Trong huyền thoại Duy-Ma-Cật,
thầy Tuệ Sỹ có ghi lại rằng Đại Tỳ – bà – sa nói đến hạng chúng sinh thông
minh. “Thông minh theo nghĩa là biết định hướng cho dòng đời vô tận của mình“.
Để không nhầm lẫn với bất cứ ý nghĩa thông minh nào khác, kinh Phật gọi nó là
“bồ – đề” và hạng chúng sinh thông minh ấy được gọi là “bồ – đề – tát – đoả”. Yếu
nghĩa thu hút nằm ở 2 cụm từ “định hướng” và “dòng đời vô tận”.
Dòng đời vô tận hay chuỗi sinh
tử, tử – sinh bất tận tuỳ thuộc quan niệm của mỗi tôn giáo. Yếu tố quan trọng
hàng đầu của tôn giáo chính là bậc “giáo chủ”. Giáo chủ ở đây được nói đến
trong ý nghĩa nhân cách của một vị khai sáng. Với nội hàm như vậy, ta có thể đề
cập: Chẳng hạn trong Kitô giáo thì vị giáo chủ là “Đấng Jesus”. Do Thái giáo
thì nhận Kitô là chúa cứu thế. Hồi giáo thì có đức Mohammed. Và đấng giáo chủ
của Phật giáo là đức Phật Thích ca Mâu Ni.
Ba tôn giáo lớn đều có 3 vị khai
sáng riêng và tạm gọi “giáo chủ”. Riêng Nho giáo tuy không phải là tôn giáo
nhưng Đức Khổng Tử là người đã dày công đặc nền móng. Với Đạo giáo thì tôn thì
Lão tử là giáo chủ.
- Mỗi tôn giáo đều có Thánh điển
cơ bản tượng trưng cho những qui định về giáo lý, giáo qui và giáo luật.
- Bản thể tuyệt đối là vấn đề
triết học, vừa là yếu tính để hình thành nên một tôn giáo: với Kitô giáo là
Thượng đế. Với Ấn Độ giáo là Phạm ngã hay Đại phạm thiên. Với Phật giáo là Như
Lai – Pháp tính hay Tính Không, tất cả đều cùng ý nghĩa như nhau. Với Nho gia
là “Thiên mệnh”. Với Đạo gia thì gọi là “Đạo” (gọi miễn cưỡng là Đạo).
- Mục tiêu tối hậu hay cứu cánh
và lộ trình giải thoát của mỗi tôn giáo có khác nhau, hình thành trên yếu chỉ
nền tảng là “Tự lực” hay “Tha lực”. Đối với Ki-tô giáo thì lộ trình giải thoát
là cứu rỗi và mục tiêu được sinh vào “Thiên quốc vĩnh hằng” hợp nhất cùng với
Thượng đế. Đối với Ấn Độ giáo, mục tiêu tối hậu là giải thoát không còn lòng
vòng trong luân hồi “Phạm ngã hợp nhất” hay “Phạm ngã không hai”. Đối với Đạo giáo
thì mục tiêu “Trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta là một” . Nho gia
thì “Trời, người hợp nhất”.
Riêng đối với Phật giáo, một tôn
giáo điển hình về yếu chỉ “Tự lực”. Đức Phật là Bậc giác ngộ. Giáo pháp của
Ngài, được Ngài ví như” “ngón tay chỉ trăng”. Kinh điển nhà Phật dạy mỗi chúng
sinh đều có Phật tính và tự mình có thể thành Phật, nghĩa là giác ngộ thông qua
tự lực mà thành tựu và tự lực thông qua phương thức tinh tấn tu tập giới – Định
– Tuệ để đạt mục tiêu tối hậu là cảnh giới Niết bàn giải thoát.
