Liệu có nên gọi nó là giấc mộng
phù hoa? Hay cơn cuồng khát của tham vọng và sự mê cuồng? Khi mà cả ngàn ngàn
con người dồn ứ vào nhau, chen lấn xô đẩy, chửi thề và gào thét, đến nỗi còn có
người bị ngất xỉu, hòng giành giật cho bằng được một mảnh vải mỏng manh đóng
dấu đỏ mà người ta gọi là “lá ấn”, hay “ấn lộc đền Trần”.
Những người già đi thể dục sáng
hôm ấy co dúm lại vì lượng xe quá chừng đông, đột ngột xuất hiện, rồi đổ bộ vào
mọi ngõ ngách của thành phố. Họ không dám băng qua đường, con đường mà hàng
ngày họ vẫn thơ thới dạo bước.
Mẹ tôi còn nhớ đó là một buổi
sáng trong lành và thanh bình. Nhưng sự trong lành và thanh bình chỉ diễn ra
trong một thời gian rất đỗi ngắn ngủi. Khi tiếng còi xe, khói xăng xe của đoàn
đoàn lũ lũ xe lớn xe bé ấy rầm rập đổ về thì sự thanh bình và trong trẻo của
buổi sớm mai trong thành phố đã bị dập tắt trong chốc lát. Không khí trở nên
ngột ngạt, bí bách. Đám trẻ đến trường phải cẩn trọng hơn. Hàng quán ồn ã và xô
bồ hơn. Và rác cũng nhiều hơn.
Nhưng đấy mới chỉ là màn chào hỏi
nhẹ nhàng của buổi đầu ngày. Đến tà tà chiều, thì lượng người khổng lồ ấy mới
bắt đầu từ các nẻo, dồn ứ lại một điểm: đền Trần. Và đây mới thực sự diễn ra
cuộc chiến cam go, khốc liệt của những cơn cuồng khát. Đám đàn ông mặt đỏ tía
tai, đám đàn bà bặm môi luồn lách. Trẻ con khóc oe oe và bị bật ra nhanh chóng.
Chúng không thể hiểu nổi đám đông những người lớn đang hừng hực quanh mình, họ
đang làm gì, muốn gì? Tại sao những khuôn mặt bỗng nhiên có thể trở nên căng
thẳng và gay gắt đến vậy. Tại sao người ta có thể đằng đằng sát khí, tranh nhau
từng khoảng không, không ngần ngại dẫm đạp và dùng cùi chỏ ngáng đường nhau như
vậy. Và càng vào gần khu vực trung tâm, dù 11, 12 giờ đêm, dù sương giá xuống,
nhưng những khuôn mặt đàn ông đàn bà, người già người trẻ đều bỗng biến thành
gương mặt của những chiến binh thiện chiến và ngoan cố, mồ hôi đổ ròng ròng.
Đích của đám đông cuồng nhiệt ấy
là gì? Đương nhiên là những bàn phát ấn lộc. Những 75 bàn. Chưa năm nào bàn
phát ấn được mở nhiều đến thế. Vậy mà nó vẫn không xuể. Người ta vẫn phải giành
giật nhau, cố sống cố chết lao lên, bám lấy những cái song sắt chắc chắn được
dựng như cái lồng sắt có mái che để bảo vệ bàn phát ấn. Nếu không có cái lồng
kiên cố ấy, thì nguy cơ bị cướp giật ấn lộc là hoàn toàn có thể. Đã từng xảy ra
chuyện ấy, và BTC phải có biện pháp đối phó.
Cướp ấn lộc còn là chuyện nhỏ,
rủi mà có xảy ra thảm họa giẫm đạp người như đã từng xảy ra ở Capuchia thì
không hiểu các nạn nhân sẽ biết phải làm gì với tấn ấn lộc đang giữ khư khư
trên tay, trước khi qua thế giới bên kia? Liệu thế giới bên ấy, lá ấn còn có
nghĩa lý gì không?
May mà người ta có thể thở phào là tình huống
xấu đã không xảy ra, dù có nhiều người bị ngất, nhiều người bị đau; chưa kể
nhiều người bị móc nhẵn túi. Nhưng cứ cơ sự này, ai dám chắc năm sau, năm sau
nữa, việc xin ấn và phát ấn theo cái đà chen lấn và cướp giât khủng khiếp thế
này không sinh chuyện?
Hóa ra, chỉ từ mong muốn nho nhỏ
là được sở hữu lá ấn lộc để thăng quan tiến chức, người ta đang không từ việc
gì. Những cán bộ văn phòng chỉn chu cũng bặm môi thi đấu với đám công nhân nhà
máy. Mấy bà chị bán rau quả cũng cố sống cố chết chen lấn với đám thuế vụ. Cuộc
đua kiếm bằng được lá ấn không ai chịu ai.
Mẹ tôi bảo, tối ấy, bà đi ngủ từ
sớm. Những năm trước, khi người ta chưa cuồng tín với ấn lộc như bây giờ, quãng
chín mười giờ đêm, thế nào bà cũng theo mấy cụ hưu trí bên hàng xóm, đạp xe ra
đền, chờ qua 12 giờ đêm, đến lúc nhà đền phát ấn lộc. Bà sẽ đợi để xin một hai
tấm ấn lộc gửi lên cho con đang làm ăn trên thành phố, với mong muốn công việc
của con được suôn sẻ. Bà không mong con mình làm chức này chức nọ. Chỉ cần nó
mạnh khỏe, vậy là bà đã an lòng rồi. Nhưng vài năm trở lại đây, cái cảnh người
ta hừng hực chen nhau, bất chấp người già con trẻ, bất chấp lời ăn tiếng nói
khiến bà sợ hãi. Bà không muốn con bà khi cần lá ấn trong tay, bỗng nảy sinh
lòng tham. Rồi khi lòng tham ấy đủ lớn, con bà sẽ thành kẻ toan tính, và mưu
mô. Bà sẽ mất con bởi những thứ phù phiếm đáng kinh tởm ấy. Khi ấy lộc đâu chả
thấy, chỉ thấy tai họa.
