Lẽ thật của thế gian hay của cuộc
đời này là khổ hay là vui? Mỗi người xác định kỹ lại xem!
Tại sao thế gian thường chúc nhau
hạnh phúc, chúc nhau vạn sự như ý, toàn bằng những lời tốt lành?
Nếu thật sự cuộc đời hạnh phúc
rồi thì cần phải chúc hạnh phúc làm gì nữa?
Nếu thế gian thật sự toàn như ý
rồi đâu cần phải chúc nhau như ý làm gì.
Cho thấy rõ bản chất của nó là
khổ, là thiếu hạnh phúc nên mới chúc như thế. Nghĩa là cầu chúc mong cho nó
được như vậy. Đôi vợ chồng vừa mới cưới liền được người chúc sống với nhau đầu
bạc răng long. Đó là ngầm nói lên điều gì? Tức đã có nhiều trường hợp sống nữa
chừng tan rã, chia ly không bền lâu, do đó mới chúc nhau được như vậy. Và nếu
thế gian đã thật sự an vui rồi còn bày ra những thú vui giả tạm như ca hát cải
lương, phim ảnh để làm gì?
Trong kinh Pháp Hoa Phật có dạy
"Tam giới vô an, du như hỏa trạch", tức là sống trong ba cõi này dù sinh
ở dục giới, sắc giới hay vô sắc giới đều phải chịu lửa vô thường thiêu đốt, không
có chỗ nào hoàn toàn an ổn - đang khỏe mạnh đó bỗng cơn bệnh tật đến thì sao?
Thì thấy khổ ngay. Đang nói năng
cười vui đó, qua đường xe tung thì thế nào? Gia đình đang sum hợp vui vầy đó,
bổng một người ra đi vĩnh viễn không hẹn ngày trở lại thì sao? Vợ chồng đang
sống vui đó, bổng người vợ hay chồng thêm bóng người khác thì còn vui chăng?
Cho thấy cuộc sống luôn luôn bất
an, làm sao bảo đảm là thật vui. Bởi vậy bài pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển độ
năm anh em Kiều Trần Như là pháp Tứ Đế, trong đó Khổ đế là trước, chữ Đế là
chân lý, là chắc thật không sai, tức Phật chỉ ra khổ là lẽ thật của cuộc đời,
là chân lý suốt cả xưa nay. Chính vì giải quyết cái khổ của thế gian nên trước
kia Ngài đã vượt thành xuất gia tìm đạo mà giác ngộ thành Phật.
Có người nói tôi giàu sang, tôi
của cải đầy kho, sao bảo khổ? Cần hiểu khổ đây không phải là cái khổ của thiếu
ăn, thiếu mặc, khổ vì đói rét… mà chính khổ vì sinh già bệnh chết, khổ vì người
thân yêu phải chia lìa, khổ vì oán ghét phải thường gặp gỡ, khổ vì mong cầu
không được toại nguyện, và nhất là khổ mang lấy thân năm ấm này, dù giàu sang
quyền quý nhưng đã mang lấy thân này có ai tránh khỏi cái khổ vô thường đó
chăng?
Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ có câu
chuyện: khi Phật ở Tính xá Kỳ Hoàn nước Xá Vệ, lúc đó có bốn Tỳ Kheo ngồi dưới
cội cây bàn luận với nhau, trên đời này cái gì là khổ nhất?
Một người nói, trên đời dâm dục là khổ nhất.
Một người nói, sân hận mới là cái khổ nhất.
Một người nói, đói khát mới là khổ nhất.
Một người nói, kinh sợ mới là cái khổ hơn hết .
Rồi họ tranh luận với nhau mãi mà
không tột được nghĩa khổ. Phật nghe bèn đến hỏi, các vị thuật lại những ý trên.
Phật bảo:
- Các ông chưa luận đến tột được
ý nghĩa của sự khổ, cái khổ trong đời không có gì hơn là có thân. Tất cả những
việc đói khát, nóng bức, kinh sợ, sắc dục, oán hận đều do có thân thôi.
