Những ai đã từng làm cha mẹ đều
có thể dễ dàng nhớ lại cảm giác lạ lùng khi đứa con cất tiếng khóc chào đời.
Thật kỳ diệu biết bao! Cái sinh vật bé tí ấy, với đầy đủ tất cả những điều kiện
để lớn lên thành một con người, có thể nào lại do chính ta tạo thành? Không một
ông cha, bà mẹ nào tin vào điều đó. Vâng, quả đúng là đứa bé ấy do người mẹ
sinh ra, là kết quả của sự gắn bó thương yêu giữa cha và mẹ, nhưng điều đó lại
hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta có khả năng “tạo ra” nó. Sự hình thành của
“con người nhỏ bé” ấy phức tạp hơn nhiều, và bằng trực giác ta hiểu được điều
đó.
Mỗi chúng ta đều có cảm nhận về
đứa con của mình khi ra đời như một món quà tặng thiêng liêng, một báu vật vô
giá mà ta hoàn toàn không thể hiểu được do đâu mình lại may mắn có được. Ta
trân trọng, yêu quý và bảo vệ, nuôi nấng nó, cho dù ta có rất nhiều điều không
hiểu được về sự ra đời cũng như lớn lên của nó để hiện hữu thành một con người
giữa cuộc đời này.
Khi chúng ta xây dựng một ngôi
nhà, hoặc đóng một cái bàn hay cái ghế, những thứ ấy được hình thành và hiện
hữu trước mắt ta với tất cả những tính chất mà ta có thể hiểu và mô tả được.
Nhưng sự ra đời của một đứa bé lại hoàn toàn không giống như vậy. Bởi vì ngoài
cái khối vật chất hiện ra trước mắt ta với những thịt, xương, da, tế bào... mà
khoa học có thể phân tích và liệt kê được, còn có một phần vô hình mà chúng ta
hoàn toàn không thể nhận hiểu và mô tả, đã thực sự ra đời và song song tồn tại
với phần vật chất mà ta nhìn thấy. Nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt bé là ta có
thể cảm nhận ngay được sự hiện hữu của phần tinh thần vô hình kia, cho dù ta
không thể lý giải được nó đã từ đâu đến và đến như thế nào!
Cái phần tinh thần vô hình ấy, ta
đã cảm nhận được rằng nó tồn tại dựa vào thể xác bằng xương thịt này, nhưng nó
lại không chịu sự quy định bởi những tính chất của thể xác. Thể xác này có thể
là cao lênh khênh hoặc lùn tịt, có thể là gầy ốm hoặc béo phì, cũng có thể là
da vàng hoặc da trắng, da đen... nhưng tất cả những khác biệt ấy không có quan
hệ nhất định nào với phần tinh thần đi kèm theo nó. Bạn không thể dựa vào những
quan sát vẻ ngoài của ai đó để kết luận rằng đó là người có tinh thần yếu đuối
hay cứng rắn, đa cảm hay lạnh lùng, hiếu động hay trầm tĩnh...
Chính cái phần tinh thần vô hình
này đã tạo cho ta cái cảm giác rằng “con người nhỏ bé” kia không phải hoàn toàn
do ta “tạo ra”. Người xưa đã nói một cách nôm na để diễn đạt ý này là: “Sinh
con há dễ sinh lòng.” Và quả đúng như vậy. Chỉ cần so sánh hai người con sinh
ra trong cùng một gia đình, bạn sẽ dễ dàng thấy được là cha mẹ chúng thật ra đã
không thể “sinh lòng”, bởi vì tâm tính của cả hai thường chẳng bao giờ có thể
giống hệt nhau, chưa nói là trong rất nhiều trường hợp còn có thể hoàn toàn
trái ngược nhau.
