Ái dục là gốc của sinh tử

Đức Phật dạy: "Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nữ sắc, cũng đừng nói năng với họ." Đây là cách người nam đối xử với người nữ. Về cách người nữ đối xử với người nam thì có thể đảo lại: "Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nam sắc, cũng đừng nói năng với họ!"

Nên biết ái dục là gốc rễ của sinh tử. Chúng sinh chịu khổ trong vòng luân hồi đều là do lòng ái dục mà ra. Truy cho cùng gốc ái dục thì nào phải chỉ mới có trong đời này, hay đã có từ 2, 3, 4 kiếp trước đâu. Nó đã có từ vô thỉ kiếp, khi sinh tử mới bắt đầu vậy. Đời đời kiếp kiếp, bỏ thân này sinh thân kia, đều do ái dục làm cho luân chuyển. Chỉ đến ngày nay, thử hỏi mình đã có một mảy may ý nghĩ tạm rời cái gốc rễ ái dục này chưa? Bởi cái hột giống, cái gốc rễ ái dục quá sâu dầy, nên sinh tử cứ vô cùng vô tận.

Ðối với kẻ mới phát tâm tu, điều chướng ngại nhất khi dụng công là lòng tham đắm sắc dục giữa nam và nữ. Ðây là vấn đề căn bản nhất.

Nếu quý vị không buông xả được ái dục, thì dầu cho quý vị xuất gia tám vạn bốn ngàn đại kiếp, quý vị cũng chỉ phí thời gian trong đạo Phật và tạo nghiệp chướng với mỗi bữa ăn mình thọ dụng.

Người tu Ðạo nên chú ý! Chớ gieo duyên nhiễm ô với người khác. Sợi dây trói buộc bất tịnh này sẽ làm chúng ta đọa lạc.

Tu hành thì cần phải giữ mình cho trong sạch, như giữ đôi mắt không để dính một hột cát vậy.

Tu đạo thì trước hết phải trừ tập khí. Trừ như thế nào? Bên trong thì khắc kỷ phục lễ, bên ngoài thì đoạn dục khử ái, cả hai đàng cùng dụng công, ắt sẽ thành công.

Con người sinh ra bởi sắc dục, chết bởi sắc dục, đó là lẽ thường của thế tục, và thuận theo thế tục thì cứ sống đi chết lại không ngừng. Kẻ xuất gia thì đi ngược lại, có đi ngược mới thành thánh, nên cái gì hay với thế gian thì lại không hay với người xuất gia; người thế gian tham, chúng ta không tham; cái gì người thế gian yêu thích, chúng ta không yêu thích; cái gì người thế gian mê, chúng ta không mê. Muốn cầu đại đạo ắt phải ra khỏi đường mê.

Khuyết điểm lớn nhất của chúng sinh là si ái-ngày đêm sống trong si ái, không thể xả bỏ được. Nếu chuyển được tâm háo sắc thành tâm tu học Phật pháp, từng giờ từng phút không lãng quên việc tu học, thì sẽ mau chóng thành Phật.

Thân thể ai không nhiễm ô thì người ấy là Phật; thân thể ai nhiễm ô thì người ấy là chúng sinh. Nhiễm ô là gì? Nói vắn tắt thì "nhiễm ô" tức là nhìn không thông, xả không được, giờ giờ phút phút luôn sinh khởi vọng tưởng.

Tinh lực dồi dào thì không cảm thấy lạnh.
Khí lực sung túc thì không cảm thấy đói.
Thần lực đầy đủ thì không cảm thấy mệt."

Tinh, khí, thần là ba báu vật. Người xuất gia phải tu trì tinh, khí, thần.

"Chuyên nhất thì linh.
Phân tán thì bị ngăn ngại."

Chuyên nhất về việc gì? Tức là chuyên nhất đoạn dục vọng, trừ tham ái. Nếu không đoạn dục vọng, trừ tham ái thì có xuất gia tu Ðạo đến tám vạn đại kiếp đi nữa cũng vẫn không thành công. Vì vậy, việc này rất là trọng yếu.

Tại sao thế giới càng ngày càng băng hoại? Vì ai ai cũng tranh--tranh danh, tranh lợi, tranh quyền, tranh địa vị, và nghiêm trọng nhất là tranh sắc dục.

Dâm dục là nguồn gốc của sinh tử. Nếu không đoạn dâm dục thì muốn sinh lên trời cũng không được, huống hồ là muốn chứng Ðạo Bồ-đề vô thượng? Vì vậy, nếu muốn tu phép Thiền-định Tam-ma-đề, muốn vượt khỏi biển sinh tử khổ đau, thì trước hết phải vượt qua cửa ải này.

Học Phật pháp thì cần phải dùng trí huệ chứ không thể dùng tình cảm. Dùng trí huệ để học Phật pháp thì đó là Chính pháp. Dùng tình cảm mà học Phật pháp thì đó là Mạt pháp.

Từ vô lượng kiếp về trước cho đến nay, chúng sinh chúng ta do quen sống buông xuôi theo tình cảm và dục vọng của mình, nên cứ phải loanh quanh luẩn quẩn mãi trong sáu nẻo luân hồi. Vì bị vô minh, ái kiến và kiêu mạn luôn luôn vây phủ nên chúng ta chưa thể chứng được quả-vị A-la-hán. Do đó, chúng ta không nên tin tưởng ý niệm của mình. Chúng ta phải dè dặt, không được bất cẩn. Chúng ta phải tuyệt đối thận trọng, chớ nên đắm nhiễm sắc dục và cũng đừng tin ở ý niệm của mình!

Quý vị phải thận trọng, chớ gần gũi sắc dục; gần gũi sắc dục tất sinh họa. Quý vị hãy ghi nhớ rằng mình phải hết sức cẩn thận, đừng bao giờ mê đắm sắc tướng. Nếu quý vị mê chấp, cùng với sắc tướng "hợp lại thành một", ắt sẽ có tai họa xảy ra.

Nam giới cần phải tránh xa nữ giới và đồng thời, nữ giới cũng cần phải tránh xa nam giới. Đó là phương pháp "sinh thiện, diệt ác" dùng để đối trị lòng tham ái và tham dục.

Nam thì nên xem những phụ nữ cao niên như mẹ, và nữ thì nên xem những người đàn ông già cả như cha. Khi người nam gặp những người nữ trạc tuổi mình hoặc hơn mình một vài tuổi thì hãy xem họ như chị, nếu nhỏ tuổi thua mình thì xem như em gái, còn nếu là trẻ con thì xem như con cái của mình vậy, và nên phát tâm cứu độ họ. Quý vị phát tâm độ thoát họ tức là quý vị có lòng từ bi, muốn mang lại lợi ích cho kẻ khác (lợi tha). Như thế, quý vị vừa làm lợi cho mình lại vừa có thể làm lợi cho người khác nữa. Khi hai hành vi tự lợi và lợi tha này tương ưng, thì niệm ác sẽ tự nhiên tiêu tan và vọng tưởng cũng ít bớt.