Lẽ thật phải đúng như vậy chăng?
Tất cả thứ tạo tác trên đời nào là mưu mô, gian xảo, tranh giành, giết hại lẫn
nhau là vì cái gì? Nếu ngoài thân thì là cho ai?
Tham lam ái dục là vì cái gì? Cũng vì cái thân thôi.
Sân hận thù nghịch là vì cái gì? Cũng vì cái thân.
Đói khát kinh sợ cũng vì cái
thân. Rõ ràng có thân là khổ, là chỗ tập trung cái khổ. Muốn hết khổ, muốn an
vui thật sự phải làm sao? Tức là phải tìm ra cái nhân khổ, để trừ nhân đó thì
được an vui.
2. Nguyên nhân khổ đau
Đã biết thân là chỗ nhóm họp các
khổ, vậy tiến thêm một bước nữa, tìm xem tột nguyên nhân khổ đau là từ đâu?
Biết rõ nhân, trừ nơi nhân đó thì giải được khổ. Chính là từ CHẤP NGÃ gắn chặt
nơi thân tâm này mà ra. Bao nhiêu thứ đau khổ ở thế gian, xét cho thấu đáo, chỉ
do “tình chấp ngã” thôi. Nhưng chấp ngã là sao?
Trước cần hiểu rõ chấp là gì?
Tức là giữ chặt, là bám cứng
không chịu buông, như bàn tay nắm chặt lại. chẳng hạn nghe ai đó nói nặng mình
một câu, liền nhớ mãi suốt đời không quên, là khổ hay vui? Mình tưởng nhớ lâu
như vậy là giỏi, không ngờ đó là tự mình làm khổ mình thôi. Nhớ như vậy thì mỗi
lần gặp lại người đó, hoặc mỗi lần nhớ người đó thì sao? Tâm sẽ bực bội, khó
chịu, lửa phiền não tự nung đốt trong lòng, là tự khổ! Nếu một trăm câu như
thế, mình cứ ôm chặt hoài thì vẻ mặt mình sẽ ra sao? Chắc là nó sẽ thường nhăn
nhó, ít khi được an vui.
Song câu nói mà mình cho là nặng
đó, thử đem cân bao nhiêu ký lô? Quả thật đó chỉ là tưởng tượng, là vọng chấp
chứ nào có thật. Lời nói chỉ thoáng qua tai rồi tan mất, nhưng mình cứ giữ lại
trong đầu, rồi suy đoán, tưởng tượng cho là nặng, là nhẹ mà đành chịu khổ. Đó
là TÌNH CHẤP của con người.
Hoặc mình đưa ra ý kiến, người
không nghe theo thì thế nào? Tức liền nổi giận, buồn tức. Đó là vì sao? Bởi do
chấp vào cái hiểu của ta, cho ta là đúng, cái hiểu của ta là trên hết, tại sao
người không nghe ta? Ngay đó thấy cái ta nguy hiểm chưa?
Rồi khi sắp chết mà khó chết là
sao? Bởi nhớ nhà cửa, nhớ của cải, vợ con, hoặc nhớ chùa to, vậy quý… nên đi
không đành! Đây là chấp chặt vào ngã sở. Do đó phải trở lại để giữ nó.
Như chuyện cón chó của Ngài
Cưu-ma-la-da. Khi Tổ thứ mười tám của Thiền tông Ấn Độ là Già-da-xá-đa đi giáo
hóa đến nước Nguyệt Chi gặp ông Bà-la-môn tên Cưu-ma-la-đa có con chó, mỗi khi
ăn xong, nó cứ ra hành lang dưới tấm rèm nằm, có những khi mưa gió ướt cả mình,
mà nó vẫn nằm đó. Người nhà sợ nó lạnh, đuổi đi chỗ khác, rồi nó cũng trở lại
chỗ cũ nằm. Ông Cưu-ma-la-đa lấy làm lạ, đem việc đó hỏi. Thầy ông vốn theo chủ
thuyết tự nhiên, nhưng không giải được điều gì. Gặp Tổ Già-da-xá đến, ông đem
việc này ra hỏi. Tổ giải thích:
- Con chó này là cha của ông, bởi
có chút ít nghiệp nên đoạ làm súc sinh. Xưa kia, cha của ông đem cả ngàn đính
vàng để trong cái hũ chôn dưới rèm ở đó. Đến khi người chết, chưa kịp gặp ông
để trối lại, vì còn tiếc của này nên sinh ra làm con chó để gìn giữ… nếu ông
đào lấy được, ắt nó sẽ bỏ đi.