Tự ngàn xưa còn vang vọng đến tận
bây giờ và có lẽ cho đến cả ngàn sau, mỗi người trong cõi nhân sinh luôn luôn
bất lực trước sự cuốn hút đầy bí ẩn của câu hỏi canh cánh bên lòng “Ta là ai,
ta từ đâu đến và chết sẽ về đâu?” và bằng sức tưởng tượng phong phú hay bằng
trí suy diễn trên sự đa thù, đa sai biệt của biến dịch đầy bất lực trần gian,
đã xuất hiện những luận thuyết, những niềm tin khác nhau nhằm giải đáp những ưu
tư đó: Rằng con người có một linh hồn bất diệt, đã đầu thai thành con người
hiện hữu và sau khi chết, linh hồn sẽ đầu thai tiếp tục ở nơi khác để có một
kiếp sống khác. Rằng những nếp sống có nhiều hạnh thiện, hạnh tốt đẹp sẽ tin
mình được vào thiên đường, sống xấu xa đầy ác độc khi chết sẽ bị đày đoạ về địa
ngục. Thiên đường được xem là cõi cao nhất và địa ngục là cõi thấp nhất đối với
cõi người. Cảnh giới thiên đường hay địa ngục hoàn toàn siêu việt không thể mô
tả qua trí năng và có nội dung khác nhau tuỳ theo quan niệm, và niềm tin mỗi
tôn giáo.
Trong văn học, âm nhạc và nghệ thuật
hội hoạ, chúng ta bắt gặp không ít qua các cảm xúc của tác giả.
Chẳng hạn nhạc sĩ quá cố Trịnh
Công Sơn trong một chợt cảm xúc đau đớn khi được tin người bạn tử nạn, ông bức
xúc cầu nguyện
“Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường ở cuối trời thênh thang”
- Nhà thơ Nguyên Sa trong những
thời khắc gặm nhấm của niềm đau, đã hiện thực hoá cảnh giới địa ngục ngay trong
tâm tưởng kiếp người
“Cửa địa ngục hai bên lồng ngực
Phải vác theo trăm tuổi đường dài”.
Ông mường tượng ra rằng, sống
trong trần gian gây nhiều điều xấu, điều ác thì phải trả nợ quả đó ngay nơi
chốn địa ngục hiện tiền.
“Lúc ra đi hai chân đằng trước
Mắt đi sau còn vương vấn cuộc đời
Hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai
Thân thể nặng đóng đinh bằng tội lỗi”
- Ông Đinh Hùng, nhà thơ đi tiên
phong của phong trào thơ mới, có khuynh hướng tự do phóng khoáng từ lúc còn
tuổi học trò “Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về/Xếp đạo đức dưới bàn chân
ngạo mạn”. Khi lớn lên, sau những năm tháng phong trần, trải nghiệm những biến
dịch, đưa đẩy ông lặn sâu vào thế giới nội tâm và thoáng hiện chập chừng phía
bên kia của thế giới hiện thực, là một cõi vô cùng, cõi vĩnh hằng của linh hồn.
Ông viết
“Hồn từ siêu thoát phàm thai
Sầu trong tà dục, vui ngoài thiện tâm
Hồn ở khắp sơn lâm, hồ hải
Hồn sống trên hiện tại, tương lai”
Sinh tử theo quan niệm Hồi giáo
Trong Thánh kinh Koran có ghi
“Jesus và Moses” chiếm địa vị rất cao trong tư tưởng Hồi giáo, nhưng Chúa đích
thực là Thánh Allah và các Thánh dụ của Ngài truyền qua lời giảng của nhân vật
tiêu biểu là Mohammed sinh quán tại Meca. Quan niệm về sự hiện hữu con người
được hình thành gồm thể xác, và linh hồn nối kết với nhau, trong đó linh hồn là
linh hồn của Thượng đế được thổi vào, và lúc đó một mạng sống tinh thần được hoàn
thành.
Sự sống và cái chết đều có mệnh
do thánh Allah trên trời qui định. Khi một con người phải chết theo quyết định
thì linh hồn được giữ lại trên trời. Mục đích của cái chết nằm ở chỗ có kỳ hạn.
Trong kỳ hạn này, Thượng đế sẽ trải qua một tiến trình thử thách cho con người
về cuộc đời họ. Theo giáo sư Triết Phùng Lô Tường, trường đại học Boston tại
Mỹ, thì giáo nghĩa Hồi giáo trong Kinh Koran có tiêu chí thử thách là điều
thiện và điều ác. Phán xét xem con người trong thời gian đó làm việc tốt hay việc
xấu, nhưng dù con người có hành vi thế nào đi nữa thì sau cùng họ cũng về lại
bên Thánh Allah nếu có đức tin. Như vậy cái chết đến với người không phải là sự
trừng phạt mà chỉ là kết thúc một kỳ hạn thử thách và phán xét. Sau khi quay về
với thượng đế bên cạnh Allah sẽ được sinh lại một mạng sống mới ở một trình độ
khác chứ không có chuyện “sống lại”.
