Bốn điên đảo

Đức Phật dạy, người thế gian có 4 thứ điên đảo trong tư tưởng.

1. Vô thường mà lầm tưởng là thường:

Vô thường là không đứng yên, là luôn biến đổi.

Vô thường gồm có cảnh vật vô thường, thân vô thường và tâm vô thường.

Cảnh vật luôn đổi thay.

Cảnh vật tác động tới tâm người bình thường.

Vì vậy màu sắc tươi, sáng, thường kích hoạt giác quan hưng phấn.

Màu xám, màu tối thường có tác dụng ngược lại.

Khi buồn, người ta thường đi dạo chơi đây đó (tức thay đổi cảnh vật trước mắt) để nỗi buồn vơi đi.

Cảnh vật cũng có tác động thay đổi tâm trạng.

Thân ta gồm ĐẤT (chất liệu cứng), NƯỚC (chất lỏng), LỬA (nhiệt hay năng lượng giải phóng trong cơ thể) và GIÓ (hơi thở, chất khí lưu hoạt), gọi tắt là Tứ Đại.

Chúng ta lớn lên chính là Tứ Đại trong thân vay mượn Tứ Đại ngoài thân, mà có vay thì có trả.

Ví dụ:

Uống vào 2-3 tách trà nóng (vay Nước), lát sau mồ hôi toát ra (trả lại Nước).

Chiếc giỏ đi chợ đựng đồ, đem về nấu nướng, chúng ta ăn vào (vay Đất) rồi lại trả ra…

Mỗi lần vay trả, chúng ta giữ lại một ít và vì vậy cơ thể tăng trưởng.

Đến lúc vay mà không trả được, hay Tứ Đại lộn xộn, mất thế cân bằng thì phát sinh bệnh.

Ví dụ:

Đi ngoài trời nóng lâu mà không uống đủ nước, tức Lửa nhiều mà Nước ít, nên sanh chóng mặt, hoa mắt, ù tai, trán nóng…

Hoặc chúng ta dầm mưa quá lâu, Nước quá nhiều, làm chúng ta cảm lạnh, người muốn nhũn ra.

Đến lúc không vay được Gió nữa (tức thở ra mà không hít vào được) thì chúng ta hoàn trả Tứ Đại trong thân về Tứ Đại ngoài thân.

Rõ ràng thân là một sự vay trả Tứ Đại không ngừng, nhưng chúng ta lầm tưởng nó là bền vững, là lâu dài.

Tâm người phàm thường sớm nắng chiều mưa, nay yêu mai ghét, lúc sắc đẹp đáng yêu thì nâng niu chìu chuộng hết mực, lúc sắc phai tàn hoặc lúc đã thỏa mãn rồi thì xem thường sắc cũ tìm đến sắc mới, nhưng chẳng nhìn lại sắc của chính mình sớm muộn gì cũng đến lúc phải phai tàn.

Trong một ngày, có biết bao sự thay đổi trong tâm trạng.

Tâm người phàm luôn tìm kiếm một đối tượng, lìa đối tượng này, lại tìm đến đối tượng khác, nói khác đi, trong đầu luôn diễn ra hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, hết hình ảnh này đến hình ảnh khác…

Vì vậy đức Phật ví điều này như “tâm viên ý mã”

(Tâm như vượn lăng xăng, ý như ngựa dong ruỗi)

Vậy mà các cặp nam nữ lúc mới yêu nhau thề non hẹn biển, tưởng rằng bền duyên giai ngẫu đến đầu bạc răng long.

Tại sao các bậc cha mẹ thời xưa có không ít cặp duy trì được việc sống chung đến già?

Người xưa thường phải vất vả mưu sinh giải quyết nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại…đã chiếm gần hết thời gian, đã vô hình trung không để đầu óc trống không và đỡ lâm vào tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”, “ăn no rững mỡ”…

Hơn nữa phương tiện thông tin truyền hình, truyền thanh không nhanh chóng và nhiều vô kể như hiện nay và ít gieo vào đầu óc họ chuyện nọ chuyện kia, hình nọ hình kia… lung tung như xã hội hiện đại.

