Ta đi tìm

Ta đi tìm, tìm ai? ai tìm? tìm gì? Hàng loạt những câu hỏi như thế được đặt ra xem như cách đặt vấn đề cho bài viết.

Kể từ khi con người dần thoát ra khỏi đời sống mông muội ngây thơ và tôn vinh mình trong vũ trụ mênh mông bao la này, là lúc con người  biết ngồi để suy tư chiêm nghiệm về thế giới và thân phận của mình trong cái thế giới ấy.

Thoạt tiên, khi trình độ hãy còn chất phác, mọi vấn đề diễn ra xung quanh đời sống là những điều quá bí ẩn, con người luôn sống trong nỗi khiếp sợ trước những hiện tượng của tự nhiên như sợ sấm, chớp, mây, mưa…

“Cái sợ bắt nguồn từ cái sợ muôn thuở của con người đó là sợ sống và sợ chết” (Tuệ Sỹ).

Khi tư duy mới chập chững bước những bước đi đầu tiên trong hành trình tìm kiếm xa xăm ấy, nó chưa đủ sức để có thể  lý giải được hết các câu hỏi vì sao? Nên gán cho các hiện tượng kỳ bí ấy là do các vị thần linh, vì sao có mưa? Không biết, đó là do thần, thần có thể làm những điều mà con người không làm được. Thần được dựng lên để làm điểm tựa cho bước đầu của công cuộc tìm kiếm. Thần được xuất hiện từ đây.

Khi những hiện tượng kỳ bí của vũ trụ đã có những lời giải mang tính tương đối, con người bắt đầu một chặng đường mới để tìm hiểu về thời kỳ khai nguyên của vũ trụ, tìm kiếm những viên gạch đầu tiên đặt móng để dựng nên tòa lâu đài của vũ trụ. Hàng loạt các triết gia đã ra đời để gánh vác sứ mệnh lịch sử đó. Lúc này con người đã bắt đầu đặt vấn đề về vũ trụ từ chính những hiện tượng trong tự nhiên chứ không phải từ những hiện tượng siêu nhiên kỳ bí như các vị thần

Với Thales: “Thế giới này không có gì khác ngoài nước, vũ trụ này mãi luôn bồng bềnh trên nước”.

Democritus: “vũ trụ được tạo nên từ những hạt nguyên tử, nguyên tử là những phần tử nhỏ bé nhất không thể phân chia”

Tìm kiếm được xem như một nhu cầu vô hạn của con người mà không bao giờ được thỏa mãn một cách tuyệt đối,  thỏa mãn chỉ được chấp nhận ở một chừng mực nào đó trong sự giới hạn của tư duy.

“Sự ham hiểu biết tự nó có lý do để tồn tại” - Albert Einstein

Chính vì nhu cầu là vô hạn khiến cho đời sống của con người luôn tồn tại trong sự khan hiếm, khan hiếm được hiểu trong tương quan  giữa khả năng là hữu hạn và nhu cầu là vô hạn. Vì sao lại khan hiếm, vì mong muốn bao giờ cũng gặp phải những giới hạn trong khả năng đáp ứng. Mong muốn là vô hạn, lòng tham dẫn đến những ước muốn mà con người chẳng bao giờ cảm thấy được đáp ứng một cách đầy đủ.

Vì vậy đời sống là một chuỗi những tháng ngày tìm kiếm để thỏa mãn nhu cầu. Ta có cách chọn, nhưng sự khan hiếm chỉ cho phép ta một cơ hội chọn lựa mà thôi, điều ấy đồng nghĩa với việc ta phải hy sinh những cơ hội chọn lựa khác vì ta không thể cùng lúc được phép chọn lựa nhiều. Chẳng hạn khi đã chọn lựa việc khám phá vũ trụ thì đồng thời ta không thể làm nhà thám hiểm về thân phận của con người. Khi ta chọn lựa thì nảy sinh chi phí, nó là cái giá mà ta phải trả cho sự chọn lựa đó,  người sáng suốt là người luôn biết cách chọn lựa sao cho cái giá phải trả là mục đích tối ưu mà ta có thể đạt được.

Khi mình tìm được cái mình mong muốn thì có được hạnh phúc, vừa có được nó lại chạy đi giống như quy luật vận hành của đồng tiền. Mới đầu khi chưa có tivi, bạn  mong sao mình có được 100USD, khi có tivi rồi bạn lại cần 500 USD để ráp máy vi tính, cứ vậy mong muốn được nhân lên ở cấp số nhân…. cuối cùng bạn không biết là mình đang mong gì, cái bạn mong nó như chơi trò cút bắt với bạn, nó như đánh lừa bạn hay nói đúng hơn mình đang bị chính mình đánh lừa.. Tìm mãi để rồi chẳng biết ta đang tìm gì, đó mới là điều bất hạnh.