Theo kinh Koran, trong thời gian
sống mà không tin Thánh Allah tức không là tín đồ Hồi giáo, khi chết sẽ đoạ vào
địa ngục và bị trừng phạt. Còn nếu có đức tin Thánh Allah thì trong ngày phán
xét cuối cùng, người làm điều thiện, điều tốt sẽ được tưởng thưởng, làm điều ác
sẽ bị trừng phạt. Đứng trước sự phán xét cuối cùng của Thánh Allah thì mỗi
người sẽ nhận hậu quả của hành vi chính mình chứ không ai cả gánh vác với mình
dù cho người đó là bảo hộ đi nữa. Vì vậy, trong kinh Koran, phủ nhận rằng việc
đức Jesus chết, Thượng đế để cho Jesus lên thiên đường và tượng hình giả thay
thế đức Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá để nhận lãnh cái chết. Đó là lý
do thể hiện họ không tin vào thuyết Phục sinh.
Quan niệm sinh tử của Ki-Tô giáo
Theo truyền thống tư tưởng của
Ki-tô giáo thì khởi nguyên mang tính nền tảng của vấn đề sinh tử là “Tội tổ
tông”. Tội tổ tông được qui kết, theo kinh Cựu ước, do Adam và Eva ăn trái cấm
trong vườn địa đàng nên đã phạm mệnh lệnh của Thượng đế và 2 người chịu trừng
phạt bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.
Quan niệm này có ghi lại trong
Tân ước rằng vì một người duy nhất, đó là Adam, mà tội lỗi đã nhuốm trần gian
và đã gây nên sinh tử, đó là “Tội tổ tông”. Chỉ có thượng đế có lòng khoan dung
nên mới chuộc được tội lỗi này. Theo giáo lý Ki-tô với con người có đức tin
“Jesus là đức Ki-tô, đấng cứu Chúa cứu thế và đi theo Ngài thay đổi nhân sinh
thì vấn đề sinh tử sẽ được khắc phục.
Quan điểm phục sinh của con người
thì theo Thánh kinh cho rằng chính những giọt máu linh thiêng chảy từ thân
Jesus khi bị đóng đinh trên thập tự giá đã rửa sạch “Tội tổ tông”, do vậy chỉ
cần mọi người có đức tin ký thác vào đấng Jesus Ki-tô thì Ngài sẽ cứu rỗi cho
và sau khi chết sẽ được sống lại. Sự sống lại ở đây không hiện hữu trong thân
xác thịt da con người mà là sống lại trong “thân thể thiêng liêng”. Trong “thư
gửi tín hữu Roma”, Kinh Tân ước Paul có dạy: “Chết chính là người an giấc trong
Jesus”. Vì vậy, theo Ki-tô giáo cái chết không đáng sợ, vì linh hồn người chết
có đức tin sẽ về ngự trên cung điện thượng đế, các linh hồn sẽ sống chung một
thế giới của Thượng đế, thế giới của hạnh phúc vĩnh cửu. Vậy cái chết là sự
khởi đầu cho một hình thái sống vĩnh hằng trên cung điện của Thượng đế.
Thế giới của Thượng đế không
thuộc thế giới này, thế cho nên những thứ như danh lợi, giàu sang, phồn vinh
của vật chất đều là hư ảo, hư danh, nó thoáng qua như mộng, như sương khói, như
phù vân. Con người phải nhận thức như vậy nên phải sống với lòng bác ái, thường
xuyên làm điều tốt, làm lợi ích cho tha nhân, lấy sự tôn vinh Thượng đế, tôn
thờ Thượng đế làm trách nhiệm chính bản thân. Quan niệm Ki-tô giáo nhấn mạnh,
Ngài Jesus vì tất cả muôn loài mà hy sinh thân mình, vì vậy nếu xác tín được
niềm tin nơi đức Jesus Ki-tô và thấm nhuần được ánh sáng của Ngài ban cho thì
sẽ có được đời sống vĩnh cửu.
Ngài răn dạy con người không nên
buông xuôi theo đời sống xác thịt, hãy lấy Đức mến mà phục vụ lẫn nhau và chỉ
có tình yêu nhất là Tình yêu của Ngài thì con người mới có thể được sống vĩnh
cửu.
