Suy nghĩ về tính cách Việt Nam

Muốn hiểu được gì trên đất nước ta, muốn có một dự đoán và một cách ứng xử thích hợp thì bên cạnh sự hiểu biết về những quy luật chung không thể không hiểu rõ những đặc điểm riêng của con người Việt Nam. Để khỏi rơi vào những ý kiến chung chung vô bổ như "dân ta vốn anh hùng cần cù, yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa...", cần xem xét hành động và tính cách con người từ nguyên ủy của nó, từ quá trình nhận thức, từ xa về gần, từ người đến ta, một cách đại lược.

1) Đông, Tây: hai con đường tới nhận thức, hai cách ứng xử.

Sự vật tồn tại "như nó vốn có", cái "vốn có" bên trong ấy con người không thể trực tiếp nhận biết được. Muốn nhận thức phải dùng khoa học thực nghiệm để "chẻ" sự vật ra, cắt đứt một số mối liên hệ bên trong và bên ngoài của nó, thậm chí phải làm cho nó ngừng vận động... để quan sát, thử nghiệm. Đấy là sự phân tích, là "bóp méo" sự vật, đưa nó về phạm trù nhận thức tĩnh và siêu hình, để bắt nó bộc lộ các thuộc tính bên trong, cung cấp cho ta những tri thức cụ thể, nhờ đó mà ta biết cách tác động vào nó, làm nó biến đổi theo hướng có lợi cho con người.

Quá trình này, về tư duy là "tĩnh", là "siêu hình", nhưng về hành vi thì lại rất động, có tác dụng chinh phục tự nhiên để tạo ra của cải vật chất là nhân tố căn bản tạo dựng các nền văn minh. Con người của thế giới Tây Âu mạnh về mặt này. Nhưng muốn có được quan niệm đúng về sự vật như nó vốn có thì bên cạnh quá trình dùng thực nghiệm để giải phẫu nó ra lại cần đến một quá trình khác, trong đó ta dùng tư duy để "khâu" các phần rời rạc lại, khử "độ méo" đi, cho nó vận động giữa các mối liên hệ tự nhiên của nó.

Về tư duy như vậy thì rất "động" và biện chứng, nhưng về thái độ đối với tự nhiên thì thì lại tương đối "tĩnh" vì nó tôn trọng tự nhiên, con người tìm cách thích nghi với thiên nhiên để tồn tại hơn là cưỡng bức, chiếm đoạt. Hệ ứng xử này có lợi cho văn hiến, nhưng không có khoa học thực nghiệm làm cơ sở thì khả năng sáng tạo ra của cải vật chất theo nhu cầu ngày càng phát triển của con người lại bị hạn chế. Con người của thế giới Á Đông mạnh về mặt này.

Hai lối tư duy, hai hướng ứng xử khác nhau ấy có nguồn gốc xa xưa từ cuộc sống nông nghiệp (mà chủ yếu là trồng trọt) và cuộc sống du mục.

Từ nhận thức ấy ta có thể cắt nghĩa được những khác biệt trong tính cách Âu Tây và tính cách Á Đông:

- Âu Tây ăn nhiều chất thịt, sôi nổi, hướng ngoại, ưa nguyên tắc, khúc chiết, biểu lộ, thích dùng sức mạnh, trọng võ, trọng nam tính, cứng rắn, duy lý, giỏi tổ chức, giỏi kỹ thuật và khoa học thực nghiệm, lập nên các triết thuyết giàu tính phân tích, siêu hình, cực đoan. Phương châm ứng xử là ở thế công, cốt ở phát triển: chọn lọc, loại trừ, cực đoan.

- Á Đông ăn nhiều rau quả, ngũ cốc, trầm lắng, hướng nội, ưa linh hoạt, tùy tiện, thích dùng tình cảm, trọng văn, trọng nữ tính, mềm mỏng, duy cảm, giỏi thuyết phục, giỏi về thơ, giỏi toán và các khoa học trừu tượng, lập nên các triết thuyết giàu tính tổng hợp, biện chứng, trung dung. Phương châm ứng xử là ở thế thủ, cốt ở bảo tồn: dung nạp, nhu thuận, trung dung.

