Thiền và Cuộc Sống

Thế kỷ 20 trở đi là thế kỷ của kim tiền và bạo lực.

Ðạo đức, luân lý, tập quán xã hội hay truyền thống trở thành những danh từ cũ rích, lỗi thời, và tôn giáo có thể đã trở thành một món thời trang thời thượng. Thời gian là tiền bạc; con người không còn những phút giây thanh thản của tâm trí nữa. Bị cuốn hút trong cuộc sống tốc độ hiện nay, mỗi người hình như đều không có phút giây nào lắng đọng để ngồi một mình, để nhìn lại mình. Làn sóng văn minh vật chất kỹ thuật của Âu Mỹ đã chặn đứng dòng suối tâm linh của con người và họ đang sống trong sự bùng nổ thác loạn của vô minh dục lạc.

Buổi sáng thức dậy, uống vội vã một tách cà phê, ăn ngấu nghiến một miếng bánh mì rồi hấp tấp lao ra đường đi đến sở làm, trường ốc, v.v. thật tình chúng ta sống mà không ý thức được sự sống - uống cà phê nhưng không hưởng được hương vị tách cà phê, ăn miếng bánh mì nhưng nào có thấy mùi vị ngon của tấm bánh vì đầu óc chúng ta còn mãi suy nghĩ lo lắng đâu đâu với hàng trăm công việc. Người thương gia bận bịu với những con số, bác sĩ với bệnh nhân, cô thư ký với những chồng hồ sơ, bà nội trợ với những món ăn, thầy giáo thì tất bật lo lắng với bài vở tư liệu . . . ngay cả những vị tu sĩ cũng không thóat khỏi sự rộn ràng của xã hội; vì thế chúng ta hãy tập quán tưởng từng chủ đề một để có thể trở về với chính mình trong tỉnh thức.

Hạnh phúc trong tầm tay:

Bạn đã từng bị đau răng chưa? Nếu có, ắt hẳn bạn đã thấu rõ cái đau đó như thế nào? Lúc đó, bạn không cảm thấy sung sướng chút nào cả dù bạn có hàng vạn, hàng triệu đồng trong tay hay có tất cả những gì mà người đời ham muốn, mong mỏi như vợ đẹp con khôn, gia sản kếch sù, địa vị xã hội v.v và v.v. Qua đó, bạn đã nhận thức được một điều quan trọng: "Sức khỏe là vàng, không có bịnh là điều tuyệt diệu, thân an lành là hạnh phúc."

Vì thế, mỗi lần bạn đau răng hay đau bất cứ bệnh gì, bạn giác ngộ rằng hạnh phúc chính là những cái bình thường nhất trong cuộc sống. Khi ta cầm ly nước lên uống, ta cảm nhận được từng giọt nước mát thấm qua cổ họng đỡ cơn khát, khi ta ăn một miếng cơm, ta cảm nhận được vị ngọt và hương thơm của lúa chín nuôi sống ta qua cơn đói, khi ta làm việc, ta nghĩ rằng mạch sống muôn loài đang phát triển giao hòa với nhau, khi ta cầm tay người ta thương yêu, ta cảm nhận suối nguồn từ bi đang tuôn chảy trong ta . . .

Một tia nắng ấm lan nhẹ trên mắt môi, một cành lá rung rinh đùa theo gió, một tiếng chim hót véo von trên cành cây, một nụ hoa chợt vừa hé nụ . . . tất cả nét đẹp thiên nhiên đó đang vẫy gọi chờ đón ta trở về hòa nhịp thở cùng muôn loài vũ trụ. Hạnh phúc thực sự là đây, không ở đâu xa. Chúng ta không cần phải bương bả tìm cầu, không cần phải hơn thua giành giựt. Chỉ cần chúng ta chịu quay đầu lại, chỉ một động tác nhỏ đó thôi là chúng ta đã nắm bắt được thực tại, nắm bắt được hạnh phúc.

Hy Vọng:

Cuộc đời quá khắc nghiệt nên con người thường hy vọng.

Chúng ta hy vọng thành thánh nhân, thành Phật; chúng ta hy vọng hòa bình, hạnh phúc; chúng ta hy vọng sẽ thành công, v.v. Nền văn minh Tây Phương luôn đặt nền tảng trên sự hy vọng. Niềm hy vọng  đó làm cho cuộc sống hiện tại bớt nghiệt ngã hơn để họ có thể tiếp tục chịu đựng. Ðó là tất cả những gì mà họ có thể làm được. Nếu bạn ngừng hy vọng thì bạn bị quật ngã ngay. Do đó người Tây Phương luôn chạy tới trước và đánh mất hiện tại.

