Ra khỏi cánh rừng, chân trời phía trước

Người ta vốn tin rằng có những con số may mắn, những con số rủi ro, những con số linh thiêng và những con số đáng nguyền rủa. Khi quân xúc xắc gieo xuống, đố ai biết nó lăn theo hướng nào. Người công dân thứ sáu tỉ trên hành tinh của chúng ta sẽ mang quốc tịch nào đây?... đó là câu trả lời của một đấng linh thiêng không nhìn rõ mặt.

Trong khoảng thời gian chờ đợi, tôi xin mạn phép giả dụ rằng đứa bé mang con số đặc biệt kia sẽ chào đời tại một vùng đất đói nghèo khốc hại xứ Somalia hoặc trong một cung điện lộng lẫy như Buckingham, hai địa danh có thể tạm coi như địa ngục trần gian và thiên đường cõi thế. Nếu đứa bé đó cất tiếng khóc chào đời dưới mặt trời bỏng giãy Somalia, âm thanh đầu tiên tưới rót vào tâm hồn nó sẽ không phải giai điệu của bài hát ru mà là tiếng đạn bom, tiếng vo ve của những bầy ruồi, tiếng vỗ cánh của lũ chim ăn xác. Mùi vị đầu tiên nó cảm nhận sẽ không phải mùi hoa cỏ, mùi lúa chín, múi trái cây mà là mùi máu tươi và máu khô, mùi thối rữa của các tử thi và mùi thối rữa của thực phẩm trong khẩu phần thường trực...

Nếu đứa bé ấy may mắn sống sót cho đến tuổi trưởng thành, tôi cầu xin Thượng Đế đã dung dưỡng sinh linh ấy ban phát cho nó khả năng nhận thức về thân phận của mình cho dù trí não nó chưa kịp nở bừng đã tàn héo và mê mụ đi trong sự tê liệt của cùng khốn và nhàm chán. Nhận thức về thân phận của chính mình là phẩm chất quan trọng để làm người. Như vậy, đứa bé Somalia sẽ tin rằng số phận con người vốn là thế: vốn sinh ra giữa một cặp đùi gầy guộc và bẩn thỉu, vốn phải chịu đựng đói khát và bị xua đuổi, bị tàn sát như một loài vật yếu đuối hay sâu bọ nếu như nó không đủ khả năng để hiểu rõ thân phận chính mình. Xin Thượng Đế hãy cho nó ơn huệ ấy. Xin hãy mở to đôi mắt nó, hãy cho nó cơ hội nhìn thấy một cuộc sống khác nhân loại khác vì chỉ như thế nó mới ý thức được chính mình. Người ta phải ra đi mới có trở về. Trở về với chính mình là cuộc trở về khó khăn và quan trọng nhất.

Trong trường hợp thứ hai, nếu đứa bé được sinh ra ở Buckingham, cuộc sống của nó được định vị giữa nhiều lớp rào chắn, những lớp rào kiên cố được dựng lên nhằm tránh cho nó những hiểm hoạ, rủi ro của cuộc đời đầy biến động và ô nhiễm. đứa trẻ may mắn kia được chuẩn bị để trở thành một tiểu thiên thần. Tôi cầu xin Thượng Đế hãy ban cho tiểu thiên thần ấy một trí tưởng tượng siêu việt. Để tâm hồn nó có thể vượt qua những lớp rào chắn của cuộc sống phù hoa chạm tới những cõi đời khác, xúc cảm những nhân loại khác, thấu hiểu rằng có những gian truân và những khổ đau nó không hình dung nổi...

Trí tưởng tượng cũng là một phẩm chất cao quý của con người. Không có nó, chắc chắn con người không thể cảm thông, không có tình thương, sự khoan dung, lòng nhân hậu. Không có các hội cứu tế, tương tế, từ thiện. Không có mẹ Teresa và các bà xơ. Trí tưởng tượng khởi đầu cho một chuỗi những cảm xúc, suy tư, những giả thuyết trí tuệ, sự ăn năn và những ý định tốt đẹp nhằm cứu vớt phần nhân loại đắm chìm trong cùng khốn và mê muội. Đôi khi sự thiếu hụt trí tưởng tượng có thể dẫn đến những tội ác ngoài ý muốn.