Ông Cưu-ma-la-đa liền cho người
đào chỗ con chó nằm, quả nhiên được hũ vàng đúng như lời Ngài nói.
Đây là do tâm ái ngã sở, chấp vào
“của cải của ta” nên phải trở lại giữ nó, chịu khổ.
Thứ hai là truyện con sâu trong
lỗ mũi. Có hai vợ chồng quy y theo một thiền sư. Ngài thường nhắc nhở tu hành.
Lần đó Sư có duyên sự đi xa. Một hôm, người chồng bị bệnh thương hàn nặng, thầy
thuốc xem mạch lắc đầu bảo với người vợ: “Bệnh này không qua khỏi ngay vì mạch
đã hết. Vậy bà đừng nên chạy chữa làm chi cho tốn hao, hãy lo liệu những vật
dưỡng già mà thôi”.
Người vợ tuyệt vọng, tâm thần rối
loạn quên cả những lời dặn dò, chỉ dạy của thầy, bớt tình luyến ái, lo niệm
Phật, niệm Pháp để giữ chánh niệm. Thấy chồng nằm mê man, người vợ chỉ gục mặt
bên chồng khó kể liên miên. Đến khi người chồng chợt mở đôi mắt thất thần nhìn
vợ lần cuối cùng, người vợ vẫn còn ghé sát mặt chồng nức nở khóc than, sao bỏ
lại mình cô đơn! Người chồng nghe lời quá bi ai của vợ, tình ân ái bất giác nỗi
lên, nhìn vợ mà hai hàng lệ tuôn chảy, nghẹn thở rồi trút linh hồn ra đi. Thần
thức ông xuất ra chui ngay vào lỗ mũi vợ, hóa thành một con sâu.
Đám tang xong, người vợ buồn khổ
vì thương nhớ chồng, lại thêm lỗ mũi ngày một lớn và đau nhức vô cùng, không
biết lý do gì. Một hôm đó, Thiền sư trở về ghé qua nhà thăm, Người vợ hối hả
chạy ra đón và khóc lóc kể lể. Thiền sư khuyên bảo an ủi, người vợ như giải tỏa
bớt đau buồn, chợt khịt mũi văng ra một con sâu khá lớn. Thiền sư thấy vậy cười
bảo:
- Ở đời ít ai có nghĩa hơn con.
Ai đời thương chồng mà khóc đến có sâu trong lỗ mũi.
Người vợ thẹn quá, định lấy chân
dậm chết con sâu. Thiền sư vột khoát tay bảo:
- Đừng, con đừng làm như thế, con
sâu chính là chồng của con đó!
Người vợ lại thưa:
- Bạch thầy, chồng của con suốt
đời niệm Phật làm phước, tại sao chết lại sinh vào loài sâu bọ như thế?
Thiền sư bảo:
- Con đã quên lời thầy dặn, khi
chồng chết không lo niệm Phật, tụng kinh, khuyên chồng phải chánh niệm, chỉ đem
tình ân ái kể lể khóc than, nên khiến chồng của con chánh niệm, thần thức luyến
ái không thể vượt lên, phải chui vào lỗ mũi con làm con sâu, uổng bao công phu!
Thiền sư liền khai thị cho con
sâu, nó nằm oằn oại một lúc rồi chết.
Đây là tình chấp ân ái với ngã
sở, bị trói buộc khó đi. Người học Phật cần nhớ kỹ mà thường tỉnh giác, nhắc
lấy mình, tránh rơi vào con đường này.