Chúng ta có ngu xuẩn chạy tới trước như họ không? Hiện tại là đây, giây phút tuyệt vời; khi chúng ta ý thức được phút giây hiện tại, quan tâm đến phút giây hiện tại, một tương lai tốt đẹp có thể đến với chúng ta. Nếu chúng ta đánh mất giây phút hiện tại nghĩa là chúng ta đã đánh mất tất cả. Chúng ta đã đánh mất cuộc đời. Ðạo Phật không dạy chúng ta sống trơ trơ như gỗ đá vô tri, lãng quên tương lai, vùi chôn quá khứ hay mơ màng hiện tại. Ðạo Phật dạy chúng ta phải sống tỉnh thức trong từng phút giây, từng sát na hiện tại và can đảm đối diện với thực tại, không chạy trốn hay tầm cầu. Bạn đồng ý với tôi không?

Tôi đang nhìn thấy bạn cười với tôi, một nụ cười tỉnh thức.

Cái Chết:

Hình như người già thường không sợ chết. Những ông lão rất thích đến trại hòm để chọn loại gỗ tốt cho mình. Ngày tôi còn nhỏ, tôi đã thấy nhiều ngưồi lớn tuổi đã làm công việc đó. Họ rất sung sướng mang hòm về nhà và để cỗ quan tài cạnh chỗ ngủ của họ. Khi ra vào, họ có thể thấy cái hòm đó và cười với nó. Họ yêu nó như thể nó dã là bạn chí thân của họ. Tôi biết có một người cứ thỉnh thoảng lại vào hòm nằm để xem có vừa vặn không?

Còn chúng ta, chúng ta có sợ chết không? Và hãy tự hỏi nhỏ: "Chúng ta phải chăng đã từng sống? Biết sống? Có một người đến hỏi Ðức Khổng Phu Tử: "Chết là gì?" Khổng Tử trả lời: "Nếu ta hiểu được ý nghĩa cuộc Sống thì ta hiểu được Chết là gì."

Kìa con sâu đang nằm ngủ ngon trên đọt lá, mây trắng đang bay . . .

Hơi thở ý thức:

Chức năng đầu tiên của một hơi thở có ý thức là giúp bạn dừng ngay sự suy nghĩ viễn vông. Thứ hai là làm cho bạn tiếp cận sự sống. Thứ ba là cho bạn một cơ hội nghỉ ngơi và phục hồi lại chính bạn. Mục đích chính yếu là khi bạn thở những hơi thở có ý thức, bạn trở thành hơi thở, bạn hòa nhập vào nó và bạn với nó là một. Nếu hơi thở bạn điều hòa, bạn sẽ được an ổn tự tại.

Ðiều đó dễ hiểu thôi, bạn nhỉ? Nhưng trong chúng ta, đã dễ mấy ai làm được và sống được như vậy. Chúng ta cứ mãi miết chạy theo những thú vui giả tạo, chạy đua theo lợi danh quyền lực, tranh chấp địa vị ảnh hưởng lẫn nhau, ganh ghét thù hiềm hại nhau; để rồi một ngày kia, sức kiệt hơi tàn, vô thường đến, chợt tỉnh thức thì đã quá muộn màng; cả một đời đã tan tành theo mây khói. Khi tôi viết những dòng chữ này thì tôi cũng nhận thức rằng mình cũng là một kẻ mê muội tối tăm, đã trôi lăn theo tham, sân, si, phiền não, đã đánh mất mình mà không hay đấy, các bạn ạ!

Khi thở những hơi thở ý thức, bạn chỉ duyên tâm theo hơi thở mà thôi, vui trong hơi thở và hưởng giây phút sống tuyệt vời đó. Thở không phải để trở thành một ông Phật. Nếu bạn cho rằng tập thở để thành Phật thì ông Phật đó chỉ là sản phẩm của hơi thở. Mục tiêu quan trọng nhất của hơi thở là thở và tận hưởng phút giây ý thức đó mà thôi. Giản đơn như vậy, không có gì cao siêu chín tầng mây cả. Cũng như khi bạn đi bộ, nếu bạn nghĩ rằng đi để mà đến thì bạn đã hy sinh sự đi bộ rồi - đi không phải để đến - đi là đi, thế thôi. Cuộc sống nhiệm màu chính là những bước đi. Cuộc đời không phải là nơi đi tới. Cuộc đời là con đường, trên đó phép lạ nhiệm màu chính là những bước chân tỉnh thức.

Tư duy:

Một ngày kia, Ðức Phật ngồi trước 1250 vị Tỳ Khưu, tay cầm một cành hoa sen. Ngài lặng yên không nói một lời nào. Cả hội chúng cũng yên lặng nhìn Ðức Ðạo Sư, cố tìm hiểu xem Ngài định nói gì. Trong lúc ấy, duy có một vị Tỳ Khưu mỉm cười. Thấy vậy, Ðức Bổn Sư hoan hỷ. Ngài nói: "Ta có Chánh Pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm trao truyền lại cho Ma Ha Ca Diếp."

