Con người đang trải qua thời kỳ tệ hại nhất vì lối sống của mình

Ngày nay, chúng ta đang sở hữu nền văn minh hơn hẳn cha ông nhưng chưa chắc là chúng ta đã thỏa lòng. Chúng ta đang từng bước chinh phục vũ trụ.

Mặt trăng, một hành tinh thánh thiện mà bao thời hằng mơ ước được đặt chân đến cũng đã thành hiện thực. Nhưng không vì thế mà chúng ta ngày càng có lối sống đẹp, hiểu biết hơn, mà ngược lại là có vẻ tồi tệ hơn: Chiến tranh, cướp của giết người, hiếp dâm, loạn luân, nạo phá thai, người ăn thịt người … liên tục xảy ra. Mọi thứ dường như đang bị đảo lộn.

Theo thuyết Tiến hóa, con người là động vật bậc cao. Chúng ta hơn hẳn các loài động vật khác là có tình cảm mãnh liệt hơn, biết sáng tạo và có ý thức. Nhưng chính vì sự sáng tạo đó, mà những vũ khí tân tiến nhất đang được chúng ta mang đi giết lại chính chúng ta. Vì sự tham lam. Vì lòng ích kỷ. Có lẽ là do chúng ta không có tấm lòng từ bi của Đức Phật? Hay tại chúng ta không có đủ kiến thức để sống đẹp? Mọi thứ dường như thật khó lý giải.

Xuân Diệu từng có hai câu thơ: “Có mấy ai sống mà không yêu/Không nhớ không thương một kẻ nào”. Vậy thì vì đâu mà cuộc sống của ta trở nên đổ đốn và bi ai như vậy?

Theo Platon, con người gây ra mọi tội ác từ ý chí chứ không phải cái bản năng thân xác. Thế mà chúng ta lại thường bênh vực chính chúng ta rằng, con người có hai phần, một phần con và một phần người. Nếu ta phạm lỗi thì bảo đó là phần con. Phần con được hiểu theo nghĩa là phần động vật. Vậy thì chúng ta phải làm sao để chế ngự được cái phần con. Phải làm sao? Hay là thú tính ích kỷ? Hay là ý thức ranh mãnh? Vậy đó chính là phần người chứ. Những mưu mô của ta chẳng phải là lý trí ư? Vì vậy phải chăng mà Jonathan Swift (1667 – 1745), nhà thơ nổi tiếng người Ailen, viết: "Con người là loài sâu bọ tác hại nhất chưa từng có trước nay mà thiên nhiên để cho sinh sản và tràn lan khắp địa cầu". Có lẽ thế? Liệu như vậy, chúng ta có bi quan về kiếp người không?

Mọi sự bế tắc đều xuất phát từ con người mà ra. Chúng ta đau khổ, hạnh phúc cũng là do chúng ta. Đức Phật cho rằng đời là bể khổ. Vậy con người ở đây là con người đa chiều kích vì dục vọng của nó. Con người có đủ tuyệt vời như Shakespeare nói trong kịch Hamlet không: "Con người đích thực là một tuyệt tác”, “với dáng điệu duyên dáng như thiên thần và trí tuệ minh mẫn như thần minh”, “Con người là tinh hoa của vũ trụ”.

Vậy mà chúng ta gây ra biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu. Dù là chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa thì đó cũng là điều mà nhân loại tiến bộ không muốn.Vì vậy mà từ xưa đến nay, những nhà thông thái đã bác bỏ chiến tranh vì sự dã man từ nó gây ra. Vì dù thắng hay thua, dù chính nghĩa hay phi nghĩa thì chúng ta cũng phải trả giá quá đắt bởi điều đó.