Đức Phật dạy: "Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nữ sắc, cũng đừng nói năng với họ." Đây là cách người nam đối xử với người nữ. Về cách người nữ đối xử với người nam thì có thể đảo lại: "Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nam sắc, cũng đừng nói năng với họ!" Quý vị không được cùng nhau chuyện trò với người khác phái. Đừng nói là cười đùa, ngay cả nói năng cũng không thể được!

Phàm là người tu Đạo, hễ lửa đến thì nên tránh xa. "Lửa" tức là gì? Ở đây, "lửa" là dụ cho dục vọng và ái tình, và cũng là tình cảm mong muốn các cảnh giới của lục trần. Lục căn thì thuộc về tình, còn lục trần thì thuộc về cảnh. Cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hợp với sáu trần (hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, tiếp xúc, pháp) làm cho con người bị đắm say mê muội, mê đắm đến nỗi "sống say chết mộng"!

Vì vậy, "người tu Đạo thấy sự dục lạc tất phải tránh xa." Người tu Đạo cần phải lánh xa dục vọng. Nếu quý vị có thể "thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe," tức là đã đạt được cảnh giới:

Nhãn quán hình sắc nội vô hữu,
Nhĩ thính trần sự tâm bất tri.

(Mắt nhìn hình sắc, lòng không động,
Tai vẳng chuyện đời, dạ chẳng hay.)

Thì bấy giờ quý vị không cần phải tu hạnh "viễn ly" nữa. Nếu quý vị ngày ngày tiếp xúc với trần cảnh mà không bị đắm nhiễm thì không sao; nhưng nếu không làm được như vậy thì cần phải nghiêm cẩn tu hạnh "viễn ly" - lánh xa lửa dục!

"Cấu nhiễm" tức là những dục vọng trong tâm, đặc biệt là những ý nghĩ về sắc dục. Không dứt bỏ lòng dâm dục tức là có cấu nhiễm; loại trừ lòng dâm dục rồi tức là không còn cấu nhiễm nữa. Khi cấu nhiễm không còn thì tâm được thanh tịnh, trong sạch - các hạnh mà quý vị tu hành đều được thanh tịnh cả.

Lòng dâm dục cố nhiên là nhơ uế, và cũng là thứ dục vọng to lớn nhất. Ngoài ra, các thói tham, sân, si, kiêu mạn và nghi hoặc cũng đều là những cấu nhiễm trong tâm. Trừ sạch các thứ cấu nhiễm này thì sự tu hành của quý vị sẽ tương ưng với Đạo. Bấy giờ, quý vị sẽ có thể "trở về nguồn cội" (phản bổn hoàn nguyên) và tìm lại được cái tâm thanh tịnh vốn có của mình.

 Đức Phật dạy chúng ta nên dùng trực tâm mà tu Đạo và suy nghĩ về Đạo. Trong mỗi niệm, chúng ta nên lấy việc thoát vòng tình dục làm mục tiêu của mình. Ái tình và dục vọng chính là bùn lầy; chúng ta cần phải vượt ra khỏi vũng bùn ấy.

So với vũng bùn lầy lội, thì lòng ham muốn tình dục và các vọng tưởng về sắc dục còn nguy hại, đáng sợ hơn nhiều! Cho nên, "Phải trực tâm niệm Đạo, phải một lòng một dạ, chỉ có một cái tâm ngay thẳng để suy nghĩ về Đạo và việc tu Đạo, thì mới có thể thoát được sự khổ, tránh khỏi nỗi thống khổ bị sa lầy."

Một khi phạm giới dâm, quý vị sẽ rất dễ phạm giới sát, cũng dễ dàng phạm giới trộm cắp, và vọng ngữ. Bởi vậy, phạm giới dâm thì các giới sát sinh, trộm cắp, dối trá đều bao hàm trong đó.

Trai gái yêu nhau, rốt ráo có ý nghĩa gì? Tướng mạo dù có đẹp bao nhiêu cũng chỉ là da bọc đồ thối: Trong ấy nào là phân, nước tiểu... Chín lỗ trong thân thường lưu những thứ bất tịnh: Mắt thì có ghèn, tai thì có ráy tai, mũi thì có dãi mũi, miệng thì có nước miếng, thêm đại tiểu. Quý vị nghĩ rằng cứu cánh thân này có sạch sẽ chăng?

Nếu mình không hao tán tinh khí thần thì có hay không có ăn uống không thành vấn đề nữa. Chính bởi vì mình ngày ngày cứ xoay chuyển trong cảnh giới hữu lậu nên mới cần phải ăn uống.

Vì sao người ta có bịnh? Vì lúc bình thường không chú trọng đến sức khỏe. Người tại gia nên bớt làm việc dâm dục, tăng cường việc thể dục, vận động. Ðó là căn bản của sức khỏe. Nếu quý vị cứ suốt ngày hành dâm, không giữ phép tắc quy củ thì thân thể vĩnh viễn không thể khỏe khoắn được.

Không có lòng tham dục thì phiền não gì cũng chẳng có. Một khi có lòng tham dục thì chuyện gì cũng xảy ra. Thế giới, vạn sự vạn vật vạn loài, thứ gì cũng do lòng tham dục sinh ra cả.

Ma vô cùng thông minh. Nó rình biết người kia có lòng tham muốn thứ gì thì nó sẽ dùng phương pháp thích hợp để dụ hoặc người đó. Do đó người tu hành chúng ta không cần thiết phải niệm chú gì đặc biệt, cũng không dùng pháp môn gì. Chỉ cần mình chân thật, không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, cứ chăm chỉ khổ tu, thì không có ma gì phá hại được quý vị. Chỉ cần quý vị có lòng tham, có lòng kiêu hãnh, muốn chiếm tiện nghi, muốn tìm đường tu tắt, thì sẽ dễ dàng bị dính vào ma sự.

Người tu mà sợ cô độc thì chẳng thể tu.

Người thuyết pháp bất luận rằng người đó có thần thông quảng đại tới đâu, quý vị cũng phải quan sát người đó. Nếu người đó có lòng tham lam, tới đâu cũng kiếm tiền; hoặc có lòng dâm dục, thì người đó không phải thứ thiệt, mà là thứ giả. Nếu người đó không có lòng tham, lòng dâm dục, không có mưu đồ, thì người đó mới là thứ thiệt.

Người xưa nói: Vạn ác, dâm đứng đầu. Ðó là đường chết, không thể đi. Quý vị cứ làm chuyện dâm dục thì cũng như đi vào đường chết.

Ăn uống giúp tăng dục vọng. Dục vọng giúp thêm vô minh.

Ái dục chính là sinh tử. Sinh tử chính là lòng ái dục. Ái dục là gốc của sinh tử. Nếu không trừ bỏ lòng ái dục vô minh thì rốt ráo không thể nào thoát khỏi biển ái sinh tử.

Không thể có chuyện là chẳng đoạn trừ lòng dâm mà có thể thành Phật. Trong thiên hạ không có chuyện đó. Ðời nay đa số người ta thích mau chóng, thích có kết quả ngay, nên khi họ nghe nói có pháp huyền diệu thì liền bị mê hoặc rồi rơi vào lưới ma. Ðến lúc chết mà vẫn cho là có pháp bí mật, hay mật pháp! Bí mật? Bí mật! Bí mật đến độ phải vào địa ngục luôn!