Và bởi vì ta đã không “tạo ra”
cái phần tinh thần vô hình ấy, nên thực tế là ta không thể hiểu hết về nó. Từ
thuở xa xưa, con người đã không ngừng nỗ lực để khám phá, tìm hiểu về phần tinh
thần của chính mình, và đã có không ít những thành quả. Tuy nhiên, điều không
may là chúng ta không thể trực tiếp truyền dạy cho nhau những hiểu biết thuộc
loại này, bởi vì những hiểu biết ấy được mô tả như là nằm ngoài phạm vi diễn
đạt của ngôn ngữ. Có thể bạn cho rằng những cách nói này có phần nào đó mơ hồ,
khó hiểu, nhưng chúng ta sẽ có dịp trở lại bàn sâu hơn về vấn đề này. Thực tế
là, trong phạm vi có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ thì những kết quả tìm hiểu lại
dường như không đủ để thỏa mãn những gì chúng ta muốn biết.
Trong khi triết học và tôn giáo
phương Đông chấp nhận những nhận biết về thế giới nội tâm qua trực giác, thì
phương Tây luôn đòi hỏi những sự giải thích, mô tả cụ thể mà lý trí có thể tiếp
nhận được. Vì thế, phải cho đến khi ngành phân tâm học (psychoanalysis) được
Sigmund Freud (1856-1939) thành lập thì phương Đông và phương Tây mới bắt đầu
có chiều hướng nhích lại gần nhau với những đồng cảm trong việc tìm hiểu về thế
giới nội tâm.
Qua những khám phá của Freud,
khái niệm vô thức (unconscious) được biết đến và gợi ra những chiều sâu không
thể nhận biết bằng lý trí trong nội tâm con người, mở đường cho các nhà triết
học phương Tây bắt đầu quay sang tìm hiểu những gì mà triết học và tôn giáo
phương Đông đã đề cập đến từ thuở xa xưa.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, và
đến nay thì những hiểu biết của phương Đông đã được hầu hết người phương Tây
chấp nhận và học hỏi. Phật giáo phát triển mạnh ở phương Tây, và các trung tâm
tu học, thực hành thiền định đã thu hút số người tham gia vô cùng đông đảo.
Nhưng thật oái ăm thay, càng hiểu
biết nhiều hơn về thế giới nội tâm của con người, thì chúng ta lại càng thấy nó
xa rời hơn với cái khởi nguyên vật chất mà chúng ta nhìn thấy được. Bởi vì
chúng ta càng biết chắc là mình không hề và không có khả năng tạo ra cái phần
tinh thần phức tạp, đầy bí ẩn của một con người, cho dù cái thể xác bé nhỏ vừa
mới ra đời kia quả đúng là đã được hình thành từ một phần vật chất của chính
ta. Hơn thế nữa, cái phần tinh thần ấy đã hiện hữu nơi đây không do ta mời gọi,
và vì thế ta cũng không có khả năng kiểm soát hay hiểu được nhiều về nó. Khi nó
dần lớn lên, ta chỉ làm được mỗi một việc là ngày càng nhận rõ hơn sự hiện hữu
của nó trong cuộc đời này.
Trong cái thế giới nội tâm đầy bí
ẩn của mỗi chúng ta, ta có thể tự cảm nhận được nhiều yếu tố có cội nguồn từ
đâu đó rất xa xôi. Dù ta không thể biết được là từ lúc nào, nhưng có phần chắc
chắn phải là từ trước khi ta bắt đầu hiện hữu trong cuộc đời này, với phần thể
xác này. Có thể bạn cho rằng điều này hoàn toàn không thể chứng minh được.
Nhưng hãy thử quan sát những con ong đang làm việc để xây một tổ ong. Chúng
biết làm công việc phức tạp đó từ bao giờ? Bạn sẽ không nói rằng chúng đã được
những con ong lớn dạy cho đấy chứ? Nghiên cứu khoa học có thể xác định là chúng
“tự biết” làm điều đó mà không phải đã học được từ những con ong lớn. Và nếu
bạn tự quan sát chính mình, bạn sẽ thấy là bản thân mình cũng có những điều
“biết làm” mà trước đây chưa từng nhìn thấy hay học hỏi từ người khác.
