Chúng ta luôn luôn tìm kiếm sự
thỏa mãn và tiện nghi. Từ đó chúng ta trải qua ra vô số kinh nghiệm trong cuộc
sống mỗi ngày, tốt và xấu, đúng và sai. Nhưng dù bao nhiêu tìm kiếm với hy vọng
có được những niềm vui và hạnh phúc, chúng ta vẫn không bao giờ được thỏa mãn.
Những trải nghiệm dù vui tươi hạnh phúc cách mấy cũng không thể làm cho chúng ta thỏa mãn vì chúng ta luôn luôn muốn ôm chặt chúng. Chúng ta cố bám vào những trạng thái trải nghiệm đó vì chúng ta biết rằng cuộc sống còn có những khổ đau mà chúng ta không muốn gặp. Rốt cuộc, chúng ta, những con người, không bao giờ có được sự thỏa mãn trọn vẹn.
Những trải nghiệm dù vui tươi hạnh phúc cách mấy cũng không thể làm cho chúng ta thỏa mãn vì chúng ta luôn luôn muốn ôm chặt chúng. Chúng ta cố bám vào những trạng thái trải nghiệm đó vì chúng ta biết rằng cuộc sống còn có những khổ đau mà chúng ta không muốn gặp. Rốt cuộc, chúng ta, những con người, không bao giờ có được sự thỏa mãn trọn vẹn.
Sở dĩ chúng ta không bao giờ thấy
mãn nguyện trong cuộc sống vì chúng ta không bao giờ tách rời khỏi thời gian.
Trong dòng thời gian, những ham muốn và trải nghiệm của chúng ta liên tục biến
mất và xuất hiện trong từng khoảnh khắc, chúng ta không thể có một sự thỏa mãn
kéo dài. Do đó, dù tiến trình của thời gian là một cái gì ở bên ngoài sự nhận
biết bằng khái niệm, nó là một thứ mà chúng ta phải hiểu thấu với bất cứ giá
nào. Phật giáo cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta hiểu sai về thời gian, chúng
ta sẽ thất bại trong cuộc sống: chúng ta sẽ không có hạnh phúc, không cảm thấy
an vui. Chúng ta muốn biết thời gian là cái gì, nhưng thời gian thật lạ lùng.
Thật sự, nó không phải là cây kim chạy quanh trên chiếc đồng hồ. Nó là sự biến
dịch.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng
ta có kinh nghiệm về thời gian vì những gì xảy ra luôn luôn thay đổi. Ngay cả
khi chúng ta ở một mình trong một căn phòng hoàn toàn cách biệt với thế giới
bên ngoài, chúng ta vẫn có cảm nhận về thời gian vì sự thay đổi không ngừng của
cơ thể chúng ta. Thời gian trôi qua và bao tử chúng ta thấy đói. Và cho dù nếu
chúng ta có thể hoàn toàn làm chủ trạng thái đổi thay thuộc sinh lý, chúng ta
vẫn không tránh được cảm nhận về thời gian, chúng ta vẫn phải sống trong một
dòng đổi thay liên tục của niệm tưởng.
Nhìn theo cách này, có thể chúng
ta sẽ nói rằng thời gian là một dòng biến dịch liên tục của ý thức. Nhưng cái
hiểu đó có phần không vững vì dòng ý thức của chúng ta gắn liền với ký ức. Khi
ngủ, chúng ta không thấy có thời gian. Và đôi khi, khi chúng ta bị một cú sốc
lớn, dòng ý thức dừng lại, khi đó, một giây có thể dài như một giờ, lúc đó
chúng ta hoàn toàn mất đi ý thức về thời gian.
Có người cho rằng ở trong thiên
đường, con người sống vĩnh hằng và mọi ước muốn đều được thỏa mãn, do đó không
cần tìm kiếm một thứ gì. Trong khung cảnh đó, chắc chắn sẽ không có một “dòng ý
thức” hay sự cảm nhận về thời gian. Có thể về mặt triết lý, có một thứ được gọi
là thời gian tuyệt đối. Nhưng Phật giáo muốn chúng ta biết được thời gian thật,
không phải thời gian siêu hình. Thời gian thật liên quan mật thiết với đời sống
mà chúng ta đang sống.