Quan niệm sinh tử của Ấn giáo
Giáo lý cơ bản của Ấn Độ giáo có
nguồn gốc từ kinh Vệ – đà (Vé das), Áo nghĩa thư (Upanishads) và Bạc – gia –
phạm – ca (Bhagavadgita). Trong Ấn giáo còn tách ra 3 trưởng phái Vê-đan-ta
(Védanta), phái Số luận (Samkhya) và phái Du-già (Yoya). Trong thời kỳ Vệ – đà
thượng cổ, Ấn giáo có khai sinh Bà-la-môn (Brahmana) họ chủ trương có 1 vị thần
tối cao quyền uy sáng tạo duy nhất và từ đó xã hội được thiết kế theo một chế
độ giai cấp. Bà la môn xây dựng một nhân sinh quan qua 4 giai đoạn: thời kỳ học
sinh, thời kỳ trưởng thành lập gia đình, thời kỳ khổ hạnh tu thiền, ở trong
rừng sâu, thời kỳ sau cùng là buông bỏ đời sống, buông bỏ mọi sinh hoạt của đời
thường, ngao du khắp nơi. Nếu ai tu hành, chọn lựa phương thức sinh hoạt như
vậy thì họ không còn đặt vấn đề sợ hãi đối với sinh tử.
Vào thời kỳ cuối của kinh Vệ – đà
đã khai sinh Áo nghĩa thư có nội dung nổi trội là tư tưởng chủ đạo “Phạm ngã
bất nhị”, lý thuyết Nghiệp và thuyết luân hồi. Thuyết luân hồi cho rằng, sự
hiện hữu của một chúng sinh đều do tích luỹ vô số nghiệp và nó là động lực
quyết định sự luân hồi sinh tử trong những kiếp sống kế tục. Phạm trù nhân quả
có vai trò chuyển đổi: ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ và hình thành tương ứng với
hai cảnh giới Thiên đường và Địa ngục.
- Phái số luận quan niệm về Ba
cõi và mười bốn sinh là cơ sở để nhìn nhận về sinh hỉ. Ba cõi là cõi trời, cõi
người và cõi thú. Mười bốn sinh chỉ 14 địa vị sinh tồn: trong đó có 8 cõi trời,
cõi người chỉ một và 5 cõi thú như sống bằng 4 chân, sống bay lượn, sống có
trí, loại đi bằng xương sống ngang, loại không đi được. Tuỳ vào hạnh nghiệp và
công đức tích luỹ trong kiếp này mà quyết định cho cuộc sống kế tiếp thuộc về
loại và cõi nào nhập
- Phái Yoga được người đời xem
Patanjali như là vị tổ, mặc dù tư tưởng Yoga đã bàn bạc từ lâu. Phái Yoga không
triển khai một hệ thống triết học nào mà chỉ nhằm thiết kế các qui định, các
phương pháp thực tiễn để tu luyện và đưa thức giác đến viên mãn đại ngộ. Phái
Yoga tôn thờ một vị thượng đế tên là Icvara. Theo Patanjali thì cần phải diệt
trừ vọng tưởng, mọi dao động trong dòng sông tâm tưởng con người. Để thực hiện
điều này không thể chỉ có trầm tư mặc tưởng mà cần phải thanh tịnh hoá hình hài
của mình bằng biện pháp giữ gìn giới luật, đồng thời phải thăng hoa chân khí
trong con người bằng cách điều hoà hơi thở, được xem như một gạch nối liền thể
chất và tâm linh con người.
Yoga chủ trương con đường tu
luyện tâm linh được chia làm 8 bậc
1/ Giới là đứt bỏ các điều ác,
xấu
2/ Luật là tự răn mình tránh thói
hư xấu
3/ Điều thân hay luyện thân thể
4/ Điều tức hay luyện hơi thở,
luyện khí
5/ Điều tâm là chế ngự 5 giác
quan
6/ Quán tưởng là mức độ cao của
điều tâm, tập trung tinh thần.
7/ Thiền là tập trung quán tưởng
về một vấn đề hay một ý niệm trừu tượng.
8/ Diệt tưởng và nhập đại định
Về cơ bản, Yoga chủ trương phải
nỗ lực tu trì cho đến khi đạt trạng thái tâm ý tĩnh lặng, an nhiên tự tại, tạo
phong thái thong dong khi đối diện với cái chết vì sau khi chết con người sẽ
sinh vào cõi nào thì hãy nhìn vào cuộc sống hiện tại của mình.
