Cầm thú phải phục tùng bản năng,
chúng không có chọn lựa nào khác. Còn con người? Con người phải là chủ nhân ông
hay chỉ là con rối trong vở tuồng tiến hóa? Chúng ta có thể tự thay đổi số phận
của mình chăng?
Đó là một cuộc gặp gỡ kỳ lạ. Anh
chàng Jim, 39 tuổi, lần đầu tiên gặp người anh song sinh với mình. Họ đã cách
biệt nhau kể từ thuở chào đời. Mấy chục năm cách biệt nhau, cặp anh em song
sinh này trong lần hội ngộ đầu tiên đã chợt nhận ra rằng: họ cùng mang một chứng
bệnh giống nhau, cùng thích hút một loại thuốc lá giống nhau và cũng hay gặm
móng tay giống nhau.
Nào chỉ có thế: cả hai anh em đều
là chủ nhân của hai ngôi nhà có cấu trúc giống nhau, có thảm cỏ được cắt tỉa kỹ
lưỡng như nhau. Trong sân cỏ, chiếc băng ghế để ngồi bọc xung quanh cái cây đều
sơn màu trắng và đều do tự tay mỗi người đóng lấy. Người vợ của anh và người vợ
của em đều trùng tên là Betty. Sau này, khi họ lấy vợ lần hai, cả hai bà vợ đều
trùng tên là Linda. Đứa con trai của mỗi người được đặt tên là Janes Ailan. Con
chó của mỗi người đều có tên là Toy. Hai anh em song sinh này cùng đi nghỉ mát
tại Florida ở
cùng một bờ biển.
Mỗi người trong hai anh em đều có
bố mẹ nuôi riêng, nhưng các cụ đều sống tại Ohio mà không quen biết nhau bao giờ. Họ đặt
tên đứa con nuôi là Jim LeWis, còn người em thì được bố mẹ nuôi của mình đặt
tên là Jim Springer. Bố mẹ nuôi của mỗi người đều không ngờ rằng đứa con nuôi
của mình lại có người anh em song sinh. Mãi đến lúc các nhà nghiên cứu về trẻ
song sinh đã nghiên cứu và điều tra thì nội vụ hai anh em Jim mới được đưa ra
ánh sáng.
Sự hiện hữu trùng lặp lạ kỳ này
báo động rằng: Nếu hai người độc lập nhau sau hàng chục năm mà có những đặc
điểm chung nhất như vậy thì liệu họ có tự khẳng định được chính cuộc đời của họ
không? Liệu họ có thể làm chủ chính bản thân mình hay là có một quyền lực tối
thượng nào đó đã chỉ đạo trước cả hai phải làm những gì?
Trong cái quyền lực ấy, vấn đề có
lẽ ở yếu tố di truyền. Bởi vì đôi song sinh chung hợp tử (uniovulartwins) cùng
tên là Jim này cùng thừa hưởng những yếu tố di truyền giống nhau. Nếu gene thực
sự có thể xác định rõ rằng cuộc đời của mỗi người, vậy thì điều này có nghĩa
là: tất cả chúng ta ngay từ thuở chào đời (dù sanh đôi hoặc không) đã là nô lệ
của sự di truyền rồi. Nguyện vọng riêng tư? Quyết định tự do? Cơ hội để thay
đổi - Tất cả chỉ lã hão huyền chăng?
May mắn thay, sự thể không đến
nỗi như vậy. Và may mắn thay, tất cả những cặp sinh đôi không phải lúc nào cũng
tương đồng lạ kỳ như người ta đã lo ngại. Các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu và
phát hiện không những có sự tương đồng quái lạ như vậy mà còn có những dị biệt
hoàn toàn thông thường nữa. Chẳng hạn trường hợp của anh em Jim, công tác của
họ phát triển khác nhau, và điều khác biệt này giúp phân biệt ngoại hạng của
cặp song sinh chung hợp tử.
