1. Con người phần lớn ai cũng kêu
ca thảm thiết về sự khắc nghiệt của Thiên nhiên, vì lẽ dòng đời ngắn ngủi, thậm
chí hối hả đến nỗi rất ít người nhận ra được giá trị của cuộc sống, và học được
cách sống.
Ngay cả những kẻ hùa theo bầy đàn
và những đám đông thiếu tư duy, cho đến những danh nhân...
Không phải chúng ta có ít thời
giờ, nhưng vì lẽ ta đã phí phạm quá nhiều thời gian. Cuộc sống đủ dài, và tạo
hóa đã cho ta khoảng thời gian đủ rộng lượng để ta đạt được những thành tựu vĩ
đại nhất nếu biết đầu tư thời gian một cách đúng đắn. Nhưng khi thời gian bị
lãng phí vào sự cẩu thả hay xa hoa, khi ta cống hiến thời gian cho những việc
vô ích, lãng phí vào những việc mà ta cho là rất mực cần thiết, thì thời gian
đã trôi qua đi mất mà ta không hề hay biết. Do vậy - cuộc sống mà ta nhận được
không ngắn, mà chính chúng ta làm cuộc sống ngắn đi, ta cũng không thiếu thời
gian, mà chỉ lãng phí nó. Cũng như người ngu không giữ được tiền lâu, khi sự
giàu có được trao cho người giám hộ giỏi giang, gia tăng theo dụng năng, thì
cuộc sống của những người biết đầu tư thời gian đúng mực sẽ trở nên rất dài.
2. Sao ta lại phàn nàn về Thiên
nhiên? Mẹ Thiên nhiên đã hiện thân đầy nhân ái; cuộc sống, nếu bạn biết tận
dụng nó, thì sẽ là dài. Nhưng kẻ thì bị lòng tham không đáy làm cho mờ mắt;
người thì cống hiến hết mực cho những việc vô ích; người thì bị rượu chè làm
ngu muội, kẻ thì lười nhác đến chảy thây; có kẻ lại kiệt sức vì tham vọng của
mình luôn lệ thuộc vào sự ban ơn của kẻ khác mới có được, có người vì lòng tham
của con buôn mà lang thang hết đất này đến biển nọ chỉ vì mục đích sinh lợi; số
khác lại luôn dằn vặt vì sự hiếu chiến và lúc nào cũng chầu chực để hãm hại
người khác để mưu lợi.
Số khác nữa lại tình nguyện làm nô
lệ khổ sai cho những kẻ chẳng bao giờ biết ơn; nhiều người lại luôn bận rộn
theo đuổi sự giàu có của kẻ khác hay than phiền về cái nghèo của bản thân;
nhiều kẻ lại không có mục đích rõ ràng, luôn biến động và bất mãn, luôn thất
bại khi vì thiếu kiên định với những kế hoạch tưởng chừng luôn mới mẻ; số khác
không có được nguyên tắc sống để làm kim chỉ nam, phó mặc cho số phận cuốn đi
trong những cái ngáp dài - do vậy tôi không thể nghi ngờ điều mà các nhà thơ vĩ
đại nhất đã ngâm nga như một lời dạy của thánh hiền: “Phần đời mà ta thực sự
sống rất nhỏ.” Vì phần tồn tại còn lại không phải là cuộc sống, mà chỉ thuần
túy là thời gian.
Trụy lạc lúc nào cũng bủa vậy lấy
ta từ mọi phía, chúng không cho ta đứng dậy và mở mắt để nhận ra sự thật, mà
chúng luôn đẩy ta xuống vực thẳm, để rồi lầm đường vào dục vọng. Nạn nhân của
trụy lạc không bao giờ được phép quay trở lại với con người thật của anh ta;
nếu họ tìm cách giải thoát, thì cũng như dòng nước của biển sâu luôn trào lên
ngay cả khi bão táp đã qua đi, chúng vỡ tan, và anh ta cũng không thể thoát
khỏi.
Theo bạn thì ai là những con
người bất hạnh đó? Hãy nhìn những kẻ giàu có đang bị bầy lang sói dòm ngó; họ
là nạn nhân của chính vận may của mình. Giàu có là một gánh nặng với biết bao
nhiêu người! Bao nhiêu người lúc nào cũng xanh xao vì không ngừng hoan lạc! Bao
nhiêu người bị mất tự do vì có quá nhiều khách hàng tìm đến họ!