Sigmund Freud đã nêu ra những
thôi thúc bẩm sinh về tính dục (innate sexual drive) như một trong những điều
có cội nguồn xa xôi không giải thích được. Nhưng không chỉ có tính dục, hầu hết
các yếu tố nội tâm của chúng ta đều có những cội nguồn xa xôi tương tự. Mặc dù
Freud cũng như nhiều người phương Tây khác không nghĩ như vậy. Ông đã cố gắng
đưa ra những giải thích về một cội nguồn gần gũi hơn, chẳng hạn như vô thức
(unconscious) mà ông cho là có cội nguồn từ thời thơ ấu. Nhưng cách giải thích
này chạm phải nhiều giới hạn cũng như không hoàn toàn thỏa đáng với mọi trường
hợp.
Một trong những học trò của
Sigmund Freud là Carl Gustav Jung (1875 – 1961) đã đi xa hơn thầy khi đưa ra
khái niệm về những hình ảnh đặc trưng có sẵn trong tâm lý tập thể của cả loài
người (ông gọi là archetype) mà ông cho là đã xuất phát từ những thời đại xa
xưa và thỉnh thoảng hiện về trong giấc mơ của chúng ta, hoặc được tìm thấy
trong các huyền thoại cổ đại. Tuy nhiên, có lẽ bạn cũng thấy rằng những giải
thích này chỉ là một trong những cố gắng để giải thích “những điều không thể
giải thích” mà bản thân ông ta có lẽ cũng đã cảm nhận được. Bởi vì cách giải
thích này không thỏa đáng với tất cả những bản năng sẵn có của mỗi chúng ta khi
sinh ra.
Ngoài bản năng tính dục, chúng ta
còn có nhiều bản năng khác nữa trong nội tâm. Điều chắc chắn chúng ta có thể
làm được là nhận biết chúng chứ không phải là giải thích cội nguồn của chúng.
Trong rất nhiều trường hợp, một người có bản chất trầm lặng hay hiếu động, đa
cảm hay lạnh lùng... không phải bao giờ cũng có thể giải thích được bằng những
nguyên nhân như môi trường giáo dục, gia đình hay kinh nghiệm bản thân. Tất cả
những điều ấy chỉ đúng một phần nào và trong một giới hạn nào đó thôi, bởi vì
còn có không ít những trường hợp hoàn toàn không liên quan gì đến những lời
giải thích như thế.
Khi trên đường phố xảy ra một đám
đánh nhau, hầu hết những người nhìn thấy đều muốn chạy đến xem. Trong số đó, không
mấy người nghĩ đến những việc tốt đẹp phải làm như ngăn cản đôi bên hoặc bảo vệ
kẻ yếu... Những người đến xem thường chỉ có một động cơ chung mà đa số vẫn gọi
là sự hiếu kỳ, nhưng thực ra điều đó lại còn xuất phát từ một bản năng khác mà
hầu hết chúng ta đều có.
Những trò chơi như đá dế, đá gà,
chọi trâu... sở dĩ lôi cuốn rất nhiều người là bởi vì ai cũng muốn được nhìn
xem những cảnh đấu đá, tranh chấp nhau. Điều đó kích thích trong mỗi chúng ta
một niềm hứng khởi, một sự thích thú mà đôi khi chính ta cũng không rõ biết.
Hầu hết những bộ phim ăn khách
ngày nay đều không thể thiếu những pha đấm đá, bắn giết hoặc chí ít cũng là
tranh chấp thật gay cấn. Đôi khi các nhà làm phim lạm dụng quá nhiều “vị thuốc
kích thích” này và điều đó vượt quá những giới hạn mà đạo đức truyền thống cho
phép. Thế là sẽ có những người lên án, gọi đó là “phim bạo hành, kích thích bạo
lực...” Tuy nhiên, phê phán thì cứ phê phán, mà số người xem phim lại vẫn cứ
rất đông hơn so với những phim tài liệu khoa học hay tình cảm xã hội mà người ta
cho là “tẻ nhạt”...