Cái lậu (chỗ lũng) lớn nhất là dục lậu - lòng dâm dục. Khi có ý dâm dục thì cũng như bị giặc cướp tới cắp, cuỗm hết tài sản bảo vật. Cũng giống như gỗ bị mối ăn thì gỗ thành vô dụng. Lại cũng như món ăn ngon mà bỏ chút phân vào thì chẳng ai dám ăn. Ba ngày nôn mửa là khác!

 Nếu quý vị còn thích đẹp đẽ, xinh xắn, mỹ quan thì hẳn thói quen (ham sắc) chưa trừ.

Ăn thịt thì dục niệm sẽ nhiều, vọng tưởng cũng nhiều, rất khó nhập định. Không ăn thịt thì dục vọng mới nhẹ, lòng sẽ biết đủ, cũng sẽ bớt vọng tưởng. Ðó là do khí huyết mình nhẹ nhàng, không hỗn trược.

Người tu hành không thể có niệm tà dâm, tức là ý tưởng dâm dục. Nếu còn chút niệm dâm dục, thì quyết không bao giờ vượt khỏi tam giới, vẫn phải lưu chuyển hoài hoài trong luân hồi sanh tử, vì niệm dâm dục chính là gốc rễ của sanh tử. Nếu đoạn trừ được nó, thì mới có thể ra khỏi tam giới mà chứng quả Phật. Bởi vậy người tu hành nhất định phải dứt hết ý tưởng dâm dục. Làm sao dứt được? Trước hết là không nên ăn những thứ giàu chất dinh dưỡng, bởi lý do bản thân người tu không thiếu chất dinh dưỡng, cho nên không cần thâu nhập thêm dinh dưỡng nữa. Ăn nhiều, lòng dục nhiều; chất bổ dưỡng nhiều, tức sanh những ý niệm dâm dục. Muốn không có ý dâm thì phải tiết chế vấn đề ẩm thực, không ham ăn ngon, không ham ăn nhiều, phải luyện tập sao đủ duy trì sanh mạng là được rồi, đó là bí quyết của người tu. Nếu không, chúng ta mang các món ngon gồm sơn hào hải vị để cúng cho cái đền thờ ngũ tạng, thì đây quả là cái họa dẫn tới phá giới về dâm dục.

Nói về người xuất gia thì mỗi ngày ăn một bữa, nhưng cũng có người không theo quy điều này, tự động đến tiệm để mua thức ăn. Người đó đương có dục niệm về ăn, vậy dục niệm về sắc chắc cũng không bỏ được. Cứ nghĩ cũng biết, những hành động đó đều là vị kỷ. Nói chung, phàm là vị kỷ tức đã có sự tham cầu.

Trong phạm vi của luật nhân quả thì phạm tội tà dâm là nghiêm trọng nhất. Sự trừng phạt còn ghê gớm nữa: Một người lúc sống phạm giới tà dâm bao nhiêu lần, thì khi chết sẽ bị một cái cưa lớn cưa thân người ấy từ đầu xuống chân bấy nhiêu lần. Sinh tiền kết hôn một trăm lần thì chết rồi bị cưa một trăm lần.

Người có đẹp lộng lẫy đến đâu, cũng chỉ là bọc da thối. Người xấu xí tới đâu cũng chỉ là bọc da thối. Bên ngoài tuy không giống nhau nhưng bên trong thì một thứ, chẳng gì đẹp đẽ hay xấu xí. Nếu càng tìm bên trong càng thấy toàn là máu, mủ, đờm, dãi, nhớp nhúa. Xét đến năm tạng, thì toàn là phân và nước tiểu. Bên ngoài đẹp đẽ, bên trong thối không thể chịu được, có gì khác đâu? Cần gì mình phải chấp trước vào cái thân này chớ! Người ngu si thì chú ý vẻ đẹp bên ngoài, chấp trước vào cái tướng đẹp đẽ mỹ miều, rồi ghét bỏ cái tướng xấu xí. Ðây chẳng phải là ngu si sao?

Bởi vì có lòng dâm dục nên mới phát sinh ra những chuyện ác trên đời. Nếu quý vị có thể làm những việc lành, tự mình thanh tịnh, không có hành vi dâm loạn thì đó tức là chúng thiện phụng hành.

Chỉ có những kẻ vô cùng si mê mới vừa muốn giữ cái tâm dâm dục lại vừa muốn được khai ngộ. Tư tưởng này thuộc loại ngu si tột đỉnh, và những người mang tư tưởng này là những kẻ khó có thể giáo hóa nhất; cho dù bây giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có giáng thế đi chăng nữa thì Ngài cũng không có cách nào làm cho họ đắc Đạo hay chứng quả vị được cả! Cho nên, hạng người này là ngu dốt nhất, si mê nhất!

Quý vị xem, hạng người có chút “tiểu trí tiểu huệ” ấy vì không đoạn trừ dâm-tâm nên nói toàn những chuyện ái dục – anh yêu em, em yêu anh - cứ yêu qua yêu lại như thế rồi cuối cùng họ thành ma luôn! Thành ma rồi thì sao nữa? “Những loại ma ấy cũng có đồ chúng.” Chúng ma ấy cũng có đồ đệ, cũng có kẻ ủng hộ chúng. “Tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.” Bản thân loài ma không biết xấu hổ, kẻ nào cũng tự xưng rằng: “Tôi chính là Phật! Chúng tôi đây đều là những đấng tối cao, vô thượng!” Hễ cái gì là to lớn, thì chúng xưng chúng là cái đó. Chúng vốn là ma nhưng lại không chịu thừa nhận mình là ma, mà cứ xưng là Phật. Phật thì cũng có Phật giả mạo vậy. Trên thế gian này cái gì cũng có giả được cả, cho nên loài ma cũng có thể làm ông Phật giả. Song le, chúng không chịu nhận chúng là thứ giả. Chúng cho rằng chúng là thứ thiệt, và cũng là “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời, dưới trời, chỉ mình ta là tôn quý) nữa!

Trước khi nhập diệt, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: “Hiện nay Ta còn ở tại thế gian thì bè lũ Ma-vương không dám xuất hiện. Song le, lúc Phật Pháp đang ở vào giai đoạn tàn lụn - Thời Mạt Pháp, thì sẽ có nhiều loại ma dân ấy hiện ra đông đảo ở thế gian, mở rộng sự tham dâm.” “Thời Mạt Pháp” chính là thời đại của chúng ta hiện nay. Vào thời điểm này, loại ma-dân ấy rất đông đúc và chúng đi khắp nơi nói chuyện dâm dục. Bất luận nam hay nữ, kẻ nào cũng ưa thích dâm dục và đồng thời cũng muốn thành Phật, muốn được khai ngộ.

Sự khác biệt giữa “phản” (trái) và “chánh” (phải) – giữa Ma-vương và Bồ-tát - vốn rất vi tế; khác biệt như thế nào? Bồ-tát thương xót và che chở tất cả chúng sanh với lòng từ-bi, chứ tuyệt đối không có lòng dâm dục. Trong khi đó, Ma-vương đối với chúng sanh thì cứ đề xướng “ái”, chuyên môn nói chuyện dâm dục, chú trọng dâm dục; thậm chí chúng còn nói rằng hễ tâm dâm dục càng nặng bao nhiêu thì khai ngộ được quả vị càng cao bấy nhiêu, và dùng tà thuyết ấy để hại người.