Tóm lại có thể thấy một điều kỳ diệu là tính âm dương bao trùm hết mọi phạm vi, mọi sự vật:

- Về hai nền sản xuất khởi nguyên thì nông nghiệp là âm, du mục là dương.

- Về thế giới thì phương Đông là âm, phương Tây là dương.

Âm Dương cân bằng trong mỗi con người, âm thì tĩnh, dương thì động.

Người Tây Âu có tư duy tĩnh thì hành vi lại động, người Á Đông có tư duy động thì hành vi lại tĩnh. Rõ ràng rằng sớm muộn gì Đông tây cũng phải kết hợp thì Âm Dương mới hài hòa, quá trình nhận thức mới hoàn chỉnh, tư duy và hành động mới cân đối, văn minh với văn hiến nương nhau mà đi lên.

Tôi nghĩ rằng đối với xã hội thì luật âm dương có tính nhân bản và biện chứng hơn luật mâu thuẫn. Theo luật âm dương thì "không có gì hoàn toàn dương hoặc hoàn toàn âm, trong âm có dương, trong dương có âm, âm dương tuy đối lập mà gắn bó mật thiết và chuyển hoá lẫn nhau", nghĩa là giữa âm và dương không có đối kháng. Trong xã hội thì cực thống trị là dương, cực bị trị là âm, quan hệ giai cấp ấy đúng là quan hệ âm dương chứ gì nữa? Người Á Đông nói: Âm Dương hoà, vũ trạch giáng!" (âm dương hoà quyện thì mưa rơi thấm nhuần muôn vật), mâu thuẫn nhau như "thiên" với "địa" mà nhiều lúc còn "hoà" được, huống chi "nhân" với "nhân" sao lại có mối quan hệ nhất thiết phải "một mất một còn"? Quan điểm "giai cấp đối kháng" có phần xa lạ với triết lý phương Đông chúng ta.

Nhưng âm dương có thể "hoà" chứ không thể "đồng", dương vẫn là dương, âm vẫn là âm. Đảng một mặt tự xác định mình là người lãnh đạo xã hội, một mặt lại nói "Đảng với dân là một" thì về mặt triết lý không được ổn lắm.

Cách trình bày đối lập hai hệ thống tính cách Đông Tây như trên chỉ là sự điển hình hoá, quy về dạng nguyên mẫu để dễ nhận thức, nếu hiểu nó một cách máy móc thì lại là "bóp méo sự vật". Trên thế giới luôn có sự giao lưu tính cách, và trong mỗi hệ tính cách đã mang sẵn những mầm mống để tự bù trừ rồi. Ngày nay nữ có thể đá bóng, có thể đấu quyến anh, có thể được môn thể dục thể hình làm cho bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, có thể làm đại tướng...nhưng không phải vì thế mà quan niệm "nữ là âm, nam là dương" không còn đúng nữa.

Trung Quốc là nước có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam về tính cách nhưng miền Nam Trung Quốc có gốc nông nghiệp như Việt Nam, còn miền Bắc Trung Quốc (phía Bắc Hoàng Hà) lại có gốc du mục như phương Tây, giữa hai miền đã có giao lưu lâu đời nhưng sự khác biệt từ nguyên ủy ấy vẫn còn rõ nét và tính cách miền Bắc có phần ưu thế.

2) Tìm hiểu thêm về "đạo Trung dung".

Trung dung là luận thuyết của Khổng Tử về phép xử thế, được đời sau chép lại, nhưng tính phổ biến của nó đến mức "người dân tầm thường cũng tự nhiên đã áp dụng nó rồi" và tính uyên thâm thì "bậc thánh nhân chưa chắc đã hiểu hết", trong đó Khổng Tử đã phác ra cái quy luật ứng xử thích hợp với con người Á Đông. Người Việt ta bây giờ ít ai đem sách Trung dung ra học, nhưng có biết đâu chính mình ít nhiều đã làm theo sách rồi.

