Tản mạn về cuộc đời

Chúng ta vẫn luôn hoạch định cho mình theo kiểu “Tôi sẽ sống tới 100 tuổi, hay đại loại như thế”. Và sau đó thì chúng ta sử dụng thời gian và sức lực của mình vào những thứ hết sức vô nghĩa đối với sự sống của chính mình. …Vậy nếu chỉ còn một ngày để sống, câu hỏi này liệu có được bạn đặt ra “Bạn sống để làm gì?”

Cái chết và sự đi tìm mục đích cuộc đời

Tháng Tư, với mình là tháng của sự sống và cái chết. Là tháng của sự ra đi và ở lại. Của suy niệm. Tháng Tư là tháng có sự ra đi của bà nội và em gái. Cũng là tháng có ngày sinh của em mình, của mình. Mình lại đọc báo thấy có người từng yêu nhau rồi lấy đi mạng sống của nhau. Mình muốn viết điều gì đó về cái chết. Cái chết, chứ không phải là sự sống. Và đây là những hiểu biết của mình.

Như thế nào là một cái chết?

Cái chết là một khoảnh khắc chuyển giao của hai trạng thái hiện hữu.

Nhìn bao quát, những gì đang diễn ra thực chất là một chuỗi những sự chuyển tiếp liên tục, không ngừng giữa sự sống và cái chết. Chúng diễn ra nhanh hơn cả một cái chớp mắt nên không ai có thể bắt kịp sự chuyển hóa đó. Một tế bào sinh ra, một tế bào mất đi, một trạng thái cũ mất đi, một trạng thái mới sinh ra …

Cái chết của một con người, hay của một sinh linh – đó là lúc mà người thuyền trưởng rời khỏi con tàu của mình để sang một con tàu khác trước khi nó đâm vào một vách đá. Là khi mà trên màn hình ti vi chuyển từ việc kết thúc bộ phim này để sang một bộ phim mới. Vì trong tâm thức mình, con người không nhận biết được sự sinh ra và mất đi liên tục của các trạng thái, do quá trình nhận biết một cách chậm chạp nên họ ghi nhận những thứ tưởng như cố định. Và Ý niệm về bản thân cũng trở nên cố định. Trong ý niệm về bản thân, có ý niệm về việc coi thân xác này là mình, chứ không phải là sự hiện hữu của mình. Và sự chết đi bàn đến trong bài viết này là sự chết đi của thân xác đó. Tức là chết đi trong hệ quy chiếu của ý niệm.

Việc chuyển đổi trạng thái từ sự sống sang cái chết là một quy luật tự nhiên, nó không tạo ra hạnh phúc hay đau khổ. Tuy nhiên, do con người cho rằng thân xác này chết là mình chết nên họ phát sinh đau khổ. Và người nào càng quyến luyến với sự sống thì sự cưỡng lại với cái chết càng mạnh mẽ, sự cưỡng lại càng mạnh mẽ thì sự đau khổ càng lớn.

Khi một người ý thức được rằng mình sẽ chết, ngoại trừ người đã có sự hiểu biết thật sự về sự sống và cái chết thì những người còn lại đều có thể trải qua các giai đoạn sau:

1. Không chấp nhận, chối bỏ “Không thể như thế được, đây là một sự nhầm lẫn”

2. Đau khổ, than vãn, thấy mình là nạn nhân “Tại sao lại là tôi ?”

3. Nghĩ tới cái chết của mình với những hệ lụy “Khi tôi ra đi gia đình tôi sẽ ra sao, công việc tôi sẽ ra sao…?”

4. Chấp nhận “Tôi sẽ chết”

5. Hướng về những gì có thể làm được “Những ngày cuối cùng tôi có thể làm được gì cho tôi với những điều quan trọng của tôi?”

Ý nghĩa của cái chết

Đối với sự trưởng thành của nhận thức, cái chết xuất hiện là một bài học, một chỉ báo về quy luật. Quy luật của sự sinh ra và mất đi. Cái gì sinh ra, cái đó sẽ mất đi. Chấp nhận quy luật này sẽ mang đến hạnh phúc, cưỡng lại quy luật này sẽ mang đến đau khổ. Vì đã nói đến quy luật là nói đến cái tồn tại ngoài thế giới chủ quan. Không có một sức mạnh nào có thể thay đổi nó. Nên nếu không chấp nhận nó thì chỉ sẽ dẫn đến sự bất toại nguyện, sự bất toại nguyện sẽ dẫn đến đau khổ.Tuy nhiên, không phải ai cũng học được bài học này. Cho nên khi đối diện với cái chết họ đầy sợ hãi và níu kéo. Cho dù là cái chết của mình hay người khác.