Bồ-tát thì không có tâm dâm dục, các ngài đối với tất cả chúng sanh hoàn toàn không có sự phân biệt. Có tâm dâm dục tức là ma. Không có tâm dâm dục, chỉ đơn thuần xót thương và cứu giúp tất cả chúng sanh – đó mới chính là cảnh giới của chư Phật và chư Bồ-tát. Ma thương người là có mưu đồ, có tham dục. Bồ-tát thương người thì không có tham dục. Không có tham dục tức là không có tâm dâm dục.

Không đoạn trừ tâm dâm dục mà ngày ngày cũng ngồi Thiền, cũng tu hành, tất quý vị vừa tu hành vừa bị lậu thoát. Quý vị tu được một phần thì lậu thoát mười phần, tu được mười phần thì lậu thoát mất một trăm phần. Quý vị muốn ngồi Thiền mà lại không chịu dứt bỏ dâm-tâm ư? Quý vị vừa muốn ngồi Thiền để được khai ngộ, lại vừa muốn tìm cầu thứ lạc thú điên đảo ấy, thì chẳng khác nào muốn nấu cát và sạn cho thành cơm vậy.

Khi không còn dâm-tâm thì sẽ không thấy có tướng nam tướng nữ, không còn phân biệt giữa mình với người, và cũng không thấy có tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả nữa.

Nếu quý vị quả thật không có tâm dâm dục, thì quý vị sẽ:

Mắt nhìn hình sắc, trong chẳng có,
Tai vẳng chuyện đời, tâm chẳng hay!
 
(Nhãn quán hình sắc, nội vô hữu
Nhĩ thính trần sự, tâm bất tri.)

Khi mắt nhìn biết bao hình sắc mà trong lòng chẳng thấy có gì hiện hữu và tai nghe những âm thanh êm dịu mà tâm trí lại không hay không biết gì cả, tức là đã có được chút “hỏa hầu.” Tâm phải không dao động, không một ý nghĩ nào dấy khởi, dục-niệm phải hoàn toàn không còn nữa, thì mới là đúng thật. Nếu có những lúc quý vị vẫn còn tơ tưởng đến phái nữ, thì vẫn chưa được.

Vì quý vị không thể dừng hẳn tham và dục, nên sáu căn biến thành lục tặc (sáu kẻ cướp) và sáu thức xuất hiện. Nếu quý vị không khởi tham dục, thì kẻ cướp, sáu căn không cướp phá gì được, còn sáu thức không còn là thức phân biệt nữa. Mọi việc đều trở về cội nguồn của nó và mọi phiền não sẽ tiêu vong. Quý vị nên chú ý vào chi tiết này. Tất cả là tùy thuộc ở điểm quý vị có tham dục hay không. Nếu quý vị còn có tham dục thì quý vị chưa tách rời chính mình ra khỏi ma sự. Nếu quý vị không còn tham dục, thế là quý vị đã cùng chư Phật chung phần.

"Phú quý bất năng dâm" nghĩa là giàu sang mà không dâm... Người giàu có, lắm tiền bạc, thế lực lớn, thường chẳng biết giữ phép tắc, không chịu kiểm soát hành vi của mình, hóa thành dâm loạn. Tuy nhiên, nếu quí vị cũng ở trong hoàn cảnh giàu sang, mà không có hành vi dâm loạn, biết giữ quy củ, chất phác thực thà, thì quí vị không vi phạm luật pháp của thế gian, chẳng phạm tới luật pháp của cõi trời, cũng chẳng phạm vào luật pháp của địa ngục. Ðó là phú quý bất năng dâm.

Con người sao lại dâm loạn? Chỉ vì tâm si mê tác quái. Ngu si tức mê mờ, hồ đồ, u tối nên mới dâm loạn, làm phân tán tinh lực, thời gian, và đánh mất đi tự tánh trân bảo vô giá. Nếu luôn điều phục thân, thì không phạm tội giết hại, trộm cắp, tà dâm. Muốn không phạm ba nghiệp ấy thì trước hết phải diệt trừ tham sân si. Tâm như sóng biển ba đào; hết gợn này rồi lại đến gợn khác. Vọng tưởng này vừa đi thì vọng tưởng kia lại tới. Vọng tâm tuy không thiệt, nhưng rất khó điều phục. Điều phục tâm tức là rèn luyện tâm vọng này cho đến khi nó như đứa bé ngoan ngoãn.

Hành dâm là điều cấm tuyệt đối với người xuất gia, còn đối với các đệ tử Phật tại gia thì việc tà dâm chỉ cấm nếu không phải là giữa vợ chồng. Ngoài ra, tư tưởng dâm dục cũng phải giới hạn, không thể nào cứ từ sáng đến tối hồ tư loạn tưởng, suốt ngày để cho tư tưởng dâm dục ám ảnh cho đến bạc cả tóc, rụng cả răng! Có biết đâu, tới kiếp sau những tư tưởng đó vẫn còn theo đuổi, rồi kiếp kế tiếp măi măi không thôi, đúng là "vì dâm dục mà sanh, vì dâm dục mà tử".

Nếu biết giữ giới không sát sinh, không trộm cắp và chủ yếu là không tà dâm. Khi không tà dâm thì bảo bối nơi thân mình không biết tiêu hao mất. Bảo bối này, tôi tin rằng quý vị đều biết rõ. Bởi vậy, trọng yếu là ở “Trì giới luật.” Căn bản của sinh mạng chúng ta là vật gì, tôi không cần phải nhiều lời. Nếu mình có thể trì giới không tà dâm, thì tự nhiên sẽ có xá lợi quang minh sáng lạng, kiên cố hơn kim cương.

Tôi xin nói thật cho quý vị nghe: bất luận là nam hay nữ, hễ nam nghĩ đến nữ hay nữ nghĩ đến nam, đó gọi là lậu. Nếu ý nghĩ (nam nữ) không đoạn thì quý vị không đắc được lậu tận thông.

Lại nói sâu hơn một chút cho các vị nghe, nói thực cho các vị biết, vì rằng nếu không nói thật, cứ che đậy úp mở thì biết bao giờ các vị mới hiểu sự thật bên trong? Nói thật thì: Nếu các vị không để mất tinh thì gọi là lậu tận. Nếu tinh mất thì gọi là lậu. Không những tinh không mất mà ngay cả tư tưởng ý niệm (dâm dục) cũng phải không có. Khi ý niệm vi tế nhỏ nhiệm về dâm dục không có nữa thì mới lậu tận. Hiện tại các vị đã hiểu chưa? Vì sao thiên ma không lậu tận? Vì chúng có tâm dâm dục. Quỷ thần cũng có tâm dâm dục.

