Hỏi: Kính bạch Thầy, câu chuyện Công Chúa Ba (chùa Hương Tích) có thật
hay là chuyện huyền thoại để răn đời, mà từ xưa tới nay mỗi năm vào đầu xuân
không biết bao nhiêu người đổ về chùa tham quan vãng cảnh.
Điều này theo con
nghĩ: vãng cảnh đẹp thiên nhiên là đúng, nhưng ngoài ra đa số lại đi chùa cầu
xin tài lộc, cầu tự... là do lòng tin của mọi người đối với Bà Chúa Ba qua đức
nhẫn nhục và lòng hiếu hạnh. Vua cha đã làm nhiều điều ác độc, nhưng nhờ cô con
gái thứ ba tu thành chánh quả dùng tay, mắt của mình làm thuốc chữa trị bệnh cho
cha, làm như vậy có trái luật nhân quả thiện ác không thưa Thầy?
Đáp†: Câu chuyện Bà Chúa Ba là
câu chuyện truyền thuyết huyền thoại, chứ không phải chuyện thật, câu chuyện
này cũng giống như câu chuyện Quan Âm Thị Kính vậy.
Những nhân vật trong truyện là
những nhân vật tiểu thuyết giả tưởng của một tác giả xưa chịu ảnh hưởng Nho
Giáo và Phật Giáo Đại Thừa. Câu chuyện này là câu chuyện tội lỗi phi đạo đức là
chuyện giả tạo chỉ để lừa đảo trong Phật giáo mà từ lâu chưa có ai vén bức màn
đen tối này lên, nên mọi người đều lầm tưởng Bà Chúa Ba tu hành đã thành Phật.
Trang Vương là một nhà vua vào
thời Đông Chu liệt quốc bên Trung Hoa tương đương ở Việt Nam vào thời Hùng
Vương vì xét qua lịch sử khi Trưng Vương nổi dậy chống quân xâm lăng vào thời
nhà Đông Hán, như vậy câu chuyện này xảy ra trong lúc nước ta còn trong giai
đoạn bộ lạc.
Vua Trang Vương có ba người con
gái, hai đứa con lớn đã lập gia thất, chỉ còn đứa con gái Út thứ ba là Diệu
Thiện chưa lập gia đình, vì thế nhà vua rất thương cô gái Út, nên khi nghe Diệu
Thiện muốn đi tu là ông tìm mọi cách ngăn cản. Trước khi Bà Chúa Ba đi tu, nhà
vua rất sùng kính Phật giáo, ông rất hiền lành, sống có đạo đức, lấy chánh pháp
trị dân, thương dân như con một.
Sau khi nàng Công Chúa Ba đi tu,
nhà vua trở thành độc ác, ông nghĩ rằng: Các tăng trong chùa quyến rũ con gái
ông, khiến ông khổ đau vì thương nhớ con, ông căm tức ra lệnh cho quân lính vây
chùa giết tăng và đốt chùa.
Do hành động ác độc này, và sự
buồn rầu nhớ thương con nên ông mang bệnh và căn bệnh rất nặng không có thuốc
thang nào chữa trị được, đành phải chờ chết, trong lúc đó có một vị tăng xuất
hiện xin trị bệnh cho vua.
Sau khi xem xét bệnh tình vị tăng
kê toa, nhưng còn thiếu hai vị thuốc là mắt và tay của con người được đem nấu
chung với các vị thuốc khác thì trị bệnh mới hết, nhưng mắt tay phải là của con
nhà vua thì mới hiệu nghiệm, còn của người khác thì không hiệu nghiệm.
Hai đứa con gái đầu đã có chồng
con nên không dám hy sinh mắt tay để làm thuốc cho cha vì thế nhà vua không còn
hy vọng sống chút nào, chỉ còn chờ ngày chết mà thôi. Tại động Hương Tích nàng
công chúa Ba được sứ thần đến xin mắt và tay để về làm thuốc cho vua cha.
Khi nghe cha bệnh nặng và xin mắt
tay, nàng bèn khoét mắt chặt tay giao cho sứ thần mang về làm thuốc trị bệnh,
lúc bấy giờ nàng đã thành Phật, nên mắt tay đều lành lặn trở lại như xưa.
Câu chuyện trên đây là câu chuyện
cấu kết nhân vật giả tưởng, mới nghe qua thì tưởng là đạo đức nhưng sự thật câu
chuyện này là phi đạo đức nhân quả và rất nhiều điều tội lỗi.
1- Nàng Công Chúa Ba chịu ảnh
hưởng tư tưởng của Phật giáo phát triển nên bỏ cha đi tu, khiến cho vua cha
buồn khổ thương nhớ, đó là tội thứ nhất, làm khổ cha già là người sanh thành
dưỡng nuôi lớn khôn, công lao trời biển đó, thế mà nỡ tâm, đành bỏ cha già đi
tu thật là vô đạo đức bất hiếu thứ nhất.
2- Nàng Công Chúa Ba tự ý đi tu
thực bất hiếu khiến cho vua cha căm tức đốt chùa giết tăng tạo tội ác tày trời,
đó là hành động tội lỗi vô đạo đức thứ hai, nếu Công Chúa Ba không bỏ đi tu thì
người cha đâu có làm nên tội lỗi tày trời như vậy.
3- Chặt tay khoét mắt mình, đó là
làm khổ mình tức là vô đạo đức với mình, tội vô đạo đức thứ ba.
4- Dùng thần thông lừa đảo người
(mắt tay lành lặn như xưa) để mọi người tỏ lòng cung kính ngưỡng mộ đó là háo
danh, là tội lỗi phi đạo đức thứ tư, không phải là người tu hành chân chánh của
đạo Phật.
Tóm lại, Bà chúa Ba được thờ tại
chùa Hương Tích với một lịch sử tội lỗi và phi đạo đức như vậy thì có xứng đáng
gì cho chúng ta thờ phụng và tỏ lòng tôn kính không? Đó chỉ là một sự mê tín
trong dân gian mà tác giả dựa vào tư tưởng thần thông ngoại đạo vẽ rắn thêm
chân, vì thế câu chuyện này vô đạo lý nhân quả của Phật giáo.
Từ đây về sau con người sẽ lần
lượt xác định rõ bộ mặt thật của kinh sách phát triển để mọi người không còn bị
lường gạt nữa. Đối với Phật giáo Nguyên Thủy thì không chấp nhận những câu
chuyện huyền thoại phi đạo đức như trên, đi ngược lại với đạo đức của đạo Phật.
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích: Đường Về Xứ Phật tập X