Hãy lấy Từ Bi làm động lực cho
cuộc sống, hãy dùng trí tuệ làm phương tiện thiện xảo, và ý chí vươn lên, tự
vượt qua những yếu điểm của chính mình và của hoàn cảnh mà mình đã rơi vào
chính là ‘dũng’.
Đôi khi ta gặp những người rất tệ
hại, nhưng ngay cả những người không được tốt đó vẫn thích được khen ngợi là
tốt đẹp, cao thượng, dễ thương, vv, và căm tức, công phẫn khi bị chỉ trích.
Những người rất xấu vẫn thích đẹp và mong muốn mình xinh đẹp hơn, hay ít nhất
là cũng được khen đẹp ở một khía cạnh nào đó. Phải chăng những người tệ hại xấu
xa trong thâm tâm vẫn thích cái tốt đẹp, thích được tán thưởng, thích được chú
ý đến? Có một qui luật chung, đó là ai cũng muốn được yêu thương, quí trọng và
được chú ý đến. Nhưng có bao nhiêu người biết rằng người khác cũng như ta vậy,
có một tự ngã và muốn được đánh giá đúng mức?
Và muốn được người yêu, hãy yêu
người, muốn được người kính, hãy kính người, muốn được quan tâm, hãy quan tâm
đến người khác. Nhưng cũng có những người thiển cận đến nỗi không thấy được
những nguyên tắc rất căn bản này, và luôn bị thúc đẩy bởi tham - sân – si,
những năng lực không lương thiện khiến họ nói năng hành động và cư xử một cách
thô lỗ, tồi tệ đến mức mọi người đều muốn tránh xa. Đó chính là từng cấp thấp
nhất của vô minh, sự ngu muội và thiếu hiểu biết, thiếu trí tuệ phán đoán và
thiếu kỹ xảo trong những tình huống thực tế. Tất cả các hành động xuất phát từ
bản ngã, dù trực tiếp hay gián tiếp như trên đều được gọi là vô minh duyên
hành.
Ở cấp độ thô thiển nhất, vô minh
là sự ngu muội không biết đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là hữu ích, đâu là bất
lợi. Những con bạc, những kẻ trộm cướp lưu manh, nhưng kẻ giết người, hay tra
tấn hành hạ người, hành hạ súc vật, chim, cá, (chúng sinh hữu tình), những kẻ
tà gian, dâm dật vô độ, vv, đều bị khống chế, dẫn dắt bởi cấp độ thô thiển này
của vô minh. Vì nghĩ rằng nó có thể tìm được lạc thú, hay thoát khỏi hoàn cảnh
khó khăn một cách nhanh chóng bằng những hành động bất thiện, trái pháp luật,
đáng bị chỉ trích công kích bởi đại chúng và những người có trí. Những kẻ ngu
muội này lầm tưởng rằng nó có thể thoát khỏi hậu quả xấu của những hành động
tồi tệ của chúng nên những chúng sinh lầm lạc này cứ làm tới mà không cảm thấy
sợ hãi hay hổ thẹn bởi những hành động bất chính của chúng. Trong thuật ngữ
Phật học, đây gọi là vô minh làm duyên cho bất thiện hành (avijja paccayā
abhuññābhisaṅkhārā).
Những hành động như thế nào thì
gọi là bất thiện hành? Bất thiện hành hay những hành động bất chính cũng có
những cấp độ khác nhau, từ dễ thấy, lộ liễu và trơ trẽn đến tinh vi khoé léo và
xảo quyệt. Hầu hết mọi người bình thường trong xã hội đều thấy trộm cướp, giết
người, đồ tể hay đàng điếm, bài bạc, ngiện ngập, chửi bới tục tĩu, hay điêu toa
dối trá là xấu ác, bất thiện và đáng bị nguyền rủa, đáng bị trừng phạt trong
mọi xã hội từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Nhưng vì sao chúng sinh lại ngu
muội, nghĩ xấu, nói xấu và làm xấu như vậy?
Khi một con bạc tìm đến sòng bạc
thường là do tham lam, muốn có tiền một cách dễ dàng nhanh chóng. Thậm chí nó
nghĩ rằng đó là cách kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng và…công bằng nữa! Nó tin
rằng nó thông minh khôn khéo và lọc lừa hơn đối thủ và sẽ vớ được một khoản
tiền béo bở trong đêm. Đối thủ của nó cũng nghĩ như vậy, và hầu hết những con
bạc trong sòng bạc đều có ý nghĩ tương tự. Trong sòng bạc thường chỉ một vài
người thắng bạc, còn lại là thua nhưng mọi người đều không mất hy vọng.
Hope against hope, những kẻ bài
bạc bị thúc đẩy, cắn xé và lao tới với tia hy vọng khi thì mãnh liệt, khi thì
mong manh, rằng nó sẽ gỡ hoà hay thắng trong ván kế tiếp. Và những con bạc vẫn
tham lam một cách lì lợm ngồi đó. Thứ năng lượng nuôi dưỡng nó lúc này là tham
lam và giận dữ, cay cú khi nó thua, hễ hả đắc thắng khi nó được. Cho dù thua
bạc hay thắng bạc thì nhưng con bạc đều bị thiêu đốt, thôi thúc bởi những tình
cảm mãnh liệt mà trong tâm lý học Phật Giáo gọi là bất thiện tâm. Những bất
thiện tâm này xuất phát từ vô minh, hay nói bằng ngôn ngữ bình dân, đó là sự
ngu muội, sự thiếu hiểu biết và khả năng nhìn nhận, suy tư một cách đúng đắn.
Vì chúng không tin vào nhân quả
thiện ác. Chúng không biết hoặc không tin rằng những hành động bất chính sẽ
mang lại những hậu quả tai hại ngay trước mắt cũng như trong lâu dài. Khi tức
giận người ta có thể đánh đập người hay đánh đập, gây thương tích trên cơ thể
và tâm hồn kẻ mà họ căm ghét (cho bõ ghét!) Khi tham lam, người xấu có thể giết
người cướp của hay lừa đảo, mưu mẹo để đạt lấy của người, hay trộm cắp tinh vi,
hay gian dối lang chạ, hay bài bạc rượu chè. Cũng có khi người ta đến sòng bạc
hay quán rượu chỉ để tìm quên những đau khổ khó khăn mà họ không thể đối mặt để
giải quyết. Những lạc thú tạm thời do những hành động bất chính kể trên đem lại
có thể làm cho kẻ lầm lạc cảm thấy thoả mãn nhất thời và hắn có thể tiếp tục
làm ác, hay thúc đẩy khuyến khích kẻ khác làm ác. Những kẻ ngu muội và thiển
cận này không biết rằng giết người hay đánh người thì sớm hay muộn gì cũng bị
ngươì giết lại hay đánh lại. "Hại nhân nhân hại sự này tại đâu"
(Nguyễn Du, Truyện Kiều).
Những kẻ trộm cướp gian dối hay
lừa đảo thì có thể hưởng thụ những thứ mà chúng đã đạt được một cách bất chính
chừng nào mà hành động của chúng chưa bị phát giác. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng
bị phát hiện? Bị tù đày, bị khảo tra, bị kết án, bị trả thù, bị khinh chê, bị
xa lánh, bị tịch thu tài sản… Ngay cả khi chưa bị phát hiện, những kẻ lầm lạc
này cũng không được sống hoàn toàn yên ổn. Chúng lo lắng và sợ hãi những hành
động bất chính của chúng có thể bị phát hiện, chúng tìm mọi cách để che đậy,
lấp liếm những tội đã phạm phải. Có khi để che đậy tội ác đã làm chúng phạm
thêm những tội ác mới, để chứng tỏ gian dối là thật, chúng phải gian dối nhiều
hơn nữa, và trong vòng luẩn quẩn này chúng cứ trôi lăn, từ sự mù quáng này đến
sự mù quáng khác. Trong trường hợp này họ là những chúng sinh được gọi là đi từ
bóng tối vào bóng tối.
Đến một lúc nào đó, nghĩ ác, nói
ác, làm ác trở thành một thói quen gần như không thể nào sửa đổi. Những chúng sinh
tội nghiệp này được gọi là incorrigibles trong Tiếng Anh, nghĩa là đã quá hư
hỏng đồi bại, không thể bỏ qua hay tha thứ. Một số những chúng sinh loại này
nhận lãnh án tử hình hay chung thân, khổ sai trong một xã hội có pháp luật
nghiêm minh, rõ ràng. Một số khác do nghiệp quả chưa chín mùi, tạm thời thoát
khỏi pháp luật thì cũng thường bị chê bai, nguyền rủa. Có chăng chỉ có những kẻ
xu nịnh xấu xa tuyên dương họ khi họ còn có quyền lực và tiền bạc.
Những kẻ này khi ác nghiệp chưa
chín mùi, chưa trổ quả khổ đau đôi khi còn dương dương tự đắc, vỗ ngực ca tụng
xấu ác một cách trơ trẽn, tuyên bố rằng không có nhân quả nghiệp báo gì cả.
Chúng có thể nói rằng đạo đức, nhân quả nghiệp báo và sự thánh thiện chỉ là
những giáo lí nhảm nhí vô căn cứ, và không chứng minh được trong một thế giới
nhiễu nhương đầy cám dỗ bởi vật chất và lạc thú, trong một thế giới mà sống
gấp, sống vội kiểu mì ăn liền thường được quảng cáo và tán dương khắp nơi. Ở
đây, những hành động không lương thiện được dẫn dắt bởi tà kiến.