Sinh tử theo quan điểm Tây Phương
Có lẽ thuận theo quan điểm của N.
Whitehead, ông là giáo sư Triết học nổi tiếng, có rất nhiều công trình nghiên
cứu về tư tưởng Đông Phương, giảng dạy tại đại học Harvard Mỹ, ông khẳng định:
“Sự phát triển của Triết học Tây phương từ 2.500 năm nay chẳng qua chỉ là những
dòng cước chú dưới những trang sách Triết học của Plato mà thôi“.
Plato quan niệm vũ trụ gồm 2 phần
là “thế giới hiện thực” hay hạ giá và “thế giới ý niệm” hay thượng giới. Con
người vì thế cũng gồm 2 phần: thể xác và linh hồn, chết là sự phóng thích linh
hồn ra khỏi thân xác. Linh hồn thì bất tử, sẽ thoát khỏi thể xác khi con người
chết đi, nó sẽ trở về thế giới ý niệm. Vì vậy theo ông, con người sống phải
phát huy mặt thiêng liêng thánh thiện nằm trong linh hồn, sự chết chính là sự
giải thoát cho linh hồn để bước vào ánh sáng vĩnh hằng của thế giới ý niệm, nên
không phải lo sợ. Ông khẳng khái cho rằng, những kẻ trì thì “biết chuyên tâm
dốc chí để luyện tập cái chết’.
Plato định nghĩa (theo GS Phùng
Lô Tường) linh hồn là “cái có khả năng thúc đẩy chính nó vận động – những cái
gì có linh hồn đều bất hủ – vì tất cả những gì tự nó hoạt động đều là cái bất
hủ“.
Sinh tử theo quan niệm Đạo Phật
Nội dung của giáo lý Phật ít có
sự dị biệt đối với Bà la môn giáo. Điểm dị biệt là Phật giáo thiên về trí tuệ,
đặt trọng tâm về tự lực tu chứng mà không muốn cầu mong sự cứu trợ của các vị
thần linh hay chư Phật. Hơn thế nữa, sự khác biệt còn thể hiện trên phương pháp
giảng dạy Phật pháp: điểm phát xuất bắt nguồn từ những sự kiện của thế giới
hiện tượng, thế giới tâm lý để nâng lên bình diện cao hơn. Chẳng hạn, nhận xét
rằng đời người cùng kiếp sống chúng sinh đều “khổ ải” và để đi tìm nguyên nhân
của khổ, Đức Phật đi sâu vào tâm lý học, dần dần mở đường đến bình diện cao
siêu, bình diện của ” Tự thể” hoặc “Niết bàn”. Trên bình diện cao siêu, trừu
tượng, Phật thường im lặng, không muốn giảng giải tự biện nữa, không muốn đi vào
tranh biên siêu hình mà xao lãng việc tu chứng.
Theo ý kiến của các nhà luận sư,
trong lúc sinh thời, Phật chỉ muốn giảng dạy những điểm còn thấp, còn thô sơ
cho nền Phật học nguyên thuỷ, bởi vì Đức Phật hiểu căn cơ của chúng sinh chưa
khái mở, cho nên chỉ cần kết cấu một chiếc bè thô sơ để đưa chúng sinh đến gần
bến giác mà thôi. Lúc bấy giờ Ngài thường nói về Tứ Diệu đế, về Thập nhị nhân
duyên, về thuyết Ngũ – uẩn, về quan niệm vô ngả trong tâm lý học, và quan niệm
nghiệp báo trong luận lý học, về Bát chánh đạo trong con đường tu luyện.
Thực ra giáo lý Đạo Phật đều hàm
dung một cách sâu rộng trong Tứ Diệu đế gồm 4 tầng: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Những
quan niệm còn lại chỉ nhằm khai triển làm sáng tỏ rộng rãi những nội dung trong
Tứ Diệu đế.
1. Khổ đế: Mọi chúng sinh đều là
phiền não và khổ ải: sinh là khổ, già là khổ, chết là khổ, ưa thích cái gì mà
không được là khổ, hay đắm say triền miên trong ngũ dục cũng là khổ. Đây là một
sắc thái bi quan và độc đáo của đạo Phật, trong khi truyền thống trong các Kinh
Vệ đà (Vé-das), Áo nghĩa thứ (Upanishads), Bà la môn thì ca ngợi vẽ huy hoàng
của cuộc sống.
