Xưa nay, loài người luôn yên chí
rằng mình là những sinh vật ‘thượng đẳng”, hơn hẳn mọi giống loài khác. Nhưng
niềm tin ấy đang bị đe doạ bởi sự xuất hiện của một “giống loài” mới: robots
với bộ óc là computer!
Ngay từ những năm 1950, Alan
Turing, một trong những cha đẻ của computer, đã khẳng định rằng sẽ đến lúc
computer thông minh như con người. Thực tế diễn ra có vẻ như còn chứng tỏ
computer có thể “thông minh hơn” con người:
Năm 1997, máy tính Deep Blue đã
đánh thắng vua cờ Garry Kasparov! Đó là lúc trường phái “trí thông minh nhân
tạo” – AI (Artificial Intelligence) – ăn mừng. Nhưng không chỉ AI ăn mừng: rất
nhiều người khác cũng bị lây nhiễm tâm lý sùng bái computer, sùng bái khoa học,
sùng bái máy móc. Số người này rất đông đúc (có lẽ chiếm đa số), bao gồm cả
những người giỏi giang nhất, uy tín nhất, tạo nên một xu thế thời đại khó cưỡng
nổi – thời đại kỹ trị.
Trong thời đại này, khoa học vật
chất được tôn lên thành “chúa tể” của tri thức, đẩy các lĩnh vực văn hoá nhân
văn vào thế lép vế, dẫn tới một sự mất cân bằng nghiêm trọng trong đời sống
nhân loại. Mất cân bằng sinh thái, bầu khí quyển bị hâm nóng, thiên nhiên nổi
giận, môi trường bị ô nhiễm, năng lượng hạt nhân trở thành mối đe doạ, GDP tăng
trưởng nhưng đạo đức suy đồi, khủng hoảng tội ác, phân hoá giầu nghèo đến mức
cùng cực – trong khi có những kẻ cất giữ hàng tỷ đô-la trong ngân hàng, của cải
đổ đi không hết thì vẫn có trên 1 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình
trạng đói rét, bệnh tật, …
Nguồn gốc sâu xa của tình trạng
mất cân bằng đó là sự thiếu hiểu biết về bản chất con người.
Con người đơn thuần chỉ là kết
quả của sự tiến hoá sinh học hay là một thực thể tâm linh – “một cây sậy có tư
tưởng” như Pascal định nghĩa?
Liệu học thuyết Darwin và những lý thuyết tiến hoá hiện đại
khác có giúp chúng ta hiểu rõ bản tính người hay không? Bản tính người thực sự
là cái gì?
Thuyết tiến hoá nói rằng đặc
trưng của loài người là ở chỗ biết sáng tạo ra công cụ lao động. Nhưng lý
thuyết này đang trở nên quá nghèo nàn trước những thành tựu của khoa học
computer, bởi việc chế tạo ra công cụ thực ra chỉ là một biểu hiện của trí
thông minh vượt trội, mà computer cũng sẽ thông minh không thua kém con người.
Vậy chỗ đứng thật sự của con người ở đâu?
Douglas Hofstadter, trong cuốn
sách nổi tiếng từng đoạt Giải Pulitzer năm 1980 của ông, “Godel, Escher, Bach”,
đã tìm ra một phản đề tuyệt vời: “Khi một hoạt động trí não nào đó đã được
chương trình hoá thì người ta sẽ mau chóng ngừng coi nó như một thành phần chủ
yếu của tư duy thực sự”. Nói một cách dễ hiểu: đâu là chỗ của máy móc thì đó
không phải là chỗ để tính người lộ rõ.
Từ phản đề ấy, lập tức suy ra
rằng tư duy đánh cờ không còn nằm trong vùng tư duy đặc trưng nhất của tính
người nữa, vì Deep Blue đã đánh thắng vua cờ! Đây là một sự kiện làm đảo lộn
vai trò của cờ vua nói riêng và là một cột mốc quan trọng trong lịch sử nhận
thức của con người về chính bản thân mình. Xem thế đủ thấy việc hiểu bản chất
thật sự của con người hoá ra không đơn giản như ta tưởng.
Chính vì không hiểu rõ chính mình
là gì nên con người mới sùng bái những tri thức khoa học vật chất đến mức thái
quá, từ đó tạo ra một thế giới mất cân bằng nghiêm trọng như hiện nay. Dường
như linh cảm được điều đó nên từ cách đây hơn nửa thế kỷ, Albert Einstein đã
lên tiếng cảnh báo: “Hãy thận trọng đừng biến tri thức thành chúa tể của chúng
ta, nó có … sức mạnh cơ bắp nhưng không có nhân tính”[1].
Đó là lúc Einstein đề cập tới
những tri thức của nền văn minh kỹ trị – tri thức tạo ra của cải vật chất, máy
móc, súng ống, …
Tuy nhiên, có những tri thức
không có sức mạnh cơ bắp nhưng giầu nhân tính. Những tri thức này nằm ở đâu?
