Hỏi: Kính bạch Thầy, trong sách của Thầy có nói: “Người đánh mất thân
này đến muôn ngàn kiếp sau cũng khó mà được làm người, ví như con rùa mù tìm
bộng cây ngoài biển.”.
Theo con hiểu đó là sau lúc chết đi, đến kiếp sau họ đâu còn biết họ là
ai nữa, đó là cái nghiệp khổ của họ, chứ không phải họ chết rồi bị đi đầu thai
làm các con vật khác, phải vậy không thưa Thầy?
Đáp: Sự hiểu biết của cháu là sự
hiểu biết chấp đoạn, cái nghiệp ác kia tiếp tục đi tái sanh luân hồi, cái
nghiệp đó do ai làm ra? Có phải chính trong cuộc sống của chúng ta đã tạo ra nó
không? Khi con người còn sống thường huân tập ác và thiện do lòng ham muốn tạo
ra. Khi người chết chẳng còn một vật gì cả nghĩa là không có thần thức, Phật
tánh hoặc linh hồn, tất cả đều hoại diệt theo thân xác của họ, nhưng cái còn
lại là gì?
Hành động thiện ác của chúng ta
còn lại, nó trở thành một cái lực rất mạnh nên kinh gọi nó là nghiệp lực.
Nghiệp lực cũng giống như đứa con của chúng ta sanh ra, tạo ra, rồi đứa con
nghiệp lực của chúng ta lại sanh ra cháu nghiệp lực của chúng ta, cháu nghiệp
lực của chúng ta lại sanh ra chít nghiệp lực của chúng ta và cứ thế mãi mãi
sanh ra trong vô lượng kiếp. Và mỗi nghiệp lực sanh ra như vậy đều do chúng ta
mà có, thế mà chúng ta vô trách nhiệm với những nghiệp lực này sao? Khi mà
những nghiệp lực này mang đầy đau khổ lúc nó thọ lấy thân người hoặc thân chúng
sanh và mãi mãi muôn đời muôn kiếp thì chúng ta là người cha (thân ngũ uẩn) sanh
nó ra, cớ sao chúng ta không thấy trách nhiệm mình sao?
Trong thư con hỏi: “Sau lúc chết
đi, đến kiếp sau, họ đâu còn biết họ là ai nữa, đó là cái nghiệp khổ của họ,
chứ không phải là họ chết đi bị đầu thai làm các con vật, phải không thưa
Thầy?”
Ví dụ: như cháu có một đứa con,
cháu có muốn cho đứa con ngoan tốt, hiền lành có hiếu thảo, chăm học, không ham
chơi hay muốn có một đứa con không ngoan tốt, hung dữ, bất hiếu, không chăm
học, thích chơi đùa không? Nếu cháu có một đứa con ngoan tốt, hiền lành, có
hiếu thì cháu có sung sướng không? Chắc hẳn là sung sướng phải không cháu? Bằng
ngược lại cháu có một đứa con không ngoan tốt, tánh tình hung ác, bất hiếu
thường thích chơi, không thích học thì cháu có khổ không? Chắc hẳn là khổ rồi
phải không cháu? Và như vậy, dù biết hay không biết về nghiệp của cháu ở quá
khứ hay vị lai, cháu cũng đều phải có trách nhiệm trong hành động thiện, ác của
cháu đối với nghiệp. Vả lại, trong hiện kiếp của cháu, sự khổ vui của đời cháu
đều do chính hành động nghiệp thiện ác của cháu, nhưng trong thư cháu bảo:
“Cũng không biết kiếp trước mình
là ai cả, cũng như con, giờ đây con đâu biết kiếp trước mình là ai? Ở đâu? Do
vậy họ đâu có sợ làm điều ác, vì kiếp sau họ đâu biết họ là ai để mà đau, mà
tiếc, mà ân hận v.v...”
Như Thầy đã dạy: Dù con có biết
hay không biết kiếp đã qua và kiếp vị lai của con là ai? Nhưng trong hiện tại
con làm điều ác thì con không thể tránh khỏi mọi sự khổ đau. Vì thế con phải có
trách nhiệm bổn phận về đời sống hiện tại của con, nhất là con phải thấy và
hiểu biết trách nhiệm và bổn phận của con trong cuộc sống hiện tại là con không
nên làm khổ con, không nên làm khổ người khác bằng những hành động ác thân
miệng ý của con. Vì những hành động ác ấy trong hiện tại đã khiến cho đời sống
hiện kiếp của con phải gặp nhiều sự bất hạnh, khổ đau, bất toại nguyện và cay
đắng v.v... con có biết không?
