhân của mọi phiền não khổ đau, dẫn
dắt chúng sinh trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Vô minh là không sáng suốt, là
si mê lầm lạc, là không nhận được thực tướng của cuộc đời, là điên đảo mộng
tưởng, là chấp ngã và chấp pháp. Cho nên, muốn giải thoát khỏi vòng sinh tử
luân hồi, chấm dứt phiền não khổ đau, con người phải phá cho bằng được màn vô
minh đen tối, tức là phải "qua cơn mê", phải thức tỉnh, bằng cách
thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ bát nhã của mình qua Chánh Pháp.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có
dạy:
"Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
Thắp lên với Chánh Pháp".
* * *
Tóm lại, một khi qua cơn mê, xa
cuộc đời bềnh bồng, xa mộng tưởng điên đảo, được cứu kính niết bàn, ta lại về
bên nhau. Ngày gió mưa không còn, nên đường đời thật dài, ta mặc tình rong
chơi. Tỉnh người sau cơn mê, ta thấy đời an lành, thấy mọi người hiền từ, nên
đời đẹp như tranh. Ta sẽ ươm thật nhiều, trái yêu thương ngọt ngào, hái đem cho
mọi người.
Nghĩa là qua được cơn mê, chúng
ta sẽ xa lìa được cuộc sống bềnh bồng, điên đảo mộng tưởng, chúng ta không còn
thấy mình tốt hơn người, không còn thấy mình và người khác nhau. Trái lại, sau
khi lòng lắng xuống, không còn khổ đau phiền não, không còn tức giận hận thù,
không còn đố kỵ ganh tị, không còn thương ghét giận hờn, không còn quay lưng
ngoảnh mặt, chúng ta thấy được mọi người đều có "bản tâm thanh tịnh" như
nhau, thấy được "tâm cảnh nhất như", không khác.
Do đó, chúng ta đạt được cảnh
giới cứu kính niết bàn, an lạc hạnh phúc, ngay cuộc sống hiện tại, chúng ta lại
có thể về bên nhau, sống chung nhau theo tinh thần lục hòa. Tại sao vậy? Bởi
vì, tỉnh người sau cơn mê, chúng ta thấy được vạn vật vũ trụ đồng nhất thể,
tuổi thọ của con người không hạn chế trong cuộc đời này, không phải chỉ có trăm
năm mà thôi. Sống được với bản tâm thanh tịnh, không còn chịu ảnh hưởng của
thời gian và không gian, chúng ta mới thực sự thấy đường đời không giới hạn,
chúng ta mặc tình rong chơi, tiêu dao tháng ngày, an nhàn tự tại, ở khắp mọi
nơi, không bị ràng buộc, không còn phiền não, chẳng còn khổ đau, quên hết sự
đời, an hưởng cảnh giới niết bàn. Cho nên chúng ta thấy cuộc đời hết sức an
lành.
Chúng ta nhìn mọi người với cặp
mắt từ bi, cho nên thấy mọi người hiền từ. Chúng ta nhìn thế gian với cặp mắt
lạc quan, cho nên thấy đời đẹp như tranh. Từ đó, cuộc sống của chúng ta sẽ an
lạc và hạnh phúc ngay hiện đời, chúng ta sẽ sống với tâm lượng từ bi hỷ xả, đem
yêu thương đến cho mọi người chung quanh, chúng ta sẽ sống đời như lời Đức Phật
dạy, niết bàn cực lạc chính là đây, không còn chờ đến sau khi từ giã cuộc đời,
mới được niết bàn cầu nguyện, phân ưu mộng tưởng, trên mặt báo chí! Tại sao
vậy? Bởi vì khi còn sống, chưa biết được niết bàn thế nào, thì làm sao, sau khi
chết, được niết bàn?
Muốn đạt được cảnh giới thanh
tịnh của chư Phật chứng được, con người phải thật cố gắng, kiên tâm trì chí,
dũng kiệt mạnh mẽ, cắt đứt mọi cám dỗ của cuộc đời. Muốn đạt được an lạc và
hạnh phúc trong cuộc đời hiện tại trên thế gian, trong lúc chúng ta vẫn phải
đối diện với muôn ngàn khó khăn, phải đối phó với mọi hoàn cảnh bất trắc, bất
như ý chung quanh, chúng ta phải sống thực với chính mình, với chính bản thân
mình, với tâm lượng khiêm tốn, thực hành hạnh từ bi hỷ xả, và cố gắng giúp đỡ
tất cả chúng sinh, sống chung quanh mình, đều được thức tỉnh, giác ngộ, quay về
với chánh đạo.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật
có dạy: "Bồ đề tát đõa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô
quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết
bàn". Nghĩa là chúng ta muốn phát tâm tu tập, để thoát khỏi phiền não khổ
đau, như các vị bồ tát đã làm, thì chúng ta phải nương theo trí tuệ bát nhã ba
la mật, tức là trí tuệ nhìn thấy thực tướng của các pháp trên thế gian, nói
cách khác là trí tuệ giúp chúng ta qua được cơn mê, qua được bể khổ nguồn mê,
sớm đến bờ giác ngộ.
Được trí tuệ bát nhã ba la mật,
chúng ta nhìn cuộc đời đúng như thực, không còn si mê lầm lạc, không còn điên
đảo mộng tưởng, cho nên tâm không còn quái ngại, không còn việc gì khủng bố
được, không còn chuyện gì làm cho sợ hãi. Từ đó chúng ta xa lìa điên đảo mộng
tưởng, xa lìa cơn mê nhiều đời nhiều kiếp, cũng như mây đen tan biến thì trăng
sáng hiện tiền. Lúc đó, chúng ta hiểu được, thấy được, ngộ được, đạt được,
chứng được, sống được trong cảnh giới niết bàn cực lạc, như lời chư Phật dạy,
ngay tại thế gian này vậy.
Cư-sĩ Chính-Trực (Toronto-Canada)