Phần lớn chúng ta đều tự nhận là
yêu thích cuộc sống yên bình, thanh thản, nhưng đa số lại thích xem những cảnh
đấm đá, bắn giết, xung đột, mâu thuẫn... mà ít thấy hứng thú với những cảnh
phẳng lặng, thanh bình. Điều đó nói lên những gì? Phải chăng nếu không có những
rào cản được dựng lên bởi luân lý, đạo đức, giáo dục, tín ngưỡng... thì đa số
chúng ta luôn có khuynh hướng chạy theo sự sôi động, bạo hành, sát phạt? Câu
trả lời có lẽ nên dành lại cho mỗi người tự đưa ra. Tuy nhiên, bản thân tôi cho
rằng nếu như thừa nhận điều này cũng không có gì là lạ. Khi đã cảm nhận được
một nguồn gốc rất xa xôi của những yếu tố trong nội tâm chúng ta, thì với thành
tích giết hại loài vật trong hàng nghìn năm qua của nhân loại, nếu chúng ta
không có một khuynh hướng hiếu sát, điều đó mới là rất lạ!
Đạo Phật gọi thế giới mà chúng ta
đang sống là cõi Dục giới, và cho rằng tất cả chúng sinh trong cõi này đều có
cùng một điểm chung là nhiều tham dục. Về điểm này, có lẽ hầu hết chúng ta đều
dễ dàng chấp nhận, vì quả thật không khó nhận ra. Không có dục tính, có lẽ chỉ
có thể là những người mắc bệnh. Người bình thường không ai không có dục tính.
Bạn có thể nghĩ đến các vị tu sĩ? Nhưng không đúng, vì thực ra các vị vẫn là
những người có dục tính như chúng ta, chỉ có điều khác biệt là các vị nhận ra
điều đó và chọn cho mình một hướng đi thăng hoa, không chấp nhận để cho dục
tính lôi cuốn hay điều khiển cuộc sống của họ.
Nhưng đạo Phật còn đi xa hơn nữa
khi chỉ ra rằng trong mỗi con người đều tồn tại những nghiệp báo mà chúng ta đã
tạo ra trong quá khứ – một quá khứ không chỉ giới hạn ở thời điểm chúng ta sinh
ra với thân xác này, mà là xa xôi hơn nữa. Những nghiệp báo ấy bao gồm thiện
nghiệp và ác nghiệp, nói nôm na là kết quả của những việc tốt và việc xấu mà ta
đã làm.
Theo luật nhân quả do đức Phật
thuyết dạy, tất cả mọi hành động của chúng ta đều tạo ra những kết quả nhất
định. Việc tốt lành sẽ tạo ra thiện nghiệp, còn việc xấu ác sẽ tạo ra ác
nghiệp. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy rằng: “Nếu như ác nghiệp ấy mà có hình
thể, thì khắp cõi hư không cũng chẳng thể dung chứa hết.” (Nhược thử ác nghiệp
hữu thể tướng giả, tận hư không giới bất năng dung thọ.)
Nhưng chúng ta cũng có thể tự
mình hình dung được những ác nghiệp mà con người đã tạo ra là nhiều đến mức
nào. Chỉ riêng những gì mà mỗi chúng ta đã làm từ lúc sinh ra đến nay, nếu xét
theo các điều ác mà đạo Phật chỉ ra như giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối,
uống rượu, thì có thể cũng đã quá nhiều đến mức không sao tính đếm được. Có
người nói rằng, dạ dày của chúng ta là một cái nghĩa trang rất lớn, vì nó đã
“an táng” không biết bao nhiêu con vật trong đó. Quả thật, nếu bạn không phải
là một người ăn chay từ nhỏ, liệu bạn có nhớ nổi là mình đã từng giết hại –
trực tiếp hoặc gián tiếp – bao nhiêu con vật rồi chăng?
Nguyên Minh
Nguồn: rongmotamhon.net