Những người cờ bạc và tửu quán
không phải do tham lam, nhưng để tìm quên những khổ đau thầm kín (mà họ không
dám đối mặt giải quyết) cũng chỉ là một giải pháp tai hại chỉ có những kẻ thiếu
suy nghĩ mới làm. Vì rằng cờ bạc tửu điếm không những không giúp người đó thoát
khỏi tình cảnh đang vướng mắc, mà còn tạo thêm nhiều rắc rối khác như khánh
kiệt tài sản, trở nên nghiện ngập, vướng bệnh xã hội, vv. Và như vậy những kẻ
yếu đuối này càng ngày càng lún sâu vào con đường truỵ lạc và tội lỗi. Đoạn
cuối của những chúng sinh tội nghiệp này thường rất bi thảm. Họ là những kẻ
uống nước mặn để thoả mãn cơn khát tạm thời, càng uống càng khát thêm, và cuối
cùng chết vì bị nhiễm độc. Dạng vô minh này được tâm lý học gọi là ‘hội chứng
tự ti mặc cảm’- (inferior complex).
Ở mức độ trung bình, vô minh là
sự không thấu hiểu nguyên nhân, gốc rễ của các hành (saṅkhārā, pháp hữu vi, hay
pháp được tạo thành, pháp được cấu tạo). Phần nhiều chúng sinh nằm trong cấp độ
này của vô minh. Các hành ở đây chỉ cho hai loại hành: thiện hành và ác hành.
Thiện hành là hành động, nói năng
và suy nghĩ một cách thiện xảo và chín chắn đưa lại lợi ích cho mình, cho người
hay cho cả hai. Bất thiện hành là những hành động, nói năng và suy tư thiếu tử
tế, thiếu khôn ngoan và không sáng suốt khiến dẫn đến hại mình, hại người, hay
hại cả hai. Những người này khi thì làm tốt, nói năng và cư xử khôn ngoan khiến
được lợi ích và ca ngợi, nhưng khi khác lại làm xấu, nói năng và cư xử một cách
thiếu khôn ngoan tử tế khiến hại mình, hại người. Tuỳ điều kiện hoàn cảnh người
đó có vẻ tốt, nhưng trong một điều kiện hoàn cảnh khác lại xấu xa tồi tệ. Do
đâu những người này có những hành vi hay cách cư xử bất nhất như vậy? Do họ
không có khả năng nhìn nhận và suy tư một cách sáng suốt và sâu sắc. Họ bị ảnh
hưởng bởi những người quanh họ, bởi sự tuyên truyền quảng cáo, và bởi vẻ xuất
hiện bên ngoài, không thấy được thực chất bên trong.
Trong môi trường tốt và được giáo
dục chu đáo, những người này trở thành tốt, đôi khi khả kính và đáng yêu. Nhưng
trong môi trường xấu hay trong hoàn cảnh khó khăn, họ sẵn sàng (đôi khi do dự)
làm ác, miễn sao tạm thời thoát khỏi tình trạng túng quẫn; họ không nghĩ đến
hậu quả xấu có thể đối mặt trong tương lai. Do khi thiện, khi ác, khi xấu khi
tốt bất nhất như vậy nên đời sống của những người này là sự đắp đổi giữa hạnh
phúc và khổ đau. Trong ngôn ngữ bình dân gọi là "khi lên voi, khi xuống
chó".
Những người này ít nhiều có hiểu
biết đâu là tốt, đâu là xấu, những gì đem lại lợi ích và những gì đem lại bất
lợi, nhưng họ thường chỉ thấy biết trên bề mặt của vấn đề/hiện tượng mà không
thấy bản chất của vấn đề/hiện tượng. Họ là nhừng kẻ "theo dòng", hay
gió cuốn chiều nào thì lay theo chiều đó, trôi nổi dật dờ theo trào lưu và xu
hướng chung của xã hội. Trong số họ, nếu có đủ thông minh, tài trí và gặp thời
thì có thể trở thành những "ngôi sao" hay những nhà lãnh đạo, có khi
giàu có và nổi tiếng, thậm chí còn có thể trở thành thần tượng cho đám đông.
Nhưng khi được đám đông hoan hô và tán thưởng không bõ cho khi bị nguyền rủa và
chà đạp cũng bởi đám đông đó, hay bởi một đám đông khác bất đồng quan điểm,
khác niềm tin, đối nghịch.
Trong tâm lý và triết học Phật
Giáo, nguyên nhân hay động lực được chia thành hai nhóm.
1. Thiện căn (kusalamūla) bao gồm vô tham (không keo kiệt bủn xỉn,
không ham muốn nhiều, tri túc hay biết đủ); vô sân (từ hoà và bi mẫn); và vô si
(hiểu biết và sáng suốt). Những suy nghĩ, lời nói và hành động bắt nguồn từ một
trong ba thiện căn này được gọi là thiện hành (puññābhisankhārā). Thiện hành
cũng thường được miêu tả như là bố thí, cúng dường, biết ơn, cung kính, hoà ái,
có tấm lòng rộng rãi và bao dung, hay làm từ thiện, ham học hỏi và ưa gần gũi
các bậc thiện tri thức, hoan hỷ chỉ bày và giúp đỡ, khuyến khích người cùng làm
thiện, trì giữ nămgiới và nói chung là hành Thập Thiện, Thiền định, vv.
2) Bất thiện căn (akusalamūla) bao gồm tham lam, sân hận, và si mê.
Những hành vi xuất phát từ những bất thiện căn này được gọi là bất thiện hành
(abhuññābhisankhārā). Những bất thiện hành này đã được đề cập đến ở những trang
trước.
Hầu hết những hành động xấu ác,
phạm pháp và không thiện xảo đều bắt nguồn từ cái tâm bất chính bị vô minh hay
si mê dẫn dắt. Nhưng cũng có những hành động tưởng như tốt, có vẻ như từ thiện
và khôn khéo nhưng lại chỉ xuất phát từ động lực vụ lợi, nghĩa là tham. Đôi khi
người ta làm phước chỉ vì tham lam hay ngã mạn như muốn được khen ngợi là người
tốt, muốn được chú ý đến, muốn được quả báo tốt đẹp cho đời này hay đời sau,
muốn được sinh lên cõi trời, vv. Đôi khi người ta hô hào cổ vũ người khác làm
điều mà họ cho là tốt như hy sinh cho tổ quốc đồng bào, yêu nước hơn yêu thân,
vv, nhưng bản thân người hô hào lại không làm như vậy. Hoặc những điều mà họ
cho là tốt đẹp thực ra chỉ là kiến chấp có gốc rễ trong si mê và sân hận dẫn
dắt người tới kỳ thị, phân biệt và tàn nhẫn. Những nghiệp tạo tác như vậy được
gọi là ‘nghiệp lốm đốm’- nghĩa là những hành động có động lực không rõ ràng
minh bạch.
Có khi những động lực có vẻ như
tốt nhưng lại cho kết quả không tốt đẹp gì. Người ta nói về một xã hội
"làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", một xã hội không có tư hữu
và cạnh tranh nhưng kết quả lại khá bi thảm vì chúng sinh phần lớn lại khá tham
lam, lười biếng và vô trách nhiệm. (Tư hữu và cạnh tranh thường bắt nguồn từ
tham lam và ngã mạn). Chúng ta đã chứng kiến nền kinh tế tập trung sụp đổ ra
sao vì nó gián tiếp tạo ra nạn cửa công cửa quyền, nạn quan liêu, và bao cấp
dẫn đến nạn vô trách nhiệm.
Chung qui lại tất cả những hiện
tượng đó đều bắt nguồn từ một ý tưởng thiếu sáng suốt và thiếu thực tế mặc dù
nhìn qua thì ý tưởng đó rất cao thượng và có vẻ logic. Đó chính là vô minh. Mọi
ý tưởng đều không nằm ngoài vô minh, dù là XHCN (socialist) hay TBCN
(capitalist), dù là kinh tế thị trường hay kinh tế tập trung. Một ý tưởng (vô
minh) có thể đưa người ta đi xa vạn dặm (hành). Đôi khi có vẻ như thành công,
hạnh phúc và thoả mãn. Nhưng rồi thời cuộc đổi thay, những lý tưởng, tiền đồ và
sự nghiệp mà ta đã dày công tạo lập bỗng chốc sụp đổ như lâu đài trên cát.
Người ta mất phương hướng, người ta tuyệt vọng, người ta thở dài than thân
trách phận, hay trở nên bi quan yếm thế, hay cay cú, hoài nghi…
Xã hội loài người đã có những
bước tiến bộ khá ngoạn mục. Từ thời đại đồ đá chuyển đến thời đại đồ đồng. Từ
đời sống du mục đến đời sống canh tác định cư và đô thị hoá; từ nền kinh tế
nông nghiệp đến công nghiệp và thương mại. Cùng với sự phát triển về kinh tế và
vật chất, con người cũng có vẻ ngày càng văn minh và cư xử với nhau tử tế hơn
chăng? Trong một giai đoạn lịch sử, xã hội loài người đã từng tồn tại chế độ nô
lệ. Những người nô lệ thường bị đối xử tàn bạo như súc vật, họ không có quyền
gì cả, ngay cả quyền làm người. Thật đáng tiếc, trong xã hội được gọi là văn
minh và tiến bộ của chúng ta ngày nay tệ nạn này vẫn còn, có những người chồng,
người cha xem vợ con như nô lệ. Trong một số hệ thống tôn giáo và thần quyền,
người phụ nữ cũng bị lợi dụng và áp bức bởi những luật lệ và cách cư xử rất
thiếu công bằng và phi nhân bản. Những hành động tàn bạo này bắt nguồn từ ý
tưởng chủ-tớ, sang-hèn, có quyền lực và không có quyền lực, ông chủ và kẻ làm
thuê, tư tưởng trọng nam khinh nữ, vv.