Thế nào là trần lao? Chính là sự dâm dục. Trần lao chính là dâm dục mà dâm dục chính là trần lao. Vì thiên ma tham luyến sự dâm dục nên chúng không muốn quý vị buông bỏ việc dâm dục. Chúng khiến quý vị tham luyến. Chúng nói: "Chúng ta là bạn tốt. Tôi không buông bỏ chuyện dâm dục, nhưng anh muốn từ khước, buông bỏ việc này sao? Không thể được!" Vì thế tụi nó tới tìm quý vị. Ðể làm gì? Nói toạc ra, là vì chúng không thể để quý vị giải thoát khỏi thế giới này.

Nếu quý vị tu hành có được định lực thì yêu ma quỷ quái đều muốn ăn thịt quý vị cho bằng được. Nhưng không phải là ăn thịt quý vị đâu! Tôi sẽ hết sức chân thực trình bày cho quý vị được rõ chẳng giữ lại điều gì. Ðiều gì thực sự sẽ xảy ra? Chỉ vì quý vị không nghĩ đến dâm dục, tinh đầy đủ, khí đầy đủ, thần đầy đủ, nên bọn chúng thấy rằng lúc này quý vị có nhiều của báu. Chúng nói: "Ta nhất định tới đoạt bảo bối của mày!" Thế là bọn kéo lại phá hoại quý vị. Nguyên nhân là chúng muốn đoạt bảo bối! Nếu quý vị nam có bạn gái và quý vị nữ có bạn trai, thì những người ấy cũng sẽ cướp đi của báu trân quý của quý vị vậy. Quý vị thử nghĩ có điều gì khác sẽ xảy ra?

Một số người trong chúng ta hiện nay, tâm dâm dục nặng hơn tâm học Phật Pháp. Những người đó không hề nghĩ rằng: “Hằng ngày tôi đều nghiên cứu Phật Pháp, không ngừng tìm tòi học hỏi. Ngủ không được thì tôi nghiên cứu Phật Pháp; lúc thức dậy thì tôi càng nên học hỏi Phật Pháp nhiều hơn nữa!” Họ không nghĩ như thế! Trằn trọc, ngủ không được, họ lại sanh tâm dâm dục, cứ thấy rằng nghiên cứu Phật Pháp chẳng ý vị gì cả. Một khi dâm tâm dấy khởi, họ cảm thấy đó là điều vô cùng thích thú kỳ diệu, và đó là một thứ vô minh đang chi phối họ đến tâm thần điên đảo, mê muội!

Quý vị, bất luận là nam hay nữ, nếu tâm dâm dục quá lớn mạnh, sung mãn, thì quý vị có thể ngày ngày chí thành khẩn thiết xưng tụng Chú Đại Bi, lâu dần dâm tâm sẽ bị tiêu diệt, tà tri tà kiến cũng bị trừ khử!

Quý vị chớ có lấy làm kinh ngạc khi thấy tôi nói hết ra một cách trắng trợn như vậy, bởi vì thiên kinh vạn quyển, ba tạng mười hai phần kinh, đến tận cùng thì cũng chỉ nói tới vấn đề này thôi. Nếu chẳng có vấn đề "dục," thì kinh điển gì cũng chẳng cần thiết, mọi thứ pháp đều "không," mọi thứ pháp đều "như." Bởi vì có vấn đề đó, chúng ta mới phải tu. Nếu quý vị chẳng thể nào bỏ ái và đoạn dục, thì dù có xuất gia tu đến tám vạn đại kiếp, cũng uổng phí công phu, hoài ngày tháng, ở trong chốn đạo ăn cơm chùa mà tạo nghiệp. Nếu chấm dứt ái dục, trừ dâm tâm, mới thực sự hết tâm tham, không có tham ắt không có phiền não.

Vậy tới khi nào thì bỏ được tâm tham đây? Tất nhiên phải phá được vô minh, mới đoạn trừ tâm tham được. Lý do các vị Bồ-tát tu hành dũng mãnh và tinh tấn, chính là để phá trừ một phần vô minh, chứng được một phần pháp thân, tới khi chứng được quả vị Ðẳng giác thì mới đem hết vô minh diệt trừ để chứng quả vị Phật. Tâm tham là một trong ba độc rất khó đoạn trừ. Chúng ta lúc mới phát tâm tu hành, thì cái làm chướng ngại sự dụng công của chúng ta chính là tâm tham dâm, nam thì ham nữ, nữ thì ham nam, một vấn đề căn bản. Kinh Lăng-nghiêm nói rất rõ: "Tâm dâm không trừ, trần ai chẳng ra khỏi," như chẳng muốn trừ tâm tham dâm mà lại mong thành Phật đạo, thì chẳng khác gì lấy cát nấu lên để làm cơm ăn, một chuyện không thể xảy ra được.

Lửa vô minh rút cuộc là gì? Nói một cách rất đơn giản, rất gọn gàng thì nó chính là tâm dâm dục của tình tham ái nam nữ. Loại tâm niệm đó mà khởi động, thì không ai nói giỏi được, không có pháp nào mà chế ngự nó. Cho nên biết bao nhiêu người bị vướng trong cảnh hồ đồ, tạo ra những việc hồ đồ, có thể nói rằng một lần sai sẩy, tức thành cái hận thiên thu, không phương cách nào cứu vãn. Khi hai phái nam nữ đương trong thời kỳ luyến ái, nếu như ai có hỏi họ, tại sao lại thương anh ấy? Tại sao thương chị ấy, chắc chắn họ sẽ hồi đáp: "không biết tại sao." Ðó là tại vô minh. Rất mong các vị xuất gia đều có thể dứt được ái, trừ được dục, tu trì thì dụng công, xin cố gắng!

Chùa Kim Sơn có một thầy chẳng dám uống sữa. Bởi vì sau khi uống sữa thì lòng dâm dục nổi lên, không sao kềm chế được; do đó thầy chẳng uống sữa. Chúng ta ăn uống là để duy trì sinh mạng, lấy vật thực làm thuốc men. Không ăn thì chết đói, nên ăn để duy trì sự sống chứ chẳng phải chúng ta cần ăn các thức bổ dưỡng để nuôi thân. Khi thức ăn quá bổ béo thì rắc rối lắm đấy.

Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Phi tinh phú nhân, diễn thuyết kinh, pháp” là nói đến bọn yêu mỵ, ma quái này có thể bay tới nhập vào thân quý vị, chúng làm quý vị có năng lực giảng thuyết kinh pháp (mặt khác, quý vị lại phá giới; lén lút hành dâm). Do đó, quý vị cần phải hiểu rõ, đừng nhìn biểu hiện múa may, động đậy, nhảy nhót rồi cho là mầu nhiệm, là hay ho, đúng đắn!

Không Truy Cầu: Không truy cầu thì sẽ không khởi ý niệm dâm dục. Dâm dục là do mình có mong cầu. Con gái mong con trai, con trai mong cầu bạn gái, đó là thứ truy cầu kẻ đối phương. Không những chỉ cầu thôi mà còn truy, theo đuổi nữa, giống như cái khoan, cứ nhắm về phía trước mà khoan. Nếu không có sở cầu, thì làm sao còn ý niệm tà dâm? Một chàng trai tuấn tú, một cô gái xinh xắn bất quá chỉ là hai bị thịt hôi hám mà thôi. Tại sao tham luyến chứ? Nếu không có sở cầu thì mình không sao phạm giới dâm này.

