Giáo dục là dạy dỗ, hướng dẫn con
người theo một đường lối đã định sẵn, đưa đến mục đích, tốt hay xấu tùy theo
quan niệm của mỗi người.
Hiện nay, một người được coi là có giáo dục khi người ấy có bằng cấp cao, địa vị lớn, cư xử đàng hoàng đúng với tập quán và những quy định của thuần phong mỹ tục trong xã hội. Tại mọi quốc gia trên thế giới, người ta chú trọng đến việc đào tạo một lớp người có mục đích trở thành những nhà lãnh đạo, những nhân vật quan trọng trong xã hội, làm việc ít nhọc mệt mà lại được hưởng thụ nhiều, có nhiều thời giờ nhàn rỗi mà ít phải suy nghĩ đắn đo, có tương lai vững bền không còn lo sợ những sự bất trắc.
Hiện nay, một người được coi là có giáo dục khi người ấy có bằng cấp cao, địa vị lớn, cư xử đàng hoàng đúng với tập quán và những quy định của thuần phong mỹ tục trong xã hội. Tại mọi quốc gia trên thế giới, người ta chú trọng đến việc đào tạo một lớp người có mục đích trở thành những nhà lãnh đạo, những nhân vật quan trọng trong xã hội, làm việc ít nhọc mệt mà lại được hưởng thụ nhiều, có nhiều thời giờ nhàn rỗi mà ít phải suy nghĩ đắn đo, có tương lai vững bền không còn lo sợ những sự bất trắc.
Những trẻ em đến nhà trường được
các nhà giáo nhồi vào óc những môn học mà chương trình đã định trước, cuối năm
đi thi phải trả lời những câu hỏi mà đáp số đã định trước theo ý của người soạn
thảo chương trình, nếu trả lời đúng thì được lên lớp, thi đậu, được cấp mảnh
bằng, ra đời có một địa vị lớn trong xã hội tùy theo mảnh bằng cao hay thấp;
nếu trả lời không đúng thì không được lên lớp, thi rớt, ra đời phải nhận những
chức vụ thấp kém, nặng nhọc.
Qua cái nhìn tổng quát, chúng ta
thấy nền giáo dục hãy còn thiếu sót; nếu cứ đóng khung cứng ngắc, nền giáo dục
sẽ không được khai triển và chỉ đưa con người đến mức độ tầm thường. Muốn thành
công, người ta phải chui vào cái khung ấy và không dám đi ra ngoài khuôn khổ
chật hẹp và gò bó. Sự sợ hãi làm ngăn trở những tìm tòi để hiểu biết cuộc đời
một cách sáng suốt; rồi ngày tháng dần qua, với gánh nặng gia đình và tuổi tác
chồng chất trên vai, người ta cảm thấy trí tuệ mòn mỏi, tâm hồn hăng hái lúc
trẻ biến thành lạnh nhạt, lười biếng.
Muốn được tận hưởng những lạc thú
ở đời, người ta thu hình vào một nơi yên tĩnh, không tranh đấu, không nguy
hiểm, không gian nan. Chính sự cầu an hưởng lạc, sự sợ hãi khổ đau làm cho
chúng ta không dám vùng vẫy ra khỏi xiềng xích của tập quán. Nền giáo dục và
những ảnh hưởng bên ngoài đã khiến chúng ta không dám có những ý tưởng ngược
đời, và kết cuộc chúng ta trở thành nô lệ cho xã hội và tập quán.
Chúng ta hãy tự hỏi: Ý nghĩa của
đời sống là gì? Những động lực nào khiến chúng ta phải sống và học hỏi cải tạo
con người? Nếu chúng ta chỉ được dạy dỗ để thi đậu cao, có chỗ làm tốt, có địa
vị vững bền, ăn trên ngồi trước, cai trị và điều khiển người khác, thì cuộc đời
thật là nhạt nhẽo vô vị và ích kỷ. Nếu chúng ta được dạy dỗ để thành những học
giả vùi đầu trong đống sách, những nhà bác học sáng chế ra những khí giới tối
tân giết thật nhiều người trong chớp mắt, thì chúng ta đang đi tới chỗ diệt
vong.