Cho nên con còn phải hiểu biết về
luật nhân quả đang chi phối những hành động nghiệp thiện ác của con ở tương lai
sau này. Vì những hành động thiện ác của con trong hiện kiếp mà vị lai bao
nhiêu chúng sanh do nghiệp thiện ác ấy sanh ra phải chịu khổ đau, vui buồn, bất
an, bất toại nguyện v.v… Đó là trách nhiệm đạo đức làm người con ạ! Con không
thể thờ ơ để cho hành động thiện ác của con đi tái sanh mặc khổ vui kệ nó.
Bởi vậy Đức Phật dạy: “chúng sanh
là những người thừa kế của nghiệp, nghiệp là cha đẻ ra chúng sanh.” Thừa kế của
nghiệp tức là nghiệp sanh chúng ta ra. Nếu chúng ta có đôi mắt nhìn xuyên thủng
qua lớp áo thân nghiệp của chúng sanh thì chúng ta sẽ thấy tất cả chúng sanh
đều do nghiệp lực của chúng ta sanh ra, chừng đó chúng ta có nỡ lòng nào ăn
thịt chúng sanh không? Vì cầm dao cắt cổ gà, đập đầu cá là cầm dao cắt cổ cha
mẹ mình, là đập đầu con cháu mình thì thử hỏi con người có tình cảm, biết khổ
đau, biết thương khóc, biết nức nở khi mất cha mất mẹ thì làm sao chúng ta có
những hành động ác ấy được.
Còn ăn thịt chúng sanh là như ăn
thịt cha mẹ, con cháu của mình chứ đâu phải ai xa lạ, chỉ có loài thú vật mới
không có sự hiểu biết, mới ăn thịt cha mẹ con cháu như vậy. Nhưng con người thì
chúng ta sao nỡ có những hành động ác độc ấy được, là con người thì không thể
sống như con thú vật được. Vì con người sống có đạo đức làm người, sống có tình
cảm, sống có trí tuệ hiểu biết thì không thể nào sống man rợ hung ác như loài
cầm thú được.
Ví dụ: để cháu thấy nghiệp lực
một người bình thường không có sân, đến khi gặp việc trái ý, nghịch lòng, người
ấy tức giận giống như một con thú dữ, đó gọi là nghiệp lực của sân.
Chúng ta giết hại chúng sanh để
ăn thịt, lâu ngày thành thói quen ăn thịt, thói quen ăn thịt tức là nghiệp lực
nên khi ăn uống không có thịt chúng sanh thì ăn uống không ngon. Do đó nghiệp
thích ăn thịt chúng sanh vẫn còn nên tương ưng với thịt chúng sanh mà tái sanh
làm chúng sanh. Một nghiệp lực như vậy có thể sanh ra làm trăm muôn con vật để
rồi tiếp tục sanh tử theo nghiệp của nó, vay trả trả vay. Còn những nghiệp lực
thiện cũng tiếp tục tái sanh làm người, một nghiệp lực thiện có thể sanh ra
nhiều người tùy theo môi trường sống của hành tinh, tức là môi trường nhân quả
trên quả địa cầu này.
Mặc dù họ không biết họ là ai
trong kiếp kế, nhưng nghiệp lực thiện ác của họ luôn luôn tiếp tục tái sanh
luân hồi làm mọi thân chúng sanh. Khi cuộc sống hiện tại họ đã giết hại chúng
sanh như thế nào thì họ phải vay trả như thế nấy. Làm thân chúng sanh chỉ biết
khổ đau mà không biết cách thoát khổ, nghĩa là làm thân chúng sanh không biết
thiện ác, chúng làm theo bản năng tự nhiên của chúng để bảo vệ sự sống, vì thế
chúng phải chịu khổ vô vàn trong vô lượng ngàn muôn kiếp.
Trưởng lão Thích Thông Lạc