"Trung bất thiên, Dung bất dịch!": Trung là không thiên lệch. Dung là không đổi dời. Tránh thái quá và tránh bất cập. Nhưng lấy gì làm chuẩn để phân định? Khổng Tử đưa ra hai tiêu chỉ: Đạo và Đức. Theo Khổng Tử thì "Đạo là lẽ Trời vốn có, không thể làm sai, bởi làm sai được thì đã không gọi là Đạo". Như vậy Đạo chính là cái mà bây giờ chúng ta gọi là "quy luật tự nhiên" hay là "tồn tại khách quan". Đức là cái cốt cách bên trong con người mà con người phải dùng nó để "hành Đạo", tức là để sống cho đúng quy luật của tự nhiên và xã hội. Ông cho rằng trong cốt cách có ba phẩm chất quan trọng là Nhân, Trí, Dũng. Ầy cũng là cái cốt cách quân tử kiên định "giàu sang không dâm dật, nghèo hèn chẳng đổi lòng, trước uy vũ không khuất phục".

Và nếu ứng xử không thành công thì hãy coi lại mình, "như kẻ bắn cung, bắn không trúng thì phải xem lại mình" chứ "không oán trời, không trách người". Khổng Tử khẳng định khả năng cá nhân và trách nhiệm cá nhân. Nhưng khẳng định tính khách quan của quy luật lại đồng thời với khẳng định ý chí chủ quan thì sẽ là duy ý chí, là phi biện chứng và sẽ thất bại nếu không thêm vào đó một yếu tố thứ ba là quan điểm thực tế và chiến lược mềm dẻo:"lúc giàu sang thì xử sự theo cảnh giàu sang, lúc nghèo hèn xử sự theo cảnh nghèo hèn, khi hoạn nạn xử sự thích hợp với cơn hoạn nạn, khi bị đẩy vào nơi man di thì hành động thích hợp với xã hội man di". Khổng Tử chấp nhận một chiến thuật mềm dẻo đến cao độ.

Tóm lại:

- Trung dung không phải là phương châm của kẻ yếu không dám cực đoan, mà của người có bản lĩnh và có sức mạnh, có khả năng chống lại sự xô đẩy của các yếu tố "vô đạo" bên ngoài, chống lại sự lôi kéo của "hỷ, nộ, ai, lạc..." bên trong, để không bị nghiêng ngả.

- Trung dung không phải là thái độ cầu an, trôi theo dòng đời mà là thái độ của người biết "thuận thiên hành đạo", nương theo quy luật để thực hiện lý tưởng mà mình ôm ấp.

- Trung dung không phải là thái độ hủ nho bảo thủ hay tiết tháo dởm, mà là thái độ rất động, mềm dẻo thích ứng với thực tế.

- Trung dung không phải là "đứng giữa" theo kiểu dàn hoà, hay thái độ "trung bình" ba phải mà là đứng ở giữa "điểm chuẩn", được xác định bằng cách đối chiếu với quy luật khách quan và năng lực chủ quan. "Điểm chuẩn" ấy, theo Khổng Tử, thì "những người có lý trí thường đi vượt qua, còn kẻ ngu dốt thì lại chưa đạt tới". Khổng Tử có "đứng giữa" là đứng giữa một bên thái quá là kẻ trí thức hoang tưởng vĩ cuồng, mới biết nửa chừng đã tưởng được Trời trao cho sứ mệnh độc quyền xoay vần thiên hạ, với một bên bất cập là đám thứ dân vô tri vô trách, như đàn cừu chỉ biết cúi đầu mong gặm được nhiều cỏ non, chẳng biết gì đến đạo lý thăng trầm, quốc gia hưng phế. Chí lý vậy thay!

Tiếc rằng phương pháp ứng xử khoa học, nhân bản và tích cực ấy của khu hệ văn hoá Nam Trung Quốc khi di nhập lên miền Bắc, mà gốc là văn hoá du mục, đã bị tầng lớp thống trị ở đây cải biến thành công cụ tư tưởng để dẹp yên sự phản kháng của dân chúng. Mặt tích cực vì thế đã mất đi nhiều. Đến khi tư tưởng Trung Dung du nhập xuống Việt Nam thì màu sắc tiêu cực của nó lại được tô đậm thêm một tầng nữa.

