Mục đích của đời sống là gì? Đó
là câu hỏi quan trọng mà tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta dù trí thức hay bình
dân, giàu nghèo hay sang hèn vẫn thường nghĩ tới. Theo tôi, sống ở đời ai cũng
mong có được hạnh phúc. Từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến lúc già chết, tất cả mọi
người đều mơ ước được sống cuộc đời hạnh phúc và không ai thích gặp khổ đau.
Hiện nay nhân loại sống trên trái
đất này, đang phải đối dầu với một vấn đề nan giải là bằng cách nào chúng ta có
thể xây dựng hạnh phúc cho nhau. Do đó muốn chấm dứt nỗi khổ đau triền miên của
kiếp người, chúng ta cần phải tìm hiểu làm sao con người có thể tạo dựng mang
lại hạnh phúc cho nhau.
Làm sao có được hạnh phúc
Trước hết chúng ta nhận thấy hạnh
phúc hay đau khổ đều có hai loại: Thể xác và phần tinh thần. Trong cả hai loại
này tâm của chúng ta vẫn làm chủ, ảnh hưởng nhiều đến chúng ta. Trừ khi thân
thể chúng ta bị đau ốm hoặc quá thiêu thốn, còn không thì đời sống thể xác vẫn
đóng vai trò thứ yếu trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Khi thân thể chúng
ta khỏe mạnh và cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ thì chúng ta cảm thấy phần
nào có hạnh phúc. Tuy nhiên nếu tinh thần chúng ta bị khủng hoảng, dù ít hay
nhiều, việc nhỏ hay lớn, chúng ta liền cảm thấy rất đau khổ, và trong lúc cuồng
trí, không làm chủ được tinh thần, có thể dẫn chúng ta đến hành động tự sát,
hủy hoại đời mình một cách oan uổng. Do đó, tôi nghĩ việc tìm kiếm một sự sáng
suốt bình an nơi tâm hồn thực hết sức quan trọng. Muốn thân tâm an lạc, chúng
ta cần phải phát triển tình yêu thương và lòng từ bi.
Chúng ta nên nghĩ đến hạnh húc
của kẻ khác, đừng gây đau khổ cho bất cứ ai. Khi chúng ta ban bố tình thương,
cứu giúp tha nhân tức là chúng ta đã tự giúp mình có được chân hạnh phúc. Thực
hành đức tính khoan dung, tha thứ và mở rộng lòng yêu thương mọi người, tức
khắc tâm hồn của chúng ta sẽ cảm thấy thanh tịnh và an lạc. Điều này cũng giúp
chúng ta tận diệt hết mọi nỗi lo âu, bất an và phiền não. Nó mang lạc cho chúng
ta sức mạnh tinh thần, lòng tự tin để khắc phục, vượt qua những nỗi khó khăn,
bất như ý mà chúng ta thường gặp phải trong cuộc đời.
Sống ở thế gian này, có ai trong
chúng ta chỉ gặt hái thành công mà không thất bại, gặp toàn chuyện may chứ
không có điều rủi? Trong mọi hoàn cảnh, mỗi người đều phải đối phó với những
khó khăn riêng. Khi gặp gian truân nếu chúng ta không cố gắng khắc phục vượt
qua, chúng ta sẽ thất bại và đâm ra tuyệt vọng, chán nản. Muốn thành công, trái
lại chúng ta nên nghĩ rằng không riêng chúng ta mà tất cả mọi người trên thế
gian đều gặp phải những điều bất hạnh. Nhờ ý thức được như vậy mà tâm hồn chúng
ta cảm thấy vơi bớt đi phần nào niềm đau khổ, và tinh thần chúng ta trở nên
vững mạnh với quyết tâm chiến thắng mọi gian lao thử thách để thành tựu sự
nghiệp vẻ vang trong cuộc sống. Khi nhận thức được sự đau khổ của người khác
như của chính mình, chúng sẽ cố gắng tu tập phát triển lòng từ bi thương yêu
giúp đỡ tất cả đồng loại thoát khỏi mọi khổ đau, và do đó tâm hồn chúng ta cảm
thấy an lạc và hạnh phúc.