Mọi ý tưởng hay tư tưởng xuất
phát từ vô minh, dù mới hình thành hay đã tiêm nhiễm nhiều đời (có tính truyền
thống), đều có khả năng đẩy người ta tới hành động bất thiện và phi nhân bản.
Mọi tư tưởng hay ý tưởng khiến người ta đối xử tồi tệ với nhau đều bắt nguồn từ
vô minh. Ở cấp độ này vô minh là sự thiếu hiểu biết về những chân lý trong đời
sống mà thuật ngữ Phật học gọi là Tứ Diệu Đế- bốn sự thực cao quí, và Tam Pháp
Ấn- ba dấu hiệu không đổi của mọi hiện hữu. Vì vô minh người ta không thấy rằng
bản chất của đời sống vốn không toại nguyện. Vì sao đời sống lại không toại
nguyện? Phải chăng Đạo Phật dạy người ta cái nhìn yếm thế bi quan trước cuộc
đời?
Chúng ta đều thấy rằng có những
người đủ tài trí thông minh, may mắn và đủ khả năng tạo dựng hạnh phúc, thành
công trong đời họ, như vậy không phải là họ đã có được một cuộc đời toại nguyện
ư? Vâng. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được hạnh phúc và ít nhiều những mức độ
thoả mãn nào đó trong cuộc sống.
Khi nói về Sự Thật của Khổ
(dukkha sacca), Đức Phật không phủ nhận hạnh phúc của thế gian, nhưng ngài
hướng chúng ta đến một cái nhìn sâu xa hơn, đó là những gì đi kèm với cái mà
chúng ta gọi là hạnh phúc và toại nguyện trong đời. Những đổi thay của thiên
nhiên, những đổi thay của thời cuộc, những đổi thay của lòng người khiến mọi
vật thể, mọi hiện tượng, mọi ý tưởng, mọi tình cảm và mọi mối quan hệ trở nên
bấp bênh không bền vững. Khi những đổi thay theo chiều hướng mà ta mong muốn
thì hy vọng tăng trưởng, ta nuôi hy vọng và ít nhiều cảm thấy hạnh phúc thoả
mãn với đời sống. Khi những sự đổi thay không như ta mong cầu thì ta thất vọng,
đau khổ và bất mãn. Nhưng thử hỏi có ai có thể ra lệnh cho thời tiết đừng đổi
thay? Có ai không già và không chết? Có ai luôn luôn dịu dàng, lịch lãm, phóng
khoáng và hào hiệp như khi đang yêu? Đổi thay chính là qui luật duy nhất không
thay đổi, nhưng vì thủ chấp, bám víu và ngu muội chúng ta làm như mọi vật phải
theo ý ta, và chúng ta đau khổ vì sự ngốc nghếch này không ít.
Tất cả mọi người đã được sinh ra
đều bình đẳng trước đau khổ. Đau khổ là hệ quả của bám níu và thủ chấp vốn
không chịu chấp nhận sự đổi thay tất yếu. Khi còn trẻ tuổi ta mong rằng lớn lên
ta sẽ như thế này hay như thế kia. Dù rõ rệt hay tiếm ẩn, mỗi người trẻ tuổi
đều tự xây một hình mẫu nào đó trong đầu và cố gắng để đạt được, hay gần hơn
với thần tượng. Đối diện với thực tế không như ý, nhiều thanh thiếu niên đã bất
mãn, mất phương hướng và niềm tin, thậm chí chọn biện pháp tự tử để kết thúc
một cuộc đời vô nghĩa. Sự thất vọng và bất mãn có nguồn gốc từ việc bám níu,
thủ giữ vào những giá trị, chuẩn mực định sẵn trong đầu những ai thiếu thực tế.
Nếu họ đừng xây những lâu đài trên cát, hay ít nhất cũng biết rằng mộng tưởng
chỉ là những trò chơi lãng mạn không đi tới đâu, và nếu họ biết quay trở về với
những gì chỉ là bình thường của cuộc sống,.. thì có lẽ nhiều bi kịch trong cuộc
đời đã không xảy ra.
Đau khổ vì phản ứng một cách
thiếu sáng suốt trước những đổi thay bất ngờ có thể gây ra một chuỗi sự kiện
đau đầu không kiểm soát được. Chẳng hạn bạn đang lái xe vào giờ cao điểm, nạn
kẹt đường đang là chuyện thường ngày rên lộ trình mà bạn phải đi qua. Có ai đó
làm một cú rẽ bất ngờ ngay trước mũi xe bạn, bạn chỉ kịp phanh xe vừa đủ tránh
tai nạn - trong đầu bạn hình thành những ý nghĩ bực tức và giận dữ. Không kiềm
chế được bạn bóp còi ing ỏi, hay thậm chí chửi rủa kẻ đó. Những chiếc xe phía
sau cũng mất kiên nhẫn và bóp còi hay tìm cách nhích lên bất chấp luật lệ. Nếu
tai nạn xảy ra, và các tài xế vẫn còn đủ mạnh để xông vào nhau hơn thua, có lẽ
một cuộc ẩu đả đã xảy ra mà hậu quả còn tai hại hơn chỉ là một vụ tai nạn. Đây
chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô số tình huống bi thảm mà những phản ứng tiêu cực
có thể đem lại. Một trong chúng là những cuộc vận động quân sự và những cuộc
chiến tranh được mệnh danh là ‘chống khủng bố’ mà chính phủ Mỹ đã khởi xướng
nhằm trả đũa cho cuộc khủng bố ngày 11 tháng chín (11 September).
Đau khổ vì những sai lầm đã qua,
đau khổ vì những hậu quả tai hại trong hiện tại, đau khổ vì không biết điều gì
sẽ đến ngày mai. Và chung qui lại, có bốn điều mà mọi người đều gặp trong cuộc
sống, cho dù là ông vua, là hoàng tử, là tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng cho
đến kẻ đấu đường xó chợ, kẻ ăn mày vất vưởng không nhà cửa thân thích, tất cả
đều bình đẳng trước sinh, già, bệnh, chết. Bạn có thể nói: Sinh, già, bệnh,
chết là lẽ tự nhiên, hà cớ gì phải bận tâm đến chúng?
Có ai trong chúng ta khi sinh ra
không cất tiếng khóc vì bỗng dưng phải tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn xa
lạ? Đây chỉ mới là điểm khởi đầu cho một đời sống bấp bênh mà không phải lúc
nào chúng ta cũng có thể làm chủ tình huống. Ai cũng muốn mình luôn xinh đẹp,
khoẻ mạnh, vui tươi và hấp dẫn, nhưng những ước muốn này phần lớn là không được
toại nguyện. Có ai trong chúng ta không phải già và chết không? Cho dù chẳng ai
muốn già cả, tuổi già vẫn cứ đến, bệnh tật vẫn cứ đến không thèm hỏi ý kiến của
chúng ta. Và những gì mình muốn mà không được, không muốn nhưng vẫn phải chấp
nhận đều được cho là khổ.
Trong cuộc đời, chúng ta phải gặp
gỡ và chung sống với những người mà ta không ưa, không thương, không yêu mến,
điều này thật không dễ chịu một chút nào; trong khi đó những gì ta thương yêu,
trìu mến và thiết tha thì lại phải chia xa, cách trở. Dù không rơi nước mắt thì
tim ta cũng đã bao phen nhói đau vì phải rời xa người/vật/ hay nơi chốn mà ta đã
từng yêu mến- đây gọi là khổ của sự chia ly. Có những cuộc chia ly chỉ là tạm
thời, và dù khổ sở, người ta vẫn nuôi hy vọng gặp lại người/ vật/nơi chốn mình
thương yêu, nhưng cũng có những cuộc chia ly vĩnh viễn mà nỗi đau là gần như
không thể nào hàn gắn.
Lại có nhưng nỗi đau do thay lòng
đổi dạ. Người ta yêu mến không luôn luôn dễ thương, người đó cũng có những cá
tính, những đỏng đảnh đồng bóng thất thường. Do đó từ yêu thành ghét, từ thương
thành giận, từ bạn thành thù, và ngược lại. Không có gì đứng yên, không có gì
là mãi mãi, nhưng vì thủ chấp bám níu vào những ý tưởng ngốc nghếch của mình,
ta không đối diện người, vật và cảnh như bản chất đổi thay vốn có trong đó, nên
ta phải khổ khi nhận ra sự đổi thay. Những khổ thương, khổ sầu, khổ luyến ái
biệt ly, khổ tương tư mòn mỏi, khổ day dứt bi ai, mỗi mỗi những nỗi khổ chồng
lên nhau thành một đống khổ!
Đời người chỉ vẻn vẹn trong ngoài
một trăm năm. Trong suốt quảng thời gian đó chúng ta đã trải qua bao thăng
trầm, bao sự kiên mà phần nhiều là bất như ý muốn. Chúng ta hy vọng rồi thất
vọng, hạnh phúc và khổ đau, thành công và thất bại, được khen ngợi, được thương
yêu, nhưng cũng nhiều khi bị chê bai, chỉ trích và ghét bỏ. Những bước thăng
trầm trong cuộc đời không ai không trải qua dù ít dù nhiều.
