
Sự thật bị bẻ cong
Lời nói dối càng bự, khách hàng càng dễ tin – Marketing
Những công ty truyền thông thu
phần lớn lợi nhuận từ quảng cáo. Quảng cáo nuôi sống cả ngành truyền thông. Để
quảng cáo được xem là có hiệu quả thì bạn phải mua sản phẩm – dịch vụ được
quảng cáo. Những người có cái nhìn sáng suốt về thực tế chỉ mua những gì họ
thực sự cần hoặc muốn. Vậy các tay quảng cáo thường chỉ đưa ra nửa-sự-thật hoặc
hoàn toàn sai lệch để đẩy mạnh doanh số. Ví dụ, nếu người ta thuyết phục được
bạn rằng uống bia sẽ khiến bạn hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè, hút thuốc lá là
biểu hiện của nam tính tuyệt vời,… họ đã che đậy sự thật xấu xí về những cái
bụng bự hơn ngực do tiêu thụ thức uống có cồn, những lá gan bị tàn phá ghê tởm.
Một câu nói quen thuộc trong marketing là: “Lời nói dối càng bự thì khách hàng
càng dễ tin”.
Truyền thông là quyền lực thứ 4
thuộc đệ tứ quyền, nằm sau hành pháp, luật pháp và tư pháp. Truyền thông có
quyền chọn đưa thông tin gì, không chọn đưa thông tin gì. Truyền thông có 10 lý
do để đăng một bài nhưng có hơn 100 lý do để không đăng một bài. Biên Tập Viên
có quyền từ chối không trả lời hoặc có thể đưa ra rất nhiều lý do tại sao đăng,
tại sao không đăng. Truyền thông có quyền trước đánh sau khen, phê phán ai, ca
ngợi ai, bàn cái gì, bán đến đâu thì ngừng. Một bài báo, một chương trình
truyền hình hàng triệu người đọc. Cái ảnh hưởng của truyền thông không nhỏ đâu
bạn.
Để có thể tin tưởng hoàn toàn
thông tin bắt nguồn từ truyền thông, bạn phải bảo đảm rằng nguồn thông tin này
sẽ không hy sinh sự thật để lấy những giá trị mâu thuẫn. Phương tiện truyền
thông luôn nhan nhản các giá trị như sành điệu, hàng hiệu, đàn ông đích
thực,…rặt những giá trị vật chất ngắn hạn. Điều này không hề dễ vì ngay cả
những tờ báo giấy chính quy và minh bạch như Thanh Niên và Tuổi Trẻ vẫn có
những bài báo làm rầu nồi canh. Vấn đề là khi đụng đến tiền, những phương tiện
truyền thông thường thích bẻ cong sự thật. Có những toan tính bên trong bạn
không nhìn được đọc được trên mặt truyền thông. Khi tiền chọi sự thật, sự thật
không phải lúc nào cũng thắng.
Bạn trẻ thời Internet được tiếp
thu một lượng thông tin quá lớn nhưng lại được giáo dục quá ít về cách chọn lọc
và tiêu hóa lượng thông tin này. Chưa bao giờ những trang báo mạng lá cải,
gameshow tạp nham nhiều đến như vậy. Phương tiện truyền thông thu lợi nhuận nhờ
bán quảng cáo dựa trên số lượng người xem. Người xem càng nhiều thì họ càng có
nhiều tiền. Làm gì để có nhiều người xem? Một người anh kỳ cựu làm trong ngành
báo chí chia sẻ: cách dễ nhất là câu khách bằng 2 chữ S – Sex và Scandal. Sự
phi đạo đức còn ở chỗ, há miệng chờ sung rụng. Chờ người khác viết bài xong rồi
chạy đi ăn cắp về và dán logo của mình vào, nghiễm nhiên không tốn sức mà có
lượng truy cập cao. Đây là thứ ăn cắp sáng tạo.
Nói về Sex và Scandal: Báo cần
tin giật gân để bán chạy. Làm báo là để bán chứ không phải để tặng hay để biếu.
Nhưng bạn cần phân biệt giữa giật gân cách mạng và giật gân phi cách mạng. Cách
mạng là cho người đọc hiểu biết pháp luật, tiếng cười lành mạnh, thông tin cần
thiết cho đời. Phi cách mạng là lộ nội y, đánh nhau, bêu rếu nhau, tào lao lá
cải, tổn thương trái tim nhân hậu của xã hội.