Không có lời giải thích thỏa đáng
nào cho trường hợp tương đồng dị kỳ của anh em Jim. Đó hẳn là vấn đề về một
dạng thức cực đoan (extreme form) của sự đồng ý ngấm ngầm, nhưng không phải là
vấn đề về sự chỉ thị chi tiết của Gene. Các yếu tố di truyền cùng với thông báo
như: "Hãy mua con chó và đặt tên là là Toy nghe!" hay là "Hãy
hút thuốc lá hiệu Marlboro nghe!" tất cả điều này không những là kỳ quặc,
vô nghĩa mà còn không thể xảy ra được.
Con người dễ xuất hiện trong cuộc
tiến hóa kéo dài từ hàng triệu năm nay, và vô số những dấu hiệu di truyền từ
khoảng thời gian ấy đã và đang tiềm ẩn trong con người chúng ta. Về mặt di
truyền, những các ứng xử nào đã bám rể quá sâu khiến người ta khó lòng mà thay
đổi bản thân mình? Và sự tự do của con người phải khởi đầu tại đâu đó có thể tự
hình thành và nắm vận mệnh của mình trong tay?
Trên đường tìm kiếm cái ranh giới
giữa áp lực của gene và lòng tự do muốn tự cải tạo của con người, các nhà
nghiên cứu về hành vi đã phát hiện một loạt các dấu hiệu và đặc tính chung nhất
của tất cả con người. Chúng độc lập với văn hóa và mức sống (living standard),
và chúng thuộc về cái cơ cấu nền tảng trang bị ở chúng ta mà ta không thể nào
tước bỏ được.
Trước tiên đó là những bản năng
ai cũng biết: đói ăn, khát uống. Rồi thói thích truyền bá kể lại. Tất cả những
điều này phục vụ trực tiếp đến việc bảo tồn. Có một vài cách cư xử mà thoạt
nhìn ta thấy chúng diễn ra không đơn giản, và thực sự khó mà thay đổi, thí dụ
như:
Tính hiếu kỳ: Tính hiếu kỳ là động tác ban sơ thúc đẩy sự tồn tại
của con người. Không có nó, có lẽ chúng ta vẫn còn trong thời kỳ đồ đá. Chúng
ta đã không phát minh được công cụ và vật dụng, chúng ta không biết phía chân
trời xa xăm kia có những gì. Luôn luôn chúng ta mơ ước, tìm hiểu những điều mới
mẻ và thu hoạch nó. Tính hiếu kỳ luôn diễn ra trong khi chúng ta chơi đùa, ngắm
tranh ảnh, lao động, ăn mừng lễ lạc, đi đây đi đó, mua sắm, thăm viếng bè bạn,
xem TV...
Cái nhu cầu vốn dĩ bắt rễ quá sâu
này đều có nơi tất cả động vật hữu nhũ. Nếu ta đặt một con chuột ở một môi
trường hoàn toàn xa lạ với nó, những bản năng ăn uống của nó sẽ ngủ yên. Nó sẽ
hiếu kỳ chạy lăng quăng khịt khịt đánh hơi và dò xét, mãi đến lúc quen với môi
trường rồi, nó mới dám ăn uống ...
Nhút nhát và sợ sệt trước kẻ lạ: Tính chất này phát triển trong tất
cả các nền văn hóa. Tính nhát sợ phát xuất từ các mô thức giáo dục biệt lập
nhau. Thậm chí một người mù và điếc bẩm sinh, dù không thể nghe và nhìn thấy kẻ
đối diện cư xử khác lạ với người thân quen của anh ta, thì anh ta sẽ phản ứng
dè dặt và nhát sợ trước kẻ lạ này.
Thói vị kỷ: Bất kỳ đứa trẻ nào cũng nói được: "Có!" Ý
muốn sở hữu của đứa phát triển trước, rồi sau mới là ý muốn phân phát và giúp
đỡ tha nhân. Chúng ta không phải là những kẻ hoàn toàn vị kỷ. Nhưng khi ta thi
ân hoặc yêu mến ai, thông thường ta mong được đáp đền. Một góa phụ muốn rằng
sau khi bà ta chết, tất cả của cải sẽ được đem tặng cho hội bảo vệ thú vật và
thành phố nơi bà ta sinh trưởng. Bà ta muốn được nghe lời cảm tạ từ những tổ
chức hàm ơn bà ta! Boris Becker sau khi thắng cuộc, đã tuyên bố: "Tôi yêu
tất cả các bạn." Thực sự, anh ta không có ý nói như vậy đâu. Một người nào
đó đứng trước chỗ đông và cầm tất cả tiền bạc của mình phân phát cho bất kỳ
người nào đi qua mặt anh ta. Chúng ta hẳn cùng chung ý nghĩ rằng cần mang anh
ấy vào viện tâm thần gấp.
