Hỏi: Kính bạch Thầy! Hiện nay trên thế giới, dân số ngày một đông hơn
mà điều ác càng ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn tức là càng có nhiều điều ác
hơn trước, vậy mà loài người càng lúc càng đông hơn. Vậy có trái với luật nhân
quả hay không?
Thưa Thầy, vì nhiều người làm ác thì không được làm người càng nhiều
sau khi chết mà sao dân số càng đông lên là sao vậy? Thưa Thầy, theo luật nhân
quả thì người phải ít đi mà súc vật phải nhiều mới đúng, mong Thầy giải thích
cho con hiểu?
Câu hỏi của cháu Dũng
Đáp: Theo kinh sách của đức Phật
đã dạy và xác định luật nhân quả rõ ràng: “Chư Thiên giảm thì con người tăng”, có
nghĩa là thiện pháp giảm ác pháp tăng. Câu hỏi của cháu trong thư ở trên: “Theo
luật nhân quả như con hiểu thì người phải ít đi mà súc vật phải nhiều mới đúng”,
con hiểu luật nhân quả tái sinh như vậy không đúng, con hiểu như vậy là hiểu
theo linh hồn đi tái sinh chứ không phải theo nghiệp thiện ác đi tái sanh.
Con nên hiểu con người cũng chỉ
là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác, nhưng nó được xem là một
loài động vật cao cấp hơn các loài động vật khác mà thôi, người ta ví loài
người là một loài động vật ác độc nhất trong các loài động vật trên hành tinh
này, nó có thể diệt tất cả các loài động vật trên hành tinh này, nhưng môi
trường sống nhân quả sẽ không cho phép nó. Vì thế nó càng ác độc thì nó lại
càng sanh sôi này nở nhiều hơn để làm gì để nó tự giết nó và tự nó nó sẽ diệt
toàn bộ loài người trên hành tinh này, nếu không có một nền đạo đức nhân bản – nhân
quả để giúp nó thoát ra khỏi bản chất của loài động vật thì nó tự diệt chủng
lấy nó.
Tất cả các loài vật khác sanh ra
với bản chất hiền lành tự nhiên của chúng, chúng chẳng có sự tư duy và biết
thiện, ác, phải trái, v.v.. như con
người, chúng chỉ biết sống và bảo vệ sự sống, nên có lúc chúng ta thấy chúng
rất hung dữ, cái hung dữ của chúng là bản năng tự vệ chứ không phải cái hung dữ
như con người.
Trong môi trường sống thì có bốn
loại sinh:
1- Thấp sanh
2- Noãn sanh
3- Thai sanh
4- Hóa sanh
Thấp sanh là những vật sanh ra
nơi ẩm ướt như cỏ cây và những loài vi sinh vật, những loài vật này sanh trước
tiên (thuộc về ác nghiệp).
Noãn sanh là những loài sanh
trứng như loài chim, loài bò sát, là những loài vật này được sanh ra sau các
loại thấp sanh (thuộc về ác nghiệp).
Thai sanh là những loài vật sanh
con, những loài vật này được sanh ra sau loài sanh trứng (thuộc về ác nghiệp).
Hóa sanh là những từ trường thiện
được sanh ra do hành động làm thiện của con người, nó luôn luôn có sự hiện diện
trong môi trường sống của chúng ta. Nếu con người làm ác nhiều thì từ trường
thiện sẽ giảm đi và con người làm thiện nhiều thì từ trường thiện tăng lên, từ
trường thiện tăng lên thì con người và tất cả loài vật trên hành tinh này đều
sống an vui, hạnh phúc, không bệnh tật, không tai nạn và không khổ đau, môi
trường sống sẽ không bị ô nhiễm, sức khỏe của con người và loài vật được bảo
đảm an toàn, lúc bấy giờ bệnh viện chỉ còn là một cổ tàng viện để con người đến
tham quan vui chơi chứ không có bệnh nhân.