Cá nhân tôi thèm lắm những tờ báo
thẳng tay phê bình chứ không chỉ tâng bốc những ca sĩ ngôi sao thần tượng. Ví
dụ, thằng thắn chỉ ra một bộ phim dở ẹt, một album chẳng đáng nghe, một quyển
sách vớ vẩn, để người thưởng thức không phải mất thời gian và tiền bạc. Vậy
nên, đôi khi nguồn thông tin từ blogger và bình luận của độc giả lại đáng tin
cậy hơn một bài viết trên báo đài. Dân làm báo bao giờ cũng nhớ, cái đầu của
độc giả bao giờ cũng sáng suốt hơn cái đầu anh làm báo.
Dưới đây là một số ví dụ về sự
thật bị giới truyền thông bẻ cong. Một số ví dụ chỉ mang tính chất trào phúng.
Những lời nói dối xấu xí của truyền thông
Thức ăn có cồn: Có nước ngọt, bữa
ăn thêm ngon? Một thứ nước có gas, chất gây nghiện và làm đầy bụng bạn do chứa
C02. Uống bia giúp bạn có nhiều bạn bè hơn? Hay bạn đang giảm độ hấp dẫn đi khi
cái bụng càng ngày càng phát tướng xấu xí. Uống rượu vang tốt cho tim mạch? Có
nếu bạn uống đến 60 lít rượu đỏ thì chất resveratrol (giảm cholesterol và nguy
cơ tim mạch) trong rượu mới phát huy tác dụng.
Cafein: Đừng thử nếu bạn không
phải là người thứ thiệt. Uống café làm bạn tỉnh táo suốt cả ngày. Cafein có thể
giúp bạn tỉnh táo trong 1 tiếng nhưng sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn sau khi hiệu ứng
qua đi. Các loại nước uống tăng lực như Red Bull, Samurai cũng chứa cafein.
Đừng để sự sáng tạo và tỉnh táo của mình phụ thuộc vào cafein.
Phân biệt giới tính trong thể
dục: marketers đã khiến phái đẹp tin rằng họ cần chương trình và chế độ ăn
kiêng “dành cho phụ nữ”. Đoán xem, 99% phần trăm thời gian cả 2 phe đều muốn
cùng một thứ: ít mỡ và nhiều cơ bắp hơn ở đúng chỗ. Và trong 99/100 trường hợp,
đàn ông và phụ nữ nên tập cùng một bài tập. Trung bình, phụ nữ có ít hơn 1/10
lượng testosterone của đàn ông, giúp cho phái nữ không phát triển cơ bắp khủng
như Người Khổng Lồ Xanh dù tập cùng một bài tập. Đừng là nạn nhân của phân biệt
giới tính trong rèn luyện thể chất.
Club-Bar: Đi bar là sành điệu.
Sành điệu cái con khỉ. Bar và Club là nơi phân biệt giới tính, phụ nữ được vào
và uống miễn phí trong khi đàn ông phải xếp hàng chờ. Bạn đi bar để gặp gỡ mọi
người? Không! Âm nhạc ồn vật vã làm sao mà nghe người ta nói gì. Bạn đi bar để
nhảy? Không! Chậc quá nhảy thế nào được. Bạn đi bar để uống? Không! Nước uống
mắc khủng khiếp. Đối với các bạn sinh viên chưa bao giờ đi bar…Bạn cũng chẳng
bỏ phí điều gì đáng nhớ trong đời đâu.
Sách: Dám chê một quyển sách? Bạn
sẽ bị xem là phản giáo dục. Mỗi năm có hơn 550,000 đầu sách được xuất bản.
Nhưng không phải tất cả đều đáng đọc. Vậy mà lật ra bìa sau, bạn sẽ thấy vô số
lời khen có cánh, thậm chí Best-Seller cho một cái nội dung chả đáng gì. Một số
cuốn sách phí tiền và thời gian được quảng cáo quá tay: Người Giàu Nhất Thành
Babylon, Những Bí Mật của May Mắn, Nhật ký Son Môi…
Điện ảnh: Bộ phim lạ nhất năm
2011, bộ phim đạt doanh thu phòng vé cao, bộ phim âm nhạc đầu tiên, bộ phim
kinh dị đầu tiên. Nếu đi rạp phim, bạn phải cảnh giác với phim Việt Nam kẻo uổng
tiền oan. Giá vé một bộ phim Việt và một bộ phim đỉnh của Hollywood
cũng ngang nhau. Các chiêu tung hỏa mù khán giả bao gồm: bài PR cho bộ phim, lộ
ảnh phim, phỏng vấn diễn viên, đạo diễn khen diễn xuất của diễn viên thần tượng
(có đạo diễn nào chê diễn viên đóng dở ngay trên mặt báo đâu?), mấy ca sĩ ngôi
sao đi xem phim này, thông tin phim đã bán được nhiều vé… Hãy vứt mấy bài báo
đó sang một bên. Cái duy nhất bạn cần đọc là những bài đánh giá trung thực
(www.imdb.com) hoặc hỏi ý kiến của bạn bè – những nạn nhân xấu số phải thưởng
thức một tác phẩm điện ảnh được thổi phồng.