“Chẳng ai mất trí đến nỗi yêu chiến tranh hơn hoà bình”.
Hérodote

“Không gì ngụy trang nổi sự tàn nhẫn lạnh lùng của những sự kiện trong chiến tranh, bởi vì kẻ thắng cũng như kẻ bại đều không được cảm phục, cũng chẳng bị khinh bỉ hay căm ghét. Số phận và thần thánh quyết định hầu như sự may rủi bất định của những trận đánh … về phần những quân nhân, những sự so sánh khiến họ hiện ra, dù họ là người thắng hay bại, như là những con vật hay những vật vô tri vô giác chẳng thể gợi nên cảm xúc ngưỡng mộ cũng như khinh bỉ, mà chỉ gợi sự hối tiếc rằng con người sao lại có thể bị biến đổi đến như vậy.”
Simone Weil

Chúng ta không thể giải quyết nhanh gọn được những mâu thuẫn trong xã hội (và chiến tranh là một trong những vấn nạn đó) khi mà chính bản thân chúng ta cũng chưa giải quyết được. Rất nhiều điều từ chính bản thân ta vẫn đang còn là bí mật/mâu thuẫn. Và nó mãi mãi là thế. Dường như những bí mật/mâu thuẫn được giải quyết qua từng thời đại nhưng nó lại xuất hiện những bí mật/mâu thuẫn mới, vì vậy mà chúng ta khó lòng chấm dứt được chiến tranh. Tất cả có lẽ là do lòng ích kỷ!

Vậy con người là gì? Làm sao để hiểu được phần nào của con người để chế ngự nỗi thống khổ của chính chúng ta. Trong “Luận cương về Phoiobắc”, C.Mác cho rằng: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”. Vậy giữa con người có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau. Điều đó là tính ưu việt và đồ rằng ở đó sẽ dễ sinh ra ác tính của con người. Xuất phát từ xã hội mà nảy sinh ra sự yêu, ghét, đố kỵ, cố gắng, hay là sự sáng tạo.

Vào thế kỷ VI TCN, Lão Tử cho rằng: “Nhân thân tiểu thiên địa”. Có nghĩa là con người như là một tiểu vũ trụ. Quan niệm ấy đã nói lên rằng, con người là sự dung hoà của trời đất, nghĩa là với thiên nhiên. Giữa con người với nhau là bình đẳng như trong Phật giáo quan niệm. Và nó là một trong ba thế lực trong cõi nhân sinh như thuyết Tam tài (Thiên – Địa – Nhân). Như là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ theo quan điểm của người phương Tây vậy. Chung quy lại, con người là một thứ gì đó quý giá trong trời đất. Chính chúng ta, không phải ai khác đã nhận ra được điều đó.

Chúng ta đã biết đến lửa từ 500.000 năm trước. Đó là một tiến bộ vượt bậc tuyệt vời và quan trọng nhất trong tiến trình đi lên hoàn thiện mình của loài người. Với việc sử dụng lửa, chúng ta đã khẳng định với các loài khác rằng, chúng ta là chúa tể. Rồi chúng ta biết thuần hóa súc vật cách đây 12.000 năm, đây cũng là điều đáng trân trọng của nhân loại. Chỉ có như thế, chúng ta mới thoát khỏi thiên nhiên. Không còn bị lệ thuộc hay bị ràng buộc nhiều vào nó. Cũng từ đó, chúng ta biết định cư. Để cách đây khoảng 5.000 năm, những đô thị Cổ đại mọc lên, đánh dấu một bước tiến mới của con người trong quá trình đi lên văn minh tuyệt đỉnh nhất. Những gì chúng ta làm được cho chính chúng ta là điều không thể chối cãi được. Còn với thiên nhiên, có lẽ chúng ta chỉ biết tàn phá nó.

Con người ngày nay dường như không còn cảm nhận được rằng đâu là cách sống hữu hiệu và cân bằng, hạnh phúc hay là sung sướng nhất. Con người tìm đến những phút thăng hoa từ các chất gây nghiện hay ảo ảnh trong các game chứ không phải tìm đến cảm xúc yêu thương mãnh liệt giữa người với người hay với thiên nhiên muôn loài. Chưa có thể tin rằng con người bây giờ sống đôn hậu bằng trước kia. Có lẽ một thế hệ “sống giả” đang hình thành. Chúng ta tìm đến những cuốn sách, hay các trung tâm bồi dưỡng kỹ năng mềm (Soft skills) để học cách lấy lòng người khác, học cách làm giàu mà thiếu đi những cuốn sách, trung tâm dạy về lòng yêu thương. Và “sống giả” còn có thể hiểu theo nghĩa đen của nó là ngay cả đến thực phẩm dành cho chính chúng ta cũng giả: trứng gà giả, gạo giả, lợn nạc tạo giả, búp bê tình yêu … Có lẽ con người đang trải qua thời kỳ tệ hại nhất vì lối sống của mình.

Previous Post
Next Post