Cuộc đời cũng giống như những con
sóng: lên rồi xuống, dạt vào bờ tan biến để cho những con sóng khác tràn lên,
nhưng chẳng có con sóng nào cứ lên cao mãi mãi mà không có lúc tụt xuống rồi
tan biến. Có những con sóng mãnh liệt vỗ vào ghành đá tung bọt trắng xoá, có
những con sóng cuồng nộ lao vào bờ, ghiền nát và đập tan mọi lực cản, nhưng
cũng có những con sóng chỉ hiền hoà, lăn tăn dịu dàng êm ái vỗ nhẹ vào bờ.
Những cuộc đời mà ta đã gặp cũng vậy, nhưng rốt cuộc rồi ai cũng phải chết,
những hy vọng rồi thất vọng, những hạnh phúc và khổ đau, những được và mất
trong cuộc đời chỉ như phù du ảo hoá.
Không nhận biết được điều này, bị
mê hoặc bởi ý thích và đam mê, người ta lao vào cuộc đời như lao vào cuộc
chiến, cố gắng giành giật hơn thua. Trong chợ đời không ít lúc ta phải chứng
kiến cảnh cá lớn nuốt cá bé, cay đắng ta thở dài mặc nhiên công nhận "chân
lý thuộc về kẻ mạnh". Vì ích kỷ và ngã chấp người ta có thể chà đạp lên
nhau để đạt được điều mình muốn. Khi không đạt được điều mình mong muốn hay không
thoả mãn với đối tượng mà mình muốn bóc lột, người ta sân hận, tức tối và muốn
đập phá, nghiền nát đối tượng. Tất cả những phản ứng này đều không ngoài
"vô minh duyên hành" (avijja paccayā saṅkhārā) mà kết cuộc "là
tạo dựng một đống khổ đau" (dukkhakkhandhassa samudayo hoti).
Bản chất của cuộc đời là bất toại
nguyện. Cho dù chúng sinh có nhận ra điều này hay không thì chân lí này không
vì vậy mà thay đổi. Đây không phải là cái nhìn bi quan yếm thế, mà là cái nhìn
thực tế và giác tỉnh trước sự thật. Chúng sinh hầu hết đều không thấy biết điều
này nên cứ lao vào "cuộc chơi" như những con thiêu thân lao vào bóng
đèn. Chỉ khi thấy biết bản chất ảo hoá phù du của "cuộc chơi", người
ta mới lùi lại để nhìn nó từ một góc độ khác, một cái nhìn sâu hơn, xuyên suốt
bề mặt của hiện tượng để thấy bản chất và nguyên nhân của những hiện tượng đó.
Trong thuật ngữ Phật học gọi thái độ này là nhận chân nguyên nhân của đau khổ
và bất toại nguyện- hai mặt của một vấn đề góp phần vào nhận thức ra Tam pháp
ấn.
Nếu như vô minh dẫn dắt chúng sinh
đến hành động tạo tác thiện ác để rồi phải gặt hái, thọ nhận những khổ vui
trong cuộc đời, thì ái dục (yêu-ghét, thương-giận, thích-không thích, vv) chính
là sợi dây trói buộc, là vòng lưới bủa vây khiến chúng sinh cứ luẩn quẩn trong
một vòng xoáy không lối ra gọi là luân hồi.
Vì vô minh, chúng sinh thường
phản ứng theo bản năng, tìm cách giành lấy và cố giữ những gì ta thích, những
gì khiến ta dễ chịu (lạc thọ). Chúng ta bị thu hút về xu hướng này một cách gần
như vô thức, và cũng gần như vô thức, ta phản ứng một cách khó chịu với những
gì mà ta không thích, ta tránh xa hay cố gắng đẩy lùi những cảm giác khó chịu
(khổ thọ). Chính những phản ứng này khiến ta khổ hơn những diễn biến tự nhiên.
Gì gọi là diễn biến tự nhiên? Đổi
thay gọi là diễn biến tự nhiên, nhưng ta không muốn thay đổi nên khi thay đổi
đến ta tiếc nuối, bất mãn và khó chịu. Những gì ta không thích, ta muốn nó thay
đổi, ít nhất là đổi vị trí, đừng phải gần nó nữa, nhưng chúng dường như khư khư
bất biến khiến ta buồn bực sân hận nhiều hơn. Thực ra không có gì bất biến cả,
nhưng cảm giác của chúng ta vốn chủ quan và cảm tính nên ta thấy thời gian tâm
lý. Thuật ngữ Phật học gọi đây là dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Tìm kiếm và
ngụp lặn, đắm đuối trong dục lạc hưởng thụ gọi là dục ái. Duy trì và tiếp nối,
leo thang và cải thiện những hưởng thụ và khoái lạc gọi là hữu ái. Né tránh và
xua đuổi, cố gắng dập tắt hay chặn đứng những gì ta không ưu, không muốn gọi là
phi hữu ái. Nền tảng của tất cả những hành động và phản ứng kể trên chính là vô
minh.
Vô minh trong thuật ngữ Phật học
không phải bao giờ cũng dẫn đến bất thiện hành. Ở đây vô minh chính là thấy
rằng sinh tử luân hồi là vui, hay nói cách khác chúng sinh không thấy nguy hiểm
trong sinh tử, họ đắm nhiễm và thoả thích trong bất cứ cảnh giới nào mà họ đã
được sinh ra.
Ví dụ như trong cảnh người, một
người đàn ông sẽ thấy người đàn bà là hấp dẫn nhất, và ngược lại, người đàn bà
cũng thấy người đàn ông là hấp dẫn nhất; nhưng ở trong cảnh thú, ví dụ như con
gà trống sẽ thấy con gà mái là hấp dẫn nhất, và ngược lại; những loài thú khác
cũng thấy những nhân vật đồng loại với chúng là hấp dẫn, là xinh đẹp nhất.
Người viết bỗng nhớ rằng ai đó đã nói rằng đối với con cóc đực thì con cóc cái
là sinh vật dễ thương nhất trên thế gian! Có một câu chuyện hài hước kể rằng có
một người đàn ông nọ yêu thương một người đàn bà chột mắt, anh ta thấy rằng tất
cả các phụ nữ khác trên thế gian đều thừa một mắt! Điều này cũng làm cho vấn đề
tự tử vì tình (hay vì tiền, vì danh dự, gì gì đi nữa) trở nên khá dễ hiểu. Trong
mắt người trí những trò ngốc nghếch đó thật là vô minh. Vô minh này từ đâu ra?
Vì tâm chúng sinh đã được điều
kiện hoá bởi những yếu tố khiến sinh ra trong một hình hài nào đó, trong một
cảnh giới nào đó nên chúng không thấy được những gì không thuộc về tầm nhận
thức của nó. Ví dụ như một đứa trẻ sinh ra ở nông thôn, suốt thời ấu thơ nó chỉ
biết ruộng đồng, cây cỏ, chim muông, v.v, đối với nó những đồ chơi xa xỉ ở thị
thành chẳng có ý nghĩa gì cả; và ngược lại, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa
bốn bức tường xi măng, được vây bọc bằng những toà nhà cao từng cùa thành phố
thì thường không thấy hứng thú gì giữa cảnh thiên nhiên. Một ví dụ khác là với
một người không hiểu biết gì về âm nhạc, gảy đàn cho họ nghe chẳng khác gì gảy
đàn tai trâu. Cách thẩm thấu về thức ăn, mùi vị, thẩm mỹ, v.v cũng như vậy.
Chúng ta lệ thuộc vào những thói
quen mà chúng ta đã được nuôi dưỡng, vào cách giáo dục mà chúng ta đã thọ nhận,
vào môi trường văn hoá mà ta đã lớn lên. Nhân cách và cá tính của con người
được hình thành và phát triển tuỳ thuộc vào những điều kiện như gia đình (cho
gene di truyền, cho môi trường tuổi thơ,..), kinh tế – xã hội, văn hoá - nếp
sống, vv. Những ‘vật liệu’ thô này điều kiện hoá cái bản ngã được xây dựng do
chấp thủ vào chúng, đồng hoá với kinh nghiệm mà cho là ‘của ta’, là ‘ta’. Ta
cho là ngon, là đẹp, là thú vị với những gì ta đã quen thuộc, và ngược lại ta
cho là dở và có phản ứng nếu những thứ đó xa lạ với ta.
Những giá trị mà chúng ta gắn lên
các đối tượng chỉ là những giá trị tương đối và hữu hạn, nhưng cái tâm vô minh
lại cho rằng chúng là tuyệt đối và vô hạn. Từ sự vô minh này dẫn đến sự bám
víu, thủ giữ vào những giá trị đã được xác nhận (bằng cái tâm đã bị điều kiện
hoá), và chối từ, đả kích những gì xa lạ hay không thuộc về ‘mode’ của nó. Bị
hấp dẫn về những gì được cho là an toàn, dễ chịu, hợp ý,.. hay phản ứng lại
những gì không hợp ý, là khó chịu, là không dễ thương,.. là hai mặt của tâm
tham ái. Những phản ứng kiểu này có gốc rễ từ vô minh.
