Ðề tài tôi nói chuyện với Tăng Ni
và Phật tử hôm nay có tên Hoa hay là rác? Vừa rồi, đi chơi buổi sáng qua nội
viện Ni ở Trúc Lâm, tôi thấy mấy cây hoa trà mi nở rộ thật đẹp. Vài hôm sau
cũng đi qua chỗ đó thấy nó rụng xuống đầy đất, không ai chịu quét nên Quản
chúng rầy: "Rác rến đầy hết mà sao không chịu quét", nhân đó tôi có
đề tài này.
Hôm qua còn ở trên cành, ai cũng
trầm trồ khen đẹp, nhưng vài hôm sau héo rụng xuống đất, không ai gọi là hoa
đẹp nữa mà nói là rác rưởi, không chịu dẹp sạch thì bị rầy. Như vậy hoa là hoa
mãi hay chỉ là hoa ít hôm rồi thành rác? Chỉ việc này nếu chúng ta nghiệm kỹ sẽ
thấy đạo lý rất thâm sâu.
Lúc còn ở Chân Không, nhân thấy
con chó chết, tôi có làm hai câu kệ: "Còn động còn ấm còn ta, động dừng ấm
dứt thì ma ra đồng." Thân chúng ta cũng vậy, khi còn hơi ấm, còn thở ra
vào thì còn là người thân, người yêu, người quí của mình. Nhưng phút trút hơi
thở cuối cùng, hơi ấm tan dần, lúc đó gọi là người thân yêu hay là thây ma?
Cũng như từ một đóa hoa tươi tốt, chúng ta khen quí, ít hôm sau thành rác rưởi
bị chê bỏ, không quét không được. Từ một người thân đang được quí mến mà trút
hơi thở cuối cùng, tất cả hơi ấm trong người tan hết, liền trở thành một thây
ma. Dù thân quyến thương mến mấy cũng không ai dám để thây ma đó trong nhà quá
năm bảy hôm.
Người quí mến của mình hôm trước,
bữa nay có khác với đóa hoa không? Ðóa hoa còn tươi trên cành được quí, ai hái
mình la rầy. Mấy hôm sau nó rụng xuống đất khô héo, ai không quét mình cũng
rầy. Thân chúng ta khi khỏe mạnh vui tươi ai cũng quí mến, nhưng mai kia tắt
thở không còn hơi ấm nữa, chừng năm mười tiếng đồng hồ người ta bắt đầu sợ từ
từ rồi. Nếu để năm ba hôm không đậy, chắc chắn không ai dám nhìn. Thế thì có
thua gì xác hoa rụng đâu.
Chẳng những thân phận con người,
mà tất cả sự vật trên thế gian này đều như thế. Chúng chỉ có giá trị khi còn tốt,
còn lợi ích, đến lúc sức tàn lực kiệt, sắc màu phai nhạt thì tất cả đều không
ra gì. Vậy mà khi sống còn nói năng đi lại, chúng ta có chịu nhịn chịu thua ai
không? Ít nhiều gì cũng ráng cãi cho thắng người, dù cuối cùng mình chỉ là một
thây thối thôi. Thiền sư Mãn Giác có làm bài kệ Tết thế này:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai,
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Tạm dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười,
Sự việc trôi qua mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết,
Ðêm qua sân trước một cành mai.
Chỉ bốn câu trên thôi đủ để tả sự
đổi thay không bao giờ dừng lại của cả thế gian. Mùa Xuân đến hoa nở, mùa Xuân
đi thì hoa tàn. Hoa nở rồi tàn, người sanh rồi tử, cũng giống như nhau. Từ các
sự vật bên ngoài cho đến bản thân con người đều chịu chung một qui luật, nở rồi
tàn, sanh rồi tử, không ai thoát được hết. Chúng ta hiện sống trên quả địa cầu
đang quay vùn vụt, nếu nó ngừng quay thì mọi vật sẽ nổ tung. Con người cũng
vậy, sống trong cái động tự nhiên chúng ta phải chịu chung một qui luật vô
thường. Luật vô thường này không tha thứ, không chừa một ai, thế mà mình lại
không nhớ. Làm được việc này việc nọ rồi thì hăng hái xông pha hoài, không nhớ
ngày mai mình ra sao!
Thiền sư Mãn Giác nói "Sự
trục nhãn tiền quá" tức là trước mắt luật vô thường giống như dòng nước
cuốn trôi hết. Tất cả sự vật trên thế gian đều bị dòng nước vô thường cuốn đi,
không dừng ở một chỗ. Nhìn lại mình đầu đã bạc trắng lúc nào không hay, đó là
luật vô thường cuốn trôi.