Khoa học chỉ giúp chúng ta tiến
bộ về mặt vật chất, đời sống ít cực nhọc, nhưng không thể giải quyết được những
thắc mắc của tâm hồn, không dẹp tan được sự sợ hãi thường xuyên trong lòng
người - sợ nghèo khổ, sợ bệnh tật, sợ già, sợ chết. Nếu mục đích của giáo dục là
đưa đến chiến tranh, giết chóc, tàn phá, thì nền giáo dục đó có được tán thưởng
không, hay tự nó đã lâm vào ngõ bí? Các học sinh và sinh viên được dạy dỗ trong
một bầu không khí cạnh tranh và giành giật - cạnh tranh ở trong lớp để được xếp
hạng cao, giành giật mảnh bằng lớn, cạnh tranh ở ngoài đời để được mối lợi to,
giành giật những địa vị quan trọng; và điều đáng buồn hơn hết là khi đã chiếm
được thì không chịu rời; ta chiếm cho ta, cái gì của ta là vĩnh viễn thuộc về
ta, không thể chia sớt cho người nào khác.
Hơn nữa, nền giáo dục hiện thời
không dạy bảo và sửa soạn đường hướng cho những người tuổi trẻ sắp bước chân
vào cuộc đời đầy cạm bẫy, chông gai, hầm hố; như vậy chắc chắn họ sẽ bị nhận
chìm trong hố thẳm của ích kỷ, tham dục, sợ hãi, ươn hèn, chỉ vì họ thiếu chuẩn
bị. Một số ít vươn lên được nhờ thích ứng với tập quán và xã hội, nhưng thành
công của họ thường được xây đắp trên đau khổ của những người khác, và hố chia
rẽ mỗi ngày một rộng giữa hai hạng người: người được và người mất. Trong một xã
hội như vậy, chỉ có sợ hãi và hận thù mà vắng bóng tình thương.
Một nền giáo dục chân chính hướng
dẫn con người học hỏi, không những chỉ trong một hai chục năm trời lúc còn trẻ,
mà phải khuyến khích mọi người tiếp tục học hỏi suốt đời vì đời sống luôn luôn
biến chuyển, sự học để làm người, đòi hỏi một cố gắng liên tục từ trẻ đến già,
không xao lãng, không ngừng nghỉ.
Nền giáo dục hiện tại, lo đào tạo
chuyên viên để giải quyết những nhu cầu vật chất, thật chỉ có giá trị tương đối
và nhỏ hẹp, một khi chưa giải quyết vấn đề đời sống một cách toàn diện.
Muốn thế, giáo dục phải vượt ra
ngoài khung cảnh bé nhỏ của cá nhân, xã hội hay quốc gia, mà đặt trọng tâm vào
tình thương bao la rộng rãi. Ngoài những môn học hiện thời để giải quyết những
vấn đề vật chất, chúng ta còn phải học cách thương người, thương loài vật,
thương tất cả chúng sinh, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, không phân biệt
tiếng nói, màu da. Ý nghĩa của cuộc đời là: Tất cả cùng được sung sướng, không
còn những sợ hãi vẩn vơ đe dọa tâm trí; mà, muốn hiểu thâm sâu ý nghĩa của cuộc
đời thì trước hết chúng ta hãy tự hiểu mình. Đó là khởi điểm và cũng là mục
đích tối hậu của nền giáo dục nhân bản đúng đắn. Chúng ta hãy giải đáp những
câu hỏi sau đây: Môn học này giúp chúng ta những gì? Hướng dẫn cho ta đến đâu?
Có làm hại ai không? Và cần nhất là môn học đó có giúp chúng ta mở mang trí tuệ
một cách cùng cực, hiểu được ta là ai? Ta có mục đích gì? Ta đi về đâu? Ý nghĩa
của đời sống là gì?
Triết học Ấn Độ có câu bất hủ:
TAT TVAM ASI = CÁI ĐÓ LÀ MÀY. Nếu hiểu được “CÁI ĐÓ” thì mục đích tối cao của
giáo dục đã đạt đến. Muốn cho con người hiểu được ý nghĩa đời sống, TA là ai và
“CÁI ĐÓ” là gì? Một nhà hiền triết Ấn Độ đã bảo người con đem bửa một trái vả,
thấy bên trong có nhiều hột, bửa hột ra, không thấy chi hết; người cha bèn giải
thích: Cái thực thể tế vi mà con không tri giác được, chính nhờ cái thực thể tế
vi ấy mà cây vả mọc lên, đơm hoa kết trái; cái thực thể tế vi ấy đã tạo thành
tất cả vạn vật trong toàn thể vũ trụ. Đấy là thực tại, đấy là Atman, đấy là Tự
Ngã, chính con là cái đó, TAT TVAM ASI.