Trải qua một chặng đường tìm kiếm lâu dài, Thales vì mãi mê ngắm nhìn bầu trời đã lọt xuống hố khiến  người nô lệ phải thốt lên lời nói mỉa mai “này nhà thông thái ơi! Sao ông không nhìn dưới chân đi mà cứ mãi ngắm nhìn lên trời để rớt xuống hố vậy?” Điều đó minh chứng cho sự chọn lựa tìm hiểu vũ trụ, và hy sinh các cơ hội tìm kiếm khác... Một hình tượng có tính mỉa mai khi con người như đánh mất mình trong giấc mơ chiêm nghiệm mà quên đi cái thân phận bé nhỏ của mình, cái giá phải trả cho việc chọn lựa đó là Thales lọt xuống hố, hố ở đây chính là cái hố sâu kỳ bí, là sự bế tắc, là cú vấp ngã của một tiến trình tư tưởng. Như một người, khi bị mũi tên bắn trúng, họ đứng trước hai phương án đề chọn lựa, một là phải rút mũi tên ấy ra và lo chữa trị vết thương, hai là phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao, mũi tên được bắn từ hướng nào. Trong hai phương án đó, cơ hội để chọn lựa chỉ có một và phương án tối ưu là phải lo chữa trị vết thương không thì ta sẽ chết trước khi biết được tác nhân. Đức Phật đã dạy, điều mà Ngài biết như lá cây trong rừng nhưng điều mà Ngài dạy các đệ tử như nắm lá trong bàn tay. Đó là cách chọn của một bậc đại Trí.

Đức Phật đã dạy: “đời là bể khổ”, khổ ở đây không phải chỉ được hiểu một cách thiển cận theo cách hiểu thông thường, như hạnh phúc: là có tiền của, giàu sang, địa vị, vợ đẹp, chồng giỏi; Khổ đau: không có tiền là khổ, cha mẹ chết là khổ, đau yếu là khổ, sanh là khổ, bệnh là khổ...  Chính vì cách hiểu như vậy nên người ta đã bị đánh lừa, cứ mãi đi tìm những điều được cho là hạnh phúc kia, làm sao né tránh được những điều khổ như trên thì hạnh phúc. Tất cả những điều khổ được liệt kê ở trên chỉ là một phần của vấn đề. Cái “khổ” phải được hiểu một cách đầy đủ rằng: điều gì gây tổn hại là khổ, khi căn tiếp xúc với cảnh đưa đến cảm thọ, nếu cảm thọ đem đến sự tổn hại thì đó là khổ, như con mắt nhìn ánh sáng nhiều sẽ gây khó chịu, trời nóng thì khổ, mở máy lạnh mà lạnh quá cũng khổ. Vì vậy cất bước chân ra đi là khổ, mỗi bước đi đều là khổ, vậy chẳng phải đời là bể khổ sao?

Ta đi tìm ai, tìm gì. Có khi cái bạn cần tìm nó luôn hiện diện trước mắt bạn nhưng bạn không nhận ra bởi bạn. Do cấu trúc nhận thức nên mình không nhận ra điều ấy.

Con cá do cấu trúc nhận thức mà nhìn dòng sông là cái nhà.
Vỗ với quá khứ nghe buồn vì ngày qua đã mất;
Vỗ với tương lai bỗng nhạt vì hoài niệm trống không;
Vỗ với hiện tại mới nghe tiếng vọng của trái tim mình và tiếng đập của đôi cánh bướm…
Trần Kiêm Đoàn

“Hãy tìm về với mình” (Socrates)

Vũ trụ vẫn luôn là điều bí ẩn, đời vẫn là khổ như từ thời khai nguyên. Cuộc sống vẫn phải lo toan những nỗi lo thường nhật, hãy tìm về với đời sống thật, hiện tại. Cho dù Phật xuất hiện hay không xuất hiện trái đất vẫn quay quanh mặt trời, vô thường mãi là chân lý.

Cầu mong tất cả sẽ tìm được sự an lạc và bình yên trong một thế giới có nhiều điều mà ta chưa thể hiểu được.

Tác giả: Huệ Lưu
Previous Post
Next Post