Sẽ đến một lúc nào đó, con người cần phải nhận ra: Mình cần biết về quy luật để sống với quy luật, sử dụng quy luật chứ không phải là tạo ra những nhận thức trái với quy luật, khư khư sống theo ý riêng của mình. Đời sống của một người thuận theo quy luật như con thuyền lựa hướng gió mà xuôi, đời sống người cưỡng lại quy luật như chèo thuyền trên vách đá. Sức mạnh của một người được tạo nên từ việc sự thấu hiểu và sống với quy luật khách quan chứ không phải là tạo ra những định kiến chủ quan rồi áp đặt vào thế giới.

Mở rộng ra, một mối quan hệ kết thúc – đó là một cái chết. Một niềm tin tan vỡ – đó là một cái chết. Một hi vọng bị sụp đổ – đó cũng là một cái chết. Sự thất bại, sự bị chối từ, sự đổ bể … là những cái chết đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, thái độ đối với nó của mỗi người rất khác nhau.

Vậy Tôi sinh ra trên đời này để làm gì?

Còn có một bài học khác. Một bí mật của cuộc sống và nó liên quan đến mục đích cuộc đời. Đó là sự hiểu biết về bản thân. Chưa cần chết đi, bạn vẫn đã có thể biết rằng cái chết sẽ xảy đến. Chưa cần già đi, nhưng bạn vẫn biết rồi mình sẽ già. Sự đổi thay liên tục đang luôn xảy ra trên cái thân thể mình vẫn gọi là mình. Sinh ra, đổi thay, và mất đi. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, là tại sao bạn lại luôn có cảm giác mình chỉ luôn là một người cố định? Ẩn sâu sau câu hỏi này, nếu như bạn tìm kiếm, bạn sẽ tìm thấy một sự thỏa mãn cho cuộc sống của mình – và đó chính là mục đích mà một cuộc đời cần đạt đến.

Mục đích cuộc đời không phải là một ý tưởng, một suy nghiệm, một nhận thức do mình tạo ra để định hướng cho tương lai của mình. Cuộc đời – là một quá trình tình từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Mục đích cuộc đời là đích đến cho toàn bộ quá trình đó. Một đích đến của tự nhiên, đã được có sẵn, là động lực cho cả một hành trình sống và sau nữa. Chúng ta không tạo ra nó. Chúng ta chỉ khám phá ra nó mà thôi. Và hãy nhớ, nó không phải một ý tưởng.

Trên định nghĩa về mục đích cuộc đời như vậy. Chúng ta có thể khám phá về nó trong toàn bộ hoạt động sống của mình. Mục đích cuộc đời là động lực chi phối toàn bộ đời sống của ta một cách rất sâu kín và vô thức. Khi chưa biết đến nó, chúng ta vẫn đang trong cuộc hành trình để đạt đến nó. Tuy nhiên, do là một sự chí phối vô thức, ý thức không biết đến nên chúng ta không tập trung đi giải quyết nó một cách có kế hoạch. Vậy vấn đề là làm sao chúng ta tìm thấy nó, ý thức về nó, lập kế hoạch để đạt được nó.

Cách thức khám phá mục đích cuộc đời dựa trên nguyên tắc tìm nguyên nhân của nguyên nhân trong tư duy đột phá. Khi chúng ta biết rằng toàn bộ hoạt động sống của chúng ta là thực hiện nó thì chính những hoạt động sống (bất kỳ hoạt động nào) đều là cánh cửa để chúng ta tìm về với nó.

Nếu bạn quan tâm đến điều này, hãy thực hiện quá trình khám phá như sau:

Bước một: Tìm ra một vài hoạt động thường ngày của bạn (đi học, đi chơi, chơi game, gãi đầu, tắm …)

Bước 2: Dưới mỗi hoạt động hãy ghi ra lý do “ … để làm gì?” (mình đi học đề làm gì, gãi đầu để làm gì, …)

Bước 3: Dưới mỗi câu trả lời hãy tiếp tục đặt câu hỏi “… đề làm gì?”