Coupon-Voucher: Những món hàng
giảm giá chưa chắc đã lợi cho bạn về chi phí. Nếu là ẩm thực, bạn sẽ bị bớt
lượng đồ ăn một cách khéo léo. Nếu là làm đẹp, bạn sẽ đến một trong nhiều cửa
hàng spa ế ẩm khách. Nếu là gift shop, một cửa hàng nhập đồ Trung Quốc nằm ở
trong hẻm. Nếu là thời trang, bạn sẽ mua những áo quần giá rẻ xuất xứ Trung
Quốc-Thái Lan về với chất lượng vải rẻ tiền và đường cắt may vụng về. Nếu là đồ
gia dụng, bạn phải vác về nhà một thứ xài vài lần rồi bỏ. Có chuyên gia nhận
định: Việt Nam
không có văn hóa khuyến mãi. Mách nhỏ: Nếu có thể bạn hãy đi Singapore để
săn những món hàng thực sự giá rẻ. Tôi thường xuyên gặp những món đồ ở Việt Nam bán mắc gấp 3 lần so với ở Singapore . Ví
dụ chiếc nồi hấp 3 tầng quảng cáo trên TV, Việt Nam
bán 1.800.000VNĐ, Singapore
bán 500.000VNĐ.
Đồ trang điểm: Đẹp hơn, rạng rỡ
hơn, rạng ngời hơn với…Ngay cả những loại đồ trang điểm đắt tiền nhất vẫn có
sức tàn phá da mặt. Ca sĩ diễn viên trang điểm đậm để bảo vệ họ dưới cái nóng
của ánh đèn sân khấu. Nếu bạn là người bình thường, bạn không cần trang điểm
quá đậm. Nhân tiện, Romano và Enchanteur là loại nước hoa rẻ tiền và chỉ nên
dùng Ở NHÀ khi bạn đi ngủ để tạo hiệu ứng thơm tho.
Số đẹp điện thoại: Giúp bạn nổi
bật hơn, tiếp sức thành công, blah blah blah. Chưa hề có một thước đo nào đánh
giá sự thành công, hạnh phúc hay tự tin của cá nhân hay doanh nghiệp trước và
sau khi mua một con số đắt tiền. Số đẹp là thứ siêu lợi nhuận khi có những
“chuyên gia” đi nâng giá bán những thứ vốn có thể phát miễn phí cho người dùng.
Tôi xem việc mua số đẹp mấy triệu là thứ xa xỉ biến thái tiêu dùng. Một con số
đẹp chẳng có ý nghĩa gì trong thời buổi người ta còn không nhớ số điện thoại đi
động của nhau. Nó không thỏa mãn được nhu cầu gì của bạn cả. Nó là thứ ngụy
trang trịch thượng và ngớ ngẩn. Bạn là ai, chứ không phải số của bạn là số mấy,
mới quyết định người ta có nhớ mà gọi cho bạn hay không.
Du học tại chỗ: Các tư vấn viên
sẽ vẽ ra bao nhiêu điểm lợi khi học trường quốc tế: bạn có thể thành công hơn
nhờ giáo viên giàu kinh nghiệm, giáo trình hiện đại, blah blah blah. Bạn đang
đánh bài với họ và họ không giở hết lá bài ra. Những cái lỗ thật sự không được
lật trên bàn tư vấn. Tương quan chi phí đầu tư (học phí) cao và lợi nhuận thu
về (lương sau tốt nghiệp) thấp. Các hoạt động ngoại khóa le lói. Dám cá họ
không nói cho bạn biết mức thu nhập THỰC SỰ của bạn sau khi tốn hết 300 triệu
học ở đây là gì. Một tư vấn viên ở một trường quốc tế trả lời: “Có người làm 5
triệu cũng có, 15 triệu cũng có, tùy”. Khi hỏi số điện thoại liên lạc của bạn
15 triệu thì chìm như tàu Titanic. Ngoài ra, không phải giáo viên người nước
ngoài nào cũng giỏi và biết truyền đạt. Chính tôi đã gặp 5 trường hợp giáo viên
bản ngữ thiếu kỹ năng sư phạm nhưng thừa kỹ năng gây mê.
