Bằng con mắt quán chiếu...

Có một đôi mắt sáng là có phương tiện để nhìn cuộc sống xung quanh. Đó là điều may mắn mà ta (thường) chỉ nhận ra khi vô tình biết về một đôi mắt vĩnh viễn mất đi ánh sáng của một ai đó. Hoặc, tệ hại hơn là khi ta không còn được sáng mắt như xưa nữa (mờ hoặc mù) thì ta mới nhận ra sự có mặt vô giá của đôi mắt sáng. Ý thức thiếu trân quý những cái mình đang có hình thành cố hữu trong ta vì mình nghĩ nó còn đó, mãi mãi như thế với mình; ý thức ấy chỉ bị thay thế và vỡ vụn muộn màng khi những cái đã từng có mất đi hoặc mình chợt chạm vào những bất hạnh xung quanh.

Thực ra, trong cuộc sống, không phải duy chỉ có đôi mắt sáng là ta đã thờ ơ mà ta đã từng thờ ơ với rất nhiều những cái trong mình, ở bên mình vì cứ nghĩ nó sẽ còn đó, mãi bên ta như là sức khỏe, tình yêu, tuổi trẻ, người thân-thương…

Khi có một đôi mắt sáng, ta cũng ít để ý và biết ơn sự mạnh lành của đôi mắt mà bắt đầu ước vọng về đôi mắt đẹp. Ngắm nghía và ao ước nó sẽ đẹp hơn lên là thứ nhu cầu làm cho nhiều người điên đảo, bất an, từ chăm chút đôi mắt đến tác động một cách thái quá những đường nét bằng dao kéo hoặc bằng mỹ phẩm đôi khi cũng làm cho ánh nhìn của ta không còn gần gũi, chân phương như cái mộc mạc vốn có của đôi mắt cha mẹ tặng cho mình.

Người ta nói, ngó lên mình chẳng bằng ai, ngó xuống thì cũng có khối người ước ao được như mình. Cái quan trọng trong cái nhìn lên và xuống ở đây không phải để so kè mà là để cảm nhận về sự may mắn của mình, đồng thời cảm nhận về sự kém may nơi người mà thương. Song song đó là hãy cảm nhận về sự may mắn của người khác vì sở hữu những nét đẹp tự nhiên để mà vui lây, để mừng cho họ. Đến đây thì ta thấy, bên ngoài đôi mắt xương thịt nhìn thấy, ghi nhận hình ảnh sự vật, hình tượng, con người… xung quanh còn có một đôi mắt khác tồn tại trong tâm mình. Nó là đôi mắt không phân biệt theo hướng ganh đua, hơn thua để mà tị hiềm hay tự ti hoặc tự tin đến mức khinh thường người khác.

Đôi mắt bên ngoài thực ra cũng giống như cái kính vậy thôi, vô cảm về mặt rung động, nhưng đôi mắt bên trong, vốn dĩ được người ta gọi một cách văn vẻ là “cửa sổ tâm hồn” trở thành điều kiện để phản ánh nhân cách, tình người hay lối sống của một ai đó. Nhìn người hơn mình rồi ghét ganh thì cho thấy mình ích kỷ, thấy người thua mình sinh lòng đáng kiếp, khinh khi thì còn gì là lòng từ bi?

Thực tế, sự vật hay con người đẹp/xấu có tác động ít nhiều đến ta, vì ta còn bị chi phối bởi trần cảnh, rồi sinh ra ý thức phân biệt nhưng nếu mình gạt qua cái điều thường tình này để sống với một nhãn quan thương yêu thật lòng thì mình sẽ thấy trong mỗi mỗi cái xấu/đẹp diễn ra quanh mình đều ẩn tàng những bài học vô giá, giúp mình nhận thức cuộc sống một cách tinh tế, sâu sắc hơn. Mình nhìn người ta chưa tốt để thấy trong cái nhân duyên trùng trùng ấy có những tham-sân-si gieo trồng để giờ này không có một hảo tướng để mọi người thân cận, gần gũi dễ dàng. Mình nhìn trong tướng đi thanh thoát, nhẹ nhàng, và cả trong đôi mắt nhìn đời một cách khách quan, chân thực, miệng luôn nở nụ cười của ai đó mình sẽ thấy cái tâm của một con người thuần tịnh, sống đạo đức, biết yêu thương và luôn có ý niệm hiến tặng an vui cho những người-vật xung quanh…

Nếu có khác nhau và có phân biệt chăng trong cái nhìn thì ta chỉ nghĩ tới đó thôi, để sau đó đi về một điểm đồng quy là tình thương tặng cho những đối tượng vừa chạy ngang qua “miền thấy” của mình. Tình thương ấy không ngoài sự thực tập công hạnh thương chúng sinh, dù thân hay sơ, dù ác hay thiện mà Thế Tôn đã dạy. Đó cũng là lý lẽ của một người học hạnh Thường Bất Khinh Bồ-tát, kính và thương “Phật chất” (bản lai diện mục, Phật tánh) bên trong chúng sinh đó, con người đó. Còn những cái tướng xấu/đẹp kia hiển bày thì cũng là vô thường, sanh diệt trong từng sát-na đó thôi!

Người ta hay ví von những cái nhìn đầy quy chụp, xấu xí, xấu xa… về mọi sự sự vật vật của một ai đó là “đôi mắt màu đen”. Thực ra, mọi cái ở cõi ta-bà này vốn dĩ đều theo quy luật nhân duyên mà sanh-trụ-dị-diệt, không có gì nằm ngoài quy luật ấy nên mình nhìn và đánh giá thường bởi những định kiến “bất di bất dịch” (thường còn) và còn chen vào đó là những oán hờn, trách móc, tự ti của bản thân nên luôn thấy mọi thứ đen thui. Nói nôm na, và hiểu cho khéo thì giống như ta đeo kính đen, kính mát vào thì nhìn bầu trời âm âm u u, ngỡ là giông bão sắp về nhưng đến khi mở kính ra liền ồ lên, đâu có phải.