Tóm lại, hãy nhìn lướt danh sách
những người kể trên từ dưới lên - người này mong muốn cống hiến, người kia đi
theo tiếng gọi của nghĩa vụ, người thì đang bị xử ở tòa án, người thì đang bào
chữa cho thân chủ, ai cũng lãng phí cuộc sống của mình cho kẻ khác. Hãy hỏi xem
những người mà bạn thuộc lòng tên của họ, và bạn sẽ thấy đây là những điểm giúp
bạn phân biệt họ là ai: Ai nuôi dưỡng đào tạo B, B nuôi dưỡng đào tạo C, nhưng
không ai là thầy của chính mình. Và một số kẻ lại căm phẫn hết sức vô lý - họ
phàn nàn về sự thô lỗ của cấp/bề trên. Nhưng liệu ai có đủ dũng khí để phàn nàn
về danh dự của người khác khi chính họ không thèm xem lại bản thân mình?
Suy cho cùng, dù bạn là ai, một
người vĩ đại cũng có lúc nhìn về phía bạn, dù mặt ông ta có tỏ ra coi thường đi
chăng nữa, ông ta đôi khi cũng hạ mình để lắng nghe lời bạn nói, cho phép bạn
đứng ngang hàng với ông ta, nhưng bạn lại chưa bao giờ đoái hoài đến bản thân
và lắng nghe tâm khảm của mình. Do vậy, chẳng có lý do gì bạn lại bắt người
khác lắng nghe khi không thể lắng nghe chính bản thân mình.
3. Dù mọi học giả uyên bác của
mọi thời đại có tập trung vào chỉ một chủ đề này thôi thì họ cũng không thể
giải thích tường tận phần đen tối lạ kỳ trong tâm trí con người . Con người có
thể xâm hại bất kỳ ai để bảo vệ lãnh thổ của mình, và họ sẽ không ngần ngại tìm
đến đá và vũ khí để giải quyết mâu thuẫn dù là nhỏ nhất về ranh giới đất đai,
nhưng lại cho phép người khác xâm phạm vào ranh giới cuộc đời của mình - không,
họ thậm chí còn dẫn đường cho những người sau này sẽ trở thành chủ nhân sở hữu
cuộc đời họ! Không thể tìm thấy người sẵn lòng phân phát của cải cho người
khác, nhưng lại có rất nhiều người trong chúng ta phân phát cuộc sống của mình
cho thiên hạ! Khi bảo vệ tài sản thì con người dùng nắm đấm, nhưng, khi lãng
phí thời gian, trong trường hợp này thì đó lại là điều đáng để keo kiệt, thì họ
lại tỏ ra vô cùng hào phóng.
Và do vậy tôi xin mượn lời của cổ
nhân: “Tôi thấy anh đã đạt đến giới hạn của đời người, anh đang gây áp lực quá
lớn cho 100 năm tồn tại của bản thân, thậm chí là rất rất lớn; hãy thức tỉnh
ngay từ bây giờ, và giác ngộ. Hãy xem lại thời gian anh đã dành cho chủ nợ, bao
nhiêu dành cho tình nhân, bao nhiêu dành cho khách hàng, bao nhiều dành để cãi
lộn với vợ anh, bao nhiêu dành để trừng phạt nô lệ, bao nhiêu để chạy vòng
quanh thành phố thực hiện nghĩa vụ với xã hội.
Hãy cộng thêm những bệnh tật do
hành vi của bản thân gây ra, và thời gian rảnh rỗi và lãng phí; bạn sẽ thấy
rằng bạn còn ít thời gian hơn là bạn nghĩ. Hãy nhìn lại quá khứ và xem khi bạn
có một kế hoạch cố định thì bao nhiêu ngày bạn đã làm đúng như kế hoạch đề ra,
khi bạn được quyền quyết định mọi việc, khi khuôn mặt của bạn trở lại dáng vẻ
tự nhiên, khi tâm trí bạn bình yên, bạn đã đạt được thành tựu gì trong cuộc
sống, bao nhiêu kẻ đã cướp đoạt đời bạn khi bạn không nhận ra mình đang đánh
mất nó, bao nhiêu thời gian đã bị lãng phí cho những đau khổ vô ích, những niềm
vui ngớ ngẩn, lòng tham, trong xã hội đầy cám dỗ, bạn còn bao nhiều thời gian
cho riêng mình; bạn sẽ cho rằng mình đang chết dần chết mòn trước khi thời
hoàng kim kịp tới!”