Nói cách khác: Bản chất đích thực của con người nằm ở đâu?
Các bậc thức giả đang ra sức tìm
kiếm câu trả lời.
Brian Christian, tác giả cuốn
“The Most Human Human”[2] (Người người nhất), gợi ý: Hãy khám phá bản chất
người từ chính sự khác biệt giữa con người với computer!
Học giả David Shenk bình luận:
“Máy móc đã trở nên thông minh đến nỗi nó buộc chúng ta phải có một cái nhìn
hoàn toàn mới đối với câu hỏi thông minh là gì và con người là gì”.
Một học giả khác thốt lên: “Ai mà
ngờ được rằng cách tốt nhất để hiểu con người lại là nghiên cứu chính những sản
phẩm bắt chước con người”.
Thật vậy, muốn thấy rõ tính người
nằm ở đâu, hãy nghiên cứu computer để xem chúng khác chúng ta ở chỗ nào. Chỗ
khác biệt ấy chính là chỗ hơn hẳn của con người! Để làm việc này, hãy theo dõi
một sự kiện được gọi là “Thí nghiệm Turing” (Turing Test) do cộng đồng AI tổ
chức hàng năm.
Thay vì tranh cãi về mặt lý
thuyết, Turing, ngay từ thời của ông (những năm 1950), đã đề xuất một kiểu thí
nghiệm, nhằm chứng minh computer sẽ thông minh như con người. Đó là một cuộc
thi đấu giữa hai đấu thủ: một bên là computer, một bên là con người. Hai đấu
thủ sẽ phải trả lời các câu hỏi do một ban giám khảo đưa ra.
Các câu hỏi này không có bất cứ
một hạn chế nào: từ chuyện vặt vãnh trong đời thường cho tới những sự kiện lớn
lao của khoa học, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, triết học, … Chẳng hạn: Bạn
thích món ăn gì nhất? Thời tiết hôm nay ra sao? Sydney
có đẹp bằng Paris
không? Godel là ai? Hạnh phúc là gì? Tình yêu là gì? Tranh Monet có đẹp hơn
tranh Picasso không? “Ode to Joy” có phải là nhạc phẩm vĩ đại nhất không? …
Để đảm bảo công bằng, hai đấu thủ
được đặt trong hai phòng kín để ban giám khảo không thể nhận biết bên nào là
computer, bên nào là người, nhưng tuỳ theo nội dung của các câu trả lời, ban
giám khảo sẽ bỏ phiếu đoán nhận bên nào là computer, bên nào là người. Kết luận
của ban giám khảo dựa trên đa số phiếu, giống như bầu cử. Nếu ban giám khảo
đoán nhận sai – lẫn lộn computer với người – thì đó là bằng chứng chứng tỏ
computer thông minh như người.
Turing dự đoán vào năm 2000,
computer sẽ đánh lừa được 30% số giám khảo sau 5 phút trò chuyện. Với kết quả
đó “người ta sẽ có thể nói về tư duy của máy móc mà không thấy bị mâu thuẫn”,
ông nói.
Nhưng Thí nghiệm Turing năm 2000
không xẩy ra như Turing dự đoán. Năm 2008, trong thí nghiệm diễn ra tại Reading ở Anh, suýt nữa
thì dự đoán của Turing trở thành sự thật – chỉ còn thiếu đúng một lá phiếu nữa
thì chương trình máy tính đã đánh lừa được ban giám khảo. Nếu chương trình đánh
lừa được ban giám khảo thì nó sẽ được trao một giải thưởng mang tên “The Most
Human Computer” (Computer người nhất). Ngược lại, nếu phần thắng thuộc về người
tham gia thí nghiệm thì người này sẽ được trao giải thưởng “The Most Human
Human” (Người người nhất). Nếu có vài người cùng tham gia thí nghiệm thì người
nào được nhiều phiếu nhất sẽ được trao phần thưởng đó.
Nhiều người đã đoạt giải “Người
người nhất”, vì Thí nghiệm Turing được tiến hành từ những năm 1990, nhưng phải
đợi mãi đến năm 2009 thì giải thưởng “Computer người nhất” mới lần đầu tiên
được trao cho David Levy – một trong những tên tuổi lớn về lập trình cho cờ vua
trong thập kỷ 1980, trước khi ra đời chương trình Deep Blue trong thập kỷ 1990.
Levy là người cổ võ điên cuồng
cho khoa học AI. Ông đã viết cuốn “Love and Sex with Robots” (Yêu và làm tình
với robots) để trình bầy tư tưởng của mình. Không quá khó để hiểu được khái niệm
“làm tình với robots” nhưng sẽ rất khó để hiểu được khái niệm “yêu robots”, nếu
chữ “love” được hiểu như một tình yêu đích thực, chẳng hạn như tình yêu giữa
Marius và Cosette trong “Những người khốn khổ” của Victor Hugo.
Tại sao Levy có tư tưởng thái quá
như vậy? Có lẽ vì ông không hiểu bản chất đích thực của con người là gì. Nhưng
tại sao lại trách Levy trong khi bỏ qua Turing?