Danh sĩ tiền bối Ôn Như Hầu,
trong Cung oán ngâm khúc đã than thở:
“Thoát sinh ra miệng đà khóc choé
Trần có vui sao chẳng cười khì”
Hay là
“Tuồng ảo hoá đã bầy ra đó
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau”
Thi sĩ Bùi Giáng có vẽ tế nhị,
nỗi khổ tiềm ẩn sâu trong tâm hồn như một vết thương của nhát chém hư vô.
“Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
Chẳng bao giờ thoả đáng giữa đời câm
Em ngó mãi những chiều về trở lại
Mang những gì về trong cõi trăm năm”.
Nhưng rồi có lúc ông phải đối
diện với cái nguyên hình trần trụi hơn của khổ ải:
“Một đời lận đận đo rồi đếm
Gối mỏi người đi đứng lại ngồi”.
2. Tập đế: Nguyên nhân của khổ là
Tập. Tập là tập quán, là thói quen tích luỹ từ nhiều kiếp quá khứ trong nhận
thức. Theo lời dạy của Đức Phật hết thảy cái sự vật trong cõi đời vốn là vô
thường và giả hợp, giả tưởng, thế mà con người trong mỗi sát na, lại trải qua
bao nhiêu kiếp lại lầm tưởng là thật, là thường. Ngay cả hình hài và tâm tưởng
con người cũng biến đổi không ngừng. Chẳng hạng trong Y học đã chứng minh cứ 7
năm thì các tế bào sẽ thay đổi hết, máu mỗi ngày mỗi thay đổi. Tâm tưởng con
người cũng không ngoại lệ, có lúc vui, lúc buồn, lúc thương, lúc ghét nối tiếp
sinh diệt liên tục
Nhà thơ Nguyễn Công Trứ khi viết
“Vịnh cảnh Hà Nội” ông đã không giữ được xúc cảm trước nỗi tan thương, cảnh vật
đổi sao dời:
“Giang sơn trầm tiếu cổ hưng vương
Đồ thiên nhiên riêng một bức tang thương
Khách du lãm coi chừng thăm hỏi
Đã mấy độ sao dời vật đổi
Nào vương cung đế miếu ở đâu nào?
Mỉa mai vượn hót oanh chào”.
Một lần khác, ông tỏ ra bùi ngùi,
ngao ngán cho thế thái nhân tình trong đôi mắt chứng nhân lẽ vô thường của nhân
gian và thế sự;
“Ra trường danh lợi, vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai, khóc trước cười
Chuyện cũ trải qua đà chán mắt
Việc sau nghĩ lại, chẳng thừa hơi”
Tình cảnh làm quan
Để làm rõ cái vô thường và tính
giả hợp của sự vật là nguyên nhân khổ ải trong Tập đế, Đức Phật giảng dạy “Thập
nhị nhân duyên. Mười hai nhân duyên này gồm: Vô minh sinh Hành, hành sinh Thức,
thức sinh Danh sắc, danh sắc sinh Lục nhập, lục nhập sinh Xúc, xúc sinh Thọ,
thọ sinh Ái, ái sinh Thủ, thủ sinh Hữu, hữu sinh Sanh, sanh sinh Lão, Tử…
Thông thường người ta xem Vô minh
như là một định đề không giải thích được, tuy nhiên cơ thể hiểu là “Không thấy
sự thật, không sáng suốt.v.v.v. và Vô minh đứng vị trí then chốt, chẳng hạn do
vô minh nên trong thức giác sinh khởi thế giới ta bà, vô minh sinh vọng niệm,
vọng niệm lại sinh ra chồng chất vọng niệm khác.v.v. Cái vòng nhân duyên xem
như bắt đầu từ vô minh lại kết thúc bằng vô minh. Vô minh có thể xem như được
kết tập nên bởi nghiệp lực của luật nhân quả. Nghiệp là gốc rễ bám trong vô
minh và là nguyên nhân của sinh – lão – bệnh tử. Có thể nói rằng, với cái nhìn
qua Thập nhị nhân duyên thì các sự vật, từ hình hài đến giòng cảm xúc và tâm
linh, đều suy động bởi nghiệp lực của quá trình nhân quả.