Vậy thì, đâu là nguyên nhân? Bạn
sống cứ như thể mình sẽ trường sinh bất lão, không bao giờ đoái hoài đến bệnh
tật, không thèm để ý xem bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Bạn lãng phí thời
gian cứ như thể đó là một sản phẩm có nguồn cung vô tận, mà không biết rằng
ngày mà bạn đang lãng phí thời gian cho một ai đó, hay một điều gì đó, có thể
là ngày cuối cùng của đời bạn. Bạn có mọi nỗi sợ của một kẻ sống và mọi khát
khao của kẻ bất tử. Bạn sẽ nghe nhiều người nói rằng: “Sau 50 tuổi tôi sẽ nghỉ
hưu tận hưởng cuộc sống, năm 60 tôi sẽ không phải làm nghĩa vụ gì với xã hội
nữa.” Và điều gì, hay lời cầu nguyện nào, đảm bảo rằng bạn sẽ sống dài đến như
vậy? Bạn không thấy xấu hổ vì chỉ dành cho bản thân phần còn lại đó của cuộc
đời, và trở nên thông thái khi mà nó chẳng giúp ích gì cho đời sao? Bắt đầu
cuộc sống vào lúc mà ta sắp ra đi là quá muộn màng! Ta thật ngớ ngẩn khi “quên
mất” cái chết, để rồi trì hoãn mọi thứ cho đến năm 50, 60 của cuộc đời; để rồi
bắt đầu cuộc sống vào cái tuổi mà không phải ai cũng thọ được đến đó!
4. Bạn sẽ thấy những con người
đầy quyền lực và ngự trị ở vị trí cao nhất luôn khát khao được an nhàn tận
hưởng, tôn vinh niềm hoan vui, và luôn nhắc đến nó trong tất cả điều may mắn mà
họ có được. Đôi khi họ khát khao được thoái vị nếu điều đó không phải gặp nguy
hiểm hay bị kẻ khác âm mưu hãm hại, chính vận may tự nó đã là một tai họa chứ
chưa cần một thế lực nào từ bên ngoài đánh chiếm hay làm lung lay.
Hoàng đế Caesar Augustus, người
được các thần linh ban ơn nhiều hơn bất kỳ ai trên thế gian, vẫn không ngừng
cầu nguyện được nghỉ ngơi và rút lui khỏi nghĩa vụ đối với nhân dân; mọi cuộc
trò chuyện của ngài đều quay về một chủ đề - hy vọng được an nhàn tận hưởng.
Một sự an ủi dù ngọt ngào nhưng vô ích để bù đắp cho cống hiến của Augustus:
một ngày nào đó ngài sẽ sống cho riêng mình. Trong một bức thư Augustus gửi cho
Viện nguyên lão với lời cam kết rằng việc lui về nghỉ ngơi của mình sẽ không
tước đi phẩm giá hay mâu thuẫn với những vinh quang trong quá khứ, tôi đã đọc
được những dòng này:
“Tuy nhiên những điều ta nói chỉ
thuyết phục hơn nếu minh chứng bằng hành động chứ không phải lời cam kết. Dù
vậy, thực tại an nhàn vẫn còn rất xa xôi, và khát khao đó chỉ phần nào được xoa
dịu bởi ngôn từ”. Ngài khát khao sự an nhàn đến nỗi lúc nào cũng nghĩ tới nó
bởi vì không thể an nhàn trong thực tế. Ngài luôn cho rằng vạn sự đều lệ thuộc
vào mình, ngài có quyền quyết định vận mệnh của nhân dân và Đế chế, luôn mường
tượng đầy hoan hỉ về một viễn cảnh trong đó ngài sẽ nằm tận hưởng bên vinh
quang của mình. Ngài đã thấy được cần đổ bao nhiêu mồ hôi sương máu để có được
Đế chế, và biết bao nhiêu bí mật cần phải chôn giấu. Ngài không còn cách nào
khác là phải rút gươm chống lại chính đồng bào,những người anh em, và cuối cùng
là người thân của mình, ngài đã khiến cho máu nhuộm cả đất liền lẫn biển cả để
đổi lấy ngôi ngự trị.
Từ Macedonia, Sicily, Ai Cập,
Syria đến Châu Á, hầu như mọi quốc gia với ngài chỉ có một câu nói: “Ta đến, ta
thấy, và ta chinh phạt”, bằng chiến tranh, và khi quân đội của ngài đã quá mệt
mỏi khi phải chém giết chính đồng bào của mình ở La Mã, ngài đẩy họ vào những
cuộc chiến xâm lăng ngoại bang. Khi ngài đang bình ổn vùng Alpine, và chinh
phục kẻ thù nổi loạn ngay giữa một đế chế thái bình, khi ngài đang mở rộng bờ
cõi đến tận sông Rhine, sông Euphrates, và sông Đa Núyp, thì ngay giữa thành
Roma những Murane, Caepio, Lepidus, Egnatius, và một số kẻ nổi loạn khác đang
lăm lăm muốn lấy mạng ngài. Chưa thoát khỏi mưu đồ lật đổ đó thì con gái của
ngài lại đang thông dâm với đám quý tộc tại kinh thành, báo động giai đoạn
thoái trào của Augustus - chưa kể đến Paulus và lần thứ hai ngài có lý do để sợ
hãi người phụ nữ không thua kém gì Antony.