Hơn nữa, lúc ấy, dân cư thưa thớt, đất rộng người thưa, người ta thường tìm đến nhau để nương tượng nhau và vì vậy quý mến nhau.

Còn thời nay thì ngược lại, “ngựa xe như nước áo quần như nêm”, xe cộ ngược xuôi tất bật, vật chất phong phú, khuyến khích hưởng thụ, ít khuyến cáo lễ – nghĩa – liêm – sĩ , coi đồng tiền là trên hết, lấy đó để thỏa mãn nhu cầu bản năng càng nhiều càng tốt, làm đầy tớ cho chủ nhân DỤC VỌNG sai khiến…đến lúc chẳng xứng ý vừa lòng thời mới thấy KHỔ.

Thực ra, Vô Thường đồng nghĩa với phân ly, tan rã, hoại diệt.

Mà phân ly, tan rã, hoại diệt thì gọi là SƯỚNG sao? CẢNH VẬT, THÂN và TÂM đều là những thứ vô thường.

Mỗi một đơn vị thời gian trôi qua là chúng ta đang tiến thêm 1 vạch đến gần NGHĨA TRANG hơn, nhưng chúng ta vẫn chẳng hay biết như đứa trẻ thơ ham chơi trong căn nhà đang cháy.

Chính vì vậy đức Phật cảnh báo cho ta biết điều đó, để ta hướng tìm sự tĩnh tâm, sáng suốt, rèn tâm luyện trí, nhằm đạt tới trạng thái làm chủ lấy tâm mình, để có sự an lạc CHƠN THƯỜNG.

2. Bất tịnh (không sạch) mà lầm tưởng là tịnh

Cái thân chúng ta thực chất là 1 cái đãy da (túi da) lớn có 9 lỗ đựng đủ thứ đồ dơ bẩn gồm máu, mủ, nước miếng, mồ hôi, chất nhầy, nước tiểu…chỉ cần xẻ lớp da ra thì bao nhiêu thứ tuôn ra chẳng muốn nhìn.

Cứ nhìn một vụ tai nạn xe đụng chết người thì sẽ rõ.

Đàm nhớt khi khạc ra, chẳng muốn nhìn lại, huống gì là muốn liếm lại, nhưng lúc còn bên trong, nuốt xuống thì chẳng hề gì!

Ví dụ, ta đang ngồi, có một người tặng cho ta một món quà rất đẹp, bên ngoài gói giấy hoa ướp hương thơm, ta cảm thấy rất khoái chí.

Nhưng nếu biết bên trong là 1 cái bịch gói thật kín nào là nước tiểu, phẩn, những thứ nhơ bẩn…thì chắc là ta muốn vứt quách nó đi cho rồi, càng sớm càng tốt.

9 lỗ cống thải ra những chất nhơ bẩn nhất của chúng ta là:

Hai mắt thải ra ghèn, hai tai chứa cứt ráy, hai lỗ mũi chứa cứt mũi, miệng thải nước miếng, đàm nhớt, lỗ tiểu, lỗ tiện.

Nhưng chúng ta luôn lấy CÁI ĐÃY DA đó làm thứ đáng yêu vì nhận lầm nó là sạch, đẹp.

Bởi vậy, đức Phật luôn cảnh giác: con mắt thường hay lừa gạt chúng ta.

Thân chúng ta rất mau dơ bẩn, nên hàng ngày phải tắm rửa, thoa dầu gội, ướp hương thơm.

Nếu sạch, thơm thì đã chẳng cần tắm, gội.

Xét kỹ, thân chúng ta chẳng khác 1 cái bô lớn, 1 thùng rác lớn đậy rất kín, bề ngoài sơn và trang trí rất đẹp đang di chuyển.

Nhưng chúng ta rất thích chí khi hôn hít vào đó và khi nó rời đi, chúng ta lại nhớ nó!

Không điên đảo thì là gì?