Xây dựng khu vực cư trú và thói xâm lược kẻ khác: Chó và cọp dùng
nước tiểu để khoanh vùng hoạt động của chúng. Con tinh tinh (chimpanzee) bảo vệ
lãnh thổ của nó bằng những động tác dọa nạt hoặc ném đá. Còn người bảo vệ biên
giới của lãnh thổ bằng những vũ khí có thể tiêu diệt đối phương.
Chưa bao giờ những tổ tiên
"hiếu hòa" của chúng ta – tức là những người sống bằng săn bắn và hái
quả – lại cư xử hòa hảo với nhau. Mỗi một nhóm săn bắn và hái quả có ít nhất là
một lần gây chiến với nhóm khác.
Theo giáo sư Elbl-Eibesfeldt, ở
khắp thế giới, con người đều có xu hướng phân định ranh giới biên cương cho
chính mình. Ngay cả một nhóm săn bắn này phân định lãnh thổ chống lại nhóm săn
bắn khác thì chính trong nội bộ của mỗi nhóm cũng có sự phân định dưới hình thức
gia đình.
Xây dựng tổ chức: Trẻ con khi vui đùa với nhau cũng đã biết ai mạnh
ai yếu. Còn người lớn thì biết trong thế giới này đâu là trên và đâu là dưới.
Tứ hải giai huynh đệ chăng? Có thể là vậy. Nhưng quả thực có những đại huynh
cường tráng sung túc và những tiểu đệ tả tơi, không được giúp đỡ. Một xã hội mà
không có tổ chức thì khó chấp nhận được. Ngay cả những bộ tộc thuộc các nhóm
dân tộc cũng thấy đứng đầu là các bô lão, những người giàu kinh nghiệm và những
chiến sĩ đã từng vào sinh ra tử.
Chúng ta có phải là những kẻ vị
kỷ không? Những kẻ vị kỷ thâm căn cố để không cách nào sửa chữa, chỉ áp dụng
thói quen gia đình trị không đếm xỉa gì tha nhân, những kẻ sợ hãi kẻ lạ, thích
gây hấn và bo bo bảo vệ lãnh thổ (hay của cải) của mình? Nếu vậy, bức tranh
nhân loại quả là "đẹp đẽ" thay!
Chúng ta đã và đang cư xử với
nhau theo cái khuôn mẫu thô sơ như vậy, giống như xưa kia con người đã từng cư
xư với thú hoang. Và con thú trong con người chúng ta cứ sống và cứ nhe răng
gầm gừ mãi.
Những khuôn mẫu này chưa hẳn là
sai lầm, nhưng có điều nó chưa được hoàn thiện. Quả thực là, lối cư xử
"rất cầm thú" nói trên đã bắt rễ quá sâu trong tâm khảm chúng ta, bắt
rễ quá sâu trong những tầng lớp già cỗi ở trung tâm của não bộ. Tuy nhiên, nằm
phía trên những tầng lớp này là đại não với bộ phận luôn phát triển của nó gọi
là tâm vỏ não (neocortex). Lớp tâm vỏ não này có thể kiểm tra những động cơ
"thấp hèn" của con người.
Đại não của ta gồm hai phần đều
nhau có cấu trúc phân biệt, và toàn thể đại não lớn gấp 5 lần đại não của một
con tinh tinh. Và chúng ta cần biết ơn đại não, nhờ nó ta mới sở đắc những gì
được mệnh danh là văn hóa của con người chẳng hạn đạo đức, lý trí và trách
nhiệm ...
Và cũng nhờ nó mà ta thoát khỏi
những bản năng cầm thú. Từ đó chúng ta có tự do tự khẳng định mình có thể
chuyển hóa và có thể độc lập được. Trong chúng ta thường thường có sự pha trộn
giữa bản năng và lý trí, và không phải lúc nào lý trí cũng thắng được bản năng.