Trong đời sống hàng ngày, khi
chúng ta làm một bài kiểm tra ở nhà trường, hết giờ thì chúng ta phải ngừng
viết. Dù chúng ta muốn có thêm một ít thời gian, vẫn không còn thời gian cho
chúng ta. Khi bị bệnh, cho dù chúng ta có muốn nói: “Hãy chờ đợi, tôi có việc
quan trọng phải làm trước khi tôi bệnh,” cũng không thể được. Đó gọi là vô
thường. Sự việc luôn luôn thay đổi trong những gì chúng ta suy nghĩ, chờ đợi.
Với Phật giáo, có ba tác nhân
nhân nền tảng của biến dịch: sinh, diệt, và trụ-hoại. Sinh là phát sinh – một
cái gì đó đi vào hiện hữu. Đó là sự xuất hiện của đời sống, sự phát sinh phút
giây được gọi là sinh. Diệt là chấm dứt – một cái gì đó biến mất khỏi hiện hữu.
Đó sự biến mất của sự sống, sự chấm dứt của phút giây được gọi là chết. Nhưng
chúng ta có thể nói sinh của sinh hay diệt của diệt là cái gì không? Không,
sinh và diệt không thể được hiểu riêng biệt; nếu đứng riêng rẽ, sinh và diệt
không có ý nghĩa. Để có sự biến dịch, cần có tác nhân thứ ba: trụ và hoại.
Trụ có nghĩa là chúng ta chấp
nhận cuộc sống của chúng ta một cách cơ bản. Không có một lý do đặc biệt trong
việc chấp nhận chúng ta. Dù chúng ta đánh giá chúng ta như thế nào, là ai,
chúng ta vẫn chấp nhận sự hiện hữu của đời sống chúng ta một cách khẳng định.
Nếu chúng ta không thể chấp nhận cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ không có
niềm hy vọng và sức mạnh để sống. Chúng ta dốc toàn lực để sống trong cuộc đời này
có nghĩa là chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận chúng ta. Nhưng “trụ” không làm cho
chúng ta thỏa mãn vì đồng thời còn có “diệt”. Diệt có nghĩa là trong cuộc sống hàng
ngày chúng ta kinh nghiệm về cái chết; tính chất vô thường không ngừng cắt bớt
đi đời sống của chúng ta.
Trụ và hoại cũng được nói đến như
liên tục và gián đọan. Về tính chất liên tục, chúng ta thấy ngày hôm qua tiếp
nối với ngày hôm nay, do đó chúng ta không thể nói “Ngày hôm qua hoàn toàn tách
rời với ngày hôm nay.” Bởi vì có sự liên tục, chúng ta chấp nhận cuộc sống của
chúng ta với niềm hy vọng và sự cố gắng để sống cuộc sống mỗi ngày. Mặt khác,
chúng ta thấy rằng ngày hôm nay không phải là ngày hôm qua hay ngày mai, do đó
chúng ta không thể nói “Ngày hôm qua tiếp tục đến ngày hôm nay.” Bời vì có sự
gián đoạn, chúng ta nhìn lại ngày hôm qua và nhìn về tương lai; chúng ta phản
hồi về quá khứ và muốn đắm mình vào tương lai. Rồi một cách bản năng, chúng ta
tận lực hướng về tương lai.
Sự mâu thuẩn là chúng ta chấp
nhận cuộc sống, nhưng chúng ta không bao giờ thỏa mãn, vì trong sự sống luôn
luôn tồn tại sự chết. Lý do của sự mâu thuẩn đó là tính chất biến dịch. Khi
chúng ta cảm nhận tiến trình biến dịch, chúng ta gọi đó là thời gian. Chúng ta
có ý thức về thời gian vì có sự biến dịch. Thời gian dưới ý nghĩa vô thường là
hoạt động không ngừng của tiến trình sinh, diệt và trụ-hoại. Không có cái gì chúng
ta ôm giữ là vững chắc, ngoài tác động của biến dịch.