Với đôi mắt của đức Phật nhìn
suốt qua lốt nghiệp của mọi chúng sanh nên chỉ thấy nó toàn là ác nghiệp chứ
không phải có người và loài vật, tức là từ con người cho đến những loài vật
khác nhỏ nhít như loài côn trùng sâu bọ đều là con người đang trả vay của một
đạo luật nhân quả rất công bằng và công lý, khi vô tình hay hữu ý họ đã làm
những điều ác, mà giờ này họ phải làm thân chúng sanh để trả quả, trả chừng nào
hết thì họ mới được tái sanh làm người, khi làm người họ không biết thiện ác
nên chạy theo tâm ham muốn sanh ra nhiều ác pháp làm khổ mình khổ người và khổ
chúng sanh tạo thành nghiệp ác hay nói cho rõ hơn là từ trường ác, từ trường ác
ấy tiếp tục sanh làm các loài vật để thọ lấy những sự khổ đau mà không có
phương pháp nào giải cứu được, ngoại trừ chỉ có loài người nhờ có trí tuệ phân
biệt được thiện ác, nên đức Phật, Ngài để lại cho chúng ta một kinh nghiệm sống
của con người thoát khổ, chấm dứt sự trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi và mãi mãi
ở trong từ trường thiện vĩnh viễn.
Vì thế đức Phật dạy: “Chư Thiên tăng thì con
người giảm, chư thiên giảm thì con người tăng”có nghĩa là từ trường thiện tăng
thì từ trường ác giảm, từ trường ác tăng thì từ trường thiện giảm. Nói cách
khác cho dễ hiểu hơn nhân quả thiện tăng thì nhân quả ác giảm, nhân quả ác tăng
thì nhân quả thiện giảm. Bằng chứng con người sanh nhiều và làm ác nhiều thì
nhân quả ác tăng, nhân quả thiện giảm, nhân quả ác tăng nhân quả thiện giảm thì
con người trên hành tinh này khổ nhiều từ thiên tai dịch họa đến những sự gian
xảo lừa đảo giết hại nhau và những bệnh tật đủ mọi thứ cho đến những bệnh thời
đại không thuốc trị.
Bức thư của cháu so sánh ở trên
con người và con vật thì không đúng luật nhân quả. So sánh luật nhân quả là so
sánh thiện và ác, cho nên trong sáu nẻo luân hồi của đạo Phật là sáu trạng thái
của tâm:
1- Trời là trạng thái tâm sống
trong 10 điều lành gọi là thập thiện.
2- Người là trạng thái tâm sống
trong năm điều lành gọi là ngũ giới.
3- A tu la là trạng thái nóng
giận, la hét, chửi mắng, đấm ngực, cào mặt.
4- Ngạ quỷ là trạng thái đang bị
đói mà không có thực phẩm ăn.
5- Súc sanh là trạng thái ti tiện
nhỏ mọn, ích kỷ.
6- Địa ngục là trạng thái đau khổ
như đang đau nhức do bệnh tật, do bị đánh đập.
Trong sáu nẻo này theo nhân quả
được chia ra làm hai phần: thiện và ác.
1- Trời là cõi thập thiện có 33
cõi Trời tức là có 33 từ trường thiện, hay là 33 cấp thiện của Trời.
2- Người là cõi ngũ giới, Cõi ngũ
giới có năm đức:
a- Đức hiếu sinh
b- Đức từ bỏ lấy của không cho
c- Đức chung thủy
d-Đức thành thật
e- Đức Minh mẫn
Người giữ gìn và sống năm giới
trọn vẹn mới thật sự là ở cõi người, còn không giữ gìn trọn vẹn như vậy thì
không được gọi là cõi người mà là mang hình người nhưng ở trong các cõi giới
khác như: A tu la, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục. Người và các loài động vật
đang ở trạng thái này đều được gọi là ở cõi ác, cõi khổ đau.
Người làm ác phải thọ chịu những
quả khổ. Những người đó được gọi là A tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục; A tu
la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục là những cấp bực khổ của con người, và sự khổ
tận cùng là địa ngục.
Trên đây là sự phân chia nhân quả
để chúng ta khái niệm hình dung một mô hình nhân quả thiện ác của trời, người, A
tu la, ngạ quỷ và súc sanh, đó là một trạng thái thật sự, chứ không phải chúng
ta tưởng tượng ra cảnh giới của sáu cõi luân hồi vừa siêu hình vừa hữu hình.
Cho nên kinh sách giàu tưởng tượng nói ra như vậy là kinh sách lại còn sai biệt
mù.
Như trong thư cháu nói: “Theo
luật nhân quả người phải ít đi mà súc vật nhiều mới đúng”. Có lẽ cháu đã hiểu
câu: “ Được thân người là khó” nên mới suy luận nhân quả như vậy.
Ý của đức Phật ở đây so sánh
trong các loài động vật thì loài người nhờ có bộ óc thông minh hơn các loài vật
khác, nhờ đó loài người mới vượt thoát ra bốn sự đau khổ và chấm dứt luân hồi, còn
các loài động vật khác thì không thể vượt thoát được, khi một người mất thân
khó tìm lại được thân chứ không phải đức Phật nói con người ít đi, giảm đi hoặc
con người không sanh ra nữa.