Một đứa con chủ trại mười bốn tuổi lần đầu tập bắn đã nhằm đúng trán đứa bé khác bởi vì nó không hình dung một con người có thể rúc giữa đám gai nhọn, nó ngỡ đó là con chồn con cáo hoặc loài thú nhỏ nào đó sống ven rừng. Đứa bé kia rúc giữa đám gai nhọn vì muốn đánh cắp những mẩu gỗ bên trong hàng rào của chủ trại. Gia đình túng bấn và mẹ nó giao cho nó phận sự phải kiếm cho đủ củi về đun. Sự việc thật giản đơn. Một tiếng súng nổ. Và một sinh linh lìa bỏ cõi đời. Có ai nghe thấy tiếng thở dài của Thượng Đế chăng?... Tôi chưa nghe thấy. Trí tưởng tượng là sản phẩm của con người nhưng đồng thời lại là một trong các vật liệu cấu tạo nên con người. Nó không dành riêng cho các diễn viên. Lượng diễn viên chuyên nghiệp so với tổng số nhân loại quá nhỏ bé. Trí tưởng tượng là một tiêu chuẩn đo tính người.

Không phải vô cớ mà người ta định nghĩa: Con người là con vật ảo tưởng.

Vì sao chúng ta lại ảo tưởng. Bởi chúng ta là Con Người. Giữa một loạt các khái niệm: trí tưởng tượng, ảo tưởng, hi vọng, ước mơ, utopie và hallucination không có những ranh giới với các đồn biên phòng được canh gác nghiêm cẩn. Chúng là những miền đất giáp ranh và những no man s land chúng chơi trò đổi chỗ giống như các bóng ma đùa rỡn lúc vào đêm. Trong tiến hoá, mọi sinh vật thường không thoả mãn với các điều kiện sẵn có của chúng mà luôn luôn tìm kiếm một môi trường khác để kiến tạo những ổ sinh học tốt hơn cho bản thân. Chúng ta cũng vậy thôi, chúng ta cũng trăn trở năm này qua tháng khác, khắc khoải ngày đêm để tìm kiếm cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cái mà nơi sinh vật là "ổ sinh học tối ưu " nơi chúng ta gọi là Sự hoàn thiện. Đó là khuynh hướng chủ đạo của cuộc nhân sinh.

Nhưng sự hoàn thiện là chân trời đối diện, chúng ta càng tiến đến, nó càng lùi ra xa. Nó là Thượng Đế không nhìn rõ mặt, là vị thần toàn năng và bất tử nhưng chỉ toàn năng và bất tử khi được che khuất bởi những đám mây dày đặc trên đỉnh Olympe để người đời sáng tạo gương mặt mình theo nét vẽ của họ. Vậy vì cớ gì chúng ta mãi theo đuổi vào trò chơi vô tận này. Cuộc đuổi bắt mà kẻ theo đuổi khốn khổ là chúng ta đây biết chắc chắn rằng chẳng bao giờ tới đích...

Vâng... Chúng ta theo đuổi vì chúng ta biết rằng đó chính là bản chất đời sống. Ngoại trừ một bộ phận nhân loại đắm chìm trong đói khát nhục nhằn chết chóc, chỉ dám tìm kiếm sự tồn tại chứ không tìm kiếm cuộc sống thật sự và cuộc tồn tại đó chỉ ngang giá với sự tồn tại của cỏ cây, còn những ai ý thức về thân phận người, về nhân cách và thấu hiểu ý nghĩa cuộc sống đều phải dấn thân vào trò chơi đó. Chúng ta sống là để tìm kiếm một Thượng Đế không nhìn rõ mặt, một giá trị mới đang còn ẩn náu nơi chân trời xa ngái, sau những lớp mây và những đám sương mù. Con người chẳng bao giờ sống đủ với những thứ họ đã nhìn thấy trước mắt, họ đã nắm trong tay, họ đã cất vào các ngăn tủ. Con người sống bởi Cái sẽ đến. Cái sẽ là. Tất cả những lao động nhọc nhằn, thử nghiệm, ước mơ, khắc khoải, hi vọng và tìm kiếm không ngưng nghỉ là để tìm kiếm một cái mới, tốt đẹp hơn, cái chưa nhìn thấy.

