Ánh sáng và bóng tối

Đời sống thường được xem là bãi chiến trường giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Các truyền thống tâm linh nhân cách hóa hai thế lực này thành thánh và quỷ, Christ và anti-Christ, God và Satan v.v… Và lịch sử nhân loại xem như là lịch sử của cuộc đấu tranh triền miên giữa hai thế lực đó.

Lịch sử con người cũng cho thấy con người thường có ảo tưởng là “chúng ta” là bên của ánh sáng và “chúng nó” là bên của bóng tối. Trong các cuộc chiến khi con người giết nhau như những con thú dã man nhất, thì chiến sĩ của mỗi bên vẫn cầu nguyện bền bỉ với thượng đế của mình. Thượng đế hẳn nhiên rất nhức đầu với lời cầu nguyện của hàng trăm đoàn quân điên khùng giết nhau tại nhiều nơi trên thế giới hằng ngày, đoàn nào cũng tự nhận là con ngoan của thượng đế, cũng xin thượng đế cho mình thắng.

Nhưng chỉ cần một tí thành thật là ai trong chúng ta cũng biết trong lòng mỗi người chúng ta có cả thiện lẫn ác, và lằn ranh thiện ác không nằm trên mảnh đất nào cả, mà là trong tâm thức của mỗi con người. Alexander Solzhenitsyn nói, “Ước chi chỉ có những người gian ác đâu đó quỷ quyệt làm những việc gian ác, và ta chỉ cần lặt họ ra khỏi đám chúng ta và tiêu diệt họ. Tiếc thay, lằn ranh phân chia thiện ác cắt ngang mỗi trái tim con người, và ai là người sẵn sàng tiêu diệt con tim của chính mình?”

Nhưng mà thiện ác từ đâu mà đến? Làm sao ta có thể tăng cái thiện và diệt cái ác trong tâm thức của ta, tâm thức của đất nước ta, và tâm thức của thế giới?

Để trả lời, trước hết hãy khảo sát rất nhanh, theo cách nhìn hiện tại của con người chúng ta, thiện là gì và ác là gì. Hãy dùng một ví dụ về giết người. Mọi hệ thống luật pháp và truyền thống tâm linh đều xác định là giết người là có tội, ngoại trừ vài trường hợp rất đặc biệt như tự bảo vệ mình (self-defense), bảo vệ người khác, và chiến sĩ trong chiến tranh với kẻ thù. Nếu chúng ta phạm luật giết người trên đây, thì chúng ta có tội, hay chúng ta đã làm điều ác.

Nếu hai con chó sói cắn nhau và một con giết con kia, thì đó là đời sống tự nhiên của chó sói, chẳng có tội tình gì hết. Vậy thì, cái làm cho hành động giết người của con người thành tội chính là luật cấm giết người.

Như vậy, luật là tiêu chuẩn, thiện là “giữ tiêu chuẩn” và ác là “không giữ được tiêu chuẩn.” Khi ta giữ được tiêu chuẩn thì ta thiện, khi không giữ được thì ta ác. Thiện hay ác không phải là hai đặc tính hiện diện trong con người chúng ta, mà là khả năng giữ tiêu chuẩn của ta, như người thể thao viên—ngày nào cử được bao nhiêu kilogram là ngày đạt tiêu chuẩn; ngày nào vì mệt mỏi, cử không nổi, là thiếu tiêu chuẩn.

Nhận xét rằng thiện và ác là khả năng của ta để giữ tiêu chuẩn, đưa đến một vài hệ luận sau đây:

• Khi ta lỡ yếu ớt không giữ được tiêu chuẩn, đó là vì ta yếu ớt lúc đó, chứ không phải bản tính của ta là ác. Và khi ai đó lỡ phạm tiêu chuẩn thì đó là vì họ yếu ớt giây phút đó, chứ không phải bản tính của họ là ác.

• Khi ta tự xem mình là tốt và ai đó là xấu, thì ta rất kiêu căng và thiếu thông minh. Tương tự như vậy, chỉ những người lớ ngớ mới tự cho là “phe ta tốt” còn “chúng nó” là gian ác. Chỉ những dân tộc lớ ngớ mới nói là dân ta tốt và dân tộc khác là xấu.

• Vì thiện và ác là khả năng giữ tiêu chuẩn, chúng ta phải trau dồi luyện tập hằng ngày, bởi vì nói đến khả năng là nói đến luyện tập trau dồi. Các bạn không thể đọc sách học làm người và trở thành người tốt, không thể đọc sách đắc nhân tâm và thắng được quả tim của người khác, không thể đọc tư duy tích cực và có được tích cực tư duy. Tất cả đòi hỏi luyện tập, luyện tập, và luyện tập. Hằng ngày. Đọc mà không cố gắng thực hành hằng ngày thì, dù là vẫn tốt hơn không thèm đọc, nhưng cũng không thể đưa đến kết quả gì tốt.

• Bởi vì ác là thiếu khả năng giữ tiêu chuẩn, nên không có “cái ác” ở đâu mà chống. Chỉ có tình trạng yếu ớt, thiếu khả năng. Và cách duy nhất để tăng khả năng là thực hành “giữ tiêu chuẩn”–thực hành và luyện tập hằng ngày, và khuyến khích người khác thực hành luyện tập hằng ngày. Tức là “Chống cái ác” là (1) thực hành giữ tiêu chuẩn và (2) khuyến khích người khác giữ tiêu chuẩn. Nếu đủ khả năng thì là thiện, thiếu khả năng thì là ác. Giản dị vậy thôi.

• Nếu ta không dùng từ thiện ác, nhưng dùng các từ ánh sáng và bóng tối thì cũng thế. Ánh sáng thì có, nhưng thực sự là không có bóng tối. Có tia sáng, nhưng không có tia tối. Bóng tối chỉ có nghĩa là thiếu ánh sáng. Trong một phòng kín, nếu ta mở đèn, ta có ánh sáng. Nếu ta tắt đèn, không còn ánh sáng nữa, và căn phòng tối đen, chỉ vì thiếu ánh sáng.

Thế nghĩa là, cái ác không có thật, “cái ác” mà ta thấy chỉ là do “thiếu cái thiện” hay “thiếu khả năng làm việc thiện.” Cho nên không có “cái ác” đâu để mà chống. Muốn “chống cái ác” ta phải làm việc thiện và khuyến khích mọi người làm việc thiện. Khi mở đèn thì bóng tối biến mất. Khi ta làm việc thiện thì điều ác biến mất.

Cho nên chúng ta không thể giải quyết các vấn đề trong tâm thức ta cũng như các vấn đề xã hội bằng cách phàn nàn, kêu la, xỉ vả, chửi rủa. Muốn hết bất công, ta phải làm việc công chính. Muốn hết tham nhũng, ta phải ngưng trả tiền và nhận tiền dưới gầm bàn. Muốn hết nghèo đói ta phải làm ra tiền và dạy người khác làm ra tiền. Muốn hết ngu dốt ta phải học và dạy người khác học. Muốn hết kỳ thị giới tính ta phải tôn trọng người khác giới và dạy người khác tôn trọng người khác giới. Muốn hết kỳ thị chủng tộc ta phải tôn trọng các chủng tộc, các dân tộc khác như anh em, và dạy người khác tôn trọng các dân tộc khác như anh em.

Muốn hết bóng tối thì xin vui lòng đứng dậy thắp đèn. Đừng ngồi đó nguyền rủa bóng tối.

Trần Đình Hoành
Nguồn: greenlivingvn.blogspot.com
Previous Post
Next Post