Chúng ta cần tình thương
Tại sao tình thương mang lại cho
con người nguồn hạnh phúc lớn lao nhất? Lý do đơn giản vì bản chất của chúng ta
là hâm mộ, yêu chuộng tình thương và không thích sự ganh ghét oán thù. Nhân
loại cần đến tình thương để tồn tại. Con người cần sự giúp đỡ nương tựa vào
nhau để sống còn. Cá nhân nam hoặc nữ, dù có khả năng tài giỏi đến đâu, nếu bỏ
một mình họ cũng không thể tự sống được. Trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào
giàu sang phú quý hay thiếu thốn nghèo hèn, khi trẻ trung mạnh khỏe hay già nua
đau ốm, con người vẫn phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của kẻ khác.
Cho nên, tinh thần tương thân
tương trợ rất cần thiết cho mọi người trong xã hội. Không những con người mà
ngay cả loài vật vẫn phải sống hợp quần. Tất cả những cảnh vật ngoại giới, từ
hạt bụi nhỏ bé đến quả đất to lớn chúng ta đang sống, từ sông ngòi biển cả đến
núi từng đồng ruộng, từ đám mây trên trời đến những cành hoa trong vườn đều có
tương quan, tương duyên với nhau. Nếu không có sự hổ tương, liên hệ nhân quả,
vạn vật sẽ không thể phát sinh hay tồn tại. Vì con người cần nương vào sự giúp
đỡ của kẻ khác để sống còn, đó là tình thương là chất liệu thiết yếu cho cuộc
sống của chúng ta. Và chúng ta có trách nhiệm trong hành động tạo nên hạnh phúc
hoặc gây đau khổ cho mọi kẻ khác.
Chúng ta nên tìm hiểu bản chất
thực sự của chúng ta là gì? Chúng ta không phải là sản phẩm của máy móc. Nếu
chúng ta là những vật dụng máy móc thì các đồ dùng máy móc này đã có thể thỏa
mãn mọi nhu cầu và dứt trừ được hết những nỗi khổ đau của chúng ta. Bởi lẽ
chúng ta không phải là những sinh vật được cấu tạo thuần túy bằng vật chất cho
nên thực là điều sai lầm nếu chúng ta mong tìm hạnh phúc của mình ở bên ngoài
con người, mà trái lại muốn có hạnh phúc chân thật chúng ta cần thấu hiểu nguổn
gốc và bản chất đích thực về con người để chúng ta có thể khám phá ra điều mà
chúng ta ước mong có được.
Chúng ta hãy tạm gác qua một bên
câu hỏi quá phức tạp khó giải đáp về sự diễn tiến cũng như tạo dựng nên thế giới
của chúng ta đang sống, nhưng chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng mỗi chúng ta
là chính do cha mẹ của chúng ta sinh ra. Như vậy, sở dĩ có chúng ta không phải
chỉ hoàn toàn do lòng ham muốn thỏa mãn dục tình mà có bởi cha mẹ của chúng ta
thực sự mong muốn có một đứa con. Nói khác, trước khi sinh con thì cha mẹ đã ý
thức rõ trách nhiệm là phải yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ đứa con của mình nên
người, chứ không thể bỏ mặc để cho nó hư hỏng. Cho nên chính do tình thương của
cha mẹ đã dẫn đến sự chào đời của mỗi chúng ta hơn nữa ngay từ lúc còn ở trong
bào thai, chúng ta đã cần đến sự chăm sóc của người mẹ. Và theo các nhà khoa
học thì thai nhi không những chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thể xác mà còn về mặt
tinh thần của bà mẹ. Nếu trong lúc mang thai, người mẹ gặp những chuyện phấn
khởi vui vẻ hay ho lắng buồn phiền đều gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến tinh thần
của em bé sắp sinh ra sau này.