Điều này không phải cách đây 2500
năm trong thời đức Phật còn tại thế, loài động vật trên hành tinh này gồm chung
cả loài người thì số lượng loài vật và người so sánh với hiện giờ thì chỉ bằng
một phần trăm, một phần ngàn, một phần triệu. Còn hiện giờ loài động vật mà
người ta ăn thịt vừa săn bắt những loài động vật hoang dã và vừa những loài
động vật nuôi, một ngày loài người đã giết bao nhiêu loài vật trên hành tinh
này, để cung cấp làm thực phẩm nhu cầu hằng ngày cho con người như vậy số lượng
đâu phải ít, chỉ có loài vật hoang dã thì giảm và có loài động vật bị loài
người diệt chủng.
Loài người càng sanh ra nhiều mà
sống trong ác pháp thì đó là một nỗi lo âu của những người trí, vì nó sẽ diệt
các loài động vật khác mà còn tự diệt nó bằng trí óc thông minh của nó, bằng
chứng hiện giờ “Kế hoạch hóa gia đình”là một hiện tượng con người giết con
người.
Cháu phải hiểu nhân quả tái sinh
chứ không phải linh hồn tái sinh. Vì thế một người còn sống mà đã tạo ra nhân
quả thì nhân quả tiếp đi tái sinh những con người và những con vật khác, những
người ấy vẫn còn sống và tiếp tục những hành động nhân quả thiện ác khác rồi
những hành động này tương ưng tiếp tục tái sinh cho đến khi những hành động cận
tử nghiệp của người ấy đi tái sinh, khi người ấy chết. Cho nên nhân quả trùng
trùng duyên sanh và cũng trùng trùng duyên diệt. Đó là lời đức Phật đã dạy:
“Nhân quả trùng trùng sinh khởi”.
Cháu hãy nhìn cây đu đủ kia, trong
một quả đu đủ có nhiều hạt mỗi hạt lên một cây đu đủ; mỗi cây đu đủ cho nhiều
trái; mỗi trái có nhiều hạt; mỗi hạt lên một cây, nhưng cây đu đủ mẹ vẫn còn
sống. So sánh nhân quả của cây đu đủ và nhân quả của con người thì có khác chi
đâu. Vì mọi vật trên thế gian này được sinh ra đều do nhân quả, sống trong nhân
quả và chết cũng đi về nhân quả trừ những người tu chứng, họ đã ra ngoài qui
luật nhân quả không còn bị chi phối.
Chúc cháu vui mạnh và sống đúng
đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người.
Kính thư.
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Tái bút: Sách của Thầy viết là
triển khai lại lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Người đã dạy không có thế
giới siêu hình, Thiên Đàng, Địa Ngục, những cảnh giới siêu hình toàn là cảnh giới
tưởng tri. Sách của Thầy Chơn Quang viết nói có thế giới siêu hình là do ảnh
hưởng của kinh sách phát triển Bà La Môn và các tôn giáo khác nhất là không
đúng theo ý Phật dạy trong kinh Nikaya (Nguyên Thủy).
Người tu giải thoát không có đi
về đâu vì không có cõi Niết Bàn để đi. Niết Bàn chẳng qua là một danh từ để chỉ
cho chân lí thứ ba (Diệt đế). Diệt đế là một trạng thái tâm hết tham sân, si
tức là một trạng thái tâm ly dục ly ác pháp v.v..
Cho nên một trạng thái tâm ly dục
ly ác pháp là cảnh giới của người giải thoát ở đó. Đó là một từ trường, không
còn có cảnh giới nào khác nữa.
Khi tâm ly dục ly ác pháp thì
không còn nghiệp nên không có tái sanh luân hồi.
Khi người còn sống tâm ly dục ly
ác pháp thì giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào.
Người giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào là ly dục, ly
ác pháp hoàn toàn, là người có tri kiến giải thoát. Tri kiến giải thoát là
“Minh” chứ không còn “Vô minh” nữa. Trong Minh gồm có giới luật và tri kiến
giải thoát, nên Phật dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, Giới luật ở đâu
thì tri kiến ở đó. Tri kiến làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh
tri kiến”. Như vậy chỗ Niết Bàn đâu phải chỗ hết niệm, vì hết niệm làm sao có
tri kiến, có giới luật?
Tóm lại, Niết Bàn không phải là
một cõi giới siêu hình, nó chỉ là chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm
thọ.