3) Mấy suy nghĩ về tính cách Việt Nam.

Việt Nam là nơi thể hiện khá đầy đủ "tính cách Á Đông" mà các phần trên đã mô tả. Nhưng thích nghi với lịch sử đặc biệt của một nước nông nghiệp lạc hậu, nằm cạnh một nước quá lớn, bị hơn ngàn năm đô hộ, một số "tính cách Á Đông nói chung" kia đã được "Việt Nam hoá" theo hướng thích nghi bằng mọi giá để tồn tại, để khỏi bị tiêu diệt, nổi bật là ba tính cách sau đây:

a) Mạnh về "nghĩa hợp quần", yếu về ý thức xã hội

Hợp quần để chống lại kẻ thù xâm phạm bờ cõi, đó là bản năng tự vệ sẵn có từ khi còn là bầy đàn. Từ bản năng sống đàn và phản xạ tự vệ nâng thành tình cảm, đạo đức. Từ tình cảm gia đình, tình yêu quê hương làng xóm, mở rộng thành lòng yêu nước thương nòi. Tuy đã có ý thức nhưng ý thức chỉ đóng vai trò thứ yếu. Quan hệ nòi giống, quan hệ xã hội có xu hướng gia đình hóa: cả nước đều là ruột thịt vì sinh từ trăm trứng của một mẹ Ấu Cơ, các công dân gọi nhau là "đồng bào", tướng và quân gắn bó một lòng "phụ tử", coi nội chiến là "huynh đệ tương tàn", nước thì gọi là "nước nhà", chính phủ thì gọi là "nhà nước", trong giao tiếp xã hội ưa gọi nhau là anh em, chú cháu, cô cháu, mẹ con... cả dân tộc gọi Chủ tịch nước là "Bác". Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, đặc điểm này tăng thêm sức mạnh cho dân tộc Việt Nam.

Ý thức xã hội lại là một vấn đề khác hẳn. Trước hết đó là vấn đề của nhận thức, của lý trí, là sự "giác ngộ" về quan hệ của con người và xã hội, về quan hệ giữa các cá nhân như những thành viên độc lập, bình đẳng. Ý thức xã hội là nhân tố tối quan trọng của một xã hội văn minh công nghiệp và pháp trị. Những con người "lá lành đùm lá rách", "nhiễu điều phủ lấy giá gương" có thể lại không biết cách hợp tác với nhau một cách hữu hiệu trong xã hội mới, thậm chí người này chỉ làm yếu người kia đi.

"Một người Việt Nam có thể giỏi hơn một người Âu Châu, hai người Việt Nam thì kém hai người Âu Châu, ba người Việt Nam thì kém...một người Châu Âu! ". Lối so sánh có vẻ khôi hài đó đã lột tả một "tính cách Việt Nam" đang và sẽ gây trở ngại không nhỏ cho công cuộc phát triển đất nước, mà không dễ gì khắc phục trong một sớm một chiều. Trong lĩnh vực kinh tế-xã hội thì tinh thần "cứu quốc" lại bị lãng quên, chỉ lo "tự cứu", không biết rằng khi xã hội chuyển mình thì mỗi con người đều được ban tặng những lợi ích vô giá mà mỗi cá nhân không bao giờ tự tạo ra được.

"Nghĩa hợp quần" gắn với quan hệ gia đình làng xóm, lấy sức mạnh ở tình cảm, quen duy cảm, tản mạn, tùy tiện, "chín bỏ làm mười", coi "một bồ cái lý" không bằng "một tý cái tình", thích nghi với sản xuất nông nghiệp, với nền "đức trị".

"Ý thức xã hội" lấy xã hội làm trọng, lấy sức mạnh ở lý trí, quen duy lý, ưa nguyên tắc, chính xác, sòng phẳng, thích nghi với sản xuất công nghiệp, với nền pháp trị và kinh tế thị trường.