Ngay vào lúc mới lọt lòng, đứa
trẻ cũng rất cần thiết đến tình thương của bà mẹ. Em bé nhờ sữa mẹ lúc ban đầu
mà lớn lên. Mặc dù ngày nay có sữa bột để nuôi con, sữa mẹ vẫn và nguồn sống
căn bản tự nhiên của các hài nhi. Đứa nhỏ ngậm vú mẹ lúc sơ sinh nói lên tình
mẹ thương con thật lai láng “như nước trong nguồn chãy ra”. Nếu người mẹ không
thực lòng yêu thương con mình hay nỗi cơn giận dữ khi con khóc phá thì dòng sữa
mẹ sẽ ảnh hưởng bị tắt nghẻn không chãy ra bình thường được. Lại nữa, cơ thể và
nhất là bộ óc của em bé trong thời gian từ lúc mới sinh cho đến khi được ba hay
bốn tuổi sự chăm sóc kỹ lưỡng của bà mẹ thực hết sức quan trọng để giúp cho
thân thể đứa trẻ được lớn mạnh và phát triển đầy đủ. Nếu thiếu sự chăm sóc, yêu
thương và nuôi dưỡng của bà mẹ, thân thể của em bé có thể chậm lớn, nhất là bộ
óc của nó không thể phát triển bình thường được: Lý do bởi đứa trẻ rất khó lớn
khôn nếu không có sự chăm sóc của người lớn, cho nên tình thương của bà mẹ là
chất liệu nuôi dưỡng quan trọng nhất. Sức khỏe và hạnh phúc của các trẻ em hoàn
toàn tùy thuộc vào tình yêu thương nuôi nấng và dạy dỗ tận tình của các bà mẹ.
Trong xã hội Âu Mỹ ngày nay, có
nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong những gia đình thiếu hạnh phúc. Một đứa trẻ
thiếu sự chăm sóc hướng dẫn của người lớn, và cha mẹ không biết yêu thương con
cái mình kết quả là chúng sẽ không bao giờ nghĩ tưởng đến cha mẹ. Từ hành động
không biết chăm sóc, thương yêu cha mẹ những đứa trẻ đó sau này lớn lên vào
đời, chúng sẽ không có lòng yêu thương đồng 1oại. Thực là điều đáng buồn. Trẻ
em lớn lên được cha mẹ gởi đến trường học lúc ấy đứa trẻ cần sự giáo dục hướng
dẫn của thầy giáo. Ngoài sự dạy dỗ kiến thức phố thông, nếu giáo sư biết rèn
luyện cho học sinh có những đức tính tốt như tính ngay thẳng, tự tin và giúp đỡ
người khốn cùng v...v... thì các học sinh này sẽ biết ơn kính mến và giữ một ấn
tượng tốt lâu dài trong tâm hồn của mình về ông thầy giáo đó.
Trái lại, nếu vị giáo sư tỏ ra
không hết lòng yêu thương, chăm sóc dạy dỗ các em học sinh thì sự mến thương
tình cảm giữa chúng với người thầy giáo cùng chóng phai lạt. Tương tự như thế,
nếu một bệnh nhân trong nhà thương được chăm sóc hết lòng, tận tình chửa trị
của Vị bác sĩ thì chính tình thương này của ông ta sẽ là liều thuốc hữu hiệu
nhất giúp cho người bệnh chóng lành, mặc dù ông không hẳn là một bác sĩ giỏi.
Trái lại, cho dù một bác sĩ có tài, nhưng thiếu đạo đức, không thương yêu tận
tụy khi chữa trị cho bệnh nhân, khiến cho người bệnh buồn phiền tức giận, do đó
không thể chóng bình phục được. Cho nên tình thương, sự hết lòng cứu chữa bệnh
nhân của vị thầy thuốc sẽ góp phần lớn trong việc giúp người đau bệnh chóng
lành.
