Con người được sinh ra đời để tìm
hạnh phúc hay tìm đau khổ? Câu hỏi xem như ngớ ngẩn, vì trong cuộc đời đã có
thừa hạnh phúc và khổ đau, ai dại mà tìm đau khổ. Nhưng tại sao lại phải tìm
hạnh phúc? Hẳn là hạnh phúc mang cái nghĩa dễ chịu va an vui! Còn khổ đau thì
chỉ có người bất bình thường mới mong muốn. Hai chữ khổ đau đã đầy đủ nghĩa của
nó, không cần phải giải thích, Nhưng có được cảm giác dễ chịu của hạnh phúc
phải là do giây phút chấm dứt sự khổ đau. Như thế hạnh phúc và khổ đau chỉ là
hai mặt đối đãi nhau.
Sẽ không bao giờ có được sự an
lạc hạnh phúc nếu không có mặt của đau khổ, và chẳng bao giờ biết được an lạc,
hạnh phúc là cái gì nếu cuộc đời không có khổ đau, khó chịu, buồn phiền...
Chính nhận thức được hai mặt đối đãi giả lập này mà các vị Thánh nhân Bồ Tát đã
dững dưng với hạnh phúc và không thèm buồn nhìn đau khổ. Các vị đã biết hạnh
phúc là cái giả bởi vì nó đến và đi trong tức khắc (sát na). Sự đến đi của nó
là do sự dằn co, giành giựt với khổ đau, bựt dọc. Cũng như khổ đau là sự nhượng
bộ của an lạc hạnh phúc trong tức thời, và rồi cũng sẽ bến mất để đổi phiên
nhau khổ, vui, vui, khổ.
Có ai trong cõi đời này mà được
vui hoài, và có ai lại không có một niềm vui nhỏ nào trong kiếp sống! Dù rằng
hiện trên thế giới này có rất nhiều người đang khổ và cái khổ trùm phủ cuộc đời
họ cho đến lúc nhắm mắt. Nhưng giây phút nhắm mắt lìa đời ấy, ai cóthể biết
được là họ không có niềm an lạc nhẹ nhàng! Họ có thể nhắm mắt trong an lạc, vì
nghĩ rằng từ đây sẽ không còn đau khổ nữa. Ngược lại kẻ sống sung sướng giàu
sang, lúc nhắm mắt, ai lại bảo rằng họ không đau khổ! Họ có thể nhắm mắt trong
đau khổ, vì nghĩ rằng từ đây sẽ không còn được hưởng thụ những vật chất của
chính mình tạo nên.
Lại thấy như thế mà các bậc Thánh
nhân sống thật trong sự an lạc hạnh phúc. Sự an lạc trong hạnh phúc nầy không
nằm trong sự đối đãi của khổ vui, nó chỉ có thể cảm nhận được từ nơi sự thấy
biết thật, giả của hai mặt đối đãi mà ra. Nhưng nó không phải là một sự trừu
tượng, siêu hình nào cả. Có thể nói trong chúng ta những ai băn khuân với vui
khổ cũng đã có kinh nghiệm qua một hay vài lần trong đời. Chẳng hạn chúng ta có
thể nhớ lại một lúc nào đó trong quảng đời chúng ta đã cảm nhận được một hạnh
phúc an vui nhẹ nhàng. Tư tưởng ta thật thư thới, ta cảm thấy lâng lâng trong
lòng bởi một niềm vui thật lạ, một niềm vui mà không có điều kiện nào cả, một
niềm vui chấp nhận tha thứ và chịu đựng. Tha thứ cho tất cả dù là kẻ ta thù
ghét nhất, chịu đựng tất cả dù là những sự việc ngang trái bất an, và trong cái
tha thứ chịu đựng đó lại không có mặt của bất cứ đòi hỏi nào, mong muốn nào
được đáp lại. Chỉ biết rằng đây là một sự thư thái, an lành phát xuất từ một
niềm vui đúng nghĩa.
Nếu giải thích thêm nghĩa của sự
an lạc thanh tịnh này, e lại kẹt vào vòng đối đãi buông bên đây nghiêng bên
kia, cho nên chỉ tạm nói vậy thôi. Từ đây chúng ta thấy rằng nếu hiểu đúng,
thấy đúng ý nghĩa của sự vui khổ, thì con người đã tìm được an lạc nhiều hơn
đau khổ. Cho dù cái an lạc mà chúng ta có đây còn nằm ở ngoài niềm an lạc thanh
tịnh của các vị Thánh nhân.
Thái độ điềm tỉnh trước khổ vui
đối với chúng ta cũng quả thật khó. Tuy nhiên ta có thể hiểu tại sao ta vui và
tại sao ta khổ. Và vui thế nào để niềm vui không mất, khổ thế nào để không đánh
mất mình. Học theo cái nhìn của các bậc Thánh nhân chúng ta thấy rằng khổ vui
chỉ là việc thường tình ở thế gian này. Chính việc thường tình hiển nhiên vậy,
nên các Ngài dạy cho ta cách nhìn và đối xử, để không phải rơi vào lụy phiền về
khổ vui. Tìm hạnh phúc hay tránh khổ đau chỉ là việc loay hoay trong cuộc chỉ
rối cuộc đời, mà gút mở rối kia lại tự ta cầm lấy. Bởi hai mặt khổ vui luôn
luôn có sẵn trong ta. Chỉ có cái đáng tìm là tìm nguyên nhân của việc tìm kiếm.
Sự an nhiên mặc tỉnh trước khổ vui của các bậc Thánh nhân đã chỉ cho ta nghuyên
nhân đó. Nguyên nhân của sự bồn chồn lo lắng mất còn, tạo ra sự hụt hẩng để rồi
tìm lại quân bình qua nhiều hình thức, cũng từ đây mức độ khổ vui tăng trưởng.
Tất cả những rối ren này chỉ mang lại cho ta những bất an. Bất an ngay trong
lúc được hạnh phúc và càng bất an hơn nữa khi đối đầu với đau khổ.
Thấy được sự tìm kiếm hoài công
vô ích này, giúp ta thấy được hạnh phúc, khổ đau đều do ta chủ động. Và chính
vậy cho nên ta có thể hài hòa bằng cách nào đó dưới thái độ học hạnh điềm tỉnh,
sáng suốt để hai mặt khổ vui không thái quá, và như thế có thể cảm nhận được
trong tinh thần sáng suốt của người Phật tử về vấn đề hạnh phúc và khổ đau.
Thích Phổ Huân
Nguồn: budsas.org