Làm sao để chúng ta có thể sống
an bình trong thế giới luôn luôn biến dịch này? Có thể khó hiểu, nhưng chúng ta
nên cảm ơn cả trụ và hoại. Chúng ta không thỏa mãn vì sự hủy hoại, và chính vì
sự không thỏa mãn làm cho chúng ta muốn học hỏi và tu tập. Và nếu không có sự
hủy hoại thì sẽ không có thay đổi. Sự hủy hoại của một khoảnh khắc tạo ra cơ
hội phát sinh cho một khoảnh khắc khác. Nhờ trụ và hoại, chúng ta có niềm hy
vọng vào tương lai và tận lực trong việc khai phá chúng ta.
Biến dịch là căn bản của đời sống
con người, do đó chúng ta không bám vào sống hay chết, tiếp nối hay dứt đoạn.
Chúng ta sống ngay giữa dòng biến dịch, nơi không có gì có thể nắm giữ. Làm thế
nào để chúng ta có thể làm được việc đó? Hãy ở ngay trong hiện tại và hết lòng
với việc đang làm. Và đó là Thiền.
Khi chúng ta bắt đầu thực tập tọa
thiền, chúng ta sẽ thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống của chúng ta chạy
qua tâm trí chúng ta, từ quá khứ xuyên qua hiện đi đến tương lai. Dù cái đó là
gì, tốt hay xấu, đúng hay sai, nó ở ngay đó. Chúng ta có thể vui với điều chúng
ta thấy hay thất vọng với những khía cạnh tiêu cực của đời sống. Nhưng đừng phê
phán chúng ta về việc chúng ta là ai hay chúng ta cảm thấy thế nào. Ngay cả khi
chúng ta cảm thấy điều gì tốt đẹp, nó cũng chỉ là kinh nghiệm; nó không thể làm
chúng ta thỏa mãn hoàn toàn. Sớm hay muộn, bức tranh toàn cảnh sẽ biến mất vì
nó không thể tồn tại lâu. Nếu chúng ta nhìn khung cảnh đó với sự hướng vọng nào
đó, chúng ta sẽ kiệt lực.
Trong Sohbogenzo (Chánh Pháp Nhãn
Tạng), “Gabyo” (hình ảnh một chiếc bánh gạo không thể làm no cơn cơn đói), ngài
Dogen chú thích “Một chiếc bánh trong tranh không thể ăn được.” Bánh gạo là
kinh nghiệm của chúng ta, đói là sự ham muốn của chúng ta. Kinh nghiệm mà chúng
ta có trong đời sống hàng ngày là những hình ảnh do tâm thức chúng ta tạo ra;
giống như những bức hình về thực phẩm, chúng không thể làm no thỏa sự đói khát
thật sự của chúng ta.
Đi xa hơn, chiếc bánh gạo là một
vật thể được tạo ra với nhiều điều kiện: mặt trời, nước, bột và công sức của
con người. Và chiếc bánh gạo đó không bao giờ thỏa mãn được sự đói vì chúng ta
không thể dừng lại ngay ở chỗ hiện tại. Ngày mai chúng ta lại đói và lại muốn
ăn một chiếc bánh khác.
Trở lại chiếc bánh vẽ. Cuộc sống
của chúng ta cũng giống như bức tranh, bức tranh được vẽ ra do sáu thức (thấy,
nghe, ngữi, nếm, chạm, nghĩ), di truyền, ký ức, phong tục, học vấn, và nhiều
thứ khác. Chúng ta vẽ vời bằng vô số kinh nghiệm trên bề mặt của cuộc sống
chúng ta, nhưng rồi một điều gì đó thay đổi, chúng ta không còn thỏa mãn. Chúng
ta muốn xua đi những kinh nghiệm này và thể nghiệm những điều khác. Đời sống
con người không ngừng trôi qua như vậy. Chúng ta luôn luôn đánh giá và phê phán
những gì trên bề mặt của cuộc sống chúng ta, mà không nhìn kỹ và sâu vào lòng
cuộc sống đó.