Sống là phiêu lưu. Không cuộc phiêu lưu nào hứa hẹn một kết quả chắc chắn. Chúng ta nhảy xuống biển bơi tới bãi bờ phía trước vì nghe thấy tiếng gọi của Thượng Đế vọng trong chính tâm hồn khao khát của chúng ta chứ không vì một cú điện thoại tại một hải cảng đã chờ sẵn bên kia bờ đại dương. Biển nào cũng dung chứa xác tàu bè và hài cốt người dưới những lớp sóng màu lam. Biển nào cũng có những bầy sirène và các tam giác quỉ. Và như thế, khả năng sai lầm của con người là thứ rất khó kiểm soát và thường chỉ được nhận diện sau khi sự việc đã xảy ra. Giờ đây, hẳn còn có những người ngẩn ngơ tự hỏi: Vì sao giữa lòng Châu âu thế kỉ 20 lại nảy sinh ra những lò thiêu người - giữa mảnh đất mà nền văn minh Hi-Lạp cổ đã tẩm đậm và phù trợ, nơi tâm hồn con người được thanh lọc và thăng hoa trong ánh huy quang của thời Phục Hưng, nơi trí óc con người được chiếu rọi bởi Thế kỉ ánh sáng?...

Thế đấy, đã từng như thế. Vậy các công dân của thế kỉ mới, xin các vị hãy dè chừng. Lớp vỏ của nền văn minh rất đỗi mong manh, nó có thể bị gãy vỡ ở những nơi và vào những lúc ta ít ngờ tới nhất. Người xưa nói: Bóng tối ở ngay dưới chân đèn. Chúng ta thường mắc bẫy ở những nơi ta tin chắc rằng vô sự. Con người sáng tạo ra ngôn từ nhưng lại bị chính ngôn từ lừa mị dẫn dắt và họ biến thành nô lệ của một tôn giáo, một hệ tư tưởng hoặc một đảng phái. Từ khát vọng vươn lên một thế giới tốt đẹp hơn, họ đã rơi xuống bãi lầy ở nơi đó giữa bùn đen, họ phải chấp nhận trở thành những kẻ tàn ác, đểu giả hoặc đớn hèn, trong cả hai chiều hướng tính Người đều giảm thiểu và tính Không Người gia tăng bù vào khoảng trống. Đây không phải trường hợp của vài cá nhân, thậm chí vài ba triệu người.

Vậy thì những công dân tương lai của hành tinh, xin các vị hãy biết cảnh giác với các luận thuyết và các ngôn từ, chúng ta tinh khôn hơn loài vật nhưng chúng ta mỏng manh hơn chúng. Loài vật không suy nghĩ, chúng tìm kiếm và kiến tạo những ổ sinh học mới theo bản năng, trong bản năng ấy Thượng Đế đã cho chúng một khả năng tiên liệu. Chúng ta là con người, chúng ta sáng tạo nên ngôn ngữ xây thành đắp luỹ cho thế giới người bởi chính ngôn ngữ rồi đôi khi chúng ta lạc lối chết ngạt trong các thành luỹ giống như kẻ xây một mê cung rồi bị cầm tù trong chính mê cung ấy chẳng tìm được lối ra.

Các vị, những kẻ hậu sinh, các vị có thể quên hết những cái tên hãi hùng của lịch sử: Hitler, Stalin, ... Vâng, các vị có thể quên hết đi, đó là quyền của các vị. Nhưng chớ bao giờ quên khả năng có thể lầm lạc của con người. Bởi con người không quá hùng mạnh như hằng tưởng. Chúng ta không khoẻ như hùm beo gấu sói. Chúng ta không thể quay mọi chiều như con sâu, không chạy nhanh như đà điểu, không đánh hơi tài như chó, không cảm nhận và tiên liệu thời tiết nhạy bén như loài ong... Nhưng chúng ta sẽ mạnh nếu chúng ta biết sử dụng trí khôn. Và một phần rất cốt lõi của trí khôn được hình thành trên những nghiệm sinh trực tiếp và gián tiếp.