Khi ngài cắt bỏ những ung nhọt
trên cơ thể mình thì chúng lại tái sinh ở chính nơi đó; như cơ thể của một kẻ
nhuốm máu tanh chỗ nào cũng có ung thư. Và vì thế ngài luôn khát khao được tận
hưởng an lạc, với niềm hi vọng và ý nghĩ rằng ngài sẽ tìm được sự giải thoát
xứng đáng với công lao của mình. Đây là lời cầu nguyện đến từ một vị hoàng đế
có khả năng ban ơn cho những lời cầu nguyện của cả nhân loại khi đó.
5. Marcus Cicero, người từng tung
hoành bên những Catiline, Colodius, và Pompey và Crassus, một số là kẻ thù, số
khác là bạn nhưng đầy hoài nghi. Marcus luôn phải chạy theo những con sóng lớn
để giữ cho chiến thuyền của mình không bị nhấn chìm, để rồi bị sóng cuốn phăng
và không thể an nhàn trong sự giàu có hay kiên định khi đại họa ập đến - không
biết bao lần ông đã nguyền rủa chính cái địa vị mà mình thao thao ca tụng, nghe
vô lý nhưng lại rất hợp lý!
Ông đã viết cho Alticus bằng
những ngôn từ thê lương khi thành của Pompey bị thất thủ, và con trai Pompay
vẫn đang cố gắng gầy dựng lại quân đội ở Tây Ban Nha! “Ngài có hỏi”, Marcus
viết, “rằng mình đang làm gì ở đây không?? Ta đang cố bấu víu dinh thự ở Tusculum như một bán
(1/2) tù nhân”. Nhưng thực ra chẳng một người thông thái nào lại phải dùng đến
một cụm từ thấp hèn đến vậy, anh ta sẽ chẳng bao giờ là một “bán tù nhân” - vì
anh ta có được sự to do bền vững và vô hạn, ung dung tự tại và làm chủ chính
cuộc đời mình và vượt xa kẻ khác. Vì đối với một người vượt lên trên cả số phận
thì còn điều gì có thể vượt lên trên anh ta?
6. Khi Livus Drusus, một người
đàn ông táo bạo và mạnh mẽ, với sự ủng hộ của đa số thần dân Italy dành cho đạo
luật mới và những biện pháp cưỡng chế gây hại cho anh em nhà Grachus, đã không
tìm thấy lối ra cho chính sách của mình: tiến thoái nưỡng nan! Drusus đã luôn
than thở về cuộc sống mệt mỏi của mình từ khi mới chào đời, và từng rên rỉ vì
vì sao mỗi mình ông chưa bao giờ có được một chuyến du lịch, ngay cả khi còn là
một cậu bé.
Do ngay từ khi còn nhỏ, Drusus đã
dám tuyên dương những kẻ phạm tội, và gây tầm ảnh hưởng lớn tới mức trong một
số phiên xử ông ta còn cố tình ép buộc quan tòa phán có lợi cho mình. Những
tham vọng hấp tấp như vậy rồi sẽ đi đến đâu? Chắc hẳn ai cũng biết sự cứng rắn
thiếu chín chắn đó rốt cuộc cũng đem lại tai họa cho bản thân và trước công
luận đối với Druscus. Lời phàn nàn rằng bản thân chưa bao giờ có được một kỳ
nghỉ là quá muộn khi ngay từ thưở còn bé ông ta đã là kẻ không ngừng gây rắc
rối và là điều phiền toái trong diễn đàn. Vấn đề đặt ra là liệu ông ta đã chết
vì tự sát khi đâm vào háng mình, một số người hoài nghi ông bị ám sát, nhưng ít
ai lại nghĩ ông ra đi rất đúng lúc.
Sẽ thừa nếu tôi đưa thêm dẫn
chứng về những kẻ bề ngoài tỏ ra rất hạnh phúc nhưng bên trong lại luôn căm
ghét từng năm tháng của đời mình, thông qua những lời phàn nàn trên bờ môi họ.
Nhưng phàn nàn cũng chẳng thể thay đổi được bản thân họ, khoan nói đến thay đổi
người khác. Vì khi bộc lộ cảm xúc bằng ngôn từ thì họ đã trở về với chính con
người của mình. Có trời mới biết! Cuộc đời của bạn, mặc dù bạn nên được hưởng
tuổi thọ ngàn năm, sẽ cũng chỉ co lại một quãng ngắn; dục vọng sẽ nuốt chửng
thời gian dù bạn có sống được bao nhiêu năm đi chăng nữa. Không gian bạn có,
tuy hối hả, cũng sẽ trôi nhanh qua từng kẽ tay của bạn, vì bạn không nắm lấy,
không tìm cách nắm lấy, hay cố trì hoãn dòng hối hả đó, mà để cho nó qua đi,
như thể nguồn cung là dư thừa hay hoàn toàn có thể thay thế được.
Minh Phượng (st)