Thí dụ: ai ai trong chúng ta cũng lấy làm phẫn nộ khi thấy những kẻ hiếu kỳ vây
quanh một nơi xảy ra tai nạn làm cản trở việc cứu hộ. Nhưng nếu đích thân chúng
ta đến gần nơi xảy ra tai nạn đó, thì thói quen cố hữu của chúng ta lại mạnh mẽ
hơn lý trí của chúng ta.
Một thí dụ khác, một người có gia
đình rồi mà còn phải lòng ai khác, thì lý trí của anh ta (từ tâm vỏ não) sẽ
thông báo phải chấm dứt sự thể ấy đi ("Này, phải nghĩ đến con cái của anh
chứ! Vợ anh rất cần đến anh đấy! Cô ấy còn yêu anh mà!") Dù bị vây bủa như
thế, nhưng dục vọng vẫn thắng thế và át đi những ý nguyện tốt lành.
Con người có thể trấn áp hoặc trì
hoãn những bản năng của mình, nhưng vấn đề còn tùy thuộc nghị lực của anh ta.
Chính cái nghị lực này đã phân biệt chúng ta với cầm thú. Một con chó khi thấy
miếng mồi béo bở liền nhào tới ngay. Nhưng con người thì khác: Dù bụng đói cồn
cào nhưng cũng phải nghiêm chỉnh lắng nghe bài diễn văn khai mạc dài lê thê cho
buổi tiệc, sau đó vỗ tay nồng nhiệt và lịch sự rồi mới từ tốn nhập tiệc.
Chúng ta có thể dối tự bản năng
của ta và "làm lơ những đề nghị có tính cách di truyền" (nếu nói theo
lời nhà tập tính học người Anh là Desmond Morris). Chúng ta có thể chế ngự cái
đói và có thể theo một chế độ ăn kiêng hay ăn chay. Tuy nhiên, hễ một bản năng
hoặc nhu cầu mà càng ăn sâu vào tâm khảm chúng ta thì chúng ta càng khó lòng mà
thay đổi cái thói quen cố hữu ấy. Chúng ta lấy lại cái thí dụ đã nêu về tính
nhát sợ người lạ và tính xây dựng khu vực. Một tình huống thông thường nếu một
người ngồi trong toa xe lửa thì anh ta thường mong muốn được dành nhiều chỗ
trống hơn, càng nhiều càng tốt (nghĩa là toa xe càng ít người càng tốt). Nếu ai
đó đứng ngoài cửa và hỏi vọng vào: "Còn chỗ trống không ạ?" thì người
đó bị coi như kẻ thù. Nhưng vì toa xe còn trống, nên anh ta phải miễn cưỡng để
người kia vào toa. Đã vào toa rồi thì họ khó mà ngồi đối diện nhau, họ thường
ngồi sát nhau, coi như có cùng nhiệm vụ là bảo vệ toa xe không cho ai khác bước
vào nữa.
Để xem là thói ác cảm có xảy ra
đối với kẻ lạ hay không? Và nếu có thì nó được hình thành như thế nào, nhà khoa
học Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ ông Mustafer Sherif đã làm thí nghiệm với các cậu bé 12
tuổi trong một trại. Ông phân lũ trẻ lạ mặt nhau này làm hai nhóm: nhóm
"chim ưng" và "nhóm rắn". Hai nhóm được cách ly xa ra, và
mỗi thành viên trong nhóm được củng cố ý thức về tập thể nhóm của mình.
Các cuộc so tài diễn ra, và hai
nhóm này đã coi nhau như kẻ thù. Nhóm này thì tìm cách xông vào lều trại của
nhóm kia để cướp và đốt lá cờ của đối phương. Sau cuộc thí nghiệm, lũ trẻ vẫn
còn ý thức coi nhau là đối nghịch. Và thật khó mà kết hợp hai nhóm lại làm một.
Nhưng ông làm thí nghiệm tiếp, chẳng hạn cho chúng cùng ngồi trên chuyến xe và
xe sa lầy. Trong cơn cần thiết hoặc khốn đốn này, tất cả phải cùng chung tay
cứu nhau và lòng thù hận (hay thành kiến) ban đầu đã hết.