Vô minh khiến người ta có những
phản ứng cực đoan vì tin tưởng rằng những giá trị mà mình đang nắm giữ là giá
trị chuẩn mực duy nhất. Chiến tranh, giết chóc, tàn sát và nhiều hành động bất
nhân khác đều có thể tìm thấy nguồn cội trong vô minh. Vô minh và thủ giữ dẫn
người ta đến thái độ thiếu khoan hoà, thiếu bao dung và phi nhân bản. Vô minh
khiến người ta thấy những giá trị giả danh, tạm bợ và phiến diện mà không thấy
được bản chất thực sự của hiện hữu hay không thấy được mối tương quan, tương
duyên của các hiện hữu. Ở cấp độ này vô minh được gọi là kiến chấp. Từ sự nhận
thức hẹp hòi (do đã bị điều kiện hoá) người ta đi đến chỗ đả phá, hay cưỡng
bức, triệt tiêu những gì không đồng quan điểm, không đồng giá trị trong nhận
thức của họ. Những cuộc chiến tranh tôn giáo, những xung đột chính trị thường
bắt nguồn từ kiến chấp.
Ở một mức độ vi tế hơn, vô minh
chính là ngã chấp. Tại sao có những yêu- ghét, thương- thù, thích - không
thích? Vì có Ta, có Người. Những gì thuộc về ta thì thương yêu, gần gũi, những
gì thuộc về người thì xa lạ, dè bỉu. Chúng ta thường thiên vị cho những gì mà
chúng ta thương yêu, và ngược lại, thành kiến với những gì mà chúng ta không
ưa. Nhận thức về một cái Ta tồn tại độc lập và tách biệt, đặc biệt với những gì
không phải là Ta khiến chúng ta có những yêu ghét và sợ hãi phát sinh từ những
yêu ghét đó. Cái ta này muốn được thương yêu, muốn được kính trọng, muốn được
quan tâm đến, và nói chung là nó muốn những gì khẳng định sự tồn tại độc nhất
vô nhị của nó.
Cái ta này không muốn bị chia sẻ,
và nó sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ngăn chặn điều đó. Cái ta này tìm mọi cách
xây những bức tường thành kiên cố mà vật liệu của nó là những cảm giác, những ý
tưởng và tình cảm, những mối quan hệ và hoàn cảnh dẫn đến cái hình tượng ‘ta’
trong tâm mỗi người. Chúng ta bám níu vào những hình tượng ‘ảo’ này, tìm mọi
cách để bảo vệ và duy trì nó. Chúng ta cảm thấy thương tổn và căm hận khi nó bị
xúc phạm. Chúng ta cảm thấy sợ hãi khi nó có nguy cơ tan rã. Chúng ta sợ sự
không tồn tại, sự vô nghĩa và sự lãng quên.
Tất cả những hiện tượng kể trên
chính là Ái- Thủ- Hữu, nguyên nhân của Sinh trong các mắt xích duyên sinh làm
thành vòng quay bất tận của hiện hữu mà chúng ta gọi là cuộc đời. Ái- Thủ- Hữu
cũng chính là Hành- tạo tác hay sáng tạo, vẽ vời trên nền tảng của vô minh.
Trong Tứ Diệu Đế, vòng quay bất tận này làm thành Khổ Đế- sự thực màu nhiệm về
khổ và Tập Đế- sự thực màu nhiệm về nguyên nhân của khổ. Khi hành giả nhận chân
ra chúng, chúng mất đi vẻ màu nhiệm và bí ẩn. Nhưng có gì là cao thượng trong
đau khổ và sự hình thành đau khổ? Vâng. Chúng ta sẽ tìm ra vẻ đẹp trong khổ đau
và sự màu nhiệm mà những kinh nghiệm đó có thể thức tỉnh chúng ta trong dòng
đời có vẻ như mù loà vô nghĩa này. Phần hai của bài viết này sẽ đề cập đến
những giá trị đó dưới tiêu đề Bi- Trí- Dũng và Vô ngã- Vị tha.
Chấm dứt phần vô minh duyên hành.
Trong một cuộc nói chuyện với
Phật tử, tôi nhận thấy nhiều người đã hiểu sai tinh thần của Đạo Phật qua giáo
lý Vô ngã - Vị tha và Bi – Trí- Dũng. Bài viết này nhằm giúp các Phật tử ít có
cơ hội tìm hiểu kinh điển nguyên nghĩa (công truyền và tinh yếu) liên quan đến
những giáo lý căn bản và pháp hành phổ thông trong Đạo Phật.
Như một câu cửa miệng, nhiều
người nói Đạo Phật là đạo của vô ngã -vị tha, nôm na hiểu là quên mình giúp
người. Ngược lại, Thiên chúa giáo lại chỉ trích ĐẠO PHẬT là thiếu tính xã hội
và thiếu tinh thần phục vụ, chỉ lo tích đức, tăng phước hay giải thoát cho cá
nhân mà thôi. Về một mặt nào đó, quả là đã có những người hay nhóm người hiểu
không chính xác, thực hành sai và giảng dạy thiên lệch về tinh thần Giác ngộ và
Siêu thế trong ĐẠO PHẬT khiến cho những lời phê bình trên là không hoàn toàn vô
căn cứ.
Đức Phật có dạy quên mình giúp
người không? Câu trả lời là khẳng định! Trong các câu chuyện Tiền thân (Jataka
stories) khi đề cập đến Bố Thí ba La mật (dāna paramī), Bồ Tát đã hy sinh không
chỉ tài sản (tài thí- cấp độ thứ nhất của hạnh bố thí hay xả bỏ) mà ngài còn
cho đi từng phần của thân thể hay cả tính mạng của chính mình nữa để cứu giúp
tha nhân khi cần thiết. Chỉ riêng hạnh Ba la mật này cũng đã thể hiện đầy đủ tinh
th ần Bi – Trí - Dũng nếu nó được thực hành một cách đúng đắn. Thấy tha nhân
đau khổ, thiếu thốn, hành giả chia sẻ những gì mình có để giảm thiểu nỗi khổ
của người khác - đây chính là bi.
Bi khi đi với trí thì không luỵ,
ngược lại, bi mà thiếu trí thì rất dễ bị luỵ, nghĩa là giúp người không hữu
hiệu mà còn mang phiền toái hệ luỵ đến mình. Như người không biết bơi hay bơi
chưa giỏi mà lao xuống sông cứu người chết đuối thì kết quả là cả hai cùng chết
chìm. Nhưng từ sự hiểu rõ tình huống và, muốn giúp, và nỗ lực đúng cách để giúp
khi cần thiết thì đó chính là bi- trí - dũng. Tại sao lại dùng từ ‘cần thiết’?
Vì trong một số tình huống, sự giúp đỡ chỉ làm xấu thêm tình hình: như tiếp tay
cho kẻ trộm, tham ô, móc ngoặc chẳng hạn; hay o bế người ta quá khiến kẻ đó trở
nên lệ thuộc, ỷ lại, mất đi tính độc lập và tự tin vào khả năng vươn lên của
mình thì cũng không nên.
Trong tăng Chi Bộ kinh (Anguttara
Nikaya) có liệt kê về bốn hạng người thiết nghĩ cũng nên biết đến ở đây. Gì là
bốn hạng người đã được đề cập?
Hạng người thứ nhất thì
"sống như đã chết" nghĩa là không đem đến lợi ích cho ai cả, buông
trôi ngay cả chính cuộc đời mình. Đây là loại người không có một định hướng nào
trong cuộc sống, (maladjudgement and inadequate). Hạng người thứ hai thì chỉ lo
cho lợi ích của người khác mà không mấy quan tâm đến lợi ích của chính mình.
Những người kiểu này thường bị chế giễu là "ăn cơm nhà vác ngà voi"
trong dân gian vì họ quá năng nổ trong các công việc xã hội mà lại quên đi bổn
phận với chính mình và gia đình mình. Hạng người thứ ba thì lại chỉ chăm chăm
vào lợi ích của chính mình mà không quan tâm đến lợi ích của người khác. Những
người như vậy thì hay bị chỉ trích là ích kỷ và thủ phận. Những chỉ trích này
có xác đáng hay không chúng ta sẽ thấy trong phần sau. Hạng người thứ tư thì
làm việc vì lợi ích của chính mình và đem lợi ích đến cho những người khác nữa.
Các vĩ nhân nhân trên thế giới là những người có nhân cách, trí tuệ và tinh
thần phục vụ tuyệt vời này.
Trong bốn hạng người kể trên, Bụt
nói rằng hạng người thứ tư là tuyệt vời nhất, đáng ca ngợi và khâm khục nhất.
Điều này thật dễ thấy, trong bất cứ cộng đồng hay xã hội nào, hạng người năng
động, sáng tạo và đầy thiện chí như vậy cũng được tán dương. Nhưng hạng người
tốt kế tiếp trong thước đo của Bậc Giác ngộ lại không như chúng ta thường nghĩ
một cách hời hợt. Người biết làm việc vì lợi ích của chính mình, dù không mấy
bận tâm đến thiên hạ ra sao, lại được xếp vào hạng người tốt thứ hai, hơn cả
người chỉ lo cho người khác mà không tự làm lợi ích cho mình. Hạng người tồi
nhất là không lợi ích cho ai cả, điều này thì quá hiển nhiên không cần thiết
phải giải thích.
Trong bài pháp đó, Đức Phật cũng
giải thích thế nào là làm lợi ích cho mình và làm lợi ích cho người. Người sống
có nguyên tắc, tự chủ và điềm tĩnh, luôn tinh tấn trong các thiện pháp dẫn đến
hạnh phúc tối thượng (Niết bàn, nơi vắng bóng tham, sân, si, trạng thái đã đoạn
tận mọi khổ luỵ) thì được gọi là người sống vì lợi ích của chính mình. Người tự
mình thực hành những pháp thiện xảo như vậy, lại dạy bảo, nâng đỡ người khác để
họ cùng sống đời sống chuẩn mực và hữu ích thì được gọi là người đem lợi ích
đến cho mình và cho tha nhân. Người chỉ dạy người khác sống tốt mà tự mình
không thực hành những điều đã dạy người thì gọi là người không biết sống cho
lợi ích của chính mình.