Nhưng Thiền sư còn có hai câu thơ
sau: Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận, Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai, nghĩa là
"chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua trước sân còn cành mai". Tất
cả hoa đều bị thời gian Xuân, Hạ, Thu, Ðông làm tàn phai, rơi rụng, nhưng có
một loài hoa vẫn nở rực vào tiết mùa Ðông. Hai câu thơ chót thấm thía làm sao!
Trong cảnh đời vô thường, muôn vật cho đến con người, không ai thoát khỏi sự
sanh diệt, thế mà vẫn còn có một cái luật vô thường không chi phối được. Nó vẫn
đứng vững giữa dòng chảy vô thường. Ðó là cành mai. Như vậy cành mai nói lên
cái gì?
Ðạo Phật nhìn đúng chân lý của
muôn sự muôn vật, thấy rõ luật vô thường, nhưng trong cái vô thường ấy lại ngầm
có cái chân thường bất sanh bất diệt. Song con người không biết không nhận ra,
nên chỉ thấy luật vô thường chi phối. Chúng ta là hàng xuất gia, có nên chấp
nhận dòng cuốn ấy hay giống như hoa mai, vẫn nở rực giữa mùa Ðông lạnh giá? Nếu
cưỡng lại luật vô thường gọi là giải thoát sanh tử, còn đi theo luật vô thường
là trôi lăn trong sanh tử. Ðó là một vấn đề hết sức thiết yếu.
Người xuất gia là người chấp nhận
trôi lăn trong luân hồi sanh tử hay giải thoát luân hồi sanh tử? Ðó là câu hỏi
mà tất cả Tăng Ni, Phật tử chúng ta phải hiểu, phải thấm. Chúng ta chịu đưa tay
đầu hàng con quỉ vô thường, mặc tình cho nó dẫn đi đâu thì đi hay ngược lại,
phải thoát ra vòng tay của nó? Nếu qui thuận đầu hàng thì tu làm gì, ở ngoài
thế gian hưởng thụ ăn ngon, mặc đẹp cho sướng. Ði tu chay lạt, khổ sở làm chi
cũng bị quỉ vô thường dẫn đi, có hơn ai đâu. Vấn đề này cần phải thâm hiểu cho
thấu đáo mới thấy giá trị của người tu là cao siêu. Nếu ta thả trôi ai sao mình
vậy thì người tu không kém gì kẻ thế tục.
Vậy muốn đối đầu với vô thường
chúng ta phải làm sao? Hoa mai nở vào mùa Ðông là hình ảnh thoát ra ngoài định
luật vô thường, chúng ta tìm ở đâu ra cái thoát khỏi vô thường đó? Ðây là điều
then chốt người tu chúng ta cần phải thấu triệt.
Chúng tôi chủ trương mỗi đêm Tăng
Ni phải tụng Bát-nhã, xả thiền cũng tụng Bát-nhã là để làm gì? Tôi nhắc lại một
đoạn trong Bát-nhã, đức Phật đã chỉ cho chúng ta lối thoát ra khỏi luật vô
thường như thế này: "Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa
thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách." Nghĩa là
Bồ-tát Quán Tự Tại khi hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều
không, liền vượt qua tất cả khổ ách. Một câu này thôi đủ giải thoát rồi.
Từ lâu chúng ta sống trong vô
minh tăm tối, chấp thân tứ đại là thật, tâm sanh diệt nghĩ suy phân biệt là tâm
mình thật. Thấy hai thứ đó thật, nhà Phật gọi là vô minh. Vì chấp thân thật nên
quí thân, quí luôn những gì thân ưa thích. Như vậy từ chấp thân thật, chúng ta
chạy theo sự đòi hỏi của nó, gom góp tất cả vật chất nó thích về mình. Kế đó
cho cái hay suy nghĩ, phân biệt, cảm xúc là tâm tôi. Tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ
thế nọ, tôi buồn, tôi thương, tôi giận, tôi ghét, tất cả đều là tôi hết.
Cuộc sống con người quan trọng ở
hai mặt vật chất và tinh thần, hay nói cách khác là thân và tâm. Thân thì chấp
tứ đại thật, tâm thì chấp phân biệt, hơn thua, phải quấy, tốt xấu là tâm mình
thật rồi tự mãn với bao nhiêu đó. Không biết thân này tạm bợ, đủ duyên thì còn,
thiếu duyên thì mất. Trăm người, vạn người, cho đến ức triệu người, không ai
thoát khỏi già chết. Cái không thể giữ, không thể còn mãi mà chúng ta cố giữ,
như vậy có đúng không?
