Có thể tìm thấy động lực sáng tạo
trong mối quan hệ giữa sự sống và cái chết. Trong đó, giá trị tinh thần cao cả
nhất của cuộc sống có thể bắt nguồn từ những ý nghĩ và nghiên cứu về cái
chết...
Sinh lão bệnh tử là quy luật lẽ
thường của tự nhiên, cái chết không loại trừ bất cứ ai. Trong số những người sẽ
ra đi về cõi vĩnh hằng, có không ít người trong số họ là người thân của chúng
ta.
Con người thường lấy nước mắt để
thể hiện sự thương nhớ của mình đối với những người đã khuất. Đã là con người
ai cũng biết rồi cũng đến lúc mình sẽ “ra đi”, nhưng chỉ khác nhau ở chỗ có
những sự ra đi được báo trước và không được báo trước.
Có những điều chúng ta tưởng
chừng như ai cũng biết nhưng sự thực chưa chắc đã vậy. Có thể bạn đã biết “kiếp
luân hồi", hay "sự sống trở lại sau cái chết” nhưng để nhận thức được
sự tồn tại của đặc tính “sống” và “chết” trong bản thân của mỗi con người và
làm thế nào để cân bằng mối quan hệ giữa chúng thì không phải ai cũng biết.
Từ khi một đứa bé cất tiếng khóc
chào đời cho đến khi trở thành một ông cụ “gần đất xa trời” thì đó là cả một
quá trình dài. Theo bản năng, con người thường ý thức trước được cái chết của
mình.
Đôi lúc, khi con người ý thức
được cái chết sẽ đến với mình thì sự ra đi của họ thật thanh thản.
Theo đạo Phật Mahayana được tôn
thờ tại Nhật Bản và một số nước khác các nhà sư đôi khi biết được thời điểm họ
sẽ chết. Đó là trường hợp như nhà sư Hofaku của Đạo Phật Mahayana. Một lần ông
gọi các chú tiểu lại và nói: “Sức khoẻ của ta đang suy yếu dần, nhưng không
việc gì phải lo lắng, đây chỉ là dấu hiệu cho thấy cái chết đang đến gần”.
Các chú tiểu vội hỏi: “Thầy sắp
chết à! Chết có nghĩa là gì? Chúng ta phải tiếp tục sống. Điều đó có nghĩa là
gì?” Nhà sư trả lời: “Đó chính là hai mặt của một vấn đề, là câu hỏi mà tất cả
chúng ta đang đi tìm kiếm câu trả lời".
Các chú Tiểu lại hỏi: “Làm sao
chúng ta có thể nhận biết được hai trạng thái khác nhau như vậy? ” Đối với câu
hỏi này, nhà sư trả lời: “Khi mưa thì nước trên trời sẽ đổ xuống và sau đó trời
sẽ quang, mây sẽ tạnh trở lại”.
Nhà tâm thần học được sinh ra tại
Thuỵ Điển tên là Elisabeth Kubler-Ross – tác giả của cuốn sách “Sự sống và cái
chết” cũng đã chia sẻ quan điểm trên, bà cho rằng: “Đối với những ai đang cố
gắng tìm hiểu về mối quan hệ giữa sự sống và cái chết thì sẽ thấy cái chết chắc
chắn sẽ là một động lực sáng tạo. Giá trị tinh thần cao cả nhất của cuộc sống,
có thể bắt nguồn từ những ý nghĩ và nghiên cứu về cái chết”.
Mỗi ngày trôi qua sẽ làm cho mỗi
con người trở nên già đi, chuỗi ngày sống sẽ ngắn lại. Do vậy, điều muốn nói ở
đây chính là: mặt “sống”của con người được thể hiện qua lao động thì con người
phải biết tận dụng nó để làm lợi cho bản thân và xã hội.
Còn đối với mặt “chết” thì con
người cần phải xác định trước tư tưởng để không quá đau buồn vì điều này thể
hiện được sự ra đi phù hợp với quy luật khách quan.
Đứng trước cái chết, không nên
dùng từ “sự lo lắng” để miêu tả mà nên thay bằng “sự nhận thức” thì sẽ phù hợp
hơn. Do nhận thức được ý nghĩa của điều này mà nhà sư Hofaku đã điều phối cuộc
sống của mình sao cho phù hợp, dễ chịu hơn.
Sẽ là một ý tưởng rất hay nếu mỗi
người đều có được một đồng hồ báo thức biết nói. Vào mỗi buổi sáng, chuông đồng
hồ reo lên “Thức dậy đi, hôm nay có thể là ngày bắt đầu của chuỗi ngày chán
chường, nhưng cái chết thì có thể còn lâu mới xảy đến”.
Trong mỗi con người luôn tồn tại
hai mặt: sự sống và cái chết. Khi con người sinh ra và lớn lên cũng đồng nghĩa
với việc tiến dần tới cái chết. Do vậy, nếu tất cả mọi người đều hiểu được sinh
tử là quy luật tự nhiên thì họ sẽ sống tích cực hơn và ra sức đóng góp cho đời
nhiều hơn.
Hồng Hiệp (theo
Economic Times)