Sự chuyển tính cách từ trạng thái nông nghiệp sang trạng thái công nghiệp là sự phát triển tất yếu của mọi xã hội, nhưng ở nước ta sự chuyển biến ấy rất dai dẳng vì có sự cộng hưởng của ba nhân tố:

- cội nguồn văn hoá của ta đã là văn hóa nông nghiệp (chứ không phải văn hoá du mục);

- tình trạng bị lệ thuộc và chinh chiến liên miên;

- có sự du nhập của "chủ nghĩa xã hội khoa học";

Cả ba nhân tố ấy đều đồng hóa vào trong "chủ nghĩa yêu nước" Việt Nam. Đáng chú ý là "chủ nghĩa xã hội khoa học" thâm nhập vào nước ta lại củng cố cho "yếu tố nông nghiệp", ""yếu tố nông dân" của tính cách Việt Nam như: tính chất cảm tính, tùy tiện, gia đình, gia trưởng...

Khẩu hiệu "Yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước, yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội" và khái niệm "Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa" đã minh chứng cho nhận định trên. Vượt lên trên mọi sự tranh giành giai cấp, vượt qua mọi thể chế, Tổ Quốc chúng ta bao giờ cũng là Tổ Quốc Việt Nam thôi! Ta gọi những đồng bào ta ở nước ngoài muốn đem sức người sức của về góp phần xây dựng đất nước là "Việt Kiều yêu nước" nhưng họ có yêu chủ nghĩa xã hội đâu? Nếu ta chuyển cả Tổ Quốc thành "Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa" thì những đồng bào yêu nước ấy còn đâu nước để mà yêu? Tôi tin rằng sẽ có ngày chúng ta làm lễ trả lại "tên khai sinh" cho Tổ Quốc là Tổ Quốc Việt Nam, thì sức mạnh của Người sẽ tăng lên gấp bội, những con dân nước Việt sẽ rưng rưng nước mắt, nắm chặt lấy tay nhau mà reo hò.

b) "Đạo Trung Dung" bị hạ xuống thành phương châm Yên thân, Nhẫn nhục.

Các giai cấp thống trị ở Trung Quốc và Việt Nam nhận thấy ngay giá trị của "đạo" Trung dung, bèn rút bỏ đi cái lõi của nhân sinh quan tích cực, chỉ giữ lại cái vỏ "trung bình chủ nghĩa", tô đậm thêm nước sơn "nhân, trí" để nó thành phương châm sống "khôn ngoan và đức độ" (mà kỳ thực chỉ là sự nhẫn nhục, yên thân) rồi nhồi vào đầu, vào miệng đám dân bị trị. "Món ăn" chẳng những vô bổ mà còn có hại này lại được chế biến rất hợp khẩu vị nên được cơ thể bị trị đồng hoá ngay.

Lúc đầu "đạo" Trung dung chưa đến nỗi sụp xuống thành "Đạo của thằng hèn" là nhờ còn có yếu tố Chính danh và Quân tử. Nhưng rồi Chính danh và Quân tử cũng chỉ sống thoi thóp được trong đám sĩ phu, có học, còn giữ tiết tháo. Không được giữ thành, không hoàn thành trách nhiệm thì uống thuốc độc tự tử! Về mặt nào đó thì hành động như thế không phải là hoàn toàn tích cực, nhưng thà như thế còn đáng là "con người" hơn bọn đầu hàng chứ, còn hơn bọn chạy cho thoát thân rồi khôn khéo chạy tội hoặc bày trò nhận lỗi qua quít để lại được ngồi ghế cao hơn!