"Dã dung hối dâm" có nghĩa là chải chuốt hình dáng là khiến kẻ khác sanh lòng dâm. Ví dụ như người con gái bôi phấn thoa son, trang điểm thật lộng lẫy, đây chính là khêu gợi, khiến người khác trông thấy liền sanh lòng tà vạy. Thế nên người nữ tốt nhất là để dung mạo tự nhiên, không cần phải tô son điểm phấn. Nếu bôi son trét phấn vào môi vào má hồng hồng đỏ đỏ, cho rằng làm như vậy rất có ý nghĩa, song thật ra thì chẳng có ý nghĩa gì cả, mà chỉ là thể hiện sự điên đảo của chúng sanh—sự điên đảo của chúng sanh chính là ở điểm này vậy!

Người tâm nhiều tham luyến, tham luyến cái gì? Chính là tham đắm dâm dục. Người tham đắm dâm dục, phải có phương cách để ngăn chặn “dâm”. Phương cách đó như thế nào? Chính là quán thân bất tịnh. Nam, nữ diện mạo có xinh đẹp cách mấy cũng đều là bất tịnh; đã là bất tịnh, thì làm sao có thể tham luyến? Nên mới nói “chúng sanh nhiều tham luyến phải quán bất tịnh”. Biết nó là bất tịnh, nên không tham đắm; không tham đắm, thì sẽ không có tâm dâm dục mạnh mẽ như thế!

Nói rõ một chút, quý vị không giữ gìn được tinh, khí, thần của mình đều gọi là “lậu”. Người nữ mỗi tháng đều có kinh nguyệt, đây cũng gọi là lậu. Căn nguyên chính ở chỗ nam nữ không dừng được tâm dâm dục, gọi đây là “lậu” lớn nhất. Lậu có rất nhiều như thế!

Người có tâm dâm dục, nhưng không cần sợ, ông xem Hỏa Ðầu Kim Cang trong Kinh Lăng Nghiêm, lòng dâm dục của ông ta vốn rất nặng, nhưng sau đó ông có thể dụng công phu biến lửa dâm dục thành lửa trí huệ mà làm Hỏa Ðầu Kim Cang. Cho nên nói dâm dục vốn là nhân của tịnh tánh. Nếu ông có một niệm chánh, đó là nhân của tịnh tánh. Nếu ông chứa chấp một niệm tà thì sẽ không thanh tịnh, cho nên không phải đoạn trừ tánh dâm dục, mà biến dâm dục thành tịnh tánh. Dâm tánh vốn không thanh tịnh, nhưng cần biến nó thành tịnh tánh – chánh tri chánh kiến. Ðấy mới là đúng! Cho nên nói: Tánh dâm tức là tịnh tánh thân, trừ dâm thì được Pháp thân thanh tịnh.

"Dâm tâm bất trừ, Trần bất khả xuất."

Nghiã là:

"Lòng dâm không dứt, Trần gian chẳng thoát."

Chỉ hai câu này thôi cũng đủ chứng minh bộ Kinh này hàm chứa diệu lý chơn thật, xác quyết của chư Phật nói ra: "Nếu không trừ được lòng dâm dục, thì không thể ra khỏi được Tam Giới." Cũng có thể nói rằng: Nếu không đoạn dục, khứ ái, thì căn bản không thể nào chứng quả được! Trong Kinh Lăng Nghiêm còn dạy rằng:

"Nhược bất đoạn dâm,
Tu Thiền Ðịnh giả,
Như chưng sa thạch,
Dục kỳ thành phạn,
Vô hữu thị xứ."

Nghĩa là:

"Không dứt lòng dâm,
Mà tu Thiền Ðịnh,
Cũng như nấu cát,
Rồi mong thành cơm,
Thật chẳng thể được."

Do đó, quán chiếu thì biết rằng Chánh Pháp Nhãn Tạng là ở đây! Phàm là người Phật tử chân chính thì nhất định phải ủng hộ, nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm và tụng trì Chú Lăng Nghiêm, bởi vì Chú này có năng lực không thể nghĩ bàn; đó là kinh nghiệm của chính bản thân tôi.

Tôi lại phát nguyện đặc biệt nhấn mạnh rằng bộ Kinh Lăng Nghiêm là thật chứ không phải giả. Nếu tôi có sai lầm thì nguyện sẽ đọa địa ngục và bị cắt lưỡi!

Hy vọng các vị nhận thức rõ ràng vấn đề này, tự mình phải có chính kiến, đừng cô phụ lòng tôi.

Bởi vì có vô minh, thành ra thứ gì cũng không hiểu thấu, chỉ biết ái. Từ sáng đến tối chỉ nghĩ đến thứ này: đó là nghĩ đến sự dâm dục và ái dục. A! Chẳng thể buông bỏ dù chỉ trong chốc lát. Nếu các ông chú tâm, thích thú tham cứu Phật Pháp cũng như khi say mê ái dục vậy thì sẽ thành Phật rất chóng. Nhưng tiếc thay các ông không thể chuyển đổi ý thích dục lạc thành ý thích Phật Pháp. Do vậy, càng học Phật Pháp, càng thấy vô vị. Rằng: “Tật xấu của tôi nhiều như thế đó, Phật Pháp đều nói toạc ra cả. Ôi! Thật là tôi không muốn học chút nào. Phật Pháp kêu gọi tôi thay đổi tâp khí, làm sao mà tôi có thể làm được điều ấy?” Đó là một ví dụ về si ái.

Vô minh khiến cho kẻ phàm phu chỉ biết dụng công vào mấy thứ tình dục. Họ nghĩ rằng chuyện tình ái ở thế gian là thật, cho nên họ không thể xa rời và cũng không nỡ buông bỏ nó. Do đó họ gắn bó với lục thân quyến thuộc một cách rối ren mà buông xả không đành. Rồi họ tạo ra biết bao thiện ác lẫn lộn, họ cũng không phân biệt được giữa ô nhiễm và thanh tịnh. Đời đời kiếp kiếp, họ cứ quay quanh trong vòng sanh tử luân hồi, vĩnh viễn không bao giờ ngừng. Cho nên nói vô minh là căn bản của sanh tử.

Người tu hành không có mấy thứ rắc rối đó đè nặng trong tâm, cho nên họ dễ được thanh tịnh, giải thoát và hết sanh tử. Nếu không cắt đứt vô minh, chúng ta vĩnh viễn sẽ bị nó chi phối, để rồi xuống địa ngục, chạy lên núi đao, hay là vào chảo dầu sôi. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ hối hận là lúc đầu sao mình không chịu tu hành tinh tấn. Nhưng rất tiếc là đã không còn kịp nữa.

Nếu quý vị cắt đứt ái dục, thì chỉ trì một câu (Chú Vãng Sanh) thôi thì sự linh ứng đã phi thường rồi; nếu quý vị chưa đoạn được ái dục, thì dù có tụng đến mười ngàn lần cũng không công hiệu!