Hàng xóm nhà tôi ngày trước có
một ông là giám đốc công ty X. Năm nào, đến dịp phát ấn lộc, đệ tử của ông cũng
xông pha kiếm cho ông bằng được lá ấn lộc. Nhiều đệ tử, thành thử ấn của ông có
đến hơn chục cái. Ông lại mang ấn đi biếu cấp trên. Thế rồi đùng cái, thanh
tra, kiểm toán sục vào công ty ông. Lùng bùng một hồi, rút cuộc ông ngồi tù mất
bảy năm vì tham ô, làm thâm hụt ngân sách nhà nước. Chả cấp trên nào cứu được
ông. Họ cũng chả thiết giây vào cho bị vạ lây.
“Thầy” vào tù thì đệ tử cũng cao
chạy xa bay. Vợ ông lọ mọ đi xin ấn lộc, bị người xô ngã, trật cả đầu gối. Ấn
lộc thì có mà án tù có gỡ được đâu, lại còn bị thiệt thân.
Những chuyện ấy, mỗi khi nhắc
lại, mẹ tôi lại rùng mình.
Nhưng sự sùng tín, cuồng khát của
cả biển người bủa vây quanh khu vực đền Trần vào đêm rằm tháng giêng thanh
khiết, thuốc nào giải được đây?
Kẻ trèo lên nóc nhà, người leo
cành cây. Những rào chắn chốt chặn tại nơi vào điểm phát ấn bị xô đổ một cách
không thương tiếc. Ấn lộc – theo thông báo – được phát miễn phí, nhưng ai cũng
lăm lăm tiền trong tay. Không ai ngây thơ nghĩ là mình có thể được phát không
cái gì. Càng nhiều tiền, nhận về càng nhiều ấn. Rồi cũng vẫn cái ấn vừa được
mua chóng vánh, không cần mặc cả ấy, quay vòng ra ngoài đã có giá lên năm, bẩy
lần. Mùi kinh doanh sực nức trong những lá ấn vừa được phát ra.
Và đã hoàn toàn không còn sự linh
thiêng, tôn kính của một nghi lễ mang mầu sắc tâm linh trong đám đông hò hét,
chen lấn nhau hỗn độn kia nữa.
Thực ra nó đã không còn giữ được
sự linh thiêng khi mà ấn giả, dấu giả bán tràn lan quanh khu vực đền Trần từ
nhiều ngày trước đó. Thậm chí có hẳn một video clip của phóng viên báo Tiền
phong ghi được cảnh “ban ấn sớm” ngay trong cấm cung của đền Bảo Lộc, chỉ với
100.000 đồng. Ai mua ấn với số lượng nhiều còn được khuyến mãi giá rẻ chỉ với
năm nghìn đồng!
Và với cả vạn chiếc ấn được phát
ra trong đêm 14, rạng ngày 15 tháng giêng, người cả tin nhất cũng không thể
nghĩ rằng toàn bộ số ấn được đóng đúng vào 12 giờ đêm hôm đó. Nghĩa là ấn đã
được đóng từ trước, và chỉ để đợi đến sau khi làm lễ thì mới đem ra phát cho
dân chúng. Và nghĩa là hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp ấn đóng xong (từ
trước) đã bị rò rỉ ra ngoài để bán lậu.
Vậy thì xét cho đến cùng, lá ấn
lộc có còn ý nghĩa nữa không?
Từ chuyện chen nhau tranh cướp ấn
đền Trần, mẹ tôi chua chát bảo: người Việt mình đang chứng minh cho sự cuồng
tín và ăn thua bậc nhất của mình. Đầu năm không xin được ấn lộc là không xong,
bởi vậy người từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, hay Hải Phòng, Hà Nội, Quảng
Ninh… nhất tề đổ về đền Trần (Nam
Định). Những chiếc ấn tiếp sức cho những giấc mơ cuồng dại về quyền lực. Giấc
mơ ấy nếu chưa thành hiện thực trong năm nay, thì năm sau, họ lại tiếp tục
“chiến đấu” để kiếm cho bằng được. Nếu giấc mơ thành hiện thực, họ thắp tiếp
giấc mơ mới, với mục tiêu chinh phục mới. Và cơn khát quyền lực sẽ mãi mãi
không bảo giờ được thỏa mãn, mà câu chuyện xin ấn đền Trần chỉ là một góc rất
nhỏ của khát vọng chinh phục quyền lực ấy.
Hình như không còn nhiều người đi
đền đi chùa để tâm hồn mình được gột rửa, được thảnh thơi. Người ta đến chùa
với cả sấp tiền kè kè cắp nách. Người ta cầu khấn rôm rả với những danh cao lộc
trọng rồi hỉ hả rải tiền lẻ khắp các ban bệ, rải đầy xuống cả đầu tượng. Ngay
đến cả tiêu bản cụ rùa trong đền Ngọc Sơn, người ta cũng cố cạy khe của kính
ngăn để nhét tiền lẻ vào. Người ta không buồn hiểu rằng: Cụ rùa ấy chết đã mấy
chục năm rồi. Cụ có sống thì cụ cũng không tiêu tiền lẻ mà con cháu cụ đang cố quăng
bừa bãi vào người cụ như vậy. Người ta không biết làm việc tốt để tích đức
tích, tích lộc thì cái việc chen lấy tranh giành lá ấn Trần hay rải tiền lẻ
khắp các đền chùa thì phỏng có ích gì đây?