Nhưng những con người còn biết tự vẫn vì xấu hổ ấy cũng chỉ là những kẻ tử thủ cuối cùng cố giữ cho thành trì đạo đức khỏi sụp đổ. Quy luật đào thải không thương gì đạo đức. Cuối cùng người dân thường đã chấp nhận sự thật cay đắng: Trong một xã hội hai, ba tầng nô lệ thì ai cho mình lương thiện mà đòi lương thiện? Không có nhân cách thì sống, có nhân cách thì chết! Và cuộc sống không thể chọn mãi cái chết! Khi cơm chưa đủ ăn và tính mệnh còn bị đe dọa thì dân chủ và nhân cách còn là những thứ quá ư xa xỉ. Hãy phải tìm mọi cách để sống cái đã!

"Trung dung" có nghĩa mới là: Cứ "chui vào giữa" cho yên thân: "Khôn độc không bằng ngốc đàn! ", cứ đứng giữa đàn ngốc mà sống còn hơn! (lại được tiếng là có tinh thần tập thể nữa chứ? ). Nhưng lúc "ăn cỗ" thì phải "đi trước", lúc "lội nước" thì phải "đi sau"!

Và "đạo đức mới" là phải biết đầu hàng: Ai nhất thì tôi nhì, Ai mà nhất nữa, tôi thì thứ ba! (nghĩa là nếu các anh đều muốn nhất cả thì sẵn sàng đứng thứ bét!)

Từ "Trung dung" vô nguyên tắc đến "phản trung dung" cũng chỉ là một, đều là từ bỏ cái "trung dung quân tử" mà sang chủ nghĩa cực đoan "duy an", "duy lợi".

Đến khi chữ "quân tử" trong thực tế chỉ còn tác dụng làm trò cười:

"QUẤN TỬ" nhất ngôn! Chứ đâu "QUẤN TỬ" sờ l... hai tay!

thì có nghĩa là con người đã giơ cả hai tay để đầu hàng, và cái lưu manh đã lên ngôi chính thống.

* * *
Giữa cơn ngột ngạt bế tắc của cuộc đời mấy tầng nô lệ ấy, tinh thần cứu quốc bất tử của dân tộc đã "liên minh" với chủ nghĩa Mác-Lê, trở thành đội quân cứu viện chẳng những cho độc lập dân tộc mà còn cứu cho đạo đức xã hội. Người ta hướng về một

"Nước Nga...
... có chuyện lạ đời,
Đưa người nô lệ thành người tự do!"

Và "con người tâm linh" - Việt nam đã chuyển sang sống một cuộc đời thanh thoát, ít nhất cũng tới khi bắt đầu có cuộc Cải cách ruộng đất. Người dân Việt đã rời bỏ "chủ nghĩa Trung dung lưu manh" đầy bế tắc để tiến lên hàng đầu trong cuộc đấu tranh giành Tự do cho giống nòi trong nhịp Tiến quân ca.

Nhưng rồi người ta thấy có triệu chứng là con đường tới Tự do không thênh thang như tưởng tượng, phía trước còn mù mờ lắm. Không biết các nhà văn nước ta coi những tác phẩm nào là "dự báo" cho triệu chứng đó, còn tôi thì "nhập tâm" ngay mấy câu "thơ Bút Tre" này:

Thi đua ta quyết tiến lên,
Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu!
Hàng đầu... rồi... tiến đi đâu?

Tiến đi đâu? Cái dấu hỏi lớn quá! Cái dấu hỏi mà bọn trẻ con vẽ nguệch ngoạc lên tường ngày đó, đến hôm nay vẫn chưa ai xóa được!

... Và thế rồi, thế rồi cái thứ chủ nghĩa Trung Dung Lưu Manh ngày trước, nay lại ló đầu về tìm đất kiếm ăn, nghe chừng "phất" lắm!

Nhưng chúng ta có lý do để nén đi một tiếng thở dài, bởi tính hướng thiện của "con người" Việt nam có khả năng tự cứu mình ra khỏi lưu manh, khả năng ấy chẳng phải đã hơn một lần được lịch sử chứng thực đó sao?

c) Chống "Chính Thống" bằng con đường không chính thống

Trong một xã hội mấy tầng nô lệ thì cái "chính thống" nào cũng là gông cùm đối với kẻ bị trị. Tầng lớp bị trị không chống lại nổi gông cùm đó vì hai lẽ: trước hết cái "chính thống" ấy có bạo lực hộ tống, lẽ thứ hai nguy hiểm hơn là giai cấp thống trị nào cũng biết cách gán ý đồ của họ cho kẻ bị trị, biến tư tưởng của kẻ thống trị thành tư tưởng chung của xã hội. Và cuối cùng thì sự thể lại rất trớ trêu: "Tôi trói tay anh là theo nguyện vọng của anh đấy! Tôi trói anh thế này cũng là mong anh sớm được sung sướng, chỉ ngày mai là anh sẽ thấy dễ chịu ngay thôi! ".