Trung tâm Anh ngữ: Giáo viên bản
ngữ dày dặn kinh nghiệm…Tôi có nhiều người bạn nước ngoài. Và hầu hết họ đều
thừa nhận họ ghét phải dạy tiếng Anh vì (1) trái ngành họ được đào tạo và (2)
họ dạy thứ mà họ cũng không nắm vững. Dạy học và dạy ngoại ngữ không dành cho
ai yếu tim! Người bản ngữ luôn cảm thấy khó khăn khi hệ thống hóa thứ ngôn ngữ
mẹ đẻ mà họ thành thạo tự nhiên. Brian, anh bạn của tôi sau một thời gian ghét
cay ghét đắng việc dạy Anh ngữ cũng phải đầu quân cho một trung tâm có tiếng để
có thể trang trải sinh hoạt phí và đưa cô bạn gái người Việt đi chơi. Thực sự
với một chút chiến thuật, bạn có thể tiến bộ rất nhanh mà không cần phải đi học
tại trung tâm Anh Ngữ.
Tự do tư tưởng
Đọc những bài báo lá cải về chuyện đời tư của ngôi sao hay các phát
ngôn bình thường của các thần tượng sẽ không giúp bạn thông minh hơn. 5 năm
sau, bạn vẫn chỉ là bạn với nhiều chuyện phiếm hơn trong đầu. – Đại Nhật
Hậu quả của việc tiêu thụ truyền
thông vô độ là bạn tự thỏa hiệp một cái nhìn méo mó về thực tế – cái nhìn theo
hệ giá trị của những tay quảng cáo chuyên nghiệp. Bạn sẽ có một thế giới quan
lệch lạc (khỏa thân để nổi tiếng) và những ham muốn và nhu cầu giả tạo (hàng
hiệu). Càng xem nhiều phương tiện truyền thông, khuôn mẫu thực tế trong bạn
càng méo mó. Càng đầu tư nhiều thời gian vào tiêu thụ truyền thông, bạn càng có
ít thời gian để đầu tư vào học từ trải nghiệm thực tế. Đây là con đường dẫn đến
sự lười biếng, thờ ơ vô cảm, muc rửa trí não, chứ không phải con đường nhận
thức bản thân một cách tỉnh táo.
Gây nhiễu thông tin cũng là một
tội ác. Bạn cần tập điều khiển thông tin chứ không để thông tin điều khiển
mình. Tỉnh táo nhận biết thông tin nào có lợi, có hại. Không biến mình thành
tay sai nô lệ cho kẻ cung cấp thông tin. Hăm hở đọc các tin về ngôi sao lộ hàng
hay các câu chuyện lá cải cũng là một dạng nô lệ thông tin rồi đó.
Chú ý rằng truyền thông xã hội
như Facebook, Twitter cũng là một dạng ảnh hưởng truyền thông (truyền thông xã
hội) nơi bạn có thể dễ dàng xuất bản rất nhiều bài viết. Khi bạn chia sẻ thông
tin trên báo chí hoặc Facebook, cũng nên lựa chọn thông tin. Thông tin nào có
lợi cho bạn bè của bạn? Ai có lợi từ việc biết hôm nay bạn ăn món gì, mặc quần
lót màu gì, ghét ai, hận ai… Không vì yêu mà ca ngợi, không vì ghét mà vùi dập.
Cái nhân hậu của người chia sẻ nằm ở đâu khi ta muốn cho một người phải đau
thương vì ta.
Bạn hoàn toàn có thể giảm hiệu
ứng tiêu cực của phương tiện truyền thông. Bằng cách tìm niềm vui trong trải
nghiệm thực tế sống động thay vì những trải nghiệm tiêu thụ truyền thông nhạt
nhẽo. Nhìn bằng chính đôi mắt của mình, nghe bằng tai của mình, đi bằng chân
của mình, làm bàn tay của mình, nghĩ bằng tay của mình. Tránh để người khác suy
nghĩ hộ và chụp tư tưởng lên đầu bạn. Chỉ có bạn mới là người cảm nhận rõ cái
gì tốt-xấu-ngon-dở-hay-chán. Mỗi khi bạn tiếp xúc với báo chí-TV-radio, hãy nhớ
có nhiều người đang vì động cơ lợi nhuận để tái định hình hệ thống niềm tin về
thực tế của bạn. Và niềm tin đó thường méo mó.
Tôi vẫn đang cố gắng để không bị
ảnh hưởng bởi TV, Radio, Internet, Báo chí và có khả năng nhìn xuyên qua những
lời dối trá của giới truyền thông để nhận thấy sự thật.
Ăn kiêng thông tin cũng là một sự
tự do.
Nguồn: phattriencanhanvn.com