Thông thường, con người được cha
mẹ sinh ra được nuôi dưỡng và lần lần lớn lên, khoảng thời gian từ bé nhỏ đến
lớn khôn, con người đã sống trong những tâm trạng lúc vui lúc buồn, lúc sung
sướng, lúc cùng cực.
Vì thế cho nên, có những người
vui đời ham sống, lại có những người chán nản buồn rầu, không thích sống.
Hoặc có kẻ ở trong cảnh làm ăn
đầy đủ hay ở trong cảnh phú quí vinh hoa, người hầu kẻ hạ thỏa thích đủ điều.
Trái lại, cũng lắm kẻ phải sống
chật vật, thiếu thốn cơ cực trăm bề trong cảnh đầu tắt mặt tối, không một phút
thảnh thơi.
Như thế, tất cả mọi người ở trong
thế gian này hình như là đương bị lăn trôi theo dòng nước thế gian, đương lầm
lì khắc khoải hết ngày này sang ngày khác, hết năm này qua năm khác, từ bé thơ
đến trưởng thành, và dần dần đến lúc tuổi già sức kiệt, gối mỏi mắt lòa, bước
lần vào chốn yên giấc ngàn thu là cuối con đường của kiếp sống.
Thật vậy, tất cả mọi người đều
như thế, dù là cùng đinh khố rách, dù là văn nhân thi sĩ, dù là thông thái bác
học, dù là anh hùng hảo hán, dù là khanh tướng quân vương, tất cả đều phải qua
một nẻo đường đi đến chết.
Chỉ nói cái cảnh trạng sinh sống
nhộn nhịp của cuộc đời nghe ra có vẻ thích thú hấp dẫn. Nhưng nhắc đến cái cảnh
trạng chết mất, ngày cuối cùng của kiếp sống thì cảm thấy buồn ghê, chán ngán.
Vả lại, dù trải qua trăm tuổi đi
nữa, rồi thì ai ai cũng có ngày phải chết phải thôi. Tấm thân con người từ thơ
ấu đến trưởng thành, dù vóc dáng khôi ngô, hào hoa tuấn tú, hay dù tật nguyền
yếu đuối hèn hạ ngây ngô gì gì rồi cũng đến ngày phải chôn vùi vào lòng đất như
nhau, rồi cũng thịt nát xương tan, thổ lai huờn thổ như nhau.
Nếu chúng ta nhận xét giá trị đời
người qua những khía cạnh tổng quát và đơn giản như trên, thì té ra đời người
chỉ là một tấn trò vô vị vô nghĩa.
Bởi vì, không biết rồi con người
và con vật được sinh ra giữa thế gian này để mà làm gì?
Xưa nay chằng đã có người chỉ
quan niệm một cách vội vàng như thế, nên thỉnh thoảng mới có kẻ ăn chơi cho
thỏa thích để rồi chờ chết, nói là “chết no hơn sống thèm.”
Lại cũng có người cứ hung bạo tàn
ác, chém giết tham lam vào tù ra khám cho cùng ngày lụn tháng để rồi chờ chết,
nói là “sống chết bất cần”.
Cũng có người lại bi quan sầu
muộn, chán ngấy cảnh đời, lúc nào cũng thấy mặt mũi âu sầu, tâm thần bấn loạn,
thường tỏ ra hận đời, ghét đời, sợ đời và gớm ghiết cho cái cảnh đời vô vị bất
dĩ họ phải kéo dài đời sống lê thê cho qua ngày mà không thiết gì đến thế sự.
Hoặc hạn hữu, cũng có một số
người tự chọn được cho mình một đường lối sống chết thanh cao hơn: sống theo lý
tưởng và chết trong nghĩa vụ thiêng liêng. Họ xem sống chết nhẹ tợ lông hồng tự
nguyện hy sinh thân mình để cầu sống cho nhiều người. Vì vậy mới có anh hùng
nghĩa sĩ, chết vì nhân loại, chết vì dân tộc, vì xã hội, chết vì đoàn thể, chết
vì gia đình thân tộc, hoặc cũng có ngưới sống chết vì danh dự hay vì tự ái
riêng tư.
Tất cả mọi dị biệt về nghĩa sống
chết lượt kể trên đây, dù sao cũng chỉ là những quan niệm về đời người theo
chiều hướng của thế gian mà thôi.
Riêng đối với người tín đồ Cao
Đài còn có cái quan niệm sống chết theo chiều hướng đạo lý nữa.
Nếu nhận định được rõ ràng và nắm
vững được theo chiều hướng đó, thì con đường đi vào thế gian, đứng giữa nhân
gian của người học đạo sẽ không còn hoang mang ái ngại, không lẫn lộn mơ hồ và
sẽ không còn nay thế này, mai thế khác.
Thật vậy, trong cái vũ trụ bao la
rộng lớn trên quả đất triệu ức sinh linh này, kể biết bao nhiêu là kỳ công diệu
dụng, kể biết bao nhiêu là đẹp đẽ mỹ quan tinh vi mầu nhiệm. Mà như thế, há có
phải chỉ để kéo dài một tấn tuồng sống chết khô khan vô vị đối với nhân loại
chúng sinh, như đã quan niệm vội vàng trên đây sao?
Do đó, cái ý nghĩa về con người,
về đời người, hay là về cuộc sống chết phải là cái công dung của chính nó ở
giữa đời này vậy.
Để cho rõ hơn, ta hãy đặt câu
hỏi: Con người được sinh ra rồi chết đi, để làm gì?
Câu trả lời cho chỗ để làm gì đó
chính là cái công dụng của nó.