Câu chuyện trên đây muốn đề cao
nguyên lý đồng nhất trong vũ trụ, một thực thể tâm linh tồn tại và tạo thành vũ
trụ. Cái bí quyết trong sự giảng dạy của người Bà La Môn là: bản ngã của tất cả
chúng sinh là đồng nhất với ý thức vũ trụ, tất cả cái gì là tâm linh đều thuộc
về linh hồn đại đồng ở tại mọi vật, mọi chúng sinh. Người nào tự thấy mình ở
tại tất cả mọi vật và thấy tất cả mọi vật ở tại mình, người ấy nhập một với Đại
Ngã (Brahman) tối cao, nguồn gốc của tất cả. Nguyên lý của vụ trụ thì tế nhị
hơn cả các vật tế nhị, thực thể bất diệt ấy trường tồn ở khắp nơi. Người cha
bảo người con: Thực thể bất diệt ấy ở tại mày, mày là cái đó, cái đó là mày,
TAT TVAM ASI.
Theo khoa học hiện thời, nếu đem
mọi vật ra phân tích đến cùng cực thì người ta tìm ra nguyên tử, rồi đen phân
tích nguyên tử ra những hạt bé nhỏ hơn... dần dần đến chỗ chỉ còn là ánh sáng,
rồi không còn gì nữa.
Phật Giáo cũng nghiên cứu vấn đề
con người, và chủ trương lý VÔ NGÃ: con người, cũng như mọi loài động vật, thực
vật và khoáng chất, đều không có thực thể, không có gì trường tồn bất biến gọi
là CÁI TA (NGÃ hoặc LINH HỒN). Tất cả vạn vật đều do nhiều NHÂN DUYÊN hợp lại
mà thành, tương tùy tương sinh; khi hết duyên thì tan rã; vạn vật luôn luôn
biến chuyển, trước còn sau mất, trước có sau không. Nếu hiểu không có gì là CÁI
TA thì quan niệm sống sẽ thay đổi, ý nghĩa đời sống sẽ rõ ràng: chúng ta không
còn học để cầu danh lợi, cầu yên ổn hoặc để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn
của CÁI TA giả tạm, không tạo những bức tường ngăn cách giữa người này với
người khác, giữa nhân loại với chúng sinh mà chúng ta sẽ học để phát huy TRÍ
TUỆ sẵn có nơi mình, với mục đích tự giác giác tha; việc giáo dục không còn
nhắm vào cá nhân, mà chú ý đến lợi ích cho tất cả mọi loài chúng sinh, sự học
sẽ đi đôi với TÌNH THƯƠNG.
Giáo dục giúp con người đả phá sự
phân chia giai cấp trong xã hội, đả phá thành kiến đầu óc ích kỷ quan liêu nhằm
củng cố uy quyền để thống trị người khác; giáo dục giúp con người tự hiểu lấy
mình và tham gia vào đời sống của nhân quần xã hội với một tấm lòng TỪ BI HỶ
XẢ, không còn chấp NGÃ và NGÃ SỞ, mà phải vượt lên trên tất cả để tìm ra Chân
Lý.
Mục đích của nền giáo dục không
phải là đào tạo những con người máy móc cầu an hưởng lạc, những học giả mọt
sách hoặc những kỹ sư giết người, mà là đào tạo những con người thuần thiện,
thoát ra ngoài mọi sợ hãi, ích kỷ, tham dục, hận thù. Chỉ khi nào con người tự
hiểu rõ mình thì mới tự giải thoát ra khỏi gông cùm của vọng tưởng mê hoặc. Con
sư tử - trừu, của ông Vivekananda, từ lúc sinh ra sống lẩn lộn trong đám trừu,
tưởng mình là trừu, khi thấy bóng mình trên mặt nước, biết mình là sư tử, không
phải trừu, thì hết sợ hãi và bắt đầu một cuộc sống oai hùng.
Từ ngàn xưa, các nhà hiền triết
đã chủ trương phải tự biết mình rồi sẽ biết tất cả sự vật bên ngoài; đó là
Socrate với câu “Cogito ergo sum”, Descartes với câu “Connais-toi toi même”
(Hãy tự biết mình). Từ một NIỆM khởi lên, chúng ta tưởng là có CÁI TA, nhưng
Phật Giáo cho rằng CÁI TA không thật có, chỉ là giả có mà thôi. Vì thấy chúng
sinh chấp NGÃ và NGÃ SỞ, rồi do đó gây nhiều tội ác nên Đức Phật dạy VÔ NGÃ để
phá trừ chấp mê HỮU NGÃ; sau đó tiến thêm một bước nữa, Phật dạy lý “Chẳng Hữu
Ngã, chẳng Vô Ngã”, vì cái NGÃ chỉ là giả lập mà thôi.