Như vậy, rõ ràng chữ ‘vị tha’ ở
đây là rất thực tế, nó không chỉ là thiện ý, mà còn là thực lực và phương pháp
nữa. Bạn chỉ có thể cho những gì bạn có, bạn không thể cho những gì mình không
có. Chỉ khi bạn vừa có thực lực, vừa có thiện ý thì mới có thể làm từ thiện.
Nếu bạn không có gì cả ngoại trừ một đống khổ đau, bối rối và mất phương hướng
trong cuộc đời thì bạn cũng không thể giúp được ai, dù bạn yêu thương người ta
đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là những ý tưởng hão huyền không thực tế.
Khi bạn đang buồn bực, phiền
muộn, làm sao bạn có thể cho người khác hạnh phúc an vui? Bầu không khí quanh
người phiền muộn lo âu hay giận dữ cũng bị ảnh hưởng cái nóng nảy bức xúc của
một vài cá nhân đang có tâm trạng không vui. Và nó có thể trở thành một phản
ứng dây chuyền dẫn tới một cuộc bạo động hay nổi loạn. Ngược lại, khi bạn đang
vui vẻ hạnh phúc, dù bạn không có tác ý ‘cho người’ cái tâm trạng hạnh phúc đó
thì những người thấy bạn cũng cảm nhận được cái tinh thần phấn chấn của bạn. Và
như vậy là bạn đã ‘cho’ cái nguồn sinh lực tích cực đó rồi. Do vậy hãy làm sao
cho chính bạn được hạnh phúc an vui, rồi bạn mới có thể cho người niềm hạnh
phúc an vui. Nếu bạn vừa có thiện ý, vừa có khả năng và phương tiện thiện xảo
nữa thì thật tuyệt vời.
Trong một bối cảnh khác Đức Phật
lại khuyến khích chúng ta hãy phát tâm từ bi vô lượng đến tất cả chúng sinh: dù
lớn hay bé, dù thấp hay cao, dù sang hay hèn, dù gần hay xa, dù thấy được hay
không thấy được. Hãy đối xử với mọi người bằng tình của một người mẹ luôn yêu
thương và hy sinh cho đứa con duy nhất của mình. Hãy duy trì tình thương cao cả
và quên mình này trong mọi lúc, mọi nơi, từ lúc mở mắt chào một ngày mới cho
đến khi rơi vào giức ngủ an lành. Đừng bao giờ ôm ấp những tâm niệm sân si hờn oán
và mong người gặp khổ đau hoạn nạn. Đừng dối lừa người dù chỉ là một lời hứa
suông. Hãy thương và ôm trọn vào lòng ngay cả những khiếm khuyết và bất toàn
của mình và tha nhân. Tình thương và sự cảm thông sẽ hoá giải và chuyển biến
những năng lực hay phẩm chất tiêu cực, vô dụng, hay thậm chí độc hại thành hữu
ích, tích cực và tốt lành.
Thương những gì dễ thương thì
thật dễ, bất cứ một người bình thường nào cũng có thể làm được; nhưng thương
những gì khó thương, những trái ý nghịch lòng, những cừu thù oán hận thì không
phải là dễ. Tâm chúng ta quen phân biệt xấu -tốt, được -mất, hay - dở, thích –
không thích, thân – không thân, bạn – thù vv. Những phân biệt chia chẻ nhị
nguyên này thường là điểm xuất phát của nhiều thứ phiền não khác như ích kỷ, ganh
tỵ, thiên vị, thiếu bao dung hay đố kỵ, hiềm hận (xem Sakkapañhāsutta, DN) …
Biết chăng những giá trị mà chúng ta gán cho đối tượng thì rất chủ quan, phiến
diện và thường bị ảnh hưởng bởi cảm tính nên chúng không phải là những thước đo
đáng tin cậy. Ý thức được điều này, người thiện trí không để cho những cảm tính
chủ quan dẫn đến những tình cảm thiên vị hay đố kỵ, không phản ứng hay cư xử
một cách hấp tấp, bốc đồng (react impulsively). Người thực hành rốt ráo những
gì Phật dạy thì không xem ai là kẻ thù, nhìn tất cả chúng sinh bằng cái tâm bao
dung, cởi mở và bình đẳng không phân biệt. Đây mới đích thực là tinh thần vô
ngã của Đạo Phật.
Vô ngã không phải là xả mình hay
quên mình cho một mục đích nào đó (cho người thân yêu, cho chủ nghĩa- lý tưởng
mà mình tôn thờ, cho đất nước hay tôn giáo… - chúng ta sẽ bàn thêm ở phần sau -
chúng chỉ là những giá trị mở rộng của bản ngã), mà vô ngã là không chấp thủ,
vô phân biệt, bình đẳng và trung dung trước mọi cao - thấp, tốt - xấu, hơn –
thua, được - mất, và thị phi của cuộc đời. Vô ngã không phải là quên mình, mà
là biết mình, biết người nhưng không chấp thủ vì thấy được sự vận hành không
ngừng của vạn pháp trong đó có cả những gì cấu trúc nên mỗi cá nhân. Sự vận
hành đó có tính tương quan nhân duyên, khi những yếu tố như vậy, hoàn cảnh như
vậy cùng xuất hiện thì hiện tượng như vậy sinh khởi, khi những yếu tố, điều
kiện thay đổi thì sự vật, con người và các hiện tượng cũng thay đổi. Thấy được
những thay đổi, vận động, hình thành và tan rã không ngừng trong mọi hiện hữu,
chúng ta sẽ thôi chấp thủ vào một giá trị bất biến hay một bản ngã thường hằng
đang tồn tại trong ta (ātman) hay ngoài tầm nhận thức của chúng ta (God or
Brahma).
Phật không cho rằng có một soạn
giả hay đạo diễn nào đằng sau những vở kịch cuộc đời này. Nó là một sự vận hành
theo các qui luật vô ngã, hay nói theo ngôn ngữ thông thường, chúng là những
qui luật tự nhiên có tính tương tác và chi phối lẫn nhau trong một sự vận động
không ngừng. Nói như vậy không có nghĩa là mọi chuyện xảy ra một cách ngẫu
nhiên và tuỳ hứng, và chúng ta không phải chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời
mình. Thật ra phản ứng của chúng ta, cái phản ứng xuất phát từ khuynh hướng từ
chối và thủ giữ của bản ngã chấp thủ quyết định phẩm chất của những kinh nghiệm
mà chúng ta đã đi qua, đang là và sẽ gặp trong cuộc đời.
Cái bản ngã mà chúng ta tự tạo
nên như một vỏ bọc để tồn tại, để chống lại những gì khiến chúng ta đau khổ,
bất mãn vốn không thực. Do nhân duyên, hoàn cảnh, chúng đã được tạo nên và
chúng có những giá trị đối trị nhất thời nhưng nếu chúng ta thủ giữ vào những
hình mẫu giả tạo và lỗi thời này, chúng ta sẽ không bắt kịp nhịp độ vận hành tự
nhiên của vạn pháp trong đó những gì cấu thành nên một nhân cách, một cá tính
cũng đã thay đổi. Sự thủ giữ tất yếu sẽ dẫn đến xung đột ngay bên trong cá nhân
đó cũng như xung đột trong các mối quan hệ của cá nhân đó với môi trường xung
quanh.
Vì chúng ta chấp thủ cái thân này
(sắc uẩn) là ta nên mới o bế, chiều chuộng và thoả mãn mọi đòi hỏi của nó. Nếu
ai động đến nó, chúng ta cảm thấy bị tổn thương và căm hận tìm cách trả đũa. Vì
xem thân là ta nên mới tránh lao tổn tấm thân đó vì người, người chấp thân là
ta thì thường rất ích kỷ và không phục vụ ai cả, chỉ lo giữ lấy tấm thân lành
lặn. Vì chấp thân là ta nên khi nó khỏe mạnh thì chúng ta hạnh phúc hồ hởi, khi
nó bệnh hoạn đau ốm thì chúng ta sầu muộn lo âu, than thân trách phận. Khi thân
đẹp đẽ trẻ trung thì kẻ đồng hoá với thân đó tự kiêu, ngã mạn; khi thân đó xấu
xí, bệnh hoạn, và già nua thì người ta mặc cảm tự ti.
Chấp thủ vào thân thể hay vật
chất thì mọi thay đổi, biến động từ chúng đều làm chúng ta bất an và lo lắng.
Chấp thủ vào thân thể, vật chất, tài sản,.. là cấp độ thô thiển nhất (và cũng
phổ biến nhất) của ngã chấp. Trong thuật ngữ Phật học , chúng được gọi là thân
kiến (sakkayadiṭṭhi). Kế đến là chấp thủ vào cảm thọ, nhận thức (thọ uẩn và
tưởng uẩn), như chúng ta đã đề cập sơ qua ở phần trên, đó là cái tâm phân biệt,
đánh giá và phản ứng hấp tấp vội vàng. Từ những cảm nhận, đánh giá và phản ứng
đó khiến sinh ra những tâm trạng tâm trạng vui -buồn, yêu ghét, vv (hành uẩn).
Và những chất liệu vừa kể trên được tích trữ và làm nền cho những phản ứng mới
một cách có ý thức hay bị điều động bởi vô thức (đều là thức uẩn) (xem Madhupinkasutta , MN )
.