Trong cuộc sống giao tế hàng ngày,
người ta thích nghe lời nói hòa nhã êm dịu cho dù câu chuyện của ngườn trình
bày không hay, ngược lại, một đề tài dù hấp dẫn bao nhiêu đi nữa mà người phát
biếu dùng ngôn từ năng nề, thiếu lễ độ nhã nhặn thì chẳng ai muốn nghe. Do đó
mọi việc ở đời, từ nhỏ đến lớn, lòng thương yêu, kính mến kẻ khác là điều căn
bản tạo nên hạnh phúc cho mỗi chúng ta. Gần đây, tôi gặp một nhóm khoa học gia
Hoa Kỳ, họ cho biết rằng hiện nay có khoảng mười hai phần trăm dân số ở Mỹ đang
mắc bệnh tâm thần. Nguyên nhân chính không phải vì thiếu thốn vật chất mà do
bởi cuộc sống giữa con người với nhau thiếu thông cảm và tình thương. Cho nên,
như tôi đã trình bày ở trên mặc dù quý vị có nhận thức rỏ điều đó hay không,
thì vào lúc chúng ta chào đời tình thương vẫn là chất liệu cần thiết như máu
huyết nuôi dưỡng sự sống của chúng ta. Ngay cả tình thương ấy phát xuất từ nơi
một con vật, hay kẻ thù của chúng ta thì trẻ nhỏ và người lớn vẫn đều cần đến
nó.
Sự phát triển tình thương
Một số người bảo tình thương và
lòng từ bi là những tính cao quý, nhưng rất khó thực hiện. Bởi lẻ thế giới ngày
nay, họ lập luận cho rằng không phải là môi trường thuận lợi cho chúng phát
triển. Mà bản tính con người vốn thích làm những việc ác và lòng người chứa đầy
sự thù hận và tham sân. Tôi không đồng ý như vậy.
Nhân loại xuất hiện trên quả đất
hiện nay đã có từ hàng trăm nghìn năm trước. Tôi nghĩ rằng trong khoảng thời
gian này nếu tâm con người hoàn toàn độc ác hung dữ thì dân số trên thế giới đã
giảm sút. Nhưng trái lại, mặc dù xảy ra nhiều cuộc chiến tranh, ngày nay dân số
toàn cầu đã tăng lên rất nhiều. Ðiều này chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng lòng
từ bi và tình thương đã ngự trị thắng thế trên thế giới.
Tình thương đã mang lại cho chúng
ta nhiều lợi ích tinh thần và lành mạnh thể xác. Điều rõ ràng ai cũng thấy là
khi tâm mình an vui sẽ giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Sự giận dữ, ưu phiền dễ
khiến con người sinh ốm đau. Trái lại, tâm thanh tịnh an lạc giúp chúng ta
tránh được nhiều bệnh tật. Muốn có hạnh phúc chân thật, con người cần trải lòng
yêu thương tất cả, không nuôi dưỡng tâm ganh ghét, oán thù ai. Chúng ta không
chỉ nhận thức tình thương là đức tính tốt, cao quý mà nên thực hành phát triển
nó trong cuộc sống hàng ngày.
Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ
về ý nghĩa đích thực của tình thương. Tình cảm yêu thương lắm khi pha lẫn dục
tình và sự tham đắm. Chẳng hạn cha mẹ thương yêu con cái là thứ tình cảm vị kỷ
đối với người thân của mình, khác hẳn với lòng từ bi rộng lớn. Trong hôn nhân,
sự đắm say tình dục giữa hai vợ chồng hay tình yêu cuồng nhiệt giữa đôi trai
gái hoàn toàn không phải là thứ tình thương đích thực. Lòng thương nặng tính
chất đam mê ái nhiểm khiến chúng ta thường hay mù quáng nghĩ tưởng rằng người
mà ta yêu thương luôn có những đặc tính tốt, nhưng đôi khi họ lại mang nhiều
thói hư tật xấu.
