Tâm bình an – Một ốc đảo riêng ta

Hạnh phúc cũng có nghĩa là bình an, thanh tịnh, nhưng thường ít ai nghĩ đến điều đó. Trái lại là trạng thái bình an, thanh tịnh lại bị coi là “nhàm chán”, “không có gì xảy ra”, là sự vắng mặt của phát triển, sinh động. Mà đâu phải bình an, thanh tịnh có mặt ở khắp mọi nơi.

Trạng thái đó rất khó có được nhưng cũng không mấy ai bỏ công kiếm tìm. Vì có lẽ, sự bình an thanh tịnh tựa như thiếu sức sống, như phủ nhận cái Ngã tối thượng của con người. Chỉ có các hành giả tha thiết với đời sống tâm linh mới quan tâm, mới tìm kiếm sự bình an, thanh tịnh.

Bản năng tự nhiên của con người là tìm cách tôn vinh mình, trái ngược với một cực đoan khác là lòng tự ti. Những kẻ giàu lòng tự cao, thì khó có thể tìm được sự bình an. Lúc nào họ cũng phải tranh hơn thua với mọi người xung quanh: “Ai làm được điều gì, thì tôi cũng làm được tốt hơn như thế”.

Nhưng khi thấy thực tế không phải là thế thì đổi lại là “Bất cứ chuyện gì bạn làm, tôi cũng không thể làm tốt bằng”. Trong cuộc đời, có ai không có lúc phải thừa nhận rằng có những việc mình phải thua kém người khác, dù đó là quét đường hay viết sách.

Mặc cảm tự tôn hay tự ti đều không mang lại sự bình an. Sự phô trương tài năng hay mặc cảm thiếu sót, kém cỏi tài năng đều khiến lòng ta không yên. Lúc nào ta cũng cảm thấy phải tìm kiếm, chờ đợi một kết quả nào đó, qua sự tán thưởng, khen ngợi hay chê bai của người. Khi bị chê bai, trong ta dường như có cả một cuộc chiến tranh, nhưng với lời khen ngợi thì ta lại như một kẻ thắng trận.

Trong chiến tranh, không bao giờ có người chiến thắng, chỉ có những kẻ thất bại. Không cần biết ai là người phải ký bản hòa ước trước, cả hai phe đều thua trận. Cũng thế, nếu bạn cảm thấy mình là người chiến thắng, kẻ mạnh hơn, hiểu biết hơn, thông minh hơn, bạn cũng không thể tìm được sự bình an, vì chiến tranh và hòa bình không đi đôi với nhau.

Cuối cùng người ta tự hỏi rằng: Có ai thực sự muốn tìm sự bình an? Có ai thực sự tìm được nó không? Ta cần phải quay vào bên trong, soi rõ tâm mới có thể tìm được câu trả lời. Hành động tự vấn này không phải dễ làm.

Đối với nhiều người, dường như có một cánh cổng sắt nặng nề đóng kín cửa ngõ tâm. Họ không bao giờ biết được điều gì đang xảy ra bên trong họ. Nhưng tất cả chúng ta đều phải cố gắng tự vấn để xem thật sự mình muốn gì.

Trong những cơn hoạn nạn, khi chúng ta không thiết gì về mặc cảm tự tôn hay tự ti, những lúc đó chúng ta thực sự chỉ cầu mong được bình an. Khi lòng xao động hay mặc cảm tự tôn, tự ti đã biến mất, thì điều gì sẽ xảy ra? Có phải lúc đó thực sự chúng ta chỉ mong được bình an? Hay chúng ta mong được trở thành một nhân vật đặc biệt, một người quan trọng, đáng kính?

Là một “nhân vật” thì sẽ chẳng bao giờ có bình an. Có một giai thoại thú vị về cây xoài như sau. Một vị vua khi cưỡi ngựa qua rừng. Ngài đã trông thấy một cây xoài trĩu quả. Ngài ra lệnh cho quân hầu: “Tối nay hãy trở lại đây hái tất cả xoài đó cho ta.”

Quân lính ra đi và trở về tay không. Họ thưa: “Tâu Bệ hạ, tất cả mọi quả xoài trên cây đều đã bị hái, chẳng còn gì trên cây cả”. Nhà vua cho rằng quân hầu lười biếng không muốn trở lại khu rừng kia, nên Ngài thân hành cưỡi ngựa trở lại đó, và nhà vua đã thấy thay vì một cây xoài tươi đẹp trĩu quả, giờ chỉ là một thân cây xác xơ tội nghiệp. Người ta đã bẻ cả các cành cây để hái quả.

Khi nhà vua dong ngựa đi xa hơn tí nữa, ngài đã gặp một cây xoài khác xanh tươi đẹp đẽ với lá cành xum xuê nhưng không có quả trái gì trên cành. Chẳng có ai đến gần cây xoài này. Vì không có trái nên cây xoài được yên thân. Trở về cung điện, nhà vua trao áo mũ, ngai vàng lại cho các quan thần và nói: “Các ngươi hãy giữ gìn quốc gia này, còn ta, ta sẽ vào sống ẩn dật trong rừng kia.”

Khi ta không là ai cả và không có gì cả, ta sẽ không sợ bị tấn công, mất mát, ta sẽ có được sự bình an. Cây xoài trĩu quả không có được một phút yên ổn vì ai cũng muốn hái được quả của nó. Vì thế, nếu thật sự muốn được bình an, hãy không là ai cả.