Khi có sự chấp thủ, nghĩa là có
sự nắm bắt, sở hữu và giới hạn, vô hình chung chúng ta tự khoá mình, tự điều
kiện hoá và giới hạn những cảm giác, nhận thức và thái độ hay phản ứng của
chúng ta trong một cái khung nhất định gọi là bản ngã. Cái bản ngã đó đã được
hình thành do nhiều yếu tố như gia đình, xã hội, những điều kiện thiên nhiên,
văn hoá, giáo dục, lịch sử, và vv. Như đã bàn ở trên, những yếu tố, điều kiện
đó vốn không ngừng thay đổi, nhưng sự thủ giữ lại đóng khung chúng ta lại trong
một định kiến hẹp hòi và một hình mẫu lỗi thời khiến cho những phản ứng của cái
bản ngã đó chỉ đem đến đau khổ, bức xúc vì thiếu hoà hợp với hoàn cảnh mới và
không bắt kịp sự vận hành không ngừng của thế giới khách quan. Thực ra cái thế
giới chủ quan (bản ngã) cũng vận động và biến hoá không ngừng, nhưng khuynh
hướng thủ giữ lại cố từ chối, cố chống lại, cố điều khiển và thao túng những
thay đổi đó, và chính cái ý chí chủ quan này là nguyên nhân của hầu hết những
xung đột, đau khổ và tang thương trong đời.
Tại sao con người lại có khuynh
hướng thủ giữ và tạo lập bản ngã?
Đức Phật nói đó là vì vô minh. Vô
minh là một thuật ngữ Phật học để chỉ cho sự thiếu hiểu biết (ignorance) hay sự
hiểu biết không đầy đủ (incomplete knowledge) và sự nhận thức bị bóp méo vì cảm
quan cá nhân (vipallasa in Pāḷi, and parikalpita in Sansk.). Trên phương diện
tâm lý, thủ giữ là một phản ứng có khuynh hướng tự duy trì nhân diện (identity)
của bản thân. Không có một nhân diện, người ta sợ hãi và bất an (vì nhận thức)
rằng mình không là ai cả, không là gì cả, là con số không. Bấp bênh và lo lắng,
người ta sẵn sàng bám víu vào bất cứ một cái gì, dù chỉ là tạm thời, cho họ cảm
giác mình đang tồn tại, đang hiện diện và phải được công nhận. Niềm khát khao
được nhận ra, được chú ý và được quan tâm, được kính trọng khiến người ta phải
tự tạo cho mình một nhân cách, một cá tính để khẳng định sự tồn tại độc lập và
đặc biệt của mình. Thực ra thì hình thành hay duy trì một nhân cách hay một cá
tính không có gì là sai trái cả, nhưng sự chấp chặt vào những ý kiến chủ quan
và những phản ứng cảm tính mới làm thành vấn đề.
Đây là một xu hướng tâm lý khá tự
nhiên và cực kỳ phổ biến đến nỗi không ai tự hỏi nó có cần thiết hay không.
Chính vì nó được xem là ‘tự nhiên’ nên người ta không cưỡng lại sự thôi thúc có
tính bản năng này, hay tệ hơn nữa là tìm mọi cách để ‘vật chất hoá’ những ý
tưởng về mình. Khi những ý muốn này được chấp nhận trong điều kiện thực tế,
người ta cảm thấy an tâm và tự tin hơn, chúng ta gọi họ là những kẻ thành đạt
và hạnh phúc trong cuộc đời. Nhưng khi những ý muốn đó không gặp gỡ với thực tế
cuộc sống (điều kiện bản thân- gia đình, điều kiện kinh tế, điều kiện văn hoá
và xã hội, vv) thì thường có hai khả năng xảy ra: nó tự động biến đổi, ngụỵ
trang để dễ chấp nhận hơn (defense mechanism), hoặc nó sẽ chán nản, thất chí và
đơn phương tuyệt vọng chống lại toàn thế giới! (destructive behavious). Cả hai
khả năng này đều là khổ đau, bất hạnh dù được dấu diếm che đậy hay lộ liễu một
cách bất cần.
Trở lại với vấn đề vô ngã -vị
tha, chỉ khi nhận thức rõ cả hai khía cạnh của bản ngã: tính chất giả tạo và
tạm thời của nó, và những đau khổ- xung đột mà trong quá trình tạo lập và duy
trì nó chúng ta phải trải qua, người ta mới bắt đầu xem xét lại và nghi ngờ về
tính đích thực của những gì vừa trải nghiệm. Người ta thôi chụp bắt và thủ giữ,
người ta buông bỏ những giá trị đã bị đóng khung và giới hạn vì thành kiến và
định kiến. Người ta không còn bị đẩy tới vì những thúc dục như ‘phải chứng tỏ’,
‘phải hiện diện’, ‘phải cho thấy’, ‘phải chứng minh’, ‘phải đạt được’, vv. Chỉ
những hành động không bị chi phối bởi tham, sân, si thì mới gọi là vô ngã,
không vị kỷ, không chấp thủ. Một hành động vị tha thực sự phải xuất phát từ trí
tuệ và lòng bi mẫn. Trong phần kế tiếp chúng ta sẽ bàn tiếp về vấn đề này.
Trong phần I chúng ta đã đặt ra
câu hỏi phải chăng đạo Phật đưa người ta đến cái nhìn bi quan yếm thế trước
cuộc đời, qua những phân tích về kinh nghiệm sống ở phần I và thủ chấp ở phần
II thì chúng ta đã ít nhiều thấy rằng hiển nhiên là không như vậy.
Như một vị lương y sáng suốt và
bi mẫn, Bụt (The Buddha) đã thấy rõ bệnh của chúng sinh: Khổ Đế chỉ là triệu
chứng của bệnh, Tập Đế là nguyên nhân của bệnh, Diệt Đế là sự hòan toàn vắng
bóng những nguyên nhân và triệu chứng đó, và Đạo Đế là phương cách để chuyển
hoá, loại trừ các nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. Như vậy, Tứ Diệu Đế là
một phát hiện thực tế, hoàn hảo, logic và tuyệt vời nhất trong những khám phá
về con người và cuộc sống. Người viết đang tự nghĩ không biết các nhà xét duyệt
những giải thưởng Nobel có bao giờ nghĩ đến điều này chưa? Một phát hiện thiết
thực, khoa học và đầy nhân bản như vậy hơn hai ngàn năm trăm năm trước mà cho
đến bây giờ vẫn không được đánh giá và thẩm thấu đúng mức thì quả là một thiếu
sót lớn.
Xung đột, vấp ngã và khổ đau là
những bài học trong cuộc đời để chúng ta trưởng thành và trở nên nhân hậu hơn
trước con người và cuộc sống. Những kinh nghiệm sống mà chúng ta đã đi qua,
đang trải nghiệm và sẽ gặp trong đời không phải là những thưởng phạt của một
Đấng toàn năng nào cả. Chúng được tạo ra bởi chúng ta, bởi những phản ứng của
chúng ta trước các tình huống thực tế của cuộc sống.
Theo Đạo Phật thì mỗi người là vị
kiến trúc sư của chính cuộc đời mình. Nếu ta phản ứng tiêu cực thì tình huống
sẽ tồi tệ hơn, và cuộc sống sẽ đi xuống. Nếu ta phản ứng tích cực thì tình
huống sẽ được cải thiện, và cuộc đời sẽ đi lên, ngày càng tốt đẹp hơn. Ở một
mức độ nào đó chúng ta có quyền lựa chọn một cách sống tốt nhất cho chính mình,
một hướng đi cho đời mình. Những gì chúng ta đang làm trong hiện tại quyết định
tương lai của chúng ta, và những gì mà chúng ta đang trải qua bây giờ là kết
quả của những tạo tác của chúng ta trong quá khứ. Với một tầm nhìn sâu rộng như
vậy chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời vốn công bằng và không thiên vị- đó là qui
luật của nghiệp - quả (karmanīyama), một trong năm qui luật điều động sự vận
hành của cuộc sống.[*]
[*] Năm qui luật được bàn đến
trong triết học Phật giáo là: (1) citta niyāma- qui luật của tâm, hay những
nguyên tắc vận hành của tâm; (2) karmaṇiyāma- qui luật nghiệp quả; (3) utu
Niyāma- qui luật của thời tiết, hay sự vận động của các mùa; (4) bīja niyāma-
luật sinh học; và (5) dharma niyāma- Sự vận hành có tính tất yếu của pháp.
Bạn có thể nói rằng chúng ta
không có quyền lựa chọn cha mẹ, giống nòi, đất nước và thời đại mà chúng ta đã
sinh ra. Nhiều người đã than thân trách phận vì không xinh đẹp, không khoẻ
mạnh, không sinh đúng thời, v.v… Làm như vậy thì có ích gì đâu? Theo qui luật
của nghiệp thì do những người đó đã tạo tác những nghiệp bất thiện hay tiêu cực
trong quá khứ (đời trước) nên nay mới sinh ra trong hoàn cảnh kém hấp dẫn như
vậy. Nếu người đó vẫn có những phản ứng tiêu cực thì chỉ làm cho tình thế xấu
hơn mà thôi.
