
Dục vọng đang thúc đẩy thế giới
này, khiến thế giới này mỗi ngày đang tiến bộ. Tiến bộ đến cuối cùng thì như
thế nào? Thế giới hủy diệt, cùng đi vào chỗ chết. Cho nên bạn thử nghĩ, Phật
dạy chúng ta buông xả, dạy chúng ta quay đầu là có đạo lý hay không? Con người
cả đời dốc sức theo đuổi dục vọng, con người này thật đáng thương, cả đời không
được nghỉ ngơi. Họ có thể đạt được những hưởng thụ đó, cái hưởng thụ đó nếu
thật sự bình tĩnh mà tư duy thì lợi bất cập hại; bạn đã trả cái giá quá đắc,
thân tâm bạn có áp lực quá lớn. Đây là sai lầm.
Bạn phải biết, hạnh phúc thật sự
là buông xả dục vọng. Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta như thế nào vậy? Những
điều Phật nói với chúng ta, bản thân Ngài thật sự làm được rồi, Ngài không phải
chỉ nói mà không làm. Ngài có thể sống đời sống sung túc, Ngài xuất thân là
vương tử, có thể kế thừa vương vị, việc gì phải xuất gia? Lại việc gì phải mỗi
ngày ăn một bữa, ba y một bát, tối ngủ gốc cây, tại sao sống đời sống này? Đó
là nói cho chúng ta biết, đời sống này là đời sống hạnh phúc nhất, mỹ mãn nhất,
vui sướng nhất, vì trong tâm không có một mảy may gánh nặng, thân cũng không có
một tí gánh nặng nào, tâm địa thanh tịnh, toàn thân thanh thản, một mảy may
căng thẳng cũng không có. Đây gọi là “thần túc”, là “như ý”. Như ý thì có thể
sinh thần thông, cho nên gọi là “như ý thông”.
Sao gọi là “thần thông”? Thật ra
mà nói, thần thông là bản năng của chúng ta. Bản năng của chúng ta tại sao
không thể hiện tiền vậy? Bởi vì tâm quá căng thẳng, thân quá căng thẳng rồi.
Những thứ này vừa căng thẳng thì trí tuệ, đức năng vốn có của chúng ta thảy đều
không lộ ra được. Nếu như trong tâm không có việc gì, thân tâm thoải mái thì
trí tuệ, đức năng của bạn liền hiện tiền. Cho nên, thần thông không phải là cái
có được từ bên ngoài, mà nó vốn đầy đủ trong tự tánh.