Không phải là người quan trọng, cũng không thông minh, đẹp đẽ, nổi tiếng hay giữ chức quyền gì cả. Mà hãy là người khiêm tốn, ít phô trương, không có nhiều cá tính càng tốt. Hãy nhớ cây xoài không trái đã được đứng bình yên, được giữ lại những cành lá xanh tươi của mình để tỏa bóng mát cho người.

Không là ai cả, không có nghĩa là không làm gì cả. Chúng ta vẫn hành động nhưng không phô trương tự ngã, không mong muốn lợi lộc. Cây xoài cho bóng mát, chỉ lặng lẽ tỏa bóng mát, đâu có cần ai biết đến. Đó là một đức tính rất cần thiết cho tâm tĩnh lặng.

Phần đông chúng ta hoặc ở cực đoan này hoặc ở cực đoan khác, hoặc không làm gì cả, với ý nghĩ rằng: “Không có tôi, xem họ xoay xở thế nào”, hoặc phải nắm quyền lãnh đạo, phát biểu ý kiến này nọ nên khó có được tâm tĩnh lặng.

Là một ai đó, có vẻ quan trọng, điều này đã ăn sâu trong suy nghĩ của ta hơn là có được sự bình an. Vì thế, ta cần phải quát sát tâm cẩn thận để biết thật sự ta tìm kiếm điều gì. Ta mong mỏi điều gì trong cuộc sống?

Nếu chúng ta muốn làm người quan trọng, muốn được kính trọng, mến yêu, thì cũng phải biết chấp nhận cái giá phải trả. Mọi việc đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó, giống như mặt trời có bóng. Nếu muốn được cái này thì phải chấp nhận cái kia, đừng than thở.

Nếu chúng ta thực sự muốn tâm được bình an, muốn có nội lực vững chãi thì chúng ta phải từ bỏ ý muốn trở thành một người khác. Như thế ta không phải đánh mất nhân tâm, cái ta mất là lòng ham muốn chứng tỏ sự quan trọng, sự cao siêu của con người đặc biệt mà ta gọi là “cái Tôi”.

Tất cả mọi người đều tự coi mình là quan trọng. Nhưng trên trái đất này, có hàng tỉ con người khác, vậy thì có ai là người nghĩ đến chúng ta? Hãy thử đếm xem. Sáu hay tám, hay mười hai, mười lăm trong những con số tỉ này. Có lẽ chúng ta đã phóng đại quá tầm quan trọng của cá nhân mình. Hiểu được như thế, sẽ giúp ta thấy cuộc đời dễ sống hơn.

Muốn được là ai đó rất nguy hiểm. Giống như chơi với lửa, sẽ không tránh khỏi bị phỏng tay. Người khác không phải lúc nào cũng ủng hộ ta. Có người đã thành công trong việc trở thành một ai đó, ví dụ những nguyên thủ quốc gia, nhưng họ đã phải nhờ đến các chiến sỹ bảo vệ vì mạng sống của họ luôn bị đe dọa.

Giữa bao nhiêu thứ trên đời – tha nhân, cầm thú, vật dụng thiên nhiên hay nhân tạo – chỉ có một thứ ta làm chủ được, đó là tâm của ta. Nếu bạn thật sự muốn trở thành ai đó, hãy trở thành con người hiếm có – người có thể làm chủ được tâm mình. Trở thành một con người như thế, không chỉ là đặc biệt mà còn mang đến cho ta nhiều lợi lộc nhất. Một người như thế sẽ không thể rơi vào bẫy của tội lỗi, cấu uế.

Có câu chuyện về ngài Aachan Chah, một vị thiền sư nổi tiếng ở miền đông bắc Thái Lan. Có lần ngài bị phê bình là chứa chất nhất sân hận. Ngài Aachan Chah đã trả lời: “Cũng có thể đúng, nhưng tôi ít sử dụng chúng lắm.”

Một câu trả lời như thế phải xuất phát từ một con người hiểu rất rõ về cá tính của mình. Đó là một người không để cho lời nói, ý nghĩ, hành động của mình trở nên bất thiện. Một người như thế mới đúng là một nhân vật, một ai đó.

Ngài không cần phải chứng tỏ, hay thanh minh với ai, nếu không muốn nói là ngài không cần phải chứng minh điều gì vì điều đó đã quá rõ ràng. Ngài chỉ có một ước muốn không di dịch – đó là tâm bình an.

Khi chúng ta đặt sự bình an của tâm lên hàng đầu, làm điều tâm huyết, thì tất cả mọi ý nghĩ, lời nói hay hành động, đều hướng về đó. Tất cả những gì không đem lại sự bình an cho tâm đều bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, ta đừng lầm lẫn điều này với việc lúc nào cũng phải là người đúng, là lẽ phải. Có thể người khác sẽ không đồng ý với ta. Nhưng tâm bình an là của riêng ta. Ta sẽ đạt được điều đó nếu ta cố gắng tu tập.

Trích sách Ốc đảo tự thân – Phương pháp luyện tâm thanh tịnh, Tác giả: Ni sư Ayya Khema, Dịch giả: Diệu Liên, Lý Thu Linh, Phát hành: Thái Hà Books & NXB Phương Đông
Nguồn: sundariiyoga.vn
Previous Post
Next Post