3. Tại sao có chấp
Bởi thấy có ta thật, nghĩa là nơi
thân tâm này có một cái ta quý báu ngự trị trong đó, nên luôn luôn bám vào nó,
bảo vệ nó, sống thu hẹp quanh cái ta đó.
Nghe nói nặng, là nói nặng ai?
Nói nặng ta chứ gì! Do nói nặng ta, đụng đến ta nên ta nổi giận.
Rồi khi sắp chết, mến luyến cái
thân này đi không đành, vì sao? Vì nó là ta, nó thuộc về ta, làm sao bỏ đi cho
được?
Chính chấp vào cái ta này, là
nguyên nhân tạo thành trăm ngàn đau khổ cho mình, cho người. Đánh đập, chửi
mắng nhau…, cũng vì cái gì? Vì đụng đến cái ta!
Một vị sư Thái Lan Buddhadasa
được xem như vị tu hành chứng đạo trong thế kỷ XX, Ngài giải thích chữ “sinh”
trong Khổ đế rất ý nghĩa sáng tạo Đức Phật dạy: “Sinh là đau khổ triền miên”,
phải chăng Ngài muốn đề cập đến sự sinh theo ý nghĩa sinh lý? Chúng ta thử nghĩ
kỹ lại xem. Như Ngài muốn ám chỉ đến sự sinh theo nghĩa sinh lý thì tại sao
Ngài còn phải dạy thêm rằng: “Chân hạnh phúc cốt ở chỗ dứt bỏ vọng chấp về ta”.
Câu sau chỉ rõ rằng chất liệu tạo khổ chính là kiến ngã chấp, cho nên cái ý
niệm “ta” bị xóa mất lúc nào, ấy là lúc được an vui tuyệt đối. Như vậy thực
chất của cái khổ nằm trong các quan niệm sai lầm” “ta”, “ta là”, “ta có”, …
Ta hãy tưởng tượng có một người
triệu phú, tâm bị sự si mê tham ái, dục vọng chi phối, nên vọng chấp ý tưởng
rằng: “Ta đây là người triệu phú”, ý tưởng đó tự nó đã là khổ rồi, và bất luận
hành vi hoặc ngôn ngữ nào của người ấy cũng được làm và nói trong lúc người ấy
đang chịu ảnh hưởng của những phiền não kể trên. Vì thế càng khổ nhiều thêm,
khổ cho tới lúc ban đem nằm ngủ, người ấy vẫn chưa rời được ý tưởng làm triệu
phú, cứ trằn trọc không yên giấc được. Vậy sinh làm triệu phú phải thọ thứ khổ
của nhà triệu phú
Với Ngài, chữ “sinh” trong Khổ đế
không phải chỉ lúc mới sinh ra kêu “oa, oa,…” mấy tiếng, khổ có một chút đó
thôi, thì đâu đủ nghĩa khổ! Mà chữ sinh đây là chỉ cho sinh cái “tình chấp
ngã”, chính cái sinh này mới chiêu cảm bao nhiêu thứ khổ đến cho mình. Nhưng
cuối cùng xét kỹ lại: Ta là gì? Chỉ ra xem! Không chỉ ra được.
Chỉ cái thân mấy chục ký lô này
không được. Tắt thở, nó cũng thúi sình, ta là cái thúi sình như vậy sao?
Vì vậy, thân tâm thường mỗi người
cho là ta đó, với con mắtc bậc giác ngộ là mê lầm, chưa phải thật. Cần có cái
nhìn đúng đắn trở lại.
4. Thấy đúng như thật trở lại
Biết rõ nguồn gốc khổ đau là do
chấp ngã mà ra, vậy muốn được an vui, phải cởi mở tình chấp ngã, phải thấy đúng
như thật về ta. Thân này không phải ta, thấy rõ nó không phải ta. Nó già, bảo
nó đừng già được chăng? Nó bệnh bảo nó đừng bệnh được chăng? Bảo nó đừng chết
được chăng? Đều không thể được, thì đâu gọi là ta là của ta! Tâm này cũng vậy,
nó nghĩ bảo đừng nghĩ được chăng? Nó buồn bảo đừng buồn được chăng? đều không
có tự chủ. Vậy sao bảo là ta, là của ta?
