
Khi không còn thứ gì để mất, thì
lúc đó họ sẽ tự đưa ra cho mình hai con đường để chọn: Một là từ bỏ tất cả để
kết liễu đời mình. Hai là đứng dậy và đi tiếp về phía trước, làm lại từ đầu.
Giữa sự tuyệt vọng và hy vọng, con người ta sẽ tự tìm cho mình sự lựa chọn. Và
họ sẽ bằng lòng, hoặc hối hận trước quyết định của riêng mình.
Có hay không?
Sự bắt đầu cho một cuộc đời mới.
Trước mắt toàn là những khó khăn, đằng sau là cả một hệ quả của việc làm đã
qua. Người ta sẽ dễ dàng chán nản và tự tìm cho mình sự cầu toàn, bằng nhiều
cách, họ có thể làm mọi điều cho riêng mình bất kể là sự tổn thương đến người
khác. Nhưng dấu vết của việc đã làm thì lưu bóng mãi trong suốt chặng đường đời
đi qua.
Đứng ở một góc trời, nhìn về phía
mặt trời, ta mới thấy mình nhỏ bé, là những sinh linh giữa muôn trùng sinh
diệt. Rồi tự ngẫm: “Tại sao con người ta lại tự tạo ra khổ, để rồi khổ - Tự tạo
ra khó khăn, để rồi phải vượt qua khó khăn hay tự thấy mình chán nản, vô vọng,
để rồi chấp nhận từ bỏ tất cả”.
Một chuỗi cảm xúc, suy nghĩ đúng
sai đã làm nên biết bao con người sống trong thầm lặng, suy tư về một góc trời,
giữa mình và ta, giữa cái chết và sự sống.
Một câu chuyện
Các nhà nghiên cứu đã quan sát
thấy một thói quen rất kỳ lạ của loài bọ chét sống trên xác động vật: Khi được
cho vào một chiếc hộp có nắp, những con bọ chét sẽ nhảy liên tục lên phía nắp
hộp, để mong cầu thoát thân.
Lúc đầu, những con bọ sẽ nhảy
chạm vào nắp hộp, một hồi chúng không nhảy cao nữa, để tránh chạm vào nắp. Vì
đập đầu vào nắp hộp thì khá đau nên chúng sẽ tự động nhảy thấp hơn.
Đến khi cái nắp được mở ra, những
con bọ chét vẫn tiếp tục nhảy, nhưng không hề nhảy ra ngoài hộp. Chúng không
thể. Vì chúng đã tự đặt cho mình giới hạn là chỉ nhảy cao đến mức đó mà thôi.
Đó là câu chuyện những con bọ
chét. Nhưng nó là hình ảnh liên tưởng đến chúng ta. Không ít lần, chúng ta thất
bại, gặp phải sóng gió cuộc đời vùi dập, ta lại sợ và không dám vượt qua, tìm
kiếm sự yên ổn, thiếu can đảm, sợ tổn thương, rồi tự đặt ra cho mình những khả
năng hạn chế, mà không đủ sức để vượt qua nó.
Chúng ta quên mất rằng, khi tự
giới hạn năng lực của bản thân, chúng ta sẽ không đạt được mức mà lẽ ra chúng
ta có thể đạt đến, vì cứ ngỡ mình đã làm hết khả năng rồi. Và cứ thế, khả năng
của chúng ta sẽ không có điều kiện được phát triển đúng mức .
“Đừng để cuộc đời bạn trôi qua
một cách vô nghĩa khi mãi chìm đắm trong kỷ niệm, lỗi lầm của quá khứ hay quá
lo lắng cho tương lai. Hãy sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại bằng tất cả
nhiệt huyết của trái tim mình". Làm được điều đó, ta sẽ không phải tự thấy
mình nhỏ bé giữa một góc trời, là một sinh linh vô nghĩa trong muôn trùng sinh
diệt.
Đi tìm mục đích
Giá trị đích thực của nó là gì?
Về đâu, đi đến đâu để tìm ra mục đích đời mình. Những học thuyết, khoa học đã
minh chứng thật nhiều điều từ sự khởi sinh của con người, cho đến sự tồn tại
của sự sống. Rồi chính nó lại tự đặt ra câu hỏi: Sau sự tồn tại là gì, sẽ đi về
đâu?
Vì thế, đã không ít bao người
chọn cho mình đời sống xuất gia. Để tự tìm ra lời giải đáp. Chấm dứt sinh tử,
thoát khỏi luân hồi hay Niết-bàn tịch diệt. Đó là những mục đích cao cả của
những bậc tu hành giải thoát.
Còn ta, chắc sẽ đi tìm mục đích
giản đơn là khi có được thật nhiều hạnh phúc và hạnh phúc được hiểu như: “Chỉ
cảm thấy giá trị thật sự của hạnh phúc cho đến khi chúng ta đã đánh mất hoặc
sắp sửa mất nó." Như thế, sự mong cầu sau cùng ở tương lai nhưng ngay hiện
tại ta đã có.
Sóng gió cuộc đời cũng thế, nó sẽ
nuôi ta lớn để ta nhận ra một điều hạnh phúc nơi đây và ngự trị trong tâm hồn.
Chấp nhận tất cả, để rồi dễ dàng vượt qua tất cả. Bằng sự trốn chạy, chán nản,
vô vọng thì nó sẽ mãi bên ta cho đến hết cuộc đời.
Giác Minh Luật
Nguồn: daophatkhatsi.vn