Ai nhìn mọi thứ theo hướng quá lý tưởng, hồng tươi, xinh xắn một cách đầy thiên lệch cũng là cái nhìn không chính xác và thường bị ví là “đi trên mây”, được khuyên là “nên thực tế hơn”. Nghĩa là hãy nhìn cho sâu, cho kỹ để thấy cái phần nổi lẫn phần chìm trong một thực thể. Cái gì là cái biểu hiện tức thời, trước mắt rồi hoại diệt theo nhân duyên? Tướng này, hoàn cảnh thì sanh-trụ-dị-diệt, mà qua cái nhìn vô minh (không thấy vô thường, nhân duyên) thì nghĩ nó là mãi mãi, là không bao giờ mất đi… Chính vì thế nên mới không trân quý, mới để cho thân này khó được (Phật ví như con rùa mù đi biển, 100 năm nổi lên, gặp bộng cây trôi ngang qua, vô tình chui lọt cái đầu vào bộng cây ấy) hư hao mất rồi mới tiếc thì có khi muộn màng, trôi lăn trong sinh tử trùng trùng khó đoán.

Còn nhìn bằng cái nhìn sáng suốt, đầy đủ thì thấy “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, thấy “nhất thiết duy tâm tạo”, thấy “Phật tại tâm” nên lo mà tu chỉnh, mà làm mới, mà “đoạn ác, làm lành” để kéo màn vô minh ấy tan ra, để nhìn mọi cái thật tinh tường, đúng bản chất của nó chứ không phải chỉ thấy hình thức biểu hiện mà thôi. Cái gì có tướng dù nguy nga, lộng lẫy hay xấu xí thì cũng theo duyên sanh diệt, nên chạy theo chỉ được một lúc, mà chạy theo thì sẽ đánh mất cái bình yên vốn dĩ, được gọi là tự tánh sáng suốt, tĩnh lặng.

Mấy nghìn năm nay, điều chứng minh thuyết phục nhất là ai chạy theo cái huyễn bên ngoài đều khổ, ai trở về chăm sóc nội tâm thì hạnh phúc, bình an. Mà chạy theo huyễn không chỉ khổ một đời mà nhiều đời (như đã nói) vì đã đi trật khỏi đường giải thoát. Cái vòng lẩn quẩn ấy mình chọn, mình chạy theo lâu lắm rồi chứ có phải một hôm sớm đâu? Nhìn thế để thương và cũng để cảm thông vì có đôi khi “ngựa quen đường cũ” (hay là tập khí sâu dày), muốn bỏ mà đâu dễ, nhưng nếu nguyện thì chắc sẽ chẳng khó, vì có chưa được kiếp này thì sẽ còn kiếp khác tiếp tục. Thế nên mới có tín-nguyện-hạnh. Tin rồi mà không đi, chỉ ngồi nguyện không cũng không được, mà đi không theo nguyện (kim chỉ nam) thì đến lúc cũng sẽ quàng xiên, bậy bạ hoặc dừng lại giữa chừng vì nghĩ mình tới đích chẳng hạn.

Nhìn những biểu hiện xung quanh mình qua con mắt sáng bên trong, hay nói như nhà thiền là nhìn “bằng con mắt quán chiếu” ta sẽ thấy chánh báo sao, y báo vậy. Ta từng tạo nhân xấu, nhân chia rẽ, khổ đau thì sinh ra trong môi trường cũng khổ đau, chia rẽ, biên địa hạ tiện, khó bề mà thấy ánh sáng văn minh nhân loại cũng như ánh sáng Phật pháp. Nên chớ có thấy mình xấu mà than, mà trách, chớ có thấy xung quanh mình ai cũng là người chẳng ra gì, xã hội mình sao mà không có ra làm sao cả… mà hờn, mà tủi, mà chửi đổng, mà hành xử chống báng, kêu ca và chỉ biết kêu ca, oán thán mà thôi. Hãy nhìn sâu trong cái tướng đó, trong cái hoàn cảnh mình đang sống đó mà trở lại sám hối, nhận chân rằng mình từng gieo nhân vậy nên giờ sinh ra vậy, ở hoàn cảnh vậy. Rồi thì nguyện sinh ra ở hoàn cảnh tương lai tươi sáng hơn (biết Phật pháp mà tu, ở chỗ ai cũng biết tu, biết sách tấn nhau mà tu tập hạnh giải thoát…) thì may ra một mai còn có đường đi. Mà không, khi biết vậy rồi, quay về sửa rồi, nguyện rồi thì ngay lúc đó đã có đường đi rồi.

Với đôi mắt thấy “mọi cái do mình cả thôi”, sinh ra thời loạn, giữa buổi nhiễu nhương điên đảo… là nhân mình gieo, rồi quán (nhìn sâu vào) ta sẽ cảm rằng mình cũng còn may, chứ có vô số chúng sinh phải sinh trong tam đồ ác đạo đó (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) chịu khổ gấp bội phần. Lại là quán chiếu, như ban đầu đã nói, không phải để so kè, mà để thấy mình may mắn, rồi thấy mình phải vượt lên chính mình để được đi xa, đi sâu hơn chứ không phải cứ mãi bình bình thế này. Nhìn vậy cũng là cái nhìn “tiên trách kỷ” đầy từ bi, đầy trách nhiệm với chính mình, với cuộc sống…

Lưu Đình Long
Nguồn: giacngo.vn
Previous Post
Next Post