Các bạn đừng hiểu nghĩa là không
biết, không hiểu, không thông minh, ngu dốt, v.v.. Vô minh ở đây có nghĩa là
hiểu biết rất rõ ràng, thông minh, có trí tuệ, không ngu dốt, v.v.. nhưng nó
thường đối mặt với minh, nên nó có một nghĩa khác hơn minh. Phần đông trong xã
hội loài người, đều là những người vô minh. Các bạn có nhận xét điều này chưa?
Khi nói mọi người đều vô minh thì các bạn rất ngạc nhiên vì không thể ngờ được.
Phải vậy không các bạn?
Các bạn có biết không? Những
người vô minh không riêng giới bình dân ít học, tay lấm chân bùn, cùng đinh
khốn khổ, sống không đủ cơm ăn áo mặc, mà cho đến những giới trí thức có đầy đủ
học thức, như những nhà Bác học, những ông Giáo sư, các Bác sĩ, Thạc sĩ, Tiến
sĩ và những nhà khoa học danh tiếng, v.v.. tuy họ có trình độ học thức về đời
cao như vậy, nhưng đối với Phật giáo họ vẫn là những người vô minh. Các bạn có
tin lời nói của chúng tôi không? Xin các bạn bình tĩnh đọc tiếp những dòng dưới
đây thì các bạn sẽ rõ vô minh của giới có học thức là một sự thật, chứ không
phải chúng tôi có ý chỉ trích hay nói không đúng, mà từ lâu chưa có ai nghĩ
đến.
Vô minh đức Phật xác định nghĩa ở
đây là sự hiểu biết thông minh theo tâm ái dục, tưởng ái dục, nên sự hiểu biết
ấy bị hạn cuộc trong không gian và thời gian. Đức Phật dạy: “Bị vô minh ngăn
che” tức là bị sự hiểu biết ái dục, tưởng dục ngăn che làm cho mọi người không
thấy, không hiểu rõ mọi sự việc như thật. Do không thấy, không hiểu biết mọi sự
vật như thật nên sinh ra tham ái dính mắc, chấp chặt không dám buông bỏ. Vô
minh là một sự hiểu biết trong góc độ ái dục, tưởng dục. Khi vượt ra ngoài ái
dục, tưởng dục thì sự thấy và hiểu biết đó là “minh”. Khi nói đến vô minh thì
phải nói đến minh. Vậy minh nghĩa là gì?
Như trên đã nói: “Vượt ra ngoài
ái dục, thì sự thấy và hiểu biết là minh”. Minh là trí tuệ hiểu biết không bị
ái dục, tưởng dục chi phối, nên thấy và hiểu biết mọi sự vật như thật, không bị
dục ngăn che. Cho nên, khi nào tâm hết dục thì ta mới có “minh”.
Tóm lại, vô minh gọi là sự hiểu
biết của dục tri, tưởng tri; còn minh gọi là sự hiểu biết của Liễu tri, Thắng
tri, Trực tri, Chánh tri.
Bát Chánh Đạo là con đường tu tập
của Phật giáo dạy cho chúng ta có cái nhìn thấy đúng đắn, cái suy tư đúng đắn
không mang theo dục tri, tưởng tri. Vì thế, Bát Chánh Đạo dạy cho chúng ta
“minh”.
Ngày xưa cho đến ngày nay, Tổ
tiên, ông bà, cha mẹ, Thầy Tổ (các thầy Đại Thừa) và tất cả mọi người chung
quanh ta đều dạy cho chúng ta sự hiểu biết thường tục, gọi là kiến thức; nhưng
kiến thức ấy luôn luôn mang đầy ắp những ái dục tri, ái dục tưởng tri. Từ khi
Đạo Phật ra đời dạy cho chúng ta cái hiểu biết khác, cái hiểu biết ly dục tri,
ly dục tưởng tri và ly ác pháp. Do đó, chúng ta mới nhận thấy mình thoát khổ,
tâm không còn tham, sân, si phiền não, khổ đau như trước nữa. Cho nên, kinh
Pháp Cú dạy: “Vui thay Phật ra đời!”. Phật ra đời luôn luôn đem lại hạnh phúc,
an vui cho mọi người và mọi loài trên hành tinh sống này. Nhưng có mấy ai đã
hiểu biết đúng như vậy, tất cả mọi người đang sống trong mộng mơ, ảo tưởng, mơ
hồ của thế tục, của các tôn giáo, của các triết học, v.v..
Ở đâu có vô minh, thì ở đó không
có minh; ở đâu có minh thì ở đó không có vô minh. Minh là bờ bên kia và vô minh
là bờ bên này, bờ bên này là đau khổ và bờ bên kia là giải thoát.
Như vậy, luận về minh và vô minh
thì chúng ta đã nhận ra pháp tu hành của Phật giáo rất rõ ràng, chỉ có điều
chúng ta muốn ở bờ bên này hay ở bờ bên kia mà thôi. Muốn khổ đau thì ở bờ bên
này; ở bờ bên này thì đừng than trời trách đất. Muốn hết khổ đau thì ở bờ bên
kia; bờ bên kia là giải thoát, tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự.
Thích Thông Lạc.
Những Lời Gốc Phật dạy, tập 1,
Nxb Tôn giáo
Nguồn: tamphainhudat.blogspot.com