Bước …

Bước n: Cho đến khi tất cả đều hội chung lại ở tại một câu trả lời chung. Tức là khi bạn tìm hiểu hoạt động gì của bạn (bất kỳ) thì nguyên nhân cuối cùng mà bạn tìm thấy đều hội tụ ở duy nhất một điểm. Đó chính là mục đích cuộc đời của bạn. Sẽ đến một lúc bạn à ra, thì ra là như vậy … lúc đó những mục đích khác bạn muốn đạt tới mà không phải là con đường đi thẳng đến mục đích này sẽ mất ý nghĩa và được bạn xem xét lại. Lúc đó, bạn mới bắt đầu nhận ra điều gì là thật sự có ý nghĩa với cuộc đời mình.

Sau khi nhận ra mục đích cuộc đời, bạn mới biết được sứ mệnh của bạn. Sứ mệnh là tâm nguyện, là mong muốn mà bạn muốn mang tới cho cộng đồng những giá trị và lợi ích. Chỉ khi nhận ra mục đích cuộc đời thật sự bạn mới có sứ mệnh thật. Còn trước đó, mọi mục đích và sứ mệnh đều là ảo tưởng của bạn mà thôi.

Nếu chỉ còn một ngày để sống …

Mình từng trải qua sự ra đi một cách đột ngột của em gái mình. Ngoảnh mặt đã không còn nhìn thấy nhau nữa. Nhưng trước đó cả em mình và gia đình mình đều hoạch định tương lai của em mình như thể em sống đến 100 tuổi vậy. Nếu em có thể biết được đó là ngày cuối cùng, thì có còn thức dậy 4h sáng để giải toán, ngủ gục trên bàn học lúc 12 giờ khuya trên cuốn giải đề thi đại học môn lý, có trăn trở vì sắp tới mình có thi đậu đại học không, có buồn khổ vì hôm nay ở lớp kiểm tra điểm không như mình muốn … có buồn vì lúc nãy mẹ vừa nặng lời …

Trên thực tế phần lớn chúng ta không biết trước được cái chết của mình. Và chúng ta vẫn luôn hoạch định cho mình theo kiểu “Tôi sẽ sống tới 100 tuổi, hay đại loại như thế”. Và sau đó thì chúng ta sử dụng thời gian và sức lực của mình vào những thứ hết sức vô nghĩa đối với sự sống của chính mình. Một ví dụ rõ thấy nhất là ngay bây giờ, bạn đặt bút xuống và ghi ra những điều bạn đang định làm, sẽ làm … rồi sau đó ghi tiếp vào dưới đó những điều bạn sẽ thực hiện nếu hôm nay là ngày cuối cùng bạn sống. Chắc rằng chúng sẽ khác nhau nhiều lắm.

Vậy nếu chỉ còn một ngày để sống, câu hỏi này liệu có được bạn đặt ra “Bạn sống để làm gì?”

Hoang mang trước cuộc đời
Đã lâu rồi, từ cái thời điểm nào đó không có dấu ấn cụ thể trong cuộc đời mình sống, tôi đã cứ mỗi ngày dần thu hẹp cái thế giới mà vốn dĩ không hề rộng. Tôi thu hẹp dần những mối quan hệ lại cho những mối quan hệ không hề nhiều của mình. Chẳng phải vì một nỗi niềm riêng tư nào cả, chỉ vì vốn đã sinh vào cái thời khắc ấy, sống như thế ấy, trải qua những chuyện như thế ấy, thì bỗng dưng con người đã trở nên như vậy, tư duy tình cảm, lý trí và cách yêu thương, cách có những xúc cảm đã ăn sâu vào máu thịt mình như thế.

Và như thế, đôi lúc cảm thấy mình đang đứng xa rời với cuộc đời, đứng xa rời với cái quỹ đạo mà xã hội đang lao mình chuyển theo, xa rời với những mục tiêu mà con người đang dốc hết mình ra để đạt lấy. Không cần ngoảnh đầu nhìn lại, không cần cố nhào mình về phía trước để tìm kiếm, chỉ cần chút khoảng lặng, lặng im nhìn đời, lặng im nhìn người, nhìn thấy toàn cảnh một bức tranh mà dường như không có gam màu sắc của mình, để có những suy nghĩ riêng. Cái phù phiếm, cái hư danh, những cái ngắn ngủi, chớp nhoáng gấp gáp trôi qua nhanh trong đời người, giành giật, ganh đua rồi lại từ bỏ, rồi lại đến lúc cảm thấy mọi thứ vô nghĩa rồi lại lao đi theo những thứ khác mà mình tưởng mình cần.