CÁI TA tự nó không thể nói Có hay
nói Không; chỉ vì một NIỆM bất giác nổi lên, TÂM bị chia ra làm CHỦ THỂ (năng)
và ĐỐI TƯỢNG (sở), nên vấn đề CÓ-KHÔNG mới được đặt ra. Nên TÂM AN NIỆM DIỆT
thì mọi hiện tượng đều lắng chìm trong BẢN THỂ NHẤT NHƯ; khi Mê thì thấy Có,
khi Giác thì vọng tưởng Không Còn, TẤT CẢ là MỘT, TÂM không TRỤ đâu cả, đó là
giây phút tỉnh thức mà Phật đã dạy trong Kinh Kim Cang: “ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SINH
KỲ TÂM”. Nếu hiểu được như vậy rồi đem thực hành đến nơi đến chốn thì chúng ta
trở thành một con người hoàn toàn giác ngộ giải thoát và mục đích cao cả của
nền giáo dục chân chính đã đạt được một cách viên mãn.
Chúng ta không phủ nhận những ích
lợi vật chất của nền giáo dục hiện tại, những phát minh về khoa học cơ khí,
điện tử, y dược.., đã làm đời sống con người được dễ chịu hơn, lâu dài hơn,
nhưng nền giáo dục này còn thiếu sót và phiến diện; nếu nó được thêm TRÍ TUỆ và
TÌNH THƯƠNG thì mới gọi là đầy đủ.
Có TRÍ TUỆ để hiểu rõ lý VÔ NGÃ
thì chúng ta sẽ được tự tại vô ngại, không còn sợ hãi, không còn những chướng
ngại chia rẽ mọi loài chúng sinh; dù gặp hoàn cảnh khó khăn nào, một khi thấu
hiểu lý VÔ NGÃ thì chúng ta sẽ bình tỉnh để giải quyết một cách khôn khéo và
thành thật, vượt qua mọi chướng ngại, vì lúc đó chúng ta không nghĩ tới chúng
ta, không còn ích kỷ, mà chúng ta làm gì cũng vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh;
khi đó không còn tranh chấp đất đai, địa vị, danh lợi. Rồi lại thêm TÌNH THƯƠNG
rộng lớn để giúp cho lý VÔ NGÃ đỡ khô khan và làm cho nền giáo dục được hoàn
hảo viên mãn. TÌNH THƯƠNG sẽ xóa bỏ hận thù, vượt qua mọi biên giới, làm cho
người ta hiểu nhau, thông cảm nhau, giúp đỡ nhau và hòa đồng với nhau.
Chúng ta thử đặt câu hỏi: Sự học
có ích gì nếu chúng ta chỉ học với mục đích là được sinh tồn bằng cách giết hại
người khác và giết hại luôn cả chúng ta nữa. Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc
chiến tranh giữa nước này với nước khác, hoặc cuộc chiến tranh mà người trong
một nước, cùng một dòng giống, cùng một tiếng nói, lại giết hại lẫn nhau, há
chẳng phải có sự sai lầm căn bản trong nền giáo dục loài người ư? Có nhiều
người nhận thức được sự sai lầm ấy, nhưng không biết làm thế nào để sửa đổi;
mình chỉ là một cá nhân nhỏ bé, làm sao thay đổi được một nền giáo dục đã bị
sai lầm từ mấy ngàn năm nay?
Chúng ta nên nhớ là những hệ
thống giáo dục cũng như chính trị, không bao giờ tự thay đổi một cách bí mật tự
nhiên, mà nó chỉ thay đổi khi nào có sự hoán cải sâu xa trong tâm hồn mỗi người
chúng ta. Mỗi người nắm vững lý VÔ NGÃ, nhìn thẳng vào sự thật, can đảm vượt
qua tập quán và khuôn khổ cũ để đi theo một con đường mới, không còn sợ hãi
những chướng ngại, thì sẽ ảnh hưởng đến xã hội, và khi đó, nền giáo dục sẽ bắt
buộc phải thay đổi theo chiều hướng tốt. Lúc đó, một người được coi là có giáo
dục nếu người ấy hiểu rõ, nắm vững và sống theo lý VÔ NGÃ.
Nhờ TRÍ TUỆ soi sáng lý VÔ NGÃ,
nhờ TÌNH THƯƠNG hướng dẫn, một nền giáo dục mới sẽ cải tạo xã hội, chấm dứt
chiến tranh và đưa nhân loại đến chỗ CHÂN THIỆN MỸ.
Minh Lạc