Lúc lìa hơi thở, môi tái thân tím, vài ngày thủ lễ là tranh thủ nhanh nhanh mang đi xa đem chôn sâu dưới lòng đất hoặc đem đốt.

Nếu để y nguyên 1 tuần, 1 tháng, có người nào dám ôm hôm thắm thiết cái thây ngày nào là “người yêu dấu đầu gối tay ắp”, hay mũi phải vội bịt, mắt phải vội nhắm vì thối tha và ghê tởm?

Thây người chết là cực kỳ đáng ghê sợ!

Nhưng lúc nó còn biết nói, biết cười thì ta “trăm thương ngàn nhớ”!!!

3. Khổ mà lầm tưởng là sướng

Đã sinh ra có thân, tất có khổ.

Thân, tâm và cảnh đều vô thường đã là khổ.

Để cụ thể hóa, dễ hình dung những nỗi khổ của kiếp nhân sinh, đức Phật nói thế gian có 8 thứ khổ:

Sinh – Lão –Bịnh – Tử

Cầu bất đắc – Oán tắng hội – Ái biệt ly – Ngũ uẩn

Lúc sinh ra, nếu sướng thì bé đã chẳng khóc; nếu hơi im im, cô y tá vỗ mông một cái thì cũng phải đau mà khóc.

Khổ vì Già, Bịnh, Chết thì khỏi phải nói.

Muốn mà chẳng được như ý, gặp người ghét mình, xa lìa người mình yêu đều là khổ cả.

Con người gồm 5 cấu thành:

Sắc (phần cơ thể vật lý, sinh lý ta thấy được)

Thọ (cảm giác)

Tưởng (ý tưởng)

Hành (là sự vận hành liên tục của các hệ thống tuần hoàn, thần kinh, hô hấp…)

Thức (nhận biết, nhận thức)

Vì cấu thành thì sẽ có lúc tan rã, sẽ khổ, ngay cả lúc mất quân bình, mất bình thường, cũng đã khổ.

4. Vô ngã mà lầm tưởng là ngã

Ngã là tính làm chủ, tính điều khiển, tính không phụ thuộc, tính tự tồn tại…

Nếu có ngã, tức “cái ta này” là chủ.

Thử hỏi: ngay cái thân ta, muốn nó chẳng già, muốn nó chẳng bệnh, muốn nó trẻ mãi, muốn nó sống mãi… thảy đều chẳng được.

Muốn nó ngừng tiểu, muốn nó ngừng tiêu, muốn nó không thở… thảy đều chẳng được.

Chẳng sai khiến được đầy tớ thì sao gọi là chủ?

Thân này là sự kết hợp của Tứ Đại và phụ thuộc và các điều kiện khác, sao gọi là tự tồn tại, là chủ?

Mà đã không tự chủ được thì tức là không có Ngã.

Cái mà đang hiện hữu “dường như là ngã, dường như có ngã” thực ra là tính chấp Ngã.

Tính này thâm căn cố đế nhiều đời nhiều kiếp trở thành nhận thức sai lầm, tạo nghiệp liên tục và chiêu lấy nghiệp báo liên tục, bỏ thân này lập thân khác liên tục.

Lời kết:

Vạch ra 4 thứ điên đảo, đức Phật muốn chúng ta nhận thức thật rõ ràng 4 vấn đề sai lầm phổ biến của chính chúng ta.

Đối lập với 4 thứ này, đức Phật lại chỉ ra 4 thứ có đặc tính – Thường, Lạc, Ngã, Tịnh – của trạng thái thoát khỏi khổ, thoát khỏi luân hồi tái sanh.

Vì nhận rõ mình đã và đang lạc đường thì mới chú tâm đi tìm con đường đúng để đi (con đường Bát Chánh Đạo).

Như vậy, chúng ta thường phải tâm tâm niệm niệm tránh 4 thứ ĐIÊN ĐẢO mà đức Phật đã cảnh báo./.

Nguyễn Huỳnh Thụy
Previous Post
Next Post