Và cách nhân danh rất "nhân đạo" tất đã khiến cho không ít tên lính xâm lược viễn chinh cũng cứ tưởng mình đang lãnh sứ mệnh đi khai hóa cho dân bản địa! Muốn chống lại "kẻ thù" ấy người bị trị có thể dùng "vũ khí phê phán" và "phê phán bằng vũ khí" nhưng cả hai thứ vũ khí chính thống ấy kẻ thống trị thông minh đã tước mất rồi.

Trong trường hợp bị tước hết vũ khí người Việt mình có món võ rất hiểm mà lại đỡ tốn sức: Võ Trạng Quỳnh!

Trạng Quỳnh chẳng bao giờ dám công khai chống lệnh Chúa, ngay cả khi Chúa ngang ngược sai lính đến "đại tiện" ra nhà Trạng. Nhưng Trạng láu cá đến mức cuối cùng làm cho Chúa phải xơi cả sản phẩm của cái buổi "đại tiện" kia, tức muốn trào máu mà không bắt tội Trạng được.

Dân không chống nổi Chúa, vẫn ngoan ngoãn "Muôn tâu Chúa thượng" nhưng trả thù Chúa bằng những mẩu chuyện "Trạng Quỳnh", thì đó đã là "ngón võ" rất "Trạng Quỳnh" rồi. Đất nước mình nhiều Trạng lắm, cả Dân lẫn Chúa đều ở trong "lò võ" của Trạng mà ra. Thuở bé đọc Trạng Quỳnh tôi rất thích thú, nhưng lớn lên đọc lại, tôi vừa thương dân tộc mình vừa ngượng, nghĩ rằng cả một "dân tộc Trạng Quỳnh" sẽ đi tới đâu?

Chấp nhận ngay cái Chính Thống và ra vẻ tuân lệnh, nhưng tìm cách vô hiệu hóa nó một cách không tuyên bố, một cách không chính thống, chỉ cốt sao đạt được ý đồ riêng. Cả nước bề ngoài vẫn nói một lời thống nhất nhưng mỗi người có thâm ý của mình. Chúa "thua" trong cái vỏ vẫn oai nghiêm, Trạng "thắng" trong cái vỏ vẫn là bày tôi ngoan ngoãn, bởi thắng thua đều ở chuyện khôn vặt. Mẹo "cù nhầy" có thể làm cho sinh vật sống "dai như đỉa" nhưng không tiến hóa được.

Thế giới sinh vật đã cho ta những ví dụ rất rõ về vấn đề này. Con đường tiến hóa là: Sinh vật đơn bào phải đa bào hóa, trên cơ sở đa bào mới phân hóa thành các cơ quan khác nhau, giữa các cơ quan ngày càng có sự "phân công" rành rọt nhưng ngày càng phối hợp với nhau chặt chẽ bởi sự chỉ huy ngày càng tập trung của hệ thần kinh. Cứ thế mà tiến hóa từ thấp lên cao, và cuối cùng xuất hiện loài người chúng ta.

Nhưng có những sinh vật đơn bào không đi vào con đường đa bào hóa mà thích nghi bằng cách "tu sửa vặt", "bổ sung vặt", khiến cho bên trong cái tế bào duy nhất của nó cũng có đủ thứ như một cơ thể đa bào: có một chút tượng trưng cho "tim", một chút tượng trưng cho "dạ dày", một chút "thận", một chút "giác quan", một chút "thần kinh", một chút "chân tay"... Chúng kéo dài cái cấu trúc "cổ lỗ" ấy suốt mấy triệu năm, và vĩnh viễn không thể "gia nhập" vào con đường tiến hóa chung được nữa. Nếu chỉ lấy sự "sống chết" để đo mức độ tiến hóa thì những sinh vật đơn bào ấy hẳn là "cao" hơn con người nhiều, vứt ra bất cứ cống rãnh nào chúng cũng sinh sôi.