Ông Shefif muốn chứng tỏ rằng,
người ta có thể xóa tan thành kiến, và có thể kiểm soát những cố tật hoặc những
dự tính kiên quyết ban đầu. Ông Dr. Jugen von Scheidt, bác sĩ điều trị tâm lý
tại München, cho rằng "Sự thay đổi có thể thực hiện suốt cả cuộc đời, nhưng
nó đòi phải có một áp lực lớn ngoại tại (như thí dụ nêu trên) hoặc nội tại thì
mới thành công."
Sự thay đổi bắt nguồn từ động lực
sâu thẳm nội tại của cá nhân có thể là do một kinh nghiệm nhớ đời, hoặc một cú
sốc hay một cơn bệnh hiểm nghèo. Lấy trường hợp của một người Anh tên Francis
Chichester làm thí dụ. Năm 1966 bác sĩ bảo ông ta rằng ông ta bị ung thư và chỉ
còn sống chừng vài tháng nữa thôi. Thay vì rút lui tĩnh dưỡng, ông ta đơn thân
dong buồm đi vòng quanh thế giới để lại thân nhân bè bạn sau lưng mình. Ông đi
từ Anh đến Úc mất 107 ngày. Năm 1972 ông mới qua đời, hưởng thọ 71 tuổi, và
được nữ hoàng Anh phong tặng danh hiệu quý tộc.
Các bác sĩ đều biết rằng, dân
nghiện ngập (rượu chè và ma túy) dễ thuyết phục điều trị nếu sức khỏe của họ
quá tồi tệ. Con người ta khi lâm vào tình huống thập tử nhất sinh thường có
thay đổi rất lớn. Đứng trước bàn tay của tử thần, họ hồi ức những tội lỗi đã
qua. Một khi thoát hiểm, được tiếp tục sống, họ mong muốn làm lại từ đầu một
cách tốt đẹp hơn. Nếu không gặp những cú sốc như vậy thì người ta có thể dần
dần thay đổi một cách có ý thức. Chẳng hạn bằng phương pháp tham thiền, bí
thuật Yoga hoặc điều trị tâm lý. Nhưng dù bằng cách nào đi nửa, mục đích vẫn là
phá vỡ những thói quen cố hữu hàng ngày.
Những ngày giờ nghỉ ngơi đối với
nhiều người lại là dịp để tự cải tạo. Thanh lọc tinh thần, chẳng hạn ngày lễ
Sabbath của người Do Thái hoặc ngày chủ nhật của tín đồ Thiên Chúa giáo. Tuy
vậy, đối với người này, sự ràng buộc gò bó chính là dịp để tự cải tạo và thanh
lọc, nhưng đối với người khác thì không. Chẳng hạn trường hợp của Martin Luther
(1483-1546), ông đã từ bỏ đời sống khắt khe tiết chế của tu viện để rồi lấy một
nữ tu và có với nhau 4 mặt con. Theo lời Dr. Jurgen von Scheidt, trong bối cảnh
xã hội thuở ấy, đó quả là một cuộc giải phóng vĩ đại vậy.
Tổ tiên ta đã biết giải phóng
khỏi bản năng thấp hèn từ thuở nào? Họ bắt đầu biết độc lập tự do và tự cải tạo
mình từ lúc nào? Có lẽ đã rất sớm. Năm 1971 các nhà khoa học phát hiện bộ xương
của một người Neandertal. Bộ xương bị biến dạng. Con người nguyên thủy này ngay
từ thuở sơ sinh, thân thể đã bị khuyết tật. Rồi những kẻ đồng loại đã giúp đỡ
hắn sửa chữa dị tật.
Rõ ràng là con người có tư duy xã
hội vào cuối thế kỷ 20 này đã biết luôn luôn che giấu cái manh mún "man
rợ" xưa kia. Nhưng tổ tiên xưa kia, khi tay còn cầm đong đưa cái chày vồ
thì họ cũng đã biết tự thay đổi sao cho con người hiện đại ngày nay cũng nương
theo đó mà che giấu cái man rợ của ngày hôm qua.
Bài của tác giả Martin
Tzschaschel trong tạp chí PM, 2-1991; bản dịch đăng trong Văn Hóa & Đời
Sống, 5-1991.
Lê Anh Minh lược dịch