Người viết đã từng gặp những
người bị tâm thần vì ganh tỵ, thất vọng, thất chí hay thất tình. Trở nên tâm
thần hay rối loạn thần kinh là kết quả của những phản ứng tiêu cực được lặp đi
lặp lại thường xuyên khi nạn nhân (mà thực ra cũng là chủ mưu!) phải đối diện
với một thực tế không như ý, hay những tình huống bi đát. Kể ra thì không ai
trong chúng ta không từng gặp những hoàn cảnh ngang trái, những trái ý nghịch
lòng trong cuộc đời, nhưng phản ứng ra sao trước những tình huống như vậy chính
là chìa khoá của vấn đề. Và đây chính là cơ hội để chúng ta lựa chọn. Một sự
lựa chọn thiếu sáng suốt sẽ đẫn đến những hậu quả tai hại, và ngược lại, một sự
lựa chọn khôn ngoan và sáng suốt sẽ đem đến những thuận lợi.
Có lẽ chúng ta đều biết câu
chuyện cổ tích "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn". Bà hoàng hậu mẹ kế
của Bạch Tuyết vốn rất xinh đẹp, đã được chọn làm hoàng hậu, nhưng bà này quá tham
vọng và kiêu hãnh. Bà muốn rằng mình là kẻ đẹp nhất thế gian, và sẵn sàng tiêu
diệt hay hạ thủ bất cứ địch thủ nào trong khả năng quyền lực của mình. Bà không
chịu nổi khi nghe chiếc gương (thực ra là cái tâm kiêu hãnh, ngạo mạn, và đầy ganh
tỵ của bà) nói rằng ngay trong hoàng cung có một người xinh đẹp hơn bà. Mù loà
vì ganh tỵ và đố kỵ, bà đã làm một tội ác lớn mà kết quả cuối cùng là cái chết
nhục nhã của chính bà.
Câu chuyện cổ tích đầy ý nghĩa
khác là "Ông lão đánh cá và con cá vàng". Sự may mắn mà ông lão đánh
cá có được là do kết quả của lòng từ bi của chính ông lão, nhưng những phần
thưởng từ vị thần biển lại chỉ khiến người vợ tham lam một cách ngu ngốc của
ông tạo nghiệp xấu. Lẽ ra phải hoan hỷ vui sướng với những gì chồng mình đem
về, người vợ tham lam này chỉ biết tìm lỗi và đay nghiến chồng vì không mang về
những thứ tốt hơn. Trong chúng ta có bao nhiêu người có những phản ứng và lựa
chọn cách cư xử ngu ngốc như thế này trước những gì cuộc sống đem đến cho ta?
Nếu không có những đau khổ trong
cuộc đời làm sao chúng ta biết khước từ những thú vui tạm bợ và hướng đến chân
hạnh phúc của sự buông bỏ không thủ giữ? Nếu không thấy và trải nghiệm những
khổ đau cay đắng trong đời, làm sao có thể sinh khởi lòng từ bi và bác ái? Nếu
chúng ta biết rằng con người thì vốn bất toàn khiếm khuyết, những gì xảy ra
trong cuộc đời chính là những thử thách và bài học để chúng ta tự hoàn thiện
mình, thương mình và thương người một cách đúng đắn hơn thì tất cả những người
mà ta đã gặp đều có những khía cạnh đáng thương, chúng ta sẽ trở nên nhân hậu
và bao dung hơn trước con người và cuộc sống.
Tôi có một người bạn tuổi thơ
sinh ra trong một gia đình nhiều con, nghèo nàn và lam lũ như nhiều đứa trẻ
khác trong cái xóm núi heo hắt đó. Để bù lại, cô bé khoẻ mạnh, chân chất và rất
hiếu thảo. Sau hơn mười năm xa nhà, tôi trở lại thăm quê, gặp lại những người
bạn từ thời để chỏm mà nay hầu hết đã thành thiếu phụ, mẹ của vài ba đứa trẻ
trạc tuổi chúng tôi hồi xưa. Chị tôi than thở và tỏ vẻ thương hại cho một người
hàng xóm ‘xấu số’, chị cũng bóng gió trách cứ chồng mình không lanh lẹ bặt
thiệp như người ta.
Khi tôi gặp lại cô bạn nhỏ đó tôi
thấy bạn vẫn rất vui vẻ và thành thật như ngày xưa. Tôi hỏi bạn: bạn có hạnh
phúc không? Bạn trả lời là "có". Tôi yêu cầu bạn giải thích vì sao
bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc, bạn nói: "Mặc dù mình lấy chồng khá muộn so
với bạn bè (ở quê tôi con gái thường lấy chồng ở cỡ tuổi 16 – 22, sau cái tuổi
đó mà chưa có chồng thì thường trở nên mối lo cho gia đình, sợ bị "ế
chồng"!), và chồng mình lớn tuổi hơn nhiều, nhưng anh ấy rất hiểu vợ và
rất tâm lý. Mặc dù sức khoẻ chồng mình nay rất yếu, cha mẹ chồng lại luôn bệnh
hoạn, nhưng để bù lại, họ lại rất biết phải chăng, họ luôn cố gắng để không trở
nên gánh nặng cho mình. Mình rất biết ơn những cố gắng đó của chồng và bố mẹ
chồng. Các con mình tuy đều là gái, nhưng các cháu rất ngoan ngoãn và giúp đỡ
mẹ trong những việc nhỏ mà các cháu có thể làm được, không bao giờ để cho mẹ
phải nghe hàng xóm hay thầy cô giáo kêu ca về các cháu. Các cháu cũng không đòi
hỏi những thứ mà nhiều đứa trẻ may mắn hơn có được. Mình rất yêu con vì chúng
khoẻ mạnh và ngoan ngoãn như vậy. Mình phải làm việc rất vất vả để duy trì đời
sống của sáu người, nhưng mình yêu lao động và cũng đã quen như vậy rồi."
Khi biết hoàn cảnh của bạn, tôi
rất thương, nhưng khi nghe những gì bạn nói, tôi càng kính mến bạn hơn. Trong
một hoàn cảnh có thể nói là kém may mắn như vậy mà bạn vẫn luôn lạc quan và duy
trì được một sự quân bình đáng khâm phục. Bạn đã lựa chọn sự chấp nhận hoàn
cảnh và có cách cư xử khôn ngoan đầy đạo nghĩa. Thay vì than oán trách móc số
phận hầm hiu, bạn lại nỗ lực cải tạo hoàn cảnh và làm cho nó tốt đẹp hơn. Thay
vì tìm lỗi người, bạn lại tìm những phẩm chất tốt đáng ca ngợi và trân trọng
nơi những người kém may mắn khác. Không tự ti mặc cảm, bạn vẫn sống với thái độ
tự tin và một tấm lòng đầy nhân ái và quan tâm đến người khác.
Khi bạn biết cám ơn và trân trọng
tất cả những gì mà cuộc sống đem đến cho bạn, ít nhất lòng bạn sẽ không nổi
sóng, và cuộc đời không có vẻ lắm phong ba bão tố. Nhưng khi bạn quá tham vọng
và chỉ biết đòi hỏi thì ngay cả đã ở trong hoàn cảnh đầy thuận lợi, bạn cũng
chỉ thấy thiếu thốn và không thoả mãn. Hạnh phúc an bình ở ngay nơi tâm ta,
ngay nơi thái độ sống và cách cư xử của chúng ta trước những sự kiện, diễn biến
của cuộc sống. Nếu chúng ta biết học những bài học trong đau khổ và trong những
hoàn cảnh bất như ý thì chúng ta sẽ khôn lớn và nhân hậu hơn. Nếu bạn không
chịu học từ những kinh nghiệm sống, bạn sẽ không ‘lên lớp’ được, sẽ phải vấp
váp và đau khổ nữa vì chưa học xong bài học phải học trong cuộc sống. Chỉ có
trí tuệ và lòng từ bi mới giúp chúng ta lèo lái con thuyền đời đến một bến bờ
an toàn và tươi đẹp hơn.
Hãy lấy Từ Bi làm động lực cho
cuộc sống, hãy dùng trí tuệ làm phương tiện thiện xảo, và ý chí vươn lên, tự
vượt qua những yếu điểm của chính mình và của hoàn cảnh mà mình đã rơi vào
chính là ‘dũng’. Dũng không phải là tranh đấu hơn thua với người khác mà dũng
phải được hiểu là dám từ bỏ cái bản ngã ích kỷ hẹp hòi hay những quan điểm lỗi
thời của chính mình để thấy được những gì to lớn tốt đẹp hơn ở phía trước.
Như ở trên chúng ta đã nói, chấp
thủ chính là phản ứng của cái bản ngã yếu đuối để tự bảo vệ mình. Dũng là dám
nhìn thẳng vào nó, gọi đúng tên những gì đang hiện hữu, chấp nhận và cải thiện
nó với một thái độ tích cực. Nỗ lực ngăn ngừa những (tâm địa) xấu ác, tiêu cực
chưa sinh, đừng để cho chúng sinh. Nỗ lực chuyển hoá và loại trừ những bất
thiện pháp đã sinh, đừng để cho chúng bành trướng và điều động. Nỗ lực làm sinh
khởi những thiện pháp chưa sinh, tạo điều kiện cho cái tốt hình thành. Và nỗ
lực làm lớn mạnh những thiện pháp đã sinh, nuôi dưỡng những tâm niệm tốt lành
chính là dũng. Kinh Pháp Cú dạy: "Giữa chiến trường thắng muôn quân địch
không bằng tự thắng mình. Thắng mình chính là chiến thắng cao thượng
nhất."
Khi một hành động có động lực là
từ bi, được hướng dẫn bởi trí tuệ, và được thực hiện với lòng kiên trì và nhẫn
nại thì đó chính là BI-TRÍ-DŨNG.
Khánh Hỷ
Nguồn: tangthuphathoc.net