Những kinh nghiệm khốc hại của các thế hệ trước sẽ trở thành tài sản của các vị nếu các vị biết sử dụng. Lịch sử không tiến lên theo cùng một nhịp điệu, không đều đặn liên tục một cách máy móc. Nhưng đừng hi vọng cắt thời gian thành từng lát như cắt bánh mì. Nghĩ như thế là tự sát. Lịch sử có các bước nhảy, những chỗ thụt lùi, lúc nhanh lúc chậm, khi rực rỡ khi tăm tối... nhưng nói chúng vẫn là dòng chảy, và trên tổng thể, theo chiều lên cao. Con người càng ngày càng Người hơn, tự do hơn.

Xa xưa, chúng ta sống thành bộ lạc và theo lệnh của kẻ cầm đầu bộ lạc chúng ta giết người của bộ lạc bên cạnh, cách chúng ta một cánh rừng. Sau rồi, sống theo đơn vị quốc gia chúng ta tiến hành chiến tranh với quốc gia bên cạnh theo lệnh quốc vương hay ngài tổng thống. Giờ đây, không gian sinh tồn được mở rộng. Những thay đổi về cấu trúc hành chính đem lại chiều kích tự do mới cho con người. Càng ít phụ thuộc vào một hệ thống kín nào đó con người càng Người hơn, càng tự do hơn. Và cùng với những tiến bộ của nền văn minh con người ngày càng mạnh. Christophe Colomb phát hiện ra châu Mỹ với các thuyền buồm chứ không phải tàu du hành vũ trụ. Mỗi thời đại có chân trời riêng của mình. Đà bay của các công dân thế kỉ sau sẽ rộng hơn đà bay của chúng ta.

Tuy nhiên, tôi vẫn thường nghĩ tới hình ảnh con người đầu tiên rời bỏ cánh rừng tiền sử, phóng tầm mắt lo âu về chân trời phía trước. Anh ta có sợ hãi chăng?... Hiển nhiên là có. Anh ta đã quen ẩn trong hang đá, núp dưới vòm cây, quen cái ổ sinh học được định vị. Giờ đây anh ta rời bỏ chốn ấm êm đó, tiến về bình nguyên... Một không gian xa lạ. Trống trải. Mênh mông. Không nơi trú ngụ. Một bầu trời hoang vu kinh hoàng. Không cành lá, không chim chóc. Một bao la ngập lụt. Nhấn chìm. Hù doạ. Sấm sét. Bão giông. Mặt trời thêu đốt... Nhưng con người sợ hãi đó đã cố vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, vươn thẳng lưng cất bước. đẹp thay. Dũng mãnh thay hình ảnh đó. Tổ tiên chúng ta đã khởi đầu lịch sử bởi khảnh khắc đầu tiên rời bỏ cánh rừng, tiến về phía bình nguyên.

Từ đó tới nay bao nhiêu trang sử đã lật qua?... Bao nhiêu nước đã chảy trôi dưới những chân cầu?... Nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại hình ảnh của tiền nhân. Bởi mãi mãi sống vẫn đồng nghĩa với hiểm nguy. Và mỗi khi mường tượng tới cuộc dấn thân của những công dân tương lai tim tôi vẫn thắt lại vì khắc khoải và đâu đó, giữa mớ cảm xúc và ý tưởng hỗn độn trong óc não tôi, có cái gì như tiếng kêu câm nín, có cái gì như nỗi lo âu không thể cất lời, có một nỗi sợ hãi ẩn náu dưới tiếng thét điên cuồng thúc hối: Ra đi!... Vâng. Như thế đấy... Và phải chăng đó chính là thân phận vĩnh cửu của con người?... Bởi thế, tôi xin chúc những con người của ngày mai có đầy lòng can đảm để ra khỏi cánh rừng và tiến về phía chân trời phía trước. 

Dương Thu Hương
Theo ghi chú thì Bài viết này được xuất bản trong tập Những lá thư gửi cho người công dân thế giới thứ 6 tỉ (Letters to the Six Billionth world Citizen) sẽ phát hành cuối năm 1999. Vì lý do tế nhị, Tự hiểu mình's Blog đã tự điều chỉnh một vài chổ cho phù hợp!
Nguồn: 4phuong.net
Previous Post
Next Post