Ðọc đến đây, tôi hiểu câu nói đó như sau: "Khi có một người chỉ cho ta một bông hoa, họ muốn ta nhìn nó. Nhưng nếu ta bắt đầu suy nghĩ phân loại thì ta đã đánh mất cánh hoa rồi. Cùng một đóa hoa, thấy bằng đôi mắt là một việc, còn thấy bằng danh từ lại là một việc khác nhau. Một khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần hưng khởi lên sáu thức thì Chân Lý vắng bóng, cửa ngõ luân hồi dang rộng cánh tay mời ta."

Tôi cũng thấy một thông điệp tương tự như vậy trong Cựu Ước. Khi Chúa Giê Su bẻ bánh mì và chia cho đệ tử, Chúa nói: "Ðây là thánh thể của Ta. Hãy ăn và sống với nó!"

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta ăn uống, giao tiếp bạn bè, sống chung cùng gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, v.v. nhưng nào chúng ta để ý đến sự hiện hữu của họ? Nếu chúng ta ăn miếng bánh mì mà đầu óc chúng ta cứ mãi loay hoay suy nghĩ bao vấn đề khác thì miếng bánh mì có đó nhưng không hiện hữu, người thân có đó nhưng không hiện hữu. Vì thế, hãy dừng lại dòng suy tưởng để tiếp cận với miếng bánh mì, để tiếp cận với người thân tức là tiếp cận với sự sống vậy.

Nụ cười:

Những cuộc nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng thân thể chúng ta tác động trở lại với những cảm xúc trong tâm chúng ta và biểu hiện ra ngoài trên nét mặt.

Nếu bạn đang giận dữ, nhịp đập của tim và máu sẽ chạy dồn dập và mặt bạn sẽ đỏ lên, bạn sẽ khó thở hơn và bộ não của bạn sẽ căng thẳng kinh khủng (người viết đã kinh nghiệm minh chứng điều này rất rõ ràng đấy, các bạn ạ, mệt lắm, mệt lắm!)

Trong cuộc sống của chúng ta, mỗi ngày chúng ta phải tiếp xúc với nhiều cảnh ngộ, vui có, buồn có, trái có, phải có, gian xảo, lọc lừa, âm mưu, nguy hiểm . . . đều có. Bạn hãy tập cười đi. Tôi đã từng tập cười như thế một mình trong đêm. Ðôi khi tôi tự hỏi người khác sẽ nghĩ gì khi họ thấy tôi cười trong đêm tối như vậy.

Trong chiến tranh, bạn đã thấy những người chết, bạn đã thấy những cảnh tượng tàn phá khắp nơi chung quanh bạn. Cười là con đường duy nhất để giải cứu, để giải thoát mình khỏi những bế tắc của cuộc sống, khỏi những mâu thuẫn nghịch lý của cuộc đời. Những người trẻ tuổi sẽ đến bên bạn và hỏi: "Anh nghĩ gì về tương lai của chúng ta?" Bạn hãy cười với họ nếu bạn thấy một tương lai u ám đang vây phủ gương mặt họ; nếu không, bạn sẽ vô tình giết chết những con người trẻ tuổi đó.

Hãy cười với nụ cười rộng lượng, tràn đầy tình thương; và nếu bạn có thể cười với họ, bạn cũng có thể cừơi với chính bạn, vì chính bạn cũng là một con người đáng xót thương lắm chứ, phải không? Vậy từ bây giờ, chúng ta hãy tập cười, cười thỏai mái tự tại với người, với đời, các bạn nhé! Vì nụ cười sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách cam go để thăng hoa cuộc sống và chúng ta sẽ cười nụ cười tự tin như nụ cười của Ðức Di Lặc.

Kết luận:

Tôi làm việc của tôi. Anh làm việc của anh. Sự có mặt của tôi ở đời này không phải để sống theo dự tính của anh. Sự có mặt của anh trên đời này cũng không phải để sống theo dự tính của tôi. Con đường duy nhất là: "Tôi ủng hộ anh và anh ủng hộ tôi. Sự hiện diện của tôi trên đời này để cho anh hoan hỷ và anh có mặt trên đời này để đem đến cho tôi niềm vui. Chúng ta tương quan với nhau để tồn tại và sống một đời trong tỉnh thức và hạnh phúc. Anh có đồng ý không?"

Thuyền đã tới bờ, hãy cùng nhau bước lên, các bạn nhé!

Nguồn: bachhac.net
Previous Post
Next Post