Lúc chưa giác ngộ, thấy thứ gì đều cho là thiệt, nhất là đối với tài sắc danh thực thùy (tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ), thứ gì cũng tham luyến, không xả bỏ được. Nếu là giác ngộ, thì mọi thứ sẽ thành hư ngụy, như hình bông hoa trong gương, bóng mặt trăng dưới nước, tất cả đều là ảo ảnh, chẳng phải chân thiệt.

Quý vị ngồi Thiền tới một trình độ kha khá thì sẽ có ma tới thử thách xem Ðạo-lực của quý vị ra sao. Có khi chúng hóa hiện làm kẻ nam hay người nữ với dáng mạo đẹp đẽ để dụ dỗ-nếu không động tâm thì quý vị vượt qua được thử thách, nếu động tâm thì quý vị sẽ đọa lạc. Ðây là điều vô cùng quan trọng, quý vị hãy nhớ cho kỹ! Hễ sẩy chân lỡ bước là ôm hận ngàn đời!

Người tu hành phải tu làm sao để dẹp bỏ "cái tôi" (ngã tướng). Nếu không còn "cái tôi" thì chuyện gì cũng nhẫn nại, cam chịu được. Cảnh giới có tới, quý vị cũng chẳng động tâm. Hãy xem mình như hư không. Cảnh vừa lòng tới, cũng cứ tu hành. Cảnh nghịch ý tới, cũng cứ tu hành. Nói cách khác, gặp cảnh vừa lòng cũng đừng sinh tâm hoan hỷ vui mừng, gặp cảnh trái ý cũng chớ lo âu sầu muộn. Bất luận là thuận hay nghịch, đều phải nhận thức cho rõ ràng. Nếu quý vị có thể "như như bất động" (không khởi tình cảm, vọng tưởng hay chấp trước), thì sẽ không bị cảnh giới làm cho lay chuyển. Nếu lúc nào cũng "liễu liễu thường minh" (sáng suốt chiếu soi nhân quả mọi sự), thì sẽ xoay chuyển được cảnh giới.

Tình ái cũng là bệnh và bệnh nặng nhất chính là dục niệm. Khi dứt sạch lậu thì hết dục niệm, hết các ý nghĩ dâm dục, hết sự khát khao, vọng tưởng, niệm gì cũng không còn.

Bát nhã chính là không ngu si, không làm những việc mê muội. Việc mê muội có rất nhiều rất nhiều. Ðó chính là những việc vốn không nên làm mà quý vị vẫn làm, nghiêm trọng nhứt là tâm dâm dục, vốn không nên làm, nhưng vì mê muội đến, không những quên mất Bát nhã, mà Ba la mật cũng quên luôn, cứ làm theo ý mình, buông lung theo dục tình. Phàm phu chỉ thích làm những việc mê muội mà không chịu tu Bát nhã pháp. Không làm việc ngu si chính là Bát nhã hạnh. Quý vị không tu Bát nhã hạnh, chính là phàm phu; nếu tu Bát nhã hạnh – tức đoạn dục khử ái, thì thân mình và Phật giống nhau.

Cái gì gọi là giác ngộ? Tức giác ngộ tình dục là những thứ nguy hại, làm tổn thương đến thân thể và khiến cho quý vị ngu si. Một niệm dục chính là một niệm ngu si, niệm niệm dục chính là niệm niệm ngu si, cho nên nói: "Nghiệp hết tình không là chân Phật, nghiệp nặng tình mê là chúng sanh." Phải buông bỏ những tâm niệm ô nhiễm, ngoài cách này ra không còn cách nào hết. Tâm niệm ô nhiễm chính là dục niệm, nói rõ hơn, chính là niệm dâm dục. Nếu thân làm những niệm dâm dục này, chính là thân nghiệp không thanh tịnh. Nếu miệng nói việc ỷ ngữ, thì khẩu nghiệp không thanh tịnh. Nếu tâm thường nghĩ đến việc dâm dục, thì ý nghiệp không thanh tịnh. Nếu thân khẩu ý đều không phạm, thì ngày thành Phật không xa.

Người đời thường đi ngược với sự giác ngộ, hiệp với trần lao. Hiệp với trần gì? Chính là hiệp với những thứ trần ô nhiễm không thanh tịnh. Nếu một khi quý vị rơi vào lưới dục tình thì sẽ bị ô nhiễm. Nếu ly khai tình dục, mới có thể rời xa ô nhiễm. Cho nên nói: quay lưng với trần lao chính là hiệp với sự giác ngộ, quay lưng với giác ngộ chính là lăn lộn trong trần lao. Nếu quý vị ô nhiễm thì không được thanh tịnh, không được thanh tịnh thì không thể thành Phật.

Nếu quý vị phóng túng theo ái dục, chạy theo tình ái, thì càng ngày càng lún sâu, mê mờ càng ngày càng tăng. Nếu quay đầu, tức là Niết bàn, và cũng là bỉ ngạn. Nếu không quay đầu, thì mê lầm càng ngày càng sâu càng đậm. Tuy mê mờ sâu đậm, nhưng nếu biết quay mình, đó chính là đốn ngộ.

Người ta ở đời, nếu không chấp trước danh vọng thì cũng ôm chặt lợi lộc, không chấp trước tiền tài, thì lại mê đắm sắc đẹp, do đó không thể nhìn thủng (hiện tượng), chẳng thể buông bỏ (mọi chấp trước). Muốn nhìn thủng, muốn buông bỏ, song lại chẳng đặng. Vì sao chẳng kham? Bởi vì trong tâm có "con quỷ" tinh tế và "con sâu" linh lợi tác quái, do đó rất nhiều việc mình để lỡ cơ hội, đối diện với Ðức Quán Âm mà chẳng nhận ra Ngài. Ðức Quán Âm Bồ-tát ở ngay trước mặt, thế mà cứ đi tìm kiếm khắp nơi. Ðó chính là bị điên đảo vọng tưởng chi phối vậy.

Tà-sư khi nói chuyện thì chuyên môn có tâm phan-duyên và giảng toàn những điều sai trái, không đúng đắn. Chẳng hạn như dâm dục là không đúng, thì họ lại tán dương: “Đúng! Đó là pháp môn kỳ diệu nhất,” khiến cho người ta bị rối trí, mê muội, không thể tìm thấy chân lý. Lấy phải làm trái, đúng nói không đúng, không đúng nói đúng - những kẻ như thế gọi là tà sư. Đầu óc họ đầy dẫy những tà tri tà kiến; cái biết và cái thấy của họ đều không chánh đáng – cái gì “chánh” thì họ nói là không đúng, còn cái gì “tà” thì họ lại bảo là hay nhất!

Tà-sư khi nói pháp thì chuyên môn nói về chuyện dâm dục, và những điều họ nói đều không đúng với đạo lý - về điểm này, mọi người cần phải biết phân biệt cho rõ ràng. Ở cảnh giới của bậc Bồ-tát, lắm lúc các ngài cũng dùng cái tâm “từ bi ái hộ chúng sanh.” Vì biết rằng tất cả chúng sanh đều có dục niệm rất nặng nề, cho nên ngay từ lúc mới bắt đầu giáo hoá họ, bậc Bồ-tát không đòi hỏi họ phải đoạn tuyệt lòng ái-dục (hay tâm dâm dục) liền, mà chỉ dùng vô số pháp môn phương tiện để làm cho họ tự có cái nhìn thấu đáo về dâm dục, rồi tự ý đình chỉ cái tâm ấy. Đó là cảnh giới của bậc Bồ-tát, hoàn toàn khác hẳn với cảnh giới của hàng tà-sư ngoại đạo; vì vậy, mọi người cần phải hiểu cho tường tận điểm này.   