3. Diệt đế: Phật dạy con đường
loại trừ mầm mống của khổ là phải diệt vô minh, phép màu của đạo diệt là Bát
chánh đạo gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mệnh, chánh nghiệp,
chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Bát chánh đạo là một sự khai
triển chi tiết của 3 phạm trù: Giới (Chính ngữ, chính mệnh, chính nghiệp). Định
(chánh niệm, chánh định, chánh tinh tấn, chánh tư duy). Tuệ là trí tuệ, tức đạt
đến những thức cao siêu (chánh kiến).
4. Đạo đế: Bát chánh đạo là con
đường tu tập giải thoát căn bản khi đối mặt với sự khổ ải và vô minh, theo danh
từ nhà Phật, thì lúc đó hành giả sẽ liễu ngộ đạo hay đạt đến cảnh giới của Niết
bàn. Lúc còn sinh thời, Đức Phật đều giữ im lặng trước câu hỏi “Niết bàn là
gì?” dù đó là câu hỏi của đệ tử bên cạnh Ngài, vì nếu trả lời có lẽ Ngài buộc
phải chấp một số ý kiến thế gian để giải thích một trạng thái đã vượt khỏi phạm
vi tương đối. Đó là điều Ngài không muốn. Vì vậy, Bồ Tát Long Thọ đã viết:
“Niết bàn là ngừng định ngừng hết tất cả những tư tưởng vô và hữu, sắc và
không” hoặc diễn đạt: Niết bàn có nghĩa là huỷ diệt sinh tử, huỷ diệt thế giới
dục vọng, huỷ diệt điều kiện không – thời gian hay là Niết bàn là thế giới
không có không – thời gian và thế giới nào không có không – thời gian, đó là
Niết bàn.
*
* * * *
Ý nghĩa căn bản của Phật pháp là
nhằm giải quyết vấn đề sinh tử cho nên sinh tử là vấn đề trung tâm nhất của
Phật pháp: “Ngoài sinh tử không có Phật pháp, ngoài Phật pháp không có sinh
tử“.
Phật giáo là sự hợp nhất giữa Tôn
giáo và Triết học. Đây là điểm nổi bậc nhất của Phật giáo. Quan niệm của đức
Phật về thực tại càng ngày càng phát triển và trở thành triết lý của đạo Phật.
Thể hiện quan điểm đó trong cuộc sống thực tế của con người, đó là khía cạnh
tôn giáo của đạo Phật.
Sau 49 năm thuyết giảng Phật pháp,
Đức Phật luôn luôn nhắc nhở mọi người phải động não tư duy phản tỉnh chứ đừng
vội tin Ngài. Thậm chí Phật giáo còn được xem là “Vô thần luận”. Tinh hoa của
Phật giáo trên con đường tu tập là nhấn mạnh việc tỉnh ngộ, chủ yếu là tự lực
và giác tỉnh nội tâm vì Phật dạy mỗi chúng sinh đều có Phật tính. Có thể trích
dẫn ý kiến của Junjiro Takakusu, thầy Tuệ Sỹ dịch “Nếu không có quan điểm chân
chính về đời sống thì sẽ không có sự tu dưỡng, và nếu không có sự tu dưỡng
chính đáng thì sẽ không có sự thể nghiệm đời sống. Sự tu dưỡng ở đây lại có ý
nghĩa là kết quả của suy tư chân chính”.
Bát chánh đạo có thể xem như là
nền đạo đức thực nghiệm có mục đích rèn luyện đức hạnh con người trở nên cao
đẹp hơn, đồng thời là con đường tôn giáo đưa người đến giác ngộ, thành Phật.
*
* * * *
Trên đây là khái lược các quan
niệm về sinh – tử của 4 tôn giáo lớn của nhân loại. Họ có một điểm giống nhau
là xem vấn đề sinh – tử là vấn đề căn bản quan trọng của đời người. Các điểm
khác biệt sâu sắc nhất ở chỗ: hình thái tôn giáo “Tự lực” và hình thái “Tha
lực”.
Ngoại trừ Phật giáo, các tôn giáo
khác và một số trường phái tư tưởng khác như Ki-tô giáo, Bà la môn giáo Ấn Độ,
Hồi giáo, Khổng giáo, Đạo giáo thể hiện niềm tin đựa vào “Tha lực”, theo nghĩa
mặc khải vào một quyết định do Định mệnh, Thiên định, Thượng đế hay tương tự.