Nếu thân này thật thì cha ông
chúng ta phải còn. Hỏi ra tất cả đều mất hết, mình cũng sắp mất nữa, thì thật ở
chỗ nào? Cái không thật mà tưởng là thật gọi đó là gì? Là vô minh, mù tối,
không nhận chân được lẽ thật. Kế đó tâm suy nghĩ, tưởng tượng, được mất, hơn
thua, phải quấy, cho là tâm mình. Nhưng khi nhìn kỹ xem những thứ đó ở đâu? Tìm
lại không thấy, nó biến dạng biến hình mất tiêu. Nếu thật thì phải có chỗ trú
ẩn, nếu không có thì rõ ràng là không thật. Chẳng qua chúng chỉ là bóng dáng
tiền trần do mình tưởng tượng ra, rồi theo đó tạo nghiệp chịu luân hồi sanh tử.
Như vậy chấp thân thật, chấp tâm
thật là gốc của luân hồi sanh tử, nên đức Phật dạy Bồ-tát Quán Tự Tại quán sắc,
thọ, tưởng, hành, thức là Không. Sắc tức là thân tứ đại, duyên hợp tạm có không
thật. Thọ tức là cảm giác của mình, mắt thấy sắc liền phân biệt đẹp xấu, đẹp
thì thích, xấu không thích, đó là cảm thọ của mắt. Tai nghe tiếng khen chê liền
vui buồn, đó là cảm thọ của tai. Cho tới lưỡi, thân cũng vậy, những cảm giác
mình ưa thích hoặc không ưa thích v.v. đều thuộc về Thọ uẩn. Chúng không tự có,
đợi cảnh duyên tiếp xúc với các căn mới có. Như vậy thọ cũng không thật, là
Tánh không.
Tưởng tức những tưởng nhớ về quá
khứ hay vị lai v.v. chúng cũng đều là bóng dáng không thật. Quá khứ đã qua, vị
lai chưa đến, hiện tại là một dòng sanh diệt, thế thì tưởng cái gì? Cho nên
biết tưởng chỉ là ảo tưởng thôi, không thật. Hành là suy tư, niệm này sanh niệm
kia diệt. Thí dụ chúng ta đi chợ, định mua món thứ nhất là rau cải, món thứ hai
là nước tương, thứ ba là gì đó, nghĩ cái này, nghĩ cái kia, nghĩ luôn luôn
không dừng, nên gọi hành, tức từng bước từng bước tiến chớ không dừng ở một
chỗ. Như vậy hành cũng không thật. Ðến thức phân biệt đẹp xấu, hơn thua, phải
quấy là y cứ trên căn và cảnh mà có sự phân biệt. Nếu căn cảnh đã không thật
thì thức cũng không thật.
Tóm lại thọ, tưởng, hành, thức,
bốn thứ này thuộc tâm, sắc thuộc về thân. Bản tánh của thân tâm là không, duyên
hợp tạm có, hư ảo không thật. Nhưng chúng ta thấy nó thật nên mới sanh ra luân
hồi khổ đau muôn kiếp. Bây giờ chỉ cần soi thấu Sắc uẩn là thân duyên hợp hư
dối; thọ, tưởng, hành, thức là bóng dáng duyên theo sáu trần không thật. Hai
thứ đó đều không thật, tánh nó là Không, theo duyên tạm hiện. Thấu đáo điều đó
rồi chắc chắn chúng ta vượt qua hết tất cả khổ ách.
Chúng ta tu là thâm nhập lời Phật
dạy, hiểu cho thấu đáo để ứng dụng tu, chớ không phải tụng kinh cho Phật nghe.
Phật thuộc rồi mới dạy mình, vậy mà đêm nào ta cũng tụng cho Phật nghe thì tội
nghiệp Phật quá, nghe hết bài kinh này đến bài kinh nọ cũng mệt mỏi chứ! Tụng
kinh là nhắc lại lời Phật dạy, nhớ hiểu để ứng dụng tu cho đúng, chớ không phải
đánh mõ cho nhanh tụng cho lẹ để rồi bổn phận. Giải y ra thấy cái gì cũng thật,
chứng nào vẫn tật nấy, tụng kinh như thế chẳng khác nào chê bai đùa giỡn với Phật.