Nếu nghĩ rằng cái gì được tô vẽ
là không quan trọng vì nó không làm cho chúng ta thỏa mãn, điều đó có thể đúng,
nhưng chỉ là một phần của sự thật. Đó là một cái hiểu không trọn vẹn về đời
sống con người. Khi suy nghĩ theo cách đó, chúng ta chỉ nhìn đời sống con người
từ phương diện khách quan, chúng ta không dự phần trong đời sống đó. Với cái
thấy nhị nguyên đó, chúng ta tạo ra một khoảng cách lớn, và chúng ta không thể
bắt kịp cuộc sống luôn luôn biến dịch, chúng ta bị bỏ lại phía sau. Nếu chúng
ta muốn sống trong an bình và hòa điệu, có một thứ quí giá mà chúng ta không
thể bỏ quên. Hãy quan sát chiếc bánh gạo sâu hơn. Nếu chúng ta nhìn thấy chiếc
bánh vẽ ở chiều sâu hơn, chúng ta sẽ nhìn thấy chiếc bánh thật.
Chiếc bánh gạo thật là chiếc bánh
như thật là nó, trước khi được tô vẽ bằng những ý niệm và tư tưởng. Theo Phật
giáo, thực tại chân thật là một dòng biến dịch liên tục, không bao giờ ngừng dù
chỉ trong thoáng chốc. Làm sao chúng ta có thể thỏa mãn được sự khao khát trong
dòng biến dịch liên tục này! Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu vào chiếc bánh vẽ,
chúng ta có thể nhìn thấy sự hoạt động năng động ở trong đó, mở ra trong mọi
hướng của thế giới. Điều đó có nghĩa là chúng ta nhìn thấy chiều sâu của hiện
hữu con người. Lúc đó, không có cái “chúng ta” riêng rẽ và không có sự ham muốn
để được thỏa mãn, bởi vì không có gì có sự ngăn cách với chúng ta. Chúng ta
quay về với tính chất căn cơ của đời sống và nhìn thấy bức tranh toàn bộ của
thực tại.
Cho dù những kinh nghiệm trong
cuộc sống hàng ngày chỉ là một bức tranh toàn cảnh không bao giờ có thể làm
thỏa mãn những khát vọng của con người, bức tranh đó nằm ngay giữa sự bao la
của pháp giới. Đời sống được tô vẽ cũng như chiếc bánh vẽ không là gì ngoài
tính chất vô thường. Nếu chúng ta chạm vào cốt lõi của hiện hữu và hiểu ý nghĩa
lời nói rằng chiếc bánh trong bức tranh không làm cho no cơn đói, khi đó không
còn gì để nói. Chúng ta ở ngay trong hiện tại và chạm vào ý nghĩa chân thật của
vô thường.
Khi chạm vào bản chất nền tảng
của đời sống, chúng ta cảm thấy được xoa dịu. Đây là chỗ an trú cuối cùng của
chúng ta, trạm đến cuối cùng của chúng ta. Trên chuyến tàu cuộc đời, cuối cùng
chúng ta đã đến trạm cuối. Nó là chỗ chấm dứt sau cùng, nhưng nó không phải là
sự chấm dứt bình thường. Khi chúng ta đi đến trạm cuối đó, nó là trạm cuối
nhưng cũng là chỗ khởi đầu. Ở điểm chấm dứt đó, một cái gì sẽ xảy đến. Một cuộc
sống mới xuất hiện. Từ khởi điểm này, chúng ta có thể đi đến bất cứ nơi nào.
Cuộc sống chúng ta mở toang ra trong mọi hướng.
Dainin Katagiri
Thị Giới dịch từ Each Moment Is
The Universe
Nguồn: phatgiaongaynay.net