Tình thương nhằm mục đích lợi kỷ,
tình thương khó tồn tại lâu dài và dễ tan biến khi nó không mang lại ích lợi gì
cho con người. Cho nên tình thương chân chính không xây dựng trên tình cảm so
đo toan tính lợi hại cho bản thân mà hoàn toàn đặt nền tảng trên lòng vị tha
quên mình vì hạnh phúc cho chúng sinh. Hẳn nhiên phát triển lòng từ bi rộng lớn
này không phải điều dễ đàng. Muốn thành tựu, chúng ta cần sáng suốt nhận thức
rõ các sự thực sau đây:
Tất cả chúng ta dù tốt hay xấu,
giàu nghèo sang hèn, đều là con người như nhau. Ai cũng mong sống trong hạnh
phúc và không thích khổ đau. Họ có quyền khắc phục chống lại sự đau khổ để có
được hạnh phúc. Khi bạn hiểu rằng mọi người điều bình đẳng trong ý muốn đi tìm
và có quyền đạt tới hạnh phúc, tự nhiên bạn thấy có thiện cảm và gần gũi với
họ. Khi tâm bạn có được tình thương nhân loại phổ quát, bạn sẽ thấy có trách
nhiệm cần giúp đỡ kẻ khốn cùng vượt qua những khó khăn của họ.
Bạn làm việc cứu khổ với tâm bình
đẳng, không chọn lựa và phân biệt kẻ thân người sơ, thù hay bạn, sang trọng hay
thấp hèn, khi chúng ta biết rằng con người, họ có những niềm vui và đau khổ như
chúng ta; cho nên không thể có sự kỳ thị, phân chia giữa người này với người
kia mà chúng ta cần có lòng từ bi thương xót cứu độ tất cả.
Muốn thành công việc phát triển
lòng từ bi, chúng ta cần phải trải qua một thời gian dài kiên nhẩn tu tập. Khi
chúng ta còn nghĩ đến bản ngã nhỏ nhen, cái “ta” tham lam ích kỷ, đam mê thú
vui trần tục, không dám hy sinh quyền lợi cá nhân cho hạnh phúc của kẻ khác thì
rất khó để thực hành tình thương rộng lớn này. Mặc dù không dễ làm ngay tức
khắc, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể bất đầu luyện tập từ từ để
dẫn đến kết quả được.
Chúng ta khởi sự thực tập như thế nào?
Trước hết chúng ta cần diệt những
trở ngại lớn lao cho sự phát triển lòng từ bi là tâm oán thù và sân hận. Đây là
hai ác tính độc hại nhất thường nằm sẵn trong tâm mọi người, nhưng chúng ta có
thể kiểm soát. Chúng ta không những chỉ cần có lòng từ bi mà còn phải có trí
tuệ và hạnh nhẫn nhục. Chúng là những phương thuốc hữu hiệu nhất có thể chữa
trị đoạn diệt lòng sân hận nơi tâm chúng ta. Nhưng rất tiếc, nhiều người đã
nhận thức sai lầm cho rằng thực hành các đức tính trên là dấu hiệu của sự yếu
hèn và nhu nhược. Trái lại, tôi vẫn tin nhẫn nhục là điều rất khó làm, đòi hỏi
nơi hành giả một ý chí dũng mảnh. Bản chất của lòng từ bi mặc dù là hiền lành
mềm mỏng và dịu dàng, nhưng nó cũng là một sức mạnh.
Thêm nữa, thiếu nhẫn nhục con
người sẽ sống trong tình trạng lo âu và bất hạnh. Do đó, khi phát khởi tâm sân
hận, theo tôi là dấu hiệu yếu kém. Cho nên khi gặp chuyện bất hòa, xung đột với
ai, bạn nên cố gắng kềm chế sự nóng giận hết sức bình tĩnh, giải quyết vấn đề
với lòng từ bi để tránh sự đổ vỡ. Ngay trường hợp kẻ có tâm xấu ác muốn làm hại
bạn cũng sẽ không thành công mà kết quả là họ chuốc lấy sự thất bại mà thôi.