Trong đời người ngắn ngủi mấy mươi năm, có bao nhiêu lần, người ta bỗng dừng lại trên những cuộc đua, những xô bồ hối hả của dòng đời để tự hỏi mình ý nghĩa của từng thứ, tự hỏi về xúc cảm thực sự trong lòng mình (ta có đang hạnh phúc không? Ta đang đau khổ, phải chăng?), hỏi về những điều mình đang làm, suy nghĩ lại về những được mất. Những khoảng lặng ấy làm cho con người ta thay đổi, mà thay đổi chẳng có nghĩa là trưởng thành hơn hay tốt hơn. Chính những giây phút khoảng lặng ấy, đôi khi biến người ta thành con người khác, xấu xa hơn, ích kỉ hơn, cay nghiệt hơn.

Có lúc, tôi đã thốt lên rằng: “Thượng đế ơi! Sao người lại sinh ra nhiều người tốt đến như thế trong cái xã hội bé cỏn con, chật chội dưới gầm trời này để cho họ phải chèn ép nhau, họ phải ganh đua nhau, họ phải hạ bệ nhau, mạt sát, sỉ nhục nhau, dẫm đạp lên nhau, đôi khi là giết chết nhau cho những lợi ích của mình với lời biện minh chỉ dành cho người tốt.” Cách đây vài tháng, tôi cho rằng những hành động ganh đua của con người đều là do bản ngã của họ quá cao mà có. Họ đặt bản ngã của họ cao hơn người khác nên luôn thấy mình tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn. Họ coi thường người khác, coi những kẻ khác là vô giá trị, những thành quả người khác được hưởng là do may mắn mà không mảy may nghĩ đến những nỗ lực. Kẻ chưa gieo mầm, chưa tưới cây đi ghen tỵ với những kẻ ngồi bóng râm, ăn quả ngọt. Có đáng hay không?

Tôi đang rơi vào cái khoảng chông chênh, hoang mang bước trên con đường đầy những mấp mô mà những giá trị dường như đang bị đảo lộn. Con người cũng sống theo cái kiểu bầy đàn, thấy cả đàn lao đi là lao đi, chẳng dừng lại suy nghĩ để biết hướng mình đang chạy về là sông hay là biển. Tôi đang quay cuồng giữa dòng người đang hối hả lướt qua nhau vì những giá trị sống không thực của mình. Ai đang sung sướng vì khổ đau của người khác? Ai đang thầm cầu nguyện cho người khác bị dập vùi? Ai đang cố đẩy con người ta đến tận cùng mà không ngóc lên được? Ai? Chẳng phải đó đều là những người tự bản thân cho rằng mình tốt đẹp, mình tài giỏi ấy sao? Thấy buồn lòng!

Người ta đang biện minh cho cái sự chưa đẹp của mình bằng cách làm xấu hình ảnh người khác, suy nghĩ xấu về kẻ khác, như thể khi có kẻ xấu xa hơn mình thì mình cũng tự khắc đã đẹp, hay đẹp hơn nhiều kẻ để lấy thế mà tự hào. Tôi quay cuồng trước những đen trắng không còn là hai màu phân biệt. Kẻ nói cười trước mặt chưa chắc đã là kẻ cười bằng ánh mắt, chưa chắc bàn tay đã ấm khi họ giả vờ đưa tay ra nắm lấy tay mình. Tôi như con thú hoang, sợ hãi đứng nhìn những con thú hoang khác đang hồn nhiên lao đi. Cái cách sống bản năng trong tôi làm tôi hoảng sợ!

Phải, hoảng hốt vô cùng trước những gì diễn ra trước mắt. Lẽ nào cứ dần thu hẹp thêm cái thế giới vốn dã nhỏ của mình, thu hẹp dần những mối quan hệ vốn đã ít ỏi của mình. Tưởng mình mạnh mẽ và nhiều bản lĩnh lắm, cuối cùng cũng phải níu lấy tay áo của một người và nhìn bằng ánh mắt hoang mang, níu ướt: “Thì ra, em cũng mong manh lắm, phải không anh? Mong manh đến độ hoảng sợ trước những điều mà người ta coi là tất nhiên còn em lại chưa thể nào chấp nhận nổi” Cái run rẩy này không phải chỉ một vòng tay ôm hay một sự yêu thương là đủ để cứng cáp, lấp đầy. Mẹ ơi! Trưởng thành có nghĩa là phải biết chấp nhận tấn trò đời này và sống như những con người tốt đẹp kia đang sống thì mới có thể sống được sao hả mẹ?
Previous Post
Next Post