Phật nói pháp Tứ đế, Mười hai
nhân duyên hàng Nhị thừa cho là chân lý, nên Ngài bảo pháp ấy cũng không thật
luôn. Vì sao? Vì pháp là để trị bệnh chúng sanh. Chúng sanh có bệnh gì Phật nói
pháp đó để trị. Bệnh lành rồi thuốc cũng phải bỏ. Bởi thuốc và bệnh đều không
thật. Nếu bệnh thật thì không lành, đã lành thì không thật. Bệnh không thật thì
thuốc cũng không thật. Cho nên cả Tứ đế, Thập nhị nhân duyên đều không thật,
tất cả pháp đối đãi đều không thật. Vì vậy Phật nói không vô minh, không vô
minh diệt. Phá được mê lầm về thân, về tâm thì chúng ta hết khổ.
Như vậy làm sao tìm ra cái thật
đây? Câu "dĩ vô sở đắc cố", nghĩa là vì không có sở đắc, nên Bồ-tát
diệt hết những buồn phiền, đau khổ để đi tới Niết-bàn vô sanh. Như vậy cái gì
biết tất cả pháp không thật? Ðó là Bát-nhã. Bát-nhã là trí tuệ chân thật của
chính mình, soi thấy được lẽ thật nên tiêu diệt hết những nghĩ tưởng điên đảo,
cứu kính đạt đến Niết-bàn.
Cho nên trong thân hư ảo, tâm giả
dối vẫn còn có cái chân thật. Cái ấy "biết" hư ảo, "biết"
giả dối, đó chính là Trí tuệ Bát-nhã. Chúng ta sống được với trí tuệ này thì đi
tới chỗ vô sanh. Chẳng riêng Bồ-tát thấy như vậy mà cả ba đời chư Phật cũng đều
thấy như vậy. Ðọc kinh Bát-nhã, ta có cảm tưởng dường như có sự mâu thuẫn.
Trước thì nói không có gì thật, không có gì được, cuối cùng lại được. Ðược một
cái mà chúng ta đã từng có mà từng quên, nên nói được nhưng thật ra không được
gì cả.
Nơi mình có sẵn Trí tuệ Bát-nhã
nhưng vì không biết sử dụng, cũng như người chiến sĩ có sẵn cây kiếm bén, nhưng
giặc tới đưa tay chịu trói chớ không dùng kiếm của mình được. Chúng ta cũng
vậy, có Trí tuệ Bát-nhã rất bén nhạy, rất siêu thoát nhưng không sử dụng nên
quỉ vô thường tới liền đưa tay đầu hàng, mặc tình nó dẫn đi trong lục đạo luân
hồi, chớ không chống cự được.
Trí tuệ Bát-nhã không dính, không
kẹt với tất cả các pháp hư ảo nên thoát ly được sanh tử. Mọi vật trên thế gian
đều bị vô thường chi phối, đều bị biến động, còn trí tuệ Bát-nhã không bị vô
thường chi phối, không bị biến động nên không có lực nào làm tổn hại nó được.
Tu như vậy mới xứng đáng một đời tu, cầu đạo giác ngộ giải thoát. Chớ chỉ tu
hình tướng, ngày này qua ngày nọ, tụng kinh cho Phật nghe v.v. thì không biết
kiếp nào mới thoát khỏi luân hồi sanh tử được.
Hiểu tường tận thế rồi, trên
đường tu chúng ta mới khỏi lầm lẫn. Tôi thấy đa số người tu đều quí thân như
vàng ngọc, rất quan trọng lời khen tiếng chê, cho nên phiền não dẫy đầy. Ðó là
vì không thấu triệt được lý đạo, cứ ngỡ mình tụng kinh gõ mõ thế là tu tốt rồi.
Ðâu phải ăn chay là giải thoát, đâu phải tụng kinh nhiều là giải thoát mà phải
thấu đáo được lời Phật dạy, sống đúng như vậy mới giải thoát sanh tử được.
Hôm nay nhân ngày lễ khánh thành
Thiền viện Hương Hải, tôi nói cho Tăng Ni hiểu rõ hàng xuất gia phải tu sao cho
xứng đáng, không hổ thẹn vì đã đầu hàng qui luật vô thường, chúng ta nhất quyết
giải thoát khỏi vô thường, đó là điều ghi tâm khắc cốt của những người con
Phật.
Mong tất cả Tăng Ni nghe hiểu và
ứng dụng đúng những gì Phật dạy. Ðược vậy, lo gì chúng ta không ngửi được mùi
hương của hoa mai giữa mùa Ðông lạnh giá.
Nguồn: thuongchieu.net