Cho nên muốn diệt trừ tính vị kỷ, đố kỵ chúng ta cần phải thực hiện lòng từ bi
để giúp cho người khác tránh được sự đau khổ do hậu quả gây nên bởi việc làm
sân hận của họ. Do đó, nhờ biết thực hành hạnh nhẫn nhục mà chúng ta tránh được
sự lo âu phiền não; có được sự an lạc và hạnh phúc.
Bạn và thù
Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến lòng từ
bi không thôi thì chưa đủ, mà chúng ta cần mong gặp hoàn cảnh thuận lợi để thực
hiện, phát triển tình thương rộng lớn đó. Và ai sẽ là người giúp chúng ta tạo
cơ hội ấy? không phải bạn mà là kẻ thù của chúng ta. Chính họ là những người đã
gây khó khăn nhiều nhất cho chúng ta: Do đó, nếu muốn học hỏi, thực hành hạnh
từ bi chúng ta không xem họ như những người bạn mà là thầy của chúng ta. Muốn trải
tình thương rộng lớn đến mọi chúng sinh, chúng ta nên thực hành đức tính khoan
dung, từ bi và hỷ xả; do đó, chúng ta cần đến các kẻ thù. Bởi vậy chúng ta hãy
cám ơn những kẻ thù vì họ đã giúp chúng ta giữ được cái tâm thanh tịnh an lạc.
Và trong nhiều trường hợp cá nhân, cũng như tập thể, khi chúng ta thay đổi hoàn
cảnh sinh sống, kẻ thù có thể trở thành bạn.
Cho nên tính nóng quận và lòng
sân hận luôn luôn là những ác tính độc hại, và trừ khi chúng điều phục làm chủ
được cái tâm của mình để diệt trừ, còn không thì chúng sẽ tiếp tục gây phiền
não và ngăn chặn mọi nỗ lực tu tập mang lại sự an lạc cho chúng ta. Bởi vậy, sự
giận dữ và lòng sân hận chính là kẻ thù của chúng ta. Chúng là những ác tính
chúng ta cần khắc phục và loại bỏ, không chỉ nhất thời mà phải thường xuyên
liên tục trong suốt cả cuộc đời của chúng ta.
Hẳn nhiên là tất cả chúng ta ai
cũng có nhiều bạn. Và tôi thường nói đùa rằng nếu bạn ích kỷ muốn thủ lợi riêng
cho mình thì nên có lòng vị tha. Bạn hãy thương yêu kẻ khác, phục vụ và giúp đỡ
cho họ. Bạn cần giao hảo, vui cười và kết thân với mọi người. Được vậy thì khi
bạn gặp khó khăn, bạn sẽ có người giúp đở. Trái lại nếu chúng ta không bao giờ
nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác thì về lâu dài chúng ta sẽ là người bị mất mát
và thua lỗ. Không bao giờ những sự cải vả, giận dữ, tranh chấp và đố kỵ có thể
mang lại tình bạn thân hữu giữa con người. Mà chỉ có lòng khoan dung tha thứ và
hỷ xả mới giúp chúng ta kết thân, gần gũi và yêu thương nhau.
Trong xã hội vật chất ngày nay
nếu chúng ta có tiền và quyền lực, chúng ta sẽ có nhiều bạn. Nhưng chúng không
phải là bạn chân thật mà là bạn của tiền bạc và thế lực của chúng ta. Khi chúng
ta nghèo khổ, mất hết địa vị uy quyền những người bạn đó sẽ bỏ rơi chúng ta.
Trong cuộc sống nếu không có biến cố hay tai nạn gì xãy ra, con người thường
nghĩ rằng mình có thể tự lo được, không cần đến ai; nhưng khi hữu sự gặp khó
khăn, thiếu thốn, hay bệnh tật con người cảm thấy cô đơn và cần phải nhờ đến sự
giúp đỡ của kẻ khác. Do đó, để chuẩn bị cho giờ phút lâm nguy ngặt nghèo sẽ có
người chăm sóc giúp đỡ cho mình thì ngay hôm nay, chúng ta nên kết bạn thân,
đối xử tốt và có lòng vị tha cứu giúp mọi người.