Cái công dụng đó là ý nghĩa, và
cái ý nghĩa này tức là sự tiến hóa.
Vậy câu trả lời là: “Con người
được sinh ra rồi chết đi, để mà tiến hóa.”
Vì thế, tiến hóa mới thực là ý
nghĩa chân chính của Đời Người.
Quả thực vậy, sống rồi chết là
hai hiện tượng. Hiện tượng này được chấm dứt thì hiện tượng kia phát sinh.
Nghĩa là, chấm dứt giai đoạn trước, liền nối tiếp giai đoạn sau. Đó là cái giai
đoạn thay xác để tiến hóa không ngừng nghỉ.
Sống rồi chết còn là phương pháp
gạn lọc. Gạn cái thô lọc lấy cái tinh, gạn cái trược lọc lấy cái thanh, gạn cái
giả lọc lấy cái chân.
Nó là tác dụng của sự chuyển hóa,
đưa chúng sinh thoát khỏi từ cơn mê đến nơi tỉnh ngộ. Làm cho tâm thể con người
sáng suốt tinh minh có thể nhìn thấy được chân tướng của mọi cảnh giới hầu giữ
trọn bản vị tự do chân thật và giải thoát hoàn toàn khỏi vòng mê muội luân hồi.
Vì vậy; khi lấy mắt đời mà nhìn
đời, thì thấy đời là một thực tại, là cảnh sinh tồn nhộn nhịp và thích thú,
hoặc ngược lại, chỉ là một tấn tuồng sống chết vô vị.
Còn nếu lấy mắt tu hành mà nhìn
đời thì thấy cảnh giới của đời đúng là trường học tiến hóa của mọi loài. Vì,
những gì gọi là thực tại, là sinh tồn nhộn nhịp, hoặc sống chết vô vị đó chẳng
qua là vô thường, nó có mãnh lực lôi kéo tâm thức của chúng sinh vào vòng giả
tưởng để mà đánh lừa, để mà thử thách mức tỉnh ngộ của con người.
Cái giả tưởng đó như là những ảo
giác, có sức thúc đẩy hoặc lôi kéo các tâm hồn yếu đuối mê muội vào vòng luyến
ái và bi lụy.
Ngược lại, đối với những tâm hồn
nếu định tĩnh, tự chủ và tự giác được, tất nhiên không bị dụ dỗ và sẽ chiến
thắng dễ dàng trước mọi thử thách của giả tưởng của thế gian để mà không hề bị
sa ngã vào thất tình lục dục và mới có thể duy trì được sự sáng suốt tinh minh.
Không bị sa ngã và giữ được sáng
suốt, tức đó là con đường hướng thượng của tâm linh. Việc hướng thượng càng
ngày càng vững chắc liên tục tức là kết quả của đời sống lý tưởng được xác
định, mà đó là công dụng của cuộc sống và chết, là ý nghĩa chân chính của đời
người, là con đường tiến hóa vậy.
Hễ qua được một kiếp sống là qua
được một giai đoạn học hỏi kinh nghiệm. Nhờ qua được từng giai đoạn học hỏi
kinh nghiệm đó, mà tâm thức trở nên tỉnh táo, Tự tánh hiện ra và tiến thêm từng
bước giác ngộ.
Như vậy, hễ qua được nhiều kiếp
sống, khác nào tâm linh con người đã trải qua được nhiều lớp học. Hễ lớp học
càng lên cao, thì tâm linh càng tiến hóa lên cao và vị trí giác ngộ của linh
quang tự tánh cũng tiến lần lên mãi.
Những gì của thế gian như vui,
buồn, sướng, cực, oán, thù, ân, nghĩa, tiền, tài, gia sản v.v… đều là những cái
mà Đức Thượng Đế dùng để giáo hóa và thử thách tâm linh.
Những cái đó hầu như mắc míu với
nhau và tiếp diễn đều đặn, dệt thành cảnh giới hoặc trạng thái thế gian để mà
hun đúc ý chí, mài dũa tâm linh, kết hợp thành từng mỗi căn cơ riêng biệt cho
mỗi linh hồn.
Sở dĩ như vậy, nên những người
thực sự tu hành nhất định sẽ gắng sức trau dồi trí tuệ để có thể tránh khỏi mọi
sự lẫn lộn giữa cái giả hoặc cái chân, tà hoặc chánh của thế gian.
Dù cho phải sống trong cảnh bần
cùng khốn khổ, hoặc phú quí vinh hoa, bao giờ họ cũng giữ được cái tinh thần tự
tại, tươi tỉnh, chấp nhận, tùy thuận, không ám ảnh, không nao núng, không sa
ngã, không trốn tránh, luôn luôn hướng tâm theo chân lý để liên tục trau luyện
tâm hồn, vun bồi đạo đức, dù phải kéo dài nhiều kiếp làm người cũng vẫn giữ
được thắng lực đẻ tinh tấn và vươn lên.
Tóm lại, muốn gìn giữ cho tâm hồn
trong sạch, ý chí vững mạnh, trí huệ sáng suốt và tiến hóa lần lên thì điều
kiện phải có là: phải tu hành.
Trì thủ các phép tu hành tức là
làm cho tâm hồn mình định tỉnh biết tự chủ và tự giác.
Chỉ có tu hành mới đưa mình lần
lên nấc thang tiến hóa được.
Do đó, sự tiến hóa là ý nghĩa
chân chính của đời người hay là ý nghĩa của tất cả cuộc sống chết trong thế
gian, điều này cũng có thể nói lên một sự giải thích chí lý, để biết rõ: “Vì
sao phải tu hành?”
Huệ Minh
Nguồn: tamduyen.com