Turing là một thiên tài có số
phận bi thảm: Ông bị kết án tù vì quan hệ đồng tính (thời đó luật pháp của Anh
coi quan hệ này là một tội hình sự). Ra tù ông phẫn chí rồi tự tử. Nhưng nghịch
lý lớn nhất trong đời ông có lẽ nằm ngay trong học thuật: ông là tác giả của
bài toán “Sự cố dừng” (The halting problem), chỉ ra rằng computer có những hạn
chế không thể vượt qua được, như một “khuyết tật bẩm sinh” của bất kỳ một hệ
logic nào. Nhưng cũng chính Turing lại là người đề xuất tư tưởng coi computer
như một cỗ máy vạn năng có thể thay thế con người.
Nghịch lý đó cũng chính là nghịch
lý của nền văn minh kỹ trị: trong khi tư tưởng của Turing thúc đẩy khoa học
computer phát triển không ngừng thì đồng thời nó cũng khuyến khích tinh thần
sùng bái máy móc đến mức hạ thấp vai trò của con người, sùng bái tư duy hình
thức đến mức hạ thấp tư duy cảm xúc, sùng bái giá trị vật chất đến mức hạ thấp
các giá trị nhân văn, … kết quả là đưa xã hội loài người đến trạng thái mất cân
bằng và bị đe doạ bởi một thế giới đầy ắp những sản phẩm do chính con người tạo
ra.
Nhưng khoan hãy kết tội một thiên
tài.
Chẳng phải Turing đã tiên đoán
chính xác rằng máy móc có thể thông minh như con người đó sao? Chẳng phải thí
nghiệm Turing đã thành công đó sao?
Vâng, thiên tài của Turing là
điều không thể chối cãi, nhưng Thí nghiệm Turing, thay vì làm cho những người
sâu sắc sùng bái máy móc, họ đặt vấn đề hoàn toàn ngược lại – thí nghiệm ấy chỉ
chứng tỏ sự ấu trĩ trong nhận thức về bản chất của trí thông minh:
Một, trí thông minh của con người
tuy có giới hạn nhưng hình thức biểu lộ của nó lại vô hạn, do đó không thể kiểm
chứng nó bằng một tập hợp giới hạn các câu hỏi, bất kể tập hợp đó rộng chừng
nào. Bản thân việc đề xuất một thí nghiệm thử thách trí thông minh thông qua
một tập hợp giới hạn các câu hỏi đã là một sai lầm ấu trĩ trong việc nhận thức
khả năng biểu lộ của trí thông minh.
Hai, trí thông minh của con người
hơn hẳn computer ở chỗ nó không chỉ nhận thức được những đối tượng đo được, mà
còn nhận thức được những khái niệm không đo được, hoặc những khái niệm vô hình,
vô ảnh, vô ngôn – không thể diễn tả được bằng bất cứ một thứ ngôn ngữ nào, mà
chỉ có thể quán tưởng bằng chiêm nghiệm, trực giác, thậm chí bằng sự lặng
thinh. Computer dựa trên nguyên lý số hoá và logic hình thức, không thể nhận
thức cái không đo được và cái không tuân thủ logic hình thức. Turing là thiên
tài trong việc khám phá những bí mật của logic hình thức nhưng xem ra ông không
hiểu thấu những khái niệm tư duy trực giác, tư duy quán tưởng.
Tuy nhiên, có người lý sự rằng
thực ra vẫn có thể số hoá những khái niệm vốn không thể đo được. Chẳng hạn, vẻ
đẹp của phụ nữ đã được số hoá trong các cuộc thi hoa hậu đấy thôi. Từ đó
computer có thể chứng minh người này đẹp hơn người kia, và rồi với cái kiểu số
hoá như thế, sẽ đến lúc computer chứng minh được cái này đẹp hơn cái kia, cái
này tốt hơn cái kia, v.v. Chẳng phải David Levy đã nghĩ đến chuyện số hoá tình
yêu đó sao?
Liệu có thể số hoá tình yêu
không?
Liệu có thể số hoá nghệ thuật
không?
Liệu có thể số hoá mọi tri thức
của con người không?
Liệu computer có thể thực sự thay
thế con người không?
Liệu computer có thể có nhân tính
không?
Câu chuyện Deep Blue đánh thắng
vua cờ Kasparov sẽ đưa ra một câu trả lời thú vị. Trước khi tìm hiểu câu chuyện
đó, cần biết rằng cờ vua không chỉ được coi là một môn thể thao trí tuệ, mà đã
từng có một thời được coi là một lĩnh vực nghệ thuật bậc thầy “có tất cả mọi vẻ
đẹp của nghệ thuật”.
[1] “Take care not to make the
intellect to be our god; it has … powerful muscles but no personality” (Ideas
that shaped our world, Marshall Editions, 1997)
[2] “The Most Human Human”, Brian
Christian, Doubleday DD, New York , London , Toronto , Sydney , Auckland ,
2011