
Khi một người nổi sân hận, người
ấy không khác gì kẻ ác, đối tượng của nóng giận. Mang sân hận, người ấy không
còn tự kiểm soát được chính mình khiến không thể tiến tới gần giải pháp của vấn
đề. Người ấy trở thành kẻ thua cuộc. Khi một người nóng giận cố gắng xúi bẩy
người khác nhưng chỉ nhận được nụ cười khẩy của người này khiến người nóng giận
thường mất tinh thần bởi cảm nghĩ thất vọng. Người ấy cảm thấy chán nản vì
không thể làm người kia bối rối và giận dữ. Người ấy bị thua vì đối tượng không
hợp tác nhằm làm mất tinh thần hay tham gia vào sự bôi xấu.
Ðức Phật nói: "Hạnh phúc
thay cho chúng ta sống không hận thù giữa những kẻ hận thù, giữa những kẻ hận
thù, chúng ta không thù hận". Bạn hành động khôn ngoan giống như người có
học thức bằng cách không sân hận hay trả đũa kẻ phá rối. Bạn phải hiểu rằng ở
một lúc nào đó kẻ phá rối có thể bị đầu độc bởi tham, sân, ganh ghét và vô
minh. Kẻ đó không khác gì những chúng sinh khác, bị đầu độc vào những lúc khác.
Sự hiểu biết như thế sẽ đến với bạn qua sự tu tập chú tâm.
Một người thực hành chú tâm, hiểu
sâu sắc về động cơ, ham muốn, yếu điểm và sức mạnh của mình. Sự giác tỉnh này
giúp cho người ấy loại bỏ được những tư tưởng bất thiện và tăng trưởng tư tưởng
thiện. Khi người đó tự mình hiểu mình nhiều hơn, nhận thức được những chúng sinh
khác cũng bị vương mắc trong tình trạng khó khăn tương tự. Người đó nhìn thấy
đồng loại bị mắc bẫy trong lưới ảo tưởng của chính mình, mù quáng bởi vô minh,
tranh đấu vô ích để thỏa mãn tham dục. Từ vô minh và tham dục, phát sinh sự
thực hiện các hành vi mà việc đó đem bất hạnh phúc cho người khác và chính
mình. Mặc dầu những giới hạn ấy và yếu điểm ấy, họ vẫn có tiềm lực để chứng
nghiệm phát triển tinh thần. Nhận thức điều này, người như vậy có thể phát
triển lòng từ bi cho tất cả chúng sinh, tha thứ những khó khăn mà họ tạo ra, và
học hỏi biết tha thứ và quên đi.
Ðức Phật dạy: "Kẻ ác bản
tính không xấu. Nhiều người làm ác vì ngu muội. Vì họ ngu muội, chúng ta không
nên nguyền rủa hay kết tội họ mãi. Chúng ta nên cố gắng sửa chữa họ và giảng
giải cho họ biết những lầm lẫn của họ". Từ bi và sự hiểu biết như vậy được
dạy bởi Ðức Phật giúp ta đối xử với kẻ ác giống như ta đối xử với một bệnh nhân
đau khổ vì bệnh tật. Thay vì kết tội họ vì bệnh hoạn, bạn nên cố gắng loại trừ
nguyên nhân của bệnh tật khiến họ trở nên khá hơn và hạnh phúc. Bằng cách trải
tâm từ bi và lòng từ ái đến một người, bạn đã cho người ấy cơ hội nhận thức
được cái dại khờ của họ và cho họ cơ hội từ bỏ được thói xấu.
Từ bi và từ ái có sức mạnh biến
đổi kẻ phá rối thành một người nhân từ, kẻ thù thành người bạn. Ðức Phật nói:
"Sân hận không thể dập tắt được sân hận; duy có tình thương mới dập tắt
được sân hận. Ðó là định luật trường cửu".
Nếu một người tiếp tục làm sai
cho bạn, về phần bạn, lần nào bạn cũng nên sửa chữa người ấy. Cố gắng theo
gương Ðức Phật bao giờ cũng lấy ân trả oán. Ðức Phật nói: "Càng nhiều tai
ương đến với tôi, tôi càng tỏ thiện chí". Một số người nghĩ rằng lấy ân
trả oán là không thực tế. Lấy oán trả oán, oán sẽ chồng chất, làm trầm trọng
tình trạng nguy hiểm. Còn như chính cho chính bạn, bạn hãy cố gắng lấy ân trả
oán.
Khi chúng ta nói "lấy ân trả
oán" không nhất thiết chỉ có nghĩa về mặt vật chất mà thôi. Dĩ nhiên quan
trọng hơn là phát triển tinh thần nơi lòng từ ái được trải tới chúng sinh sống
trong cõi trần gian. Hãy phát triển thiện chí để lúc nào bạn cũng nghĩ tốt đến
mọi người, dù bạn bị người ta làm đau hay bị hãm hại đến mức nào đi nữa. Ngay
cả khi bạn thấy vào lúc này bạn khó thực hiện, bạn vẫn phục vụ to lớn cho chính
bạn và cho người khác bằng cách không lấy oán trả oán.
Trích ‘Những Hạt Ngọc Trí Tuệ
Phật Giáo’
Thích Tâm Quang dịch
Nguồn: quangduc.com