Hỏi: Ý-thức của chúng ta là gì?
Phải chăng có những tầng lớp ý-thức khác nhau? Có một ý-thức nào khác siêu vượt
cái ý-thức mà chúng ta thường ngày nhận biết? Có thể nào rũ sạch đi toàn bộ
những gì chất chứa trong ý-thức để nó trở nên trống rỗng chăng?
J. Krihsnamurti: Tôi có thể sử
dụng từ ngữ để diễn giải, nhưng điều gì, sự việc gì được đặt tên và diễn tả thì
không phải là sự-kiện; vì vậy xin đừng bị dính mắc bởi sự diễn giải này.
Ý-thức của chúng ta là gì? Đó là
ý thức, nhận biết về sự việc gì đang diễn biến, không phải chỉ ở ngoại giới
không thôi, mà còn ở nội giới nữa; đây là sự vận hành của ý thức. Ý thức của
chúng ta chính là sản phẩm giáo dục, văn hóa, di truyền chủng tộc, và thành quả
tranh đấu của chúng ta. Tất cả những tín ngưỡng, học thuyết, lễ nghi giáo điều,
khái niệm, ganh tị, lo âu, khoái lạc của chúng ta, và cái mà chúng ta gọi là
tình yêu – những điều này là ý thức của chúng ta. Nó chính là cái cấu trúc tiến
triển từ ngàn năm này đến ngàn năm khác – qua chiến tranh, đau khổ, phiền muộn,
nước mắt và nụ cười: tất cả những điều trên tạo nên ý thức của chúng ta. Một số
người cho rằng bạn không thể nào thay đổi ý thức được. Bạn có thể bổ khuyết và
đánh bóng nó lên, nhưng bạn phải chấp nhận và tận dụng nó, vì nó hiện hữu sẵn
đó rồi mà. Như chúng ta biết, không có hàm chứa nội dung trên, ý thức chẳng tồn
tại.
Vị thính giả hỏi rằng: Có thể nào
làm cho ý thức được trống không, giũ sạch toàn bộ nội dung của nó – những đau
khổ, xung đột, tranh đấu, những mối quan hệ tệ bạc giữa người và người, những
cuộc tranh cãi, nỗi bất an, lòng đố kị, xúc cảm, ham muốn nhục dục? Ý thức có
thể nào được làm cho trống không chăng? Nếu ý thức được trống không rồi, thì có
một loại ý thức nào khác nữa hay không? Phải chăng ý thức có những tầng lớp
khác nhau, những cấp bậc khác nhau?
Những bậc cổ nhân ở Ấn Độ đã chia
ý thức ra thành: ý thức bậc thấp, ý thức bậc cao, và ý thức bậc cao hơn. Phân
chia thì có đo lường, cái giây phút có sự phân chia thì bắt buộc phải có sự đo
lường rồi, mà ở đâu có sự đo lường thì ở đó buộc phải có nỗ lực. Dù ý thức có
thể hàm chứa bất cứ tầng lớp gì đi nữa, nó cũng vẫn nằm trong ý thức. Sự phân
chia ý thức là sự đo lường, vì vậy nó chính là tư tưởng. Bất cứ những gì mà tư
tưởng sắp xếp đặt để lại với nhau cũng là một phần của ý thức, tuy nhiên bạn
lại ưa thích phân chia ý thức ra.
Có thể nào xóa sạch hoàn toàn nội
dung này của ý thức không? Tính chất của nội dung này là tư tưởng, tư tưởng sắp
xếp kết hợp nội dung này lại với nhau thành cái “tôi” – cái “tôi” là sự khát
vọng, tham lam, ham gây hấn. Cái “tôi” đó là bản chất nội dung của ý thức. Có
thể nào cái “tôi” đó cùng với toàn bộ cái cấu trúc ích kỷ này được chấm dứt
hoàn toàn không? Tôi có thể khẳng định rằng, “Được, nó có thể được chấm dứt một
cách hoàn toàn”. Nghĩa là, hành động và suy nghĩ của bạn không bắt nguồn từ
trung tâm nào cả. Bản chất của trung tâm là sự đo lường, là nỗ lực để trở nên,
trở thành… Sự trở nên, trở thành này có thể nào chấm dứt được không? Bạn có thể
nói: “Có thể lắm, nhưng nếu một người chấm dứt sự trở thành, trở nên này, thì
tận cùng của sự chấm dứt này là cái gì?”
Trước hết, bạn hãy tự khám phá
xem sự trở nên, trở thành này có triệt tiêu được chăng. Bạn có thể bỏ xuống,
chấm dứt điều gì bạn yêu thích, điều gì đem đến cho bạn khoái lạc sâu xa, mà
bạn không cần đến động lực nào, cũng không cần nói, “Tôi có khả năng thực hiện
được nếu có cái gì đó xảy ra ở nơi tận cùng của sự chấm dứt”? Bạn có thể ngay
lập tức dứt tuyệt điều gì, việc gì đem đến cho bạn niềm vui sướng to tát không?
Bạn hẳn nhận thấy điều này khó khăn thế nào rồi chứ. Như người hút thuốc, cơ
thể anh ta bị nhiễm độc bởi chất ni-cô-tin, khi anh ta dừng hút thuốc, cơ thể
thèm khát chất ni-cô-tin, vì thế anh ta tìm cái gì khác thay thế để làm thỏa mãn
cơ thể. Bạn có khả năng chấm dứt hẳn điều gì đó một cách phải lẽ, trong sáng mà
không vì được tưởng thưởng hoặc trừng phạt?
Lòng ích kỷ ẩn núp trong nhiều
phương thức: trong hành động tìm kiếm chân lý, phụng sự xã hội, trong việc bán
rẻ mình cho một tư tưởng, một khái niệm, hay cho một người nào đó. Tôi phải
tỉnh giác những hành động trên, và điều đó đòi hỏi năng lực, nhưng toàn bộ năng
lực hiện tại đang bị phung phí trong những nỗi xung đột, sợ hãi, đau khổ, trong
những công việc làm lụng vất vả, cực nhọc cho cuộc sống. Năng lực đó cũng đang
bị phung phí trong cái gọi là thiền-định. Sự tỉnh giác đòi hỏi năng lực to lớn,
không phải là năng lực cơ thể, nhưng là cái năng lực tiềm tàng chưa từng bao
giờ bị lãng phí. Khi ấy, ý thức mới có thể trống-không được, và khi ý thức
trống-không, tôi mới có cơ may khám phá thêm được một cái-gì đó, nó tùy thuộc ở
tôi. Tôi có thể mong muốn có thêm một cái-gì đó để được bảo đảm, nhưng không có
bất cứ sự bảo đảm nào cả.
Question and Answer Meeting at
Saanen, 27 July 1980
Nguồn: hoagiacngo.com