Chẳng hạn đối với Khổng giáo chủ
trương Thiên mệnh là nguyên lý cơ bản nhân sinh, nói theo Nho giáo: “Sống chết
có mệnh. Chết yểu hay sống thọ không có gì khác nhau. Tự sát để tìm cái chết
cũng là định số trong mệnh”. Tất cả đều được định đoạt một cách thầm kín, không
một ai có thể can thiệp được.
- Đạo giáo cho rằng Đạo là căn
nguyên của vạn vật. Lão Tử dạy:
“Vô danh thiên địa chi thuỷ
Hữu danh vạn vật chi mẫu”.
(Không tên là khởi đầu của trời
đất
Có tên là mẹ của vạn vật)
Đạo đức kinh lưu ý: “Ra đời là
sống, vào đất là chết, cứ mười phần thì có ba phần thọ lâu, ba phần chết sớm,
ba phần có thể sống lâu nhưng chết sớm vì không biết dưỡng sinh, họ thụ hưởng
đời sống vật chất thái quá. Lão Tử không cho rằng sống chết có “Định số“.
- Bà-la-môn giáo Ấn Độ thì Phạm
thiên được cho là nguyên lý sáng tạo hay một Thượng đế hữu ngả. Do Thái giáo và
Hồi giáo thì Chúa là đấng Toàn năng. Ki-tô giáo Jesus thờ Đức Ki-tô là đấng
Chúa cứu thế. Theo Thánh kinh, vạn vật rốt cuộc cũng trở về với tình thương của
Chúa. Vậy Chúa là điểm khởi nguyên và cũng là điểm cuối cùng.
- Phật giáo là tôn giáo “Tự lực”
có nội dung chủ trương là dựa khả năng bản thân mình để giác ngộ. Trong 12 chi
duyên khởi, không nêu ra chi nào là nguyên nhân tối sơ – chúng tạo nên bánh xe
sinh hoá. Thời gian trong đạo Phật được mô tả là một vòng tròn không có khởi
đầu, không có chấm dứt. Một sinh vật chết đi không phải là chấm dứt mà có một
đời sống khác bắt đầu và sẽ trải qua một quá trình sống chết tương tự. Và cứ
như vậy lặp đi lặp lại thành một vòng tròn sinh hoá vô tận. Trong biến dịch của
dòng sinh hoá, thời gian thì tương tục không gián đoạn cho nên không thể xác
định sinh vật đó là thứ gì vì nó luôn luôn tiến hoá và thay đổi qua 12 chi phần.
Thông thường người ta xem chi phần vô minh là khởi đầu, vì vô minh tiếp diễn
qua sự chết. Khi chết thì hình hài tan rã, nhưng vô minh vẫn tồn tại, vô minh
được xem là sự kết tinh các hành động (nghiệp) mà sinh vật đó tạo tác trong
cuộc đời của nó, bởi vì hành động là sự biểu lộ năng lượng vật lý và tâm lý và
năng lượng tiềm tàng có thể nói là nghiệp cảm.
Trong Phật giáo, sự tiếp diễn của
đời sống không xảy ra theo lộ trình tuyến tính, mà nó phát triển theo một đường
tròn và đường tròn cứ diễn trình mãi mãi theo các chu kỳ khác nhau.
Sự tự lực hay sự tự tạo được qui
kết do hành vi cá thể, nó không hề có quyết định của một “nhân cách” nào khác.
Diễn trình tự tác tự thọ, nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu. Hành động
trở thành một dẫn nghiệp, dịch chuyển trên đường tròn sinh hóa. Dẫn nghiệp có thể
đưa một sinh vật thác sinh có thể trở thành làm thú, làm người hay làm trời.
Kinh Pháp cú dạy: “Tất cả chúng
ta đều là kết quả của những gì chúng ta đã tư tưởng, nó nương tựa trên các tư
tưởng của chúng ta” . Để có thể trực nhận được ý nghĩa ý của kinh ta phải thấy
rằng tư tưởng hay ý chí vốn là tự do và bất định trong thế giới người, nó có
thể xuất hiện trong hình thái từ dục vọng thú tính thấp hèn cho đến các hình
thức cao hơn của sự sống dưới dạng các làn sóng nhấp nhô trong chuỗi liên tục
tự tạo.