Đôi lúc, người ta cười chế nhạo
khi nghe tôi nói tôi muốn có nhiều bạn thân hơn và tôi yêu nụ cười của thiên
hạ. Cho nên tôi phải biết nghệ thuật sống cách nào để có thêm bạn bớt thù và
làm sao tôi có thể giữ mãi nụ cười trên môi khi tiếp xúc với mọi người, đặc
biệt là nụ cười hỷ xã của tình thương. Trong cuộc sống giao xếp hàng ngày,
chúng ta bất gặp nhiều nụ cười khác nhau của thiên hạ: có nụ cười chua chát,
giả đối hay xã giao. Đôi khi nụ cười bày tỏ sự bất mãn, gây nên nghi ngờ hay sợ
hãi cho kẻ khác. Tuy nhiên cũng có những nụ cười mang lại niềm vui của sự an
lạc và giải thoát: đó là nụ cười từ bi hỷ xã của chư Phật và Bồ Tát. Ðây là
những nụ cười mà chúng ta nên cố gắng thực hiện để mang lại hạnh phúc cho mọi
người.
Tình thương và Thế giới
Chúng ta cần chia sẻ tình thương
với tất cả mọi người, cho nên bất cứ ai chúng ta gặp, dù trong hoàn cảnh nào,
chúng ta đều xem họ như những bậc cha mẹ và anh chị hay em của chúng ta. Chúng
ta không quan tâm về khuôn mặt của họ là mới hay cũ; lạ hay quen - họ mặc y
phục như thế nào, đẹp hoặc xấu, rẻ hay đắc tiền; và tính tình của họ ra sao,
hiền lành hay dữ tợn, chúng ta vẫn thấy không có gì sẽ khác giữa họ và chúng ta
thật là điều sai lầm khi chúng ta có ốc kỳ thị, phân biệt giữa chúng ta với mọi
người; hoặc giữa người này với người kia, vì như đức Phật đã dạy rằng tất cả
mọi người chúng ta đều có Phật tính, hay khả năng thành Phật giống nhau.
Sau hết, toàn thể nhân loại là
một và quả đất nhỏ chúng ta đang sống là ngôi nhà chung của chúng ta. Nếu chúng
ta muốn bảo vệ căn nhà nhân loại này, mỗi chúng ta cần thực hiện tình yêu
thương con người trên toàn thế giới. Được vậy, chúng ta mới có thể diệt trừ hết
lòng tham, tính vị kỷ nơi con người, nguồn gốc gây ra mọi khổ đau cho nhân loại
qua những cuộc xung đột xâm lăng và chiến tranh vì quyền lợi của con người. Nếu
các bạn có một tấm lòng thành thực và rộng mở, chẳng bao giờ gây oán thù với ai
tâm bạn sẽ bình an không lo sợ bất cứ người nào làm hại đến mình.
Tôi tin rằng mọi người sống trong
xã hội, cho dù ở phạm vi gia đình, bộ tộc, quốc gia hay quốc tế; chìa khóa hay
bí quyết mang lại cho thế giới con người có đời sống tốt đẹp, an lạc và hạnh
phúc hơn hiện nay, là sự áp dụng, thực hành và phát triển của tình thương.
Chúng ta không cần phải theo một tôn giáo ý thức hệ hay chủ thuyết chính trị
nào; điều căn bản là chúng ta nên tu tập và thực hành các tính thiện nơi mỗi
con người chúng ta, tôi thường cố gắng đối xử với bất cứ người nào tôi mới gặp
họ lần đầu tiên đều giống như một người bạn cũ tâm tình thân quen. Điều này đã
mang lại cho tôi một nguồn hạnh phúc vô biên. Đó là sự thực hành đức tính từ bi
hỷ xã của đức Phật.
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Dịch thuật: Hòa Thượng Thích Trí
Chơn