Thấy đúng như thật trở lại thân
tâm này, là cởi mở tình chấp vào ta, là giải thoát được đau khổ. Kinh Viên
Giác, Phật dạy: “Thân này còn chẳng thật, yêu ghét từ đâu sinh?”
Khi Phật còn tại thế Ngài giáo
hóa nhiều tín đồ Bà-la-môn trở về với Ngài nên bọn họ tức giận. Hôm đó Ngài đi
vào làng khất thực, một ông Bà-la-mon đi theo sau chửi mãi, Phật cứ im lặng
thong thả đi. Cuối cùng chịu hết nổi, ông chạy lại trước mặt Phật chặn lại hỏi:
- Tại sao tôi nói như vậy mà ông
không trả lời?
Phật thong thả hỏi lại.
- Giả sử nhà của người có buổi
lễ, ông đem lễ vật đến tặng họ, họ không nhận, ông sẽ làm sao?
Ông đáp:
- Vật của tôi đem tặng họ, họ
không nhận thì tôi đem về.
Phật bảo:
- Cũng vậy, ông chửi mắng ta, ta
không nhận thì của ấy về ông vậy!
Ông Bà-la-môn xấu hổ, không làm
gì được Phật.
Trong đây, Đức Phật bị mắng chửi
nhưng Ngài không buồn giận, không khổ não là vì sao? Vì Ngài không còn thấy có
ta thì ai nhận? Ai giận? Ai buồn? Đó là cách giải phiền não đau khổ thật sự.
Bởi còn thấy ta nên có ta bị chửi, rồi sinh khởi ta buồn, ta giận… thành khổ!
Người học Phật cần nghiệm kỹ chỗ này!
Trong Thiền thoại cũng có một
chuyện.
Có một thanh niên tánh tình hung
bạo, dễ nổi giận, lại thích đánh lộn, do đó rất nhiều người ghét hắn. Một hôm
trong lúc vô tình đi lang thang đến chùa Đại Đức gặp dịp nghe Thiền sư Nhất Hưu
đang thuyết pháp. Nghe xong, anh ta phát nguyện sửa đổi lỗi xưa, thưa với Thiền
sư rằng:
- Sư phụ! Con về sau không theo
người đánh nhau cãi lộn nữa để khỏi bị người ghét bỏ, dù có bị người nhổ vào
mặt, cũng chỉ nhịn nhục chùi đi, làm thinh mà chịu!
Thiền sư Nhất Hưu nói:
- Ái! Đâu cần, hãy để nước miếng
tự khô đi, không cần chùi!
Anh thưa:
- Đâu được! Làm sao chịu cho nổi?
Thiền sư Nhất Hưu bảo:
- Đây chẳng có gì chịu nổi hay
không chịu nổi, anh cứ coi như muỗi mồng đậu trên mặt, chẳng đáng đánh hay chửi
nó. Tuy bị khạc nhổ nhưng không phải là bị nhục nhã gì, cười nhẹ mà nhận!
Anh thưa tiếp:
- Nếu đối phương không khạc nhổ
mà đánh mình thì sao?
Thiền sư bảo:
Cũng vậy! Chẳng cần quá để ý! Đây
chẳng qua chỉ là một cái đấm mà thôi.
Thanh niên nghe xong, cho là lời
của Thiền Sư Nhất Hưu không có lý chút nào, nhịn không nổi, hốt nhiên vung tay
đấm vào đầu Thiền Sư Nhất Hưu rồi hỏi:
- Hòa thượng, hiện tạo thế nào?
Thiền sư rất lo lắng nói:
- Đầu của ta cứng như đá, chẳng
cảm giác gì, ngược lại tay của anh chắc đau lắm rồi !
Thanh niên im lìm không nói nên
lời.
