Của đáng tội là tôi có xu hướng
bám lấy mấy thứ danh vị vụn vặt đó: nhà văn, tiến sĩ, nhà nghiên cứu; tôi bám
lấy mấy thứ ghế: hiệu trưởng, chủ tịch, phó giám đốc,… Nên, khi dự hội nghị hay
cuộc họp lớn nhỏ nào đó, nếu có ai kính thưa tiến sĩ, phó chủ nhiệm, vân vân…
thì ta khoái ra mặt. Còn không thì ta giận, ta để bụng. Tôi còn bám vào mớ công
trình, mấy tập thơ, vài cuốn tiểu thuyết cùng bao nhiêu thứ nữa.
Ví dụ có ai đó phê bình tác phẩm
tôi là tôi mất ăn, thiếu ngủ ngay. Tôi tìm cách trả thù cho hả dạ mới thôi. Một
tổ chức rất vu vơ với lèo tèo vài ba người, nhưng tôi cứ khoái cái nỗi chủ tịch
với hội trưởng này nọ. Tôi bám, triển khai và bảo vệ cái ghế vu vơ ấy. Rồi
khuếch trương chúng ra và bảo vệ chúng quyết liệt hơn nữa. Tôi cần bám cứng vào
chúng để tôi được là cái gì đó. Bởi thực sự tôi không biết gì cả, không là gì
cả, nếu không có chúng, nếu tôi bị lấy mất mấy thứ ghế, bằng cấp, chức danh
lỉnh kỉnh kia đi.
Bạo động và chiến tranh xuất phát
từ sự BÁM đó.
Chính sự bám này, chính tinh thần
đồng hóa đã gây cho xã hội Chăm mấy năm qua bao phiền phức. Đồng hóa, ta gắn
thân ta với cơ quan (cơ quan to chừng nào tốt chừng nấy, ví dụ làm ở Bộ này hay
Đại học nọ), gắn tên ta với học vị học hàm hay danh vị vớ vẩn nào đó. Trong khi
truyền thống Chăm rất sang cả. Có ai thấy tác giả Chăm nào ghi tên mình lên tác
phẩm không? Tháp Ppo Klaung Girai, Tháp Dương Long, Tháp Cánh Tiên,… vô danh đã
đành, ngay Glơng Anak, Pauh Catwai hay Ariya Cam – Bini,… cũng vô danh nốt!
Nguyễn Công Trứ: “Không công danh
thà nát với cỏ cây”. Khổ vậy đó! Công (sự nghiệp) và danh (tên tuổi) có cái nỗi
chi mà to thế chứ. Mèng ôi, chính tâm thế này kéo anh em bà con vào cuộc cãi vã
vô lối, hay rộng ra: Khiến loài người lôi nhau vào mấy trận chiến tàn khốc.
Hoelderlin thì khác:
Đầy tràn trong công danh sự nghiệp
Nhưng con người sống một cách thơ mộng trên mặt đất này.
Full of merit,
yet poetically, man dwells on
this earth.
Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả: tên
tuổi của tôi, các công trình của tôi, để được sống thơ mộng trên mặt đất này.
Sống, mà lòng nhẹ như mây trời… Bởi sống là gì, nếu không phải để ngợi ca và
cảm tạ? Ngợi ca một nghĩa cử đẹp, một tác phẩm hay, một tấm lòng cao thượng.
Cảm tạ một buổi sớm mai hồng, một câu nói ấm lòng hay nửa nụ cười huyền ẩn và
linh diệu đột ngột xuất hiện giữa đêm tối cuộc thế và cõi người.
Inrasara
Nguồn: dotchuoinon.comXem thêm: 'Người Việt hiếu học và “hiếu danh”'; 'Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ thế giới?'