Người chứng được sơ quả, mắt thấy sắc nhưng chuyển được sắc trần, tai nghe âm thanh nhưng chuyển được thanh trần, và cũng như vậy đối với các căn khác. Câu nói "bất nhập thanh hương vị xúc pháp" là nghĩa không hề bị một trần nào dao động. Lúc đó, danh không lay chuyển được, lợi không lay chuyển được; đối với hết thẩy mọi thứ, lòng không bị động, cũng như ý nghĩa câu: "Nhãn quan hình sắc nội vô hữu, nhĩ thính trần sự tâm bất tri," tức là mắt nhìn hình sắc nhưng bên trong không có gì, tai nghe chuyện mà tâm không hay biết. Có câu: "Na-già thường tại định, vô hữu bất định thời", không có lúc nào mà ngoại vật làm cho tâm dao động, không có khắc nào bị mê hoặc trước ngoại cảnh.

Nói từ gốc rễ thì đạo là con đường dẫn tới liễu sanh thoát tử. Tu đạo là khép cánh cửa sanh tử. Cửa sanh tử là gì? Chính là dục niệm. Mang tâm dâm dục là mở cửa sanh tử, đoạn trừ tâm dâm dục là khép cửa sanh tử. Hạng người thượng đẳng khi nghe qua đạo này bèn nghĩ rằng: "A! Vốn nó là như vậy!" Do đó cảm thấy mà làm theo, để trở về nguồn cội, quay chiếu lại mình, xoay lưng với trần cảnh mà hướng về giác ngộ (bội trần hiệp giác), và dụng công tu đạo. Từ sáng đến tối ở đó tu hành, như tình trạng gà ấp trứng, như rồng nuôi ngọc, như mèo rình chuột, tập trung tinh thần để dụng công. Chỉ một lòng tu đạo, không còn vọng niệm gì khác.

Người tu đạo, thứ nhất phải phá được cánh cửa sắc dục. Nếu không phá được nó thì không có hy vọng tu tập thành công. Cả ngày mà đầu óc hồ đồ, tâm điên đảo, cũng không thành công. Cho nên tôi thực thà nhắn quý vị là chúng ta phải hàng phục cái tâm này. Hàng phục tâm chính là dứt cái niệm dâm dục. Nếu không đoạn trừ được nó thì dù tu cho đến tám vạn đại kiếp cũng chẳng khác gì nấu cát để hòng có cơm ăn, xưa nay chẳng có chuyện đó bao giờ.

Các vị có muốn tu thành quả thánh vô lậu không? Ðoạn dục cắt ái, thanh tâm quả dục, thì còn có chút hy vọng, nếu không, không hy vọng gì, tốt hơn là mau mau hoàn tục kẻo lãng phí thời gian!

Ai tu Ðạo rồi thì gặp nghịch cảnh hay thuận cảnh trong tâm cũng không động. Nếu định lực tới trình độ đó, thì sẽ không còn bị cảnh lay chuyển, mà ngược lại có thể chuyển cảnh. Ðó mới là công phu chân chánh của người tu Ðạo. Lại có câu:

Thái sơn băng tiền nhi bất kinh
Mỹ sắc đương tiền nhi bất động.

Tạm dịch:

Thái Sơn sụp đổ mà không sợ
Sắc đẹp trước mắt tâm không động.

Người con trai đứng trước người đẹp như Tây Thi chẳng hạn, nếu theo phép quán "sọ đầu lâu", tự nhiên sẽ hết động tâm.Người con gái khi gặp một chàng trai anh tuấn như Phan An năm xưa, nếu theo phép quán "xương trắng", cũng chẳng động tâm. Nếu không có pháp đó thì mỗi khi gặp gái đẹp, trai anh tuấn, cái tâm liền chạy lăng xăng, như vượn leo, như ngựa chạy, không biết như thế nào mới đúng. Chỉ vì không đủ định lực, thành thử uổng phí mất Ðạo nghiệp, thật đáng tiếc biết bao!

Hàng ngày tôi giảng kinh thuyết pháp cho các quý vị, điều khẩn yếu vẫn phải nhấn mạnh về đoạn trừ các niệm dâm. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Lòng dâm không trừ, thì không ra khỏi cõi trần." Nhất định phải trừ các niệm về dâm dục, mới mong lìa khỏi cảnh hồng trần, cho nên có câu: "Lòng dâm không đoạn, nấu cát ra cơm, chẳng thể có việc này." Quý vị! Người tu hành không giống người trong thế tục. Cái gì người đời tham, ái, mê, thích thì chúng ta cần phải diệt trừ. Có câu nói: "Thoát trần ly tục," nghĩa là hết thảy các thứ từ lời nói đến tư tưởng, người tu và người tục không giống nhau. Ðiểm này quý vị phải chú ý, không thể bị nhiễm ô theo dòng thế tục.

Nói với học sinh:

Khi vào đại học, các em hãy đào sâu đạo đức nhân bản, hun đúc cho mình một cá tính chững chạc. Đấy không phải rằng các em cần đeo đuổi chuyện yêu đương lãng mạn. Khi chưa trưởng thành, mà mình đã học về “giáo dục ái tình” ở trường, thì thử hỏi thứ giáo dục ấy dẫn mình đi về đâu? Khi còn vị thành niên, các em không nên tùy tiện nói chuyện yêu đương, hay làm chuyện loạn luân giữa nam nữ. Nếu ta quan niệm rằng “trai không bạn gái là quái vật, gái không bạn trai là cù lần”, thì quả thật thế giới chúng ta đang sống nguy ngập tệ hại lắm!

Tại sao tôi nói nền giáo dục ở khắp thế giới gần kề sự phá sản toàn diện? Là vì giới trẻ bị “gặt” trước khi chúng chín mùi. Là vì người ta đã dạy chuyện nam nữ ái tình cho giới trẻ quá sớm. Việc này khác chi lúa chưa chín mà ta vội gặp. Khi lúa mới trổ bông mà ta đã gặt, thì mùa ấy sẽ thất. Nếu mầm mới lú mà ta vội ngắt, thì cuối mùa, chẳng có gì để gặt.

Lao đầu vào chuyện yêu đương tình ái lúc mình chưa trưởng thành chững chạc thì cũng hệt vậy (lúa chưa chín mà vội ngắt). Và dù rằng đây là việc tệ hại nhất, người ta ai cũng cho việc trai gái hẹn hò, yêu đương lãng mạn là việc hợp thời, đúng mốt nhất. Thật là quan niệm điên đảo về tình yêu. Đáng buồn thay!

Truyền hình dạy chúng ta trộm cắp, hành hung, đốt phá, và dâm loạn: đó là những thói hư tật xấu mà truyền hình dạy.

Previous Post
Next Post