Với Thiền sư Nhất Hưu thì thấy rõ
trong đây không có ai là người bị khạc nhổ, ai là người bị đấm, tức không thật
có cái ta trong đó, vậy lấy ai mà phiền não, mà đau khổ? Do đó Sư vẫn an nhiên
trước cái đấm của chàng thanh niên kia. Trái lại, nếu thấy “Ta là Thiền sư”,
liền có ta bị nhục là có phiền não ngay. Chính đây là chỗ mỗi người học đạo
phải quán thật sâu để thất đúng như thật lại chính mình, con đường khổ vui ở
trước mắt đó thôi.
5. Tóm kết:
Đức Phật ra đời vốn đem lại ánh
sáng chân lý cứu khổ cho thế gian. Ban đầu Ngài nói rõ khổ, chỉ ra tướng khổ,
rồi chỉ rõ nguồn gốc của khổ, đế giúp người giải tỏa khổ, được an vui. Không
phải Ngài nói khổ để mà khổ, để bi quan chán đời. Bởi vậy Bồ tát sẵn sàng hy
sinh khó khổ để cứu độ chúng sinh, làm lợi ích cho mọi người không mệt mỏi- vì
các Ngài không thấy có ta mệt, ta nhọc!
Như Bồ tát Đại Tạng đã phát
nguyện:
“Địa ngục vị không, thệ bất thành
Phật, Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ đề”
Nghĩa là:
“Địa ngục chưa không, thề chẳng
thành Phật. Chúng sinh độ hết, mới chứng Bồ đề.
Vậy là thấy khổ, rồi vượt thoát
khỏi khổ và giúp cho người thoát khổ. Đó là con đường chuyển hóa tiến lên, đem
lại niềm vui chân thật cho đời
Người học đạo khéo hiểu đúng chánh
pháp, có cái nhìn sáng tỏ, cởi mở tình chấp sai lầm; nhẹ bớt chấp, là nhẹ bớt
khổ ngay hiện tại. Đó là lợi ích thiết thực của Phật pháp ngay tại thế gian.
Học Phật mà vẫn cứ chấp chặt,
chấp nặng khôn chịu buông, là vẫn đi con đường khổ, tự mình làm khổ cho mình
chứ không cho ai khác.
Đây là câu chuyện đê thay lời kết
thúc:
Xưa có người nọ có việc phải vất
vả băng núi lội sông, đi qua những vách núi sừng sững, cheo leo rất nguy khốn.
Bất thần, anh bị hụt chân té xuống vực sâu. Sinh mạng anh giờ chỉ còn trong
chớp mắt, anh đưa hai tay quờ quạng, quơ quào trên không trung thời may chụp
được một cành cây khô trên vách núi. Anh mừng rỡ vì mình còn có cơ hội sống
sót, nhưng khổ nổi ngưới anh cứ bị treo lơ lững không thể xuống hay lên.
Trong lúc vô cùng nguy cấp, anh
nhìn lên bờ chợt thấy Đức Phật từ bi đứng nhìn xuống. Gặp được cứu tinh, anh
vội vàng cầu xin Phật từ bi cứu vớt. Đức Phật hiến từ nói:
- Ta sẵn sàng cứu, như ngươi phải
nghe theo lời ta.
Anh ta thưa:
- Bạch Ngài, đến nước này con đâu
còn dám cãi lời Ngài, con nhất định nghe lời Ngài chỉ dạy.
Đức Phật nói:
- Tốt lắm! Bây giờ ngươi hãy
buông tay đang nắm cành cây ra.
Người này nghe xong liền nghĩ,
nếu buông tay sợ sẽ rơi xuống vực sâu muôn trượng, tan xương nát thịt làm sao
bảo toàn sinh mạng đây? Vì sợ mất mạng nên hai tay anh càng nắm chặt hơn.
Phật bảo:
- Ngươi không chịu buông cây đưa
tay lên cho ta thì làm sao ta cứu ngươi được?
Thế nhưng anh ta vẫn khư khư nắm
chặt cành cây, Đức Phật dù có thương cũng đành chịu (Thiền thoại).
Nguồn: thuongchieu.net