Điều kiện để có sự tiến hóa là phải có nguy cơ bị tiêu diệt. Nếu không tiến hóa nó sẽ bị diệt vong trong cuộc đấu tranh sinh tồn! Sự "tu sửa vặt" chính là "giải pháp" giúp cho sinh vật "lách" qua được cuộc đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt, vượt qua nguy cơ bị tiêu diệt mà không cần đến con đường chính thống, nhưng chính sự "thành công" này đã tách nó ra con đường chung và không tiến hóa cao hơn được nữa.

* * *
Ba tính cách trên đã giúp dân tộc Việt Nam cũng như mỗi người dân Việt vượt qua lịch sử kinh hoàng và sống sót đến hôm nay, "ơn cứu mạng" ấy phải đâu là nhỏ? Nhưng chúng ta đã phải trá giá cho chúng bằng sự tha hóa con người, tha hóa dân tộc! Trả giá bằng sự lưu manh hóa, không phải lưu manh theo nghĩa thông thường, mà là sự lưu manh "lịch sử"!

Ba tính cách ấy đã rút mất đi khỏi con người chúng ta cái bản chất giản đơn cương trực, cái Quân Tử, Chính Danh, cái nhân tính dám đương đầu với cái "chính thống" phi lý, và nhất là tính triệt để, cực đoan vốn là nhân tố không thể thiếu để có nhận thức lý luận, để có tư tưởng, mà chỉ để lại cho chúng ta một con tim đa cảm, thổn thức, nhưng nhiều khi mù lòa, và bên cạnh chiếc bao tử bị đói kinh niên! Tôi không nghi ngờ gì về kết luận rằng dân tộc mình thông minh và nhiều người có chí, nhưng chưa thể có nhà tư tưởng, chưa thể có triết gia chừng nào ba tính cách trên còn bám chặt được vào con người Việt Nam!

Ta vượt qua nguy cơ diệt vong không phải bằng sự khẳng định một bản sắc riêng bất tử, mà bằng cách không khẳng định bản sắc riêng nào cả, cứ nhặt nhạnh, vá víu mỗi thứ một tý, cái gì tiện dùng được thì dùng, có người đã gọi nó là chủ nghĩa "đại tiện dụng"! "Chủ nghĩa" ấy là con đẻ tất yếu của ba "tính cách Việt nam" nói trên. Một người không dám dũng cảm nhìn nhận và phê phán điều ấy, mà cứ tự xoa vuốt mình thì dẫu trở nên người giầu có nhất vùng cũng không vượt khỏi tầm một anh trọc phú hãnh tiến tự đắc.

Nhưng từ bỏ ba tính cách ấy đi thì có thể chết, và "nguy cơ có thể chết" chính là cái giá trị phải trả để có tiến hóa! Muốn có mẩu bánh mì cho vào bao tử còn phải trả tiền, huống hồ cả một Nhân Cách Trí Tuệ của một dân tộc, là thứ hàng xa xỉ nhất của tạo hóa mà tạo hóa lại phát không cho ta được sao?

* * *
Bàn về "tính cách Á Đông" hay "tính cách Việt Nam" cần nhận rõ đâu là sự khác nhau thực sự về tính cách, và đâu chỉ là đặc điểm do tình trạng hậu tiến, đâu là truyền thống tốt cần phải giữ, đâu là mặt yếu của truyền thống nên bỏ, và đâu là mặt tốt của tính cách Âu Tây mà ta nên học để nâng cao thêm tính cách của mình.

Hà Sĩ Phu (Trích